Xuân Dương/ GDVN
Ông Đỗ Văn Đương nói quyền im lặng không phải quyền con người |
Nếu “im lặng” không phải là quyền của con người thì nó là quyền của ai, của cái gì? Phải chăng nó là quyền của cây cối của những vật vô tri như chiếc chìa khóa.
Ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, vốn được biết đến với các phát biểu thẳng thắn trong nghị trường, chẳng hạn: “Có trường hợp tham nhũng, làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng mà chỉ phạt 2 năm tù.
Thế nên không ít người chấp nhận hi sinh đời bố, củng cố đời con”, [1]hoặc “Tôi cũng bị dân người ta chê dốt. Tôi cũng bị chê dốt nhiều rồi. Tôi bảo vâng sẽ cố gắng nghiên cứu… Nếu mà những người có chức vụ này mà còn chuyển động được thì xã hội chuyển động nhanh, nhân dân được nhờ, và không xấu hổ vì một thời làm quan, chỉ vì cái ghế của ông nên người ta nể chứ con người ông ấy thì người ta coi thường”. [2]
Mới đây, trong chương trình Sự kiện & Bình luận của VTV, ông Đương cũng đưa ra một nhận định khiến dư luận ngỡ ngàng: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội. Trong đấu tranh chống tội phạm, bao giờ cũng phải dung hòa giữa lợi ích nhà nước, công cộng và cá nhân. Nếu như quá chú trọng vào lợi ích của nhà nước thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm, ngược lại nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án”.[3]
Về “quyền im lặng” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Các anh phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn. Bị can có quyền im lặng cho đến khi luật sư xuất hiện. Phải để cho luật sư vào ngay từ đầu để nắm rõ sự việc, bảo vệ thân chủ. Tối cao của chúng ta là công lý và trước công lý thì mọi người bình đẳng. Bị can, bị cáo khi chưa bị buộc tội người ta có quyền bảo vệ mình, có quyền nhờ luật sư bào chữa trước tòa”. [4]
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu: “ Phải làm sao để khi bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không phát biểu, không khai, cho đến khi có luật sư”. [5]
Trở lại ý kiến của ông Đỗ Văn Đương, có hai điều cần làm sáng tỏ:
Thứ nhất: Quyền im lặng không phải quyền con người.
Nhận định của ông Đương hoàn toàn trái với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội: “quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn”. “Người ta” trong phát biểu của Chủ tịch Quốc hội là người dân nói chung và nghi can, bị cáo, bị can, người bị tạm giam nói riêng.
Trên thế gian này, chỉ có con người là biết nói, các loài muông thú, điển hình là loài vẹt dù có dạy mãi cũng chỉ có thể bập bẹ vài từ, điều này đưa chúng ta đến một kết luận logic, “nói hay im lặng là đặc tính riêng, duy nhất của loài người” không thể tách rời nhau. Vậy nếu “im lặng” không phải là quyền của con người thì nó là quyền của ai, của cái gì? Phải chăng nó là quyền của cây cối, muông thú, của những vật vô tri như chiếc chìa khóa?
Nhìn một chiếc đèn nháy, một lần phát sáng phải nằm giữa hai lần tắt, và đương nhiên muốn có hai lần tắt thì giữa chúng phải có một lần sáng. Đèn không thể nháy nếu luôn sáng hoặc luôn tắt. Liên hệ điều này với loài người, nếu “Im lặng” không phải là quyền con người vậy thì “nói” có phải là quyền con người không? Không thể tách rời giữa “nói” và “im lặng” bởi muốn có sự “im lặng” thì phải có lúc “nói”, chỉ giữa hai lần “nói” mới có một lần “im lặng”, điều này dẫn tới một kết luận logic là một khi “ im lặng” không phải quyền con người thì “nói” cũng không phải quyền con người.
