Translate

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

THÂN PHẬN CON RẠM BÉ SÔNG GIANH.

Trần Thạch Linh.



Tôi không biết nhiều về Nhà Văn Nguyễn Quang Lập…Ấn tượng về anh có lẽ từ một tản văn, “Những con rạm bè sông Gianh”. Trong đó anh có nhắc đến bố tôi (Nhà Văn Văn Linh). Đoạn văn ấy thế này :
“Nhà văn Văn Linh tác giả cuốn Mùa hoa dẻ nổi tiếng một thời, anh quê Hà Tĩnh nhưng quá nửa đời đã sống với người dân quê tôi, khi nào anh cũng nói anh là người sông Gianh với niềm tự hào khôn xiết. Bộ tiểu thuyếtSông Gianh ba tập hơn nghìn trang sách vừa ra đời cách đây ít năm, anh đã dành bộ sách cuối cùng của đời mình cho sông Gianh quê tôi. Một ngày mùa thu Hà Nội anh ngồi với tôi ở quán cóc bên đường, nhìn lá vàng rơi đuổi nhau trên đường phố, bỗng dưng anh hỏi tôi, nói : Lập có nhớ rạm bè sông Gianh không. Tôi không trả lời, nhìn anh chờ đợi. Rất lâu sau anh rưng rưng nhìn tôi, nói : những con rạm bè khát sống nhưng chúng khát sống để sống vì nhau, có phải không em?



Khi đó tôi ứa nước mắt nhìn anh. Tôi nhớ đến vụ chìm đò ở Quảng Hải tết năm kia, hơn bốn mươi người chết. Trong số đó có một cô bé mười ba tuổi. Khi biết mẹ đã kiệt sức vì vừa bơi vừa phải dìu mình, cô bé đã buông mẹ ra, nói mẹ phải sống để nuôi em, rồi lặng lẽ chìm xuống đáy sông sâu.Ôi những con rạm bè Sông Gianh, làm sao tôi quên được.”…(Hết trích)

Đọc cho bố nghe bài này, ông cụ bâng khuông một lúc rồi nói : (nguyên lời) :

-“ Vinh thì xô bồ …làm báo, viết kịch là hợp, Lập có chất văn học nên viết tiểu thuyết,,, cái chất văn học nẩy sinh từ tình yêu quê hương, đất nước, con người.”

Sau này thi thoảng đọc những bài của của anh trên blog cho bố nghe, ông cụ cứ cười ngây ngất. Nhất là cái bài Bọ Lập đi chữa ngoại cảm sau tai biến…

Rồi blog Quê Choa của anh nổi danh …Anh viết : “... Bọ Lập không có khả năng và trình độ để khai dân trí, chấn dân khí nhưng lại có khả năng dùng blog Quê Choa làm con thuyền chuyên chở SỰ THẬT đến với dân. Làm anh nhà văn luôn mồm nói về nhân nghĩa, về cái tâm, về sống vì dân viết vì dân vân vân và vân vân… vô lẽ lại đắp tai cài trốc trước lời kêu gọi khẩn thiết của tiền nhân? Thế thì hèn quá! Thế thì thà vứt bút đi về nhà ôm đít vợ còn hơn suốt ngày ngửa mặt ngóng chờ giải thưởng nọ danh hiệu kia, không thèm biết đến dân tình khốn nạn thế nào, đất nước điêu đứng ra sao. Sống thế khác gì an phận làm con chó giữ nhà cho chủ, mong chờ chủ xón ra giải thưởng nọ danh hiệu kia để vui sướng vẫy đuôi liếm láp?...” 


Mới rồi biết tin anh bị bắt…Lại vào khi anh đang cố “hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết cho xong, sợ là ít hôm nữa già quá, mệt quá viết không nổi” (theo lời chị Hồng vợ Nhà Văn Nguyễn Quang Lập) …Tôi lặng lẽ thắp nén nhang lên bàn thờ ông cụ mà chia sẻ :

- Bố ơi…anh Bọ Lập Quê Choa bị người ta bắt rồi.

Trong làn khói nhang thanh nhẹ …tôi chìm vào tâm tưởng của thế hệ những người cầm bút thủa trước. Một thoáng linh ứng,..tôi nghe văng vẳng lời ông cụ nói trước đây : “Số phân người cầm bút chân chính ở bất cứ thời đại, thể chế nào đều là một kẻ đối kháng…khác nhau là thời đại, thể chế đó tiếp nhận đối kháng ấy như thế nào…”

Thể chế này đã tiếp nhận đối kháng của Nhà Văn Nguyễn Quang lập như vậy đấy…


nguon:http://chuyenthuongngayohuyen.blogspot.com/2014/12/than-phan-con-ram-be-song-gianh.html

Không có nhận xét nào: