( BBC Tiếng Việt)
Đọc xong, ngẩn người. Chả biết bình gì.
Bộ Công an đang phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận bán thực cảnh có tên 'Ký ức để lại' về Đại tá Tô Quyền, cha của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhạc kịch kể lại từ thời thơ ấu của ông đến giai đoạn ông chiến đấu ở Tây Ninh, nơi vốn là căn cứ Trung ương Cục miền Nam và hứng chịu nhiều bom đạn của quân đội Mỹ.
Biên đạo múa Tuyết Minh viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn cho chương trình, với sự tham gia của hơn 500 diễn viên chuyên nghiệp cùng 120 thành viên Công an nhân dân PX03 Tây Ninh, đội quân khuyển, kỵ binh và nhiều khí tài quân sự.
Trong thời gian chiến đấu ở miền Nam, ông Tô Quyền đã có thời điểm lấy bí danh là Tô Lâm.
Sau chiến tranh, ông làm Trưởng Ty Công an Hải Hưng (1977- 1983) tại tỉnh Hải Hưng cũ, đã được tách ra thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên như hiện nay.
Sau đó, ông giữ chức Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (V26).
Đây là đơn vị đã từng giam giữ và thực hiện ''giáo dục cải tạo'' nhiều phạm nhân được cho là ''phản cách mạng có quê quán hoặc gia đình ở các tỉnh phía Nam'' sau chiến tranh, theo cổng thông tin điện tử của Công an thành phố Hà Nội.
Ông Tô Quyền mất năm 1996, thọ 67 tuổi.
Năm 2015, Công an tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông.
Tại tỉnh Hưng Yên, tên của ông được dùng để đặt cho một con đường tại thị trấn Văn Giang, một trường mầm non và một quỹ học bổng. Tô Quyền cũng là tên một con đường ở thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
'Ký ức để lại' là chương trình nghệ thuật chính luận đầu tiên của Cục Công tác chính trị - Bộ Công an, truyền thông trong nước đưa tin.
Sự kiện diễn ra vào tối ngày 12/4 tại Quảng trường Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tỉnh Tây Ninh và được truyền hình trực tiếp trên VTV1, tiếp sóng trên các kênh TNTV,
Coi xong ngẩn người. Chả biết bình chi !.
-----------------
Tôi quý trọng nhiều việc ông Tô Lâm đang làm, mong ông làm được và thành công nên thẳng thắn góp ý điều này. Những người thờ ơ thì họ kệ, kiểu như tội gì ôm rơm rặm bụng, chẳng phải đầu cũng phải tai. Tôi thì không. Thấy ông và bề tôi (của ông) làm được điều tốt thì lấy đó làm phấn khởi, cảm nhận ông có nguy cơ bị chê cười thì can gián để biết mà tránh. Tới tuổi này rồi, tôi chả sợ gì ngoài sợ mệnh trời. Nếu gán tôi là thế lực thù địch thì chỉ thù địch cái xấu cái ác.
Hôm 17.3 (2025), nhiều báo mậu dịch hồ hởi đăng “Gần 500 diễn viên tham gia vở đại nhạc kịch kể về cuộc đời đại tá Tô Quyền”.
Đại tá ở xứ này đông hơn quân Nguyên, hầu như không mấy ai biết. Em tôi, cháu tôi ăn lương đại tá, nhưng cả làng chả mấy ai biết. Đại tá phổ cập chẳng khác gì phổ cập trung học cơ sở. Ra ngõ gặp đại tá.
Tướng xứ này cũng nhiều như lợn con, nhất là dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông phong tướng lia chia, dễ như rút ra từ túi áo, đếm mệt nghỉ, cả công an lẫn quân đội gần 800 tướng. Chỉ tổng biên tập một tờ báo ngành mà cũng trung tướng, trưởng đoàn ca múa đeo lon thiếu tướng… Tướng nhiều tới mức thiên hạ nỏ biết là ai, huống hồ đại tá… quèn.
Tuy nhiên không phải cứ tá thì kém, tầm thường. Có vài trường hợp tá, đám tướng “lợn con” xách dép theo hầu cũng chưa xứng. Đại tá suốt đời Hà Văn Lâu chẳng hạn, đánh nam dẹp bắc, tung hoành trên chiến trường súng đạn ùng oàng lẫn bàn hội nghị ngoại giao khiến thiên hạ nể vì (chưa kể có cháu nội là hoa hậu); trung tá “hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt chẳng hạn, tây thực dân chỉ nghe tên đã khiếp; công lao hãn mã; đến lúc chết vẫn trung tá. Nhưng người thế ít lắm. Những tá ấy mới cần được viết thành văn, dựng thành kịch, được ca ngợi, như một biểu tượng của lịch sử, của khúc quanh thời đại. Nhưng họ bị lờ đi, bị chìm trong quên lãng. Tướng cỡ Trần Độ, Đặng Kim Giang còn bị chôn vùi, tước cả băng hoa tang có chữ “tướng quân” thì tá Lâu tá Việt đã là gì.
Khen chê là chuyện của đời.
Vấn đề là những kẻ cơ hội không biết ngượng, đám lau nhau nịnh nọt không biết ngượng. Chúng luôn tìm cơ hội, nhất là cơ hội vàng, để tiến thân, kiếm tiền, kiếm chức, chứ chả tốt đẹp gì. Đối với bất kỳ “hành vi nịnh” nào, phải khoát tay bảo dẹp dẹp, đừng làm mất uy tín của lãnh đạo. Giờ vẫn còn kịp. Phải xứng mình ở tầm cao, vượt trên thói tục ưa nịnh, háo danh. Đừng bắt chước người ta in sách hàng đống, tốn bao tiền bạc của dân, chả mấy ma nào đọc.
Vụ này làm tôi nhớ tới mấy cuộc hội thảo, kiến nghị liên quan tới ông Trương Minh Phương cha của Trương Minh Tuấn khi Tuấn làm bộ trưởng. Những kẻ nịnh xúm vào ca ngợi, tâng bốc, đề nghị phải phong thế này, tặng giải thế nọ. Khi Tuấn vào tù, họ lặn không sủi tăm. Họ chỉ vì Tuấn chứ không phải vì ông Phương. Nói chính xác thì vì chính họ.
Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau.
Nhắc lại, tôi quý ông Lâm, đặt hy vọng và niềm tin vào những đại sự ông đang làm, mong đất nước sẽ đổi thay tốt đẹp, thực sự bước vào kỷ nguyên mới, nên mới chân thành góp ý vậy.
Trung ngôn nghịch nhĩ, lời nói phải khó nghe. Nghe được mới là bậc quân vương.
LỜI CHÂN THẬT.
LỜI CHÂN THẬT.
Nguyễn Thông
1 nhận xét:
Mát ...Sinh được con khôn.
Sa cơ thất thế ! Tội...ẩm ương !
Đăng nhận xét