Sẽ thật sự ngây thơ khi cho rằng chỉ có “im lặng” không phải là quyền con người còn “nói” vẫn là quyền con người!
Có nhiều nước không đưa “quyền im lặng” vào luật, đó là một thực tế, nhưng những nước đưa quyền im lặng vào luật đều không phải là những nước chậm phát triển, đó cũng là một thực tế. Điều này cho thấy khi nền chính trị đạt đến một chuẩn mực nào đó thì người ta mới chú ý đến quyền con người, quyền công dân, trong hình thái xã hội nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến chưa xuất hiện khái niệm “quyền con người” và điều đó đồng nghĩa với việc chưa có “quyền im lặng” trong luật.
Bước sang thế kỳ 21, nếu nói rằng “im lặng” không phải là quyền con người thì chỉ có thể hiểu rằng nước ta còn thuộc diện các nước chậm phát triển hoặc nghiêm trọng hơn còn thuộc thời kỳ nguyên thủy, phong kiến!
Sức mạnh dân tộc nằm ở sự đoàn kết toàn dân |
Thứ hai: “Trong đấu tranh chống tội phạm, bao giờ cũng phải dung hòa giữa lợi ích nhà nước, công cộng và cá nhân”.
Vấn đề cần bàn luận ở đây không phải là bắt bẻ câu chữ ông Đương sử dụng mà là hàm ý chính trị trong phát biểu của ông Đương.
Khoản 1,2 Điều 2 Hiến pháp 2013 nêu rõ:
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Hiến pháp không hề nêu rằng Nhà nước phải “dung hòa lợi ích”, phải dành cho mình “một ít quyền” với nhân dân. Nhà nước không phải một chủ thể tách khỏi nhân dân, ngang hàng với nhân dân để mà đòi quyền với nhân dân.
Nhà nước, theo triết học Mác-Lênin là công cụ của giai cấp thống trị dùng để đàn áp giai cấp bị trị. Theo Hiến pháp 2013 nhà nước của chúng ta là nhà nước “của dân, do dân, vì dân” có nghĩa dân là “giai cấp thống trị”, nói cách khác nhà nước là công cụ mà nhân dân tạo ra để quản lý xã hội, phục vụ cho mình chứ không phải để tranh giành quyền lực với mình. Tách nhà nước ra khỏi dân, biến nhà nước thành một chủ thể để tranh giành quyền lực với nhân dân là một quan niệm không bao hàm trong Hiến pháp 2013, nó nguy hiểm ở chỗ rất dễ dẫn tới nguy cơ biến nhà nước thành công cụ của một nhóm quyền lực dùng để cai trị, đàn áp hơn là lãnh đạo.
“Nếu như quá chú trọng vào lợi ích của nhà nước thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm, ngược lại nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án”.
Với cương vị là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chắc chắn ông Đương là người rất am hiểu pháp luật, qua nhận định này phải chăng ông Đương cho rằng Nhà nước Việt Nam có những lợi ích mâu thuẫn với quyền của người dân? Chỉ khi lợi ích của Nhà nước đối kháng với lợi ích của người dân thì mới xuất hiện tình trạng “chú trọng vào lợi ích của nhà nước thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm”. Một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” làm sao lại có những lợi ích trái ngược với lợi ích của nhân dân?
Trong phát biểu của mình có thể ông Đương có đôi chút nhầm lẫn giữa khái niệm Nhà nước và khái niệm Chính phủ. Một nhà nước có bốn đặc trưng cơ bản là: nhân dân (people), lãnh thổ (territory), chủ quyền (sovereignty) và chính phủ (government).
Nếu ông Đương sửa lại câu nói là: “Nếu như quá chú trọng vào lợi ích của Chính phủ thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm” thì đó là một nhận định không gây tranh cãi.
Có thể ông Đương muốn nói lên một sự thật, đó là có nơi, có lúc lợi ích của nhân dân không song hành với lợi ích của cơ quan quyền lực, đặc biệt là cơ quan hành pháp và tư pháp, vấn đề là lợi ích của phía nào là tối thượng?
Cách thức xử lý các Tập đoàn, Tổng công ty độc quyền làm ăn thua lỗ, cách thức tuyển sinh bóp chết các trường Cao đẳng-Đại học ngoài công lập vừa qua cho thấy rõ ràng lợi ích của nhà nước không trùng hợp với lợi ích của người dân, đã có lác đác các ý kiến đề nghị sử dụng ngân sách (mà thực tế là tiền thuế của dân) để cứu các ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Sản xuất trì trệ mà vẫn cần tăng ngân sách phải chăng chỉ còn cách tăng thuế đồng thời ngừng tăng lương cho người lao động?
Trong bất kỳ trường hợp nào, lợi ích của nhân dân, của dân tộc vẫn là cao nhất. Không thể và không được phép nói rằng mở rộng quyền cho người dân thì gây khó khăn cho chính quyền, cho nhà nước. Nói như ông Đương thì có nghĩa là để phục vụ cho công việc hành pháp, cần hạn chế một số quyền của người dân ngay cả khi việc hạn chế đó là vi hiến?
“Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân” đây không chỉ là tuyên bố trong Hiến pháp mà còn là nguyên tắc tồn tại của một nhà nước. Nếu nhà nước bị chi phối bởi quyền lợi của một nhóm chính trị, một nhóm cư dân (kể cả khi nhóm đó chiếm đa số) thì tất yếu sẽ dẫn tới xung đột. Diễn biến tình hình tại miền đông Ucraina, tại Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Công (Trung Quốc) đã cho thấy quyền của người dân phải được tôn trọng dù rằng đó chỉ là một thiểu số trong xã hội.
Theo chiều ngược lại, người dân làm chủ đất nước không có nghĩa là ai thích làm gì thì làm, dân chỉ được phép làm những gì mà pháp luật không cấm. Những hành vi phạm pháp, tự cho mình quyền đứng trên pháp luật phải bị nghiêm trị dù đó là dân thường, lãnh đạo hay các tổ chức.
Nếu pháp luật chưa đáp ứng những quyền chính đáng của người dân do điều kiện lịch sử để lại, do các biến động xã hội… thì phải sửa luật chứ không phải là sửa quyền của người dân.
Nhiều vị lãnh đạo Đàng, Nhà nước đã khẳng định, có một số cá nhân đang lợi dụng quyền lực được nhân dân giao cho để tham nhũng vật chất và tham nhũng chính trị, một trong những biểu hiện của tham nhũng chính trị là tìm cách hạn chế quyền công dân, quyền con người, hạn chế dân chủ xã hội.
Có lẽ vì thế nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải nhấn mạnh: “Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”. [6]
Trong bài “Hiến pháp với sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân” đăng trên duthaoonline.quochoi.vn có đoạn: “Để thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” tất yếu đòi hỏi nhiều hy sinh. Quyền tự do của công dân trên các lĩnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa v.v… chưa thể mở rộng… Không thể viện cớ trình độ dân trí thấp (!) để dè dặt, không dám mở rộng quyền làm chủ mọi mặt của dân”.
Một trong các “quyền làm chủ mọi mặt của dân” chính là “quyền im lặng”. Nếu ông Đương vẫn cho rằng phát biểu của mình là chuẩn thì đó cũng là một quyền (của ông Đương) được pháp luật bảo hộ, chỉ có điều dù đã bầu ông, cử tri vẫn có quyền không xem ý kiến của ông đại diện cho tiếng nói của mình./.
........................
Tài liệu tham khảo:
[5] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140924/chua-dam-quy-dinh-nguoi-bi-bat-co-quyen-giu-im-lang.aspx
[6]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tut-hau-hoac-phat-huy-manh-me-quyen-lam-chu-cua-nhan-dan-post149986.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét