Từ câu chuyện “cầu quan” đến xây các tượng đài, tưởng là “vì dân” nhưng ở một góc độ khác, thực ra, là sự vô trách nhiệm với giang sơn, xã tắc, vào lúc vận mệnh quốc gia nhiều thách thức!
Cái cây cầu treo có tên Khe Tây, vừa được khánh thành, nằm ở xóm 06, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) có lẽ bỗng ngơ ngác không hiểu sao mình trở thành nổi tiếng và “quý tộc” vậy? Bởi nhiều người dân ở vùng miền núi rừng heo hút này gọi đó là “cầu quan”
Từ cầu dân thành “cầu quan”
Gọi là “cầu quan” bởi khởi đầu, đó là “cầu dân”, nằm trong Đề án xây dựng 186 chiếc cầu treo dân sinh ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Bộ Giao thông Vận tải.
Ý nghĩa nhân sinh nằm ngay trong cái tên gọi- cầu treo dân sinh. Vậy mà khi về với xã Sơn Thọ, nó biến thành “cầu quan”.
“Cầu quan” bởi lẽ ra phải phục vụ cho 42 hộ dân như trong đề án, thì thực chất khi khánh thành xong, cầu chỉ phục vụ mỗi… hai hộ dân. Gía trị đầu tư chiếc cầu treo này không nhỏ- khoảng 3,5 tỉ đồng, mà oái oăm, là theo nhận định của p/v (TPO, ngày 06/8) cầu treo dân sinh được xây dựng ngay gần chiếc cầu liên thôn kiên cố (có tên là cầu Gãy)- đi thẳng vào ngõ nhà ông Chủ tịch xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Khỏi phải nói cây cầu treo bỗng bị… treo lơ lửng trong sự quan sát, dòm ngó và bàn luận ồn ào của báo chí, các trang mạng XH ra sao. Bởi sự hiện diện của nó là sự lãng phí, bất công đã đành. Nó còn chứa đựng cả sự quan liêu, dối trá, vô trách nhiệm của những vị cán bộ… có trách nhiệm các cấp, xung quanh cây cầu này.
Ngay lập tức, hình thành nên hai bên cây cầu treo là sự đối đáp, phản biện lẫn nhau giữa “hai phe”. Một bên là Tổng cục Đường bộ VN, cơ quan chịu trách nhiệm về cây cầu, một bên là dư luận báo chí. Khẳng định và hoài nghi. Thanh minh và mổ xẻ. Tự khen và chê trách. Hệt “hát đối” quan họ Bắc Ninh. Vui phết!
Phía bảo vệ vị trí cây cầu, ở đây là ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, không có chuyện xây cầu treo cho hai hộ dân, báo chí phản ánh chưa đúng thực tế. Theo ông này, vị trí xây dựng cầu treo Khe Tây là để phục vụ việc đi lại, sản xuất của cụm dân cư sinh sống nằm bên sườn núi Khe Tây thuộc thôn 06 của xã Sơn Thọ. Đặc biệt, lưu lượng người qua lại khoảng 500 lượt/ngày đêm, theo biên bản làm việc ngày 1/11/2014 giữa đơn vị Tư vấn thiết kế với đại diện chính quyền địa phương (báo Giao thông, ngày 08/8).
Cũng ngay lập tức nhiều tờ báo như Tiền Phong, VietNamNet, Bảo vệ Pháp luật có phóng viên về tận nơi chiếc cầu là nơi hò hẹn của … đôi bên để tận mắt nhìn, tận tai nghe. Và những nhìn nhận của báo chí lại khác hẳn.
Báo VietNamNet, ngày 12/8 đã đăng khá nhiều bức ảnh và thông tin để khẳng định, muốn đi qua cầu treo dân sinh Khe Tây, người dân phải đi đường rừng hơn 01km, vượt qua 02 cái khe. Trong khi, chỉ cần đi theo con đường bê tông rộng rãi chừng 500m là đến cầu Gãy (cách cầu treo chừng 200m). Vì thế, dù đã đưa vào sử dụng 02 tháng nay nhưng chẳng mấy ai qua cầu. Đường dẫn tới cầu treo chỉ hợp cho những ai muốn có sở thích “trèo đèo lội suối” (?). Đặc biệt nhất, trong số hơn 20 hộ dân mang tiếng được “hưởng lợi” từ việc xây dựng cầu treo, nhiều người bất ngờ và không biết chuyện xây cầu để phục vụ họ!
Hãy nghe những người dân thuộc diện “qua cầu” nói những lời không thể gió bay. Ông Nguyễn Văn Hoàn: Lâu nay gia đình tôi đi qua cầu Gãy. Việc xây cầu treo, chúng tôi không biết“- ông khẳng định trước mặt lãnh đạo Sở GTVT, Ban QLDA, UBND xã và các phóng viên. Rồi, không nhẽ 19 hộ dân ở đây vượt 02 cái khe, leo lên rừng để ra cầu treo của ông Chủ tịch chọn điểm xây dựng?
Chả lẽ cây cầu treo và ông Chủ tịch xã khôn lỏi cũng vẫn thích đánh đố “tinh thần vượt khó” của người dân nghèo khổ?
Bà vợ ông Nguyễn Hữu Hòa, cũng thuộc đối tượng “qua cầu”: Khi xây cầu xong mới biết cầu làm vào nhà lãnh đạo xã, người dân không hề được cán bộ giới thiệu hoặc ký tá gì liên quan đến cái cầu treo này.
Còn báo Tiền Phong, ngày 11/8 gọi thẳng tên vụ việc là “sự gian dối trắng trợn”, khi cho biết, con đường đất được đào men theo núi hơn 200m từ nhà ông Chủ tịch xã Sơn Thọ đi vào núi là để “che mắt” các đoàn kiểm tra.
Đựơc biết mới đây, Phó TT Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương kiểm tra, rà soát lại dự án, báo cáo TTCP trước ngày 20/8 tới.
Chưa biết việc điều tra kết luận của ngành chủ quản sẽ ra sao. Cho dù là biện hộ, cây cầu bắc cho tương lai, cho mô hình nông thôn mới của 42 hộ dân sẽ sinh nở nay mai (dự kiến), nhưng những thông tin chưa đầy đủ trên báo chí đã phác thảo sự quan liêu, nói dối và cả vô trách nhiệm của cán bộ các cấp từ Tổng cục Đường bộ VN, đến Ban QLDA xung quanh một cây cầu treo vô tội. Liệu ở đây giữa ông Chủ tịch xã và Ban QLDA cây cầu có sự “thống nhất” nào không?
Quan liêu, bởi trong báo cáo tổng cục này chỉ “dựa theo” biên bản làm việc của đại diện chính quyền địa phương, mà khẳng định lưu lượng tới 500 lượt người/ ngày đêm. Chính quyền địa phương ở đây, cuối cùng, lại vẫn là ông Chủ tịch xã, hộ gia đình được thụ hưởng cây cầu Khe Tây. Từ sự quan liêu đến dối trá hóa ra chỉ mỏng manh như một tờ giấy làm…. biên bản.
Nhưng sự quan liêu khi phải cọ sát với thực tiễn mới làm tóe loe những điều hài hước. Theo VietNamNet, ngày 13/8, bản thân ông Phạm Quang Vinh, Phó TCT Tổng cục Đường bộ, thừa nhận với báo chí, dù trực tiếp vào khảo sát hiện trường hai lần nhưng ‘chỉ thẩm định vị trí đặt mố cầu; không tham gia thẩm định về mặt kinh tế – xã hội’.
Còn ông Bùi Đức Đại, Phó GĐ sở GTVT Hà Tĩnh khi dẫn đầu một đoàn kiểm tra, đã không thể đi hết con đường mà theo giới thiệu của ông Nguyễn Đình Dũng, Phó CT xã Sơn Thọ là ‘người dân thường xuyên đi để ra cầu treo”. Bởi, nếu đi con đường ấy, phải vượt qua nhiều đồi núi và 02 khe suối.
Dối trá, bởi ông Giám đốc Ban QLDA 3 (Tổng cục Đường bộ VN) còn phản pháo báo chí một cách không biết ngượng khi khẳng định bằng một thông tin nhào nặn, rằng “tất cả đều có giấy tờ và chứng nhận của từng hộ dân”. Cũng theo VietNamNet ngày 13/8 mới đây, trong bản danh sách có 42 hộ dân được hưởng lợi từ cầu treo dân sinh Khe Tây được UBND xã Sơn Thọ gửi cho Tổng cục Đường bộ VN lại được lập vào ngày… 31/7/2015. Tức là sau khi chiếc cầu đã xong (tháng 6/2015), báo chí đã đưa tin, phản ánh. Và 42 chữ ký này nét bút rất giống nhau (?)
Vô trách nhiệm, bởi theo sự thú nhận của ông Phó CT UBND huyện Vũ Quang, nếu nói tính cấp bách thì chỗ này phải thừa nhận là chưa. Tiền đề xuất, nếu huyện đầu tư, câu chuyện hoàn toàn khác. Họ giúp thì mình nhận.
Hóa ra, chỉ vì là tiền “chùa” nên có quyền… nói dối và lãng phí?
Cầu treo Khe Tây chỉ là một trong số hàng trăm cây cầu dân sinh đã và sẽ được xây dựng. Với kiểu làm việc quan liêu, dối trá và vô trách nhiệm này, nay mai, sẽ còn bao nhiều cây “cầu quan” ra đời?
Làm suy yếu vận mệnh quốc gia?
Trước đó, có một tỉnh miền núi cao đặc biệt khó khăn cũng đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, vì độ “chơi sang”, gây ra luồng dư chấn XH rộng lớn, nhiều phê phán hơn ủng hộ, nhiều hoài nghi hơn chia sẻ, kéo dài đến tận giờ. Đó là tỉnh miền núi cao Sơn La.
Không gọi là “chơi sang” sao được khi tỉnh này tung ra chủ trương xây cái gọi là cụm công trình quảng trường- tượng đài với một con số khủng– 1400 tỷ đồng.
Xây tượng đài là việc của nhiều quốc gia vẫn thường làm. Để tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của những con người vĩ đại. Với những quốc gia văn minh, phát triển, tượng đài lãnh tụ được tạc tài hoa như những công trình nghệ thuật, lấp lánh tính thẩm mỹ, mỹ thuật, trở thành những địa danh văn hóa, thực sự thu hút khách du lịch năm châu bốn biển, thành niềm kiêu hãnh của quốc gia đó. Các tượng đài trở thành vĩnh cửu với thời gian, góp vào nền tảng văn hóa xứ sở, thành niềm tự hào của nghệ thuật điêu khắc, phản chiếu tư duy và tầng nền văn hóa quốc gia.
Vấn đề là trình độ điêu khắc, kiến trúc, cách làm và hoàn cảnh XH phát triển ra sao, có tương đồng hay không, có vì dân hay không?
Nếu so với những tiêu chí đó thì Sơn La là một tỉnh miền núi cao khó khăn vào loại nhất nhì khu vực Tây bắc. Theo Tuần Việt Nam, ngày 07/8, toàn tỉnh có 11 huyện và 01 thành phố thì có tới 05/62 huyện nghèo nhất nước. Tính đến hết năm 2013, còn gần 69.000 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ; hơn 30.000 hộ cận nghèo, chiếm gần 12% tổng số hộ. Năm 2014 có hơn 31.000 hộ với hơn 141.000 nhân khẩu thiếu đói. Nếu đối chiếu con số tiền tỷ sẽ được đầu tư để xây quảng trường tượng đài với con số dân thiếu đói, thì sự “chơi sang” có gì đó không phải đạo.
Người viết bài này từng lên công tác Sơn La, điều tra về GD vùng Tây bắc, nên quá hiểu cái nghèo, cái cực của trẻ em, người dân miền núi cao này ra sao. Thật có lý khi ông Tráng A Pao- nguyên CT Hội đồng Dân tộc Quốc hội khi trả lời báo Dân trí, ngày 05/8 cho rằng, nếu làm tượng đài to quá sẽ lãng phí và không hợp với lòng Bác vì đồng bào dân tộc còn rất nghèo khổ. Không phải cứ xây tượng đài thật lớn là thể hiện lòng tôn kính. Vì nhiều nơi, nhiều vùng Bác Hồ chưa đặt chân đến, nhưng tại sao nhân dân, đồng bào vẫn luôn nghĩ, nhớ về Bác?
Nói cho cùng, tượng đài được tạc vào tâm thức của người dân mới là vĩnh cửu, cho dù mọi biến thiên của trời đất, mọi ấm lạnh, nắng mưa lịch sử.
Sự ồn ào của XH không chỉ vì Sơn La còn quá nghèo, tiêu tiền lại vung tay quá trán, mà còn ở chỗ này, dư luận XH hoài nghi về tính thẩm mỹ của những tượng đài xây nhan nhản ở các địa phương từ trước đến nay.
Với một nền kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng thực chất còn quá mỏng, nghèo nàn, ít bản sắc dân tộc, các tượng đài ở nước Việt từ xưa đến nay mang nặng tính chất tượng đài cổ động, cho mục đích chính trị, tuyên truyền vận động, nên rất ít tính nghệ thuật, thẩm mỹ. Do nghèo nàn về sức tưởng tượng, cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật điêu khắc, hầu hết các tượng đài như cùng đúc… một lò, rập khuôn cứng nhắc, khiến người xem chẳng mấy xúc động, thấm thía về vẻ đẹp cùng linh hồn tượng đài.
Chưa nói đến sự vô lương tâm của những kẻ rút ruột, ăn cắp khiến tượng đài lớn và được mong đợi như tượng đài Điện Biên Phủ, trở nên “đau nhức” trong con mắt người xem. Chính vì thế cái giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thực chất sẽ còn “đắt” hơn nữa, nếu so với chất lượng công trình, điêu khắc, chất lượng nghệ thuật.
Mặt khác, nếu nói xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân thì xét cho công bằng, từ trước đến nay chưa có địa phương nào, kể cả Sơn La, đưa ra được kết quả điều tra mang tính XH học về nguyện vọng, nhân dân cần có tượng đài- một tiêu chí tối thiểu, thể hiện mục đích “vì dân”. Không thể chỉ dựa vào câu nói chung chung của một vài vị quan chức đại diện là… xong om!
Nói điều này, bởi ở các quốc gia văn minh có nền quản trị công khai minh bạch, thì việc “vì dân” nó rất cụ thể, sinh động, và rạch ròi.
Bởi họ rất ý thức không có nhân dân lấy đâu ra dân tộc? Lấy đâu ra những sự hy sinh vô hạn gìn giữ chủ quyền quốc gia và xây dựng đất nước?
Tỷ như ở Thụy Sĩ, Hội đồng t/p Bern đã phải làm một cuộc trưng cầu dân ý xem dân có đồng tình xây dựng quảng trưởng t/p không? Chỉ khi 62% dân t/p OK, chính quyền mới xắn tay vào cuộc (Tuần Việt Nam, ngày 07/8)
Tỷ như ở nước Mỹ, từ tượng đài George Washington, vị tổng thống đầu tiên, cho đến nhà tưởng niệm Abraham Lincoln và Thomas Jefferson, một tổng thống nổi danh trong nội chiến, một tổng thống viết Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, cho đến tượng đài Martin Luther King, người hoạt động nhân quyền, cho đến khu tưởng niệm vị tổng thống ngồi xe lăn Franklin Delano Roosevelt… tất cả đều do tiền của tư nhân, của người dân tự nguyện đóng góp. Nhà nước chỉ cấp cho đất và giấy phép xây dựng, mà không hề dùng tới ngân sách, vì đó là tiền thuế của người dân Mỹ (Tuần Việt Nam, ngày 11/8)
Nhưng ngay cả khi các tiêu chí về điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc đáp ứng yêu cầu, thì một điều kiện cốt yếu nhất là tượng đài đó có tương đồng với hoàn cảnh kinh tế XH không? Và có tạo nên sức mạnh hay góp phần làm suy yếu nội lực quốc gia? Câu chuyện của nước Nhật Bản vào thế kỷ xa xưa (15-17) với những tham vọng xây dựng tượng đài, chùa chiền lộng lẫy, nguy nga, đã làm cạn kiệt nguồn lực đáng lẽ phải dành cho củng cố lực lượng phòng vệ, khoan thư sức dân và đầu tư cho nguồn nhân lực, liệu có là bài học đáng “giật mình”.
Và nếu đặt chủ trương quảng trường- tượng đài khủng của Sơn La hàng nghìn tỷ đồng, tiếp theo đó, là 58 địa phương cũng đang rậm rịch theo con đường mòn ấy của Sơn La, trong lúc nợ công tính theo đầu người, tỷ lệ bội chi đều cao hơn cùng thời điểm năm trước. Trong lúc ngân khố quốc gia khó khăn, Bộ Tài chính vừa đề xuất vay Ngân hàng Nhà nước 30000 tỷ đồng để bù đắp cho việc bội chi ngân sách. Trong lúc Biển Đông, biên giới luôn đứng trước những thách thức về chủ quyền đất nước…, thì việc tốn hàng trăm, nghìn tỷ đồng xây đủ kiểu tượng đài “cổ động” liệu có làm cho các quan chức các địa phương “động lòng” điều gì không?
Từ câu chuyện “cầu quan” đến xây các tượng đài, tưởng là “vì dân” nhưng ở một góc độ khác, thực ra, là sự vô trách nhiệm với giang sơn, xã tắc, vào lúc vận mệnh quốc gia nhiều thách thức!
KD: Đây là bài viết cho mục Ấn tượng trong tuần, đăng vào sáng thứ 07 hàng tuần. Bài đã được ký duyệt nhưng đến phút cuối cùng lại bị bóc gỡ, vì lý do “nhạy cảm”. Cho dù ai cũng công nhận bài viết hoàn toàn đúng.
Mỗi tuần, với mình, mỗi bài viết là “con tằm rút ruột”, mệt bơ phờ, bạc mặt vì ngòi bút.
Thề với Trời Đất, từ thuở bao cấp, đói nghèo kinh khủng, mình chưa bao giờ viết báo với mục đích kiếm tiền. Mình yêu nghề báo như một sự tự nguyện máu thịt. Cả đời này, mình không thèm quỵ lụy bất cứ kẻ quyền lực nào, bất cứ đồng tiền nào nếu không phải được làm ra bằng đôi bàn tay lao động và tư cách tử tế. Để có thể nhìn đời bằng cái nhìn thẳng và ngẩng cao đầu mà sống.
Nhưng nghề báo nước Việt này, sao mà cay đắng!
Hi…hi… hai chữ “tự do”
Xem thêm:
- Đua nhau dựng tượng đài
- Nhiều thứ nhất thế giới’, sao vẫn phải xấu hổ?
- Tượng đài nghìn tỉ: Con số mà biết nói năng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét