Translate

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

CHUYẾN ĐI MỸ CỦA TBT - CTN TÔ LÂM CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG ĐẾN THẾ NÀO?

 


Thế là, rốt cuộc ông Tô Lâm, trên cương vị nhất thể quyền lực vừa TBT vừa kiêm CTN, cũng đi Mỹ, điểm đến ông cùng các cộng sự đã chuẩn bị từ rất lâu qua nhiều bước chạy đà mang tên Ai Lao, Cao Miên và Hoa Hạ. Đi Mỹ, nhìn ở mặt “diện”, là để phát biểu chính thức tại “Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai”, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐLHQ) khóa 79 (UNGA 79) nhưng xét ở nội hàm “thể”, là nhắm tới việc gặp gỡ các chính khách quan trọng trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, với các trung tâm think-tank & vận động hành lang và có thể với cả cựu Tổng Thống Donald Trump, ứng cử viên sáng giá cho cho chức vụ tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ sắp tới, chưa kể còn với các công ty hàng không, quốc phòng và BigTech hàng đầu của Mỹ. Cho dù đây không phải là chuyến viếng thăm cấp nhà nước tới Hoa Thịnh Đốn, nhưng không phải vì vậy mà tính chất trọng yếu của nó bị suy suyển đi phần nào
.

Chắc chắn Bộ Ngoại Giao của cả hai quốc gia sẽ không ấu trĩ và thiếu nhạy bén chính trị đến nỗi phải đi tổ chức cuộc gặp gỡ cấp nhà nước Hoa Kỳ - Việt Nam cho TT Joe Biden và CTN Tô Lâm khi mà chỉ còn 45 ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ (5/11/2024) trong khi ông Joe Biden đã tuyên bố không tái ứng cử mà thay vào đó là bà Kamala Harris, Phó Tổng Thống đương nhiệm. Một cuộc gặp như thế giữa vị tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm và nguyên thủ Việt Nam tân nhiệm sẽ không mang chút tiếng thơm nào cho ông Tô Lâm trên cương vị cá nhân, trái lại là đằng khác. Bởi vậy, hoàn toàn có thể suy đoán, trọng tâm của ông Tô Lâm trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này là “vận động hành lang” (lobby) cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng nồng ấm lên như mức quan hệ đồng minh nhằm đối trọng hữu hiệu hơn với Trung Cộng. Trong đó, chính trị - an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ - viễn thông và kinh tế - thương mại - tài chính sẽ là những đề tài thảo luận chính.
Như thế, phải chăng, cựu TT Donald Trump và Phó TT Kamala Harris sẽ là hai nhân vật ông Tô Lâm mong muốn gặp nhất trong chuyến đi này, cho dù lịch gặp với TT Joe Biden bên lề kỳ họp ĐHĐLHQ đã được lên (23/9/2024, giờ Hoa Kỳ)? Ngoài ra, theo thông tin báo chí Hoa Kỳ và Việt Nam tiết lộ, lịch trình làm việc của đoàn ông Tô Lâm với phía Hoa Kỳ trước khi gặp TT Joe Biden còn bao gồm gặp gỡ tập đoàn hàng không, vũ khí hàng đầu thế giới Boeing, các BigTech Meta và Google… do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức, tọa đàm với các sinh viên ĐH Columbia, đặc biệt với các nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead do GS Nguyễn Thị Liên Hằng làm Giám đốc. Trước đó, TBT - CTN Tô Lâm đã phát biểu ca ngợi có cánh mối quan hệ duyên nợ Việt Nam - Hoa Kỳ tại sự kiện kỷ niệm một năm “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện” Việt - Mỹ được ký kết [1].
Muốn biết chuyến đi Mỹ lần này của ông Tô Lâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như thế nào đối Việt Nam, không thể không so sánh với chuyến thăm Trung Quốc của ông diễn ra trong tháng tám vừa qua (18-20/8/2024) cùng những diễn biến tương đối bất thường trong đời sống chính trị - xã hội ở Việt Nam 3 tháng nay.
Điểm khác biệt mang tính chiến lược sống còn nhất đối với Việt Nam giữa chuyến thăm của ông Tô Lâm tới Trung Nam Hải và các chuyến thăm trước đây của TBT tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh (và cả những chuyến thăm đáp lễ của Tập Cận Bình tới Việt Nam) nằm ở vấn đề mấu chốt sau: cả trong nội dung bản “Tuyên Bố Chung Việt Nam - Trung Quốc” [2] và trong 14 biên bản ghi nhớ hay hợp đồng hợp tác giữa hai bên trong chuyến thăm của ông Tô Lâm hồi tháng 8/2024 ĐÃ KHÔNG CÒN dòng chữ mang tính “rọ đại cục” thâm độc này: “𝐊𝐞̂́ 𝐇𝐨𝐚̣𝐜𝐡 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐓𝐚́𝐜 𝐠𝐢𝐮̛̃𝐚 Đ𝐂𝐒𝐕𝐍 𝐯𝐚̀ Đ𝐂𝐒𝐓𝐐”. Thật vậy, 13 năm ông NPT làm TBT là 13 năm Việt Nam bị Trung Cộng gài vô thế cờ kẹt “𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐓𝐚́𝐜 𝐠𝐢𝐮̛̃𝐚 Đ𝐂𝐒𝐕𝐍 𝐯𝐚̀ Đ𝐂𝐒𝐓𝐐” vừa nêu (các giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020, 2021 - 2025). Thế cờ này còn trở nên khó giải hơn vì Trung Nam Hải đã sử dụng tiền đề trên để ép Hà Nội vào thế cờ thứ hai mang tên “𝐓𝐡𝐨̉𝐚 𝐭𝐡𝐮𝐚̣̂𝐧 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐧𝐠𝐮𝐲𝐞̂𝐧 𝐭𝐚̆́𝐜 𝐜𝐨̛ 𝐛𝐚̉𝐧 𝐜𝐡𝐢̉ đ𝐚̣𝐨 𝐠𝐢𝐚̉𝐢 𝐪𝐮𝐲𝐞̂́𝐭 𝐯𝐚̂́𝐧 đ𝐞̂̀ 𝐭𝐫𝐞̂𝐧 𝐛𝐢𝐞̂̉𝐧 𝐠𝐢𝐮̛̃𝐚 𝐧𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝐂𝐇𝐗𝐇𝐂𝐍𝐕𝐍 𝐯𝐚̀ 𝐧𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝐂𝐇𝐍𝐃𝐓𝐇”.
Làm sao giải quyết triệt để và hiệu quả các tranh chấp về chủ quyền Biển Đông với Trung Cộng nếu cứ khư khư giữ 2 tiền đề vô cùng bất lợi và nguy hiểm này? Vô phương! Vậy mà, hai vấn đề tiềm ẩn nguy hại trên lại được TBT Nguyễn Phú Trọng cho ký kết cái rụp với Trung Cộng ngay trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ông tới Bắc Kinh năm 2011 và được áp dụng xuyên suốt từ đó cho đến khi ông mất! Thời may, mệnh đề thứ nhất đã được chấm dứt sau chuyến thăm của ông Tô Lâm tới Bắc Kinh. Quý độc giả chịu khó điểm lại các “tuyên bố chung” và các văn bản ký kết trong 7 lần viếng thăm cấp nhà nước qua lại lẫn nhau giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và TBT - CTN Tập Cận Bình là sẽ rõ thôi:
👉
Tuyên Bố Chung 8 điểm và 6 văn kiện [3] được ký kết nhân chuyến thăm TC lần đầu tiên (11-15/10/2011).
👉
Thông Cáo Chung 9 điểm và 7 văn bản hợp tác [4] được ký kết trong chuyến thăm lần II tới TC (7-10/4/2015).
👉
13 văn kiện hợp tác [5] được ký kết và Tuyên Bố Chung 11 điểm trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của TBT - CTN TCB tới Việt Nam (5-6/11/2015).
👉
Thông Cáo Chung 10 điểm và 15 văn kiện [6] được ký kết nhân chuyến thăm TC lần III (12-15/1/2017).
👉
19 văn kiện hợp tác được ký, trao nhận [7] nhân chuyến thăm lần II của TBT-CTN TCB đến Việt Nam, dự Hội nghị APEC lần thứ XXV (11-13/11/2017).
👉
13 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng được ký kết [8] trong chuyến viếng thăm TC lần IV của TBT NPT (30/10/2022 - 1/11/2022).
👉
36 văn bản thỏa thuận hợp tác được ký [9] nhân chuyến thăm lần III của TBT-CTN TCB đến Việt Nam (12/12/2023)
Do đó, sau khi đã thành công loại vế thứ nhất “Kế Hoạch Hợp Tác giữa ĐCSVN và ĐCSTQ” qua chuyến thăm Trung Cộng, phải chăng chuyến đi Mỹ lần này của ông Tô Lâm và nhóm cộng sự thân tín là để giải tiếp vế còn lại “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCNVN và nước CHNDTH”? Hình như là vậy. Trước khi TBT - CTN Tô Lâm thăm tập đoàn Boeing, trước đó vài tuần, BTQP Phan Văn Giang đã lần lượt thăm Phi Luật Tân (29-31/8/2024, đồng minh của Mỹ ở Asean và là quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ, biển đảo với Trung Cộng) và Hoa Thịnh Đốn (6-11/9/2024), gặp gỡ với hai người đồng cấp Gilberto Teodoro và Lloyd Austin. Nghe nói, vận tải cơ C130 và chiến đấu cơ F16 của Mỹ đã nằm trong hồ sơ đàm phán mua trả chậm từ hai phía, chờ Bí thư QUTW và Chủ tịch Hội đồng QPAN Tô Lâm sang chốt hạ thôi.
Nếu cần phải nêu thêm dẫn chứng để củng cố nhận định này, phải kể đến các hoạt động ngoại giao cấp tập bất thường giữa nhóm “Tứ Giác Kim Cương” QUAD (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc” và “Tam Giác Tàu Ngầm” AUKUS (Úc - Anh - Mỹ) với Việt Nam trong 2 tháng gần đây là rõ. Ai cũng biết, hai nhóm trên được thành lập với mục đích trọng tâm nhằm bao vây, kềm chế, cô lập Trung Cộng trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Thế mà, ngoài Mỹ “Đối thoại An ninh - Chính trị - Quốc phòng” lần thứ 13 và gặp gỡ cấp BTQP với Việt Nam, Nhật Bản cũng đã cử BTQP thăm Việt Nam (6/8/2024) đồng thời tiếp đón BTNG Việt Nam thăm Tokyo (7/8/2024) gần như cùng một lúc; Chủ tịch Thượng viện Úc cũng vừa ghé thăm Việt Nam xong, bàn thảo chủ yếu về hợp tác thương mại, quốc phòng (24-30/8/2024). Riêng ông TTCP Phạm Minh Chính đã thăm Ấn Độ từ 30/7 - 1/8/2024, bàn thảo nhiều về hợp tác quốc phòng. Còn Anh Quốc đã tổ chức “Đối thoại chính sách Quốc phòng Việt Nam - Anh” đến lần thứ 5 rồi (13/9/2024).
Vậy là, từ khi ông TL lên làm CTN và nắm quyền TBT, hoạt động đối ngoại đối với nhóm QUAD và AUKUS diễn ra như con thoi. Để làm gì? Nếu không phải là để giải thế cờ gài thứ hai của Trung Cộng giăng ra trên Biển Đông như vừa đề cập ở trên bằng vũ khí, khí tài và công nghệ quốc phòng của Mỹ và đồng minh, thay thế cho Nga?
Cũng bởi chính vì thái độ quyết tâm nghiêng về phía Hoa Kỳ mà chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm cùng đoàn quan chức cấp cao thân tín đã bị các “thế lực vô hình”, được điều khiển bởi một nhạc trưởng hữu hình, hùa nhau tấn công dữ dội, gây nên sóng gió ba đào xôn xao trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam mấy tháng gần đây. Ngay lúc này nhìn lại, ai ai cũng hiểu, sỡ dĩ các nhóm “hồng ngưu”, “tiểu nhi hồng”, “thiếu (lý) luận viên” hay “ngáp chén đến cử”… dồn dập tấn công ĐH Fulbright Vietnam (FUV), rồi đấu tố cá nhân nữ GS Nguyễn Thị Liên Hằng - tác giả cuốn sách "Hanoi’s War: An International History of War for Peace in Vietnam" (Chiến tranh Hà Nội: Lịch sử Quốc tế về một Cuộc chiến vì Hoà bình ở Việt Nam) và cũng là thành viên Hội đồng Tín thác FUV - là nhằm phá hoại mối quan hệ Việt - Mỹ đang nhanh chóng ấm nồng lên (FUV là biểu tượng của sự hợp tác Việt - Mỹ, như Viện Khổng Tử là biểu tượng của mối giao hảo Việt - Trung vậy), để gây trở ngại cho chuyến thăm Mỹ của ông Tô Lâm và cũng để ngăn cản cuộc tọa đàm với sinh viên ĐH Columbia nơi GS Liên Hằng dạy bộ môn Lịch sử quan hệ Mỹ và các nước Đông Á tại khoa Sử học trường này (dự kiến diễn ra lúc 23:00 tối 23/9/2024, giờ Việt Nam).
Có thể nói, càng bị các thế lực hắc ám thân Hoa Nam tấn công dồn dập, chuyến thăm Mỹ của ông Tô Lâm càng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Không tấn công sao được khi mà vừa lên làm TBT lâm thời (18/7/2024), ông đã lệnh cho BNG nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc (Hồ sơ này đã chuẩn bị xong từ hơn 13 năm trước!) và cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã DÕNG DẠC ra Tuyên bố về việc Việt Nam nộp Đệ trình nêu trên [10]? Trước đó 5 ngày, BCT đã quyết định “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, khác biệt một trời một vực với việc đưa “tiếng Nga, tiếng Trung là ngoại ngữ thứ nhất (bắt buộc)” (Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006). Rồi nữa, ai đã ra lệnh gỡ phóng sự vu khống FUV ra khỏi website đài Truyền hình Quốc phòng (do TCCT - BQP làm cơ quan chủ quản) nếu không phải là nhóm quyền lực ông Tô Lâm?
Chắc cũng chính ông Tô Lâm ra lệnh phóng thích anh Trần Huỳnh Duy Thức, một nhà hoạt động chính trị ôn hoà nổi tiếng, trước thời hạn 8 tháng (21/9/2024), ngay trước chuyến đi Mỹ và nhất là, đã quyết định để BQP công bố không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Văn bản số 4184/TM-QH của BTTM, có hiệu lực ngay ngày ký (21/9/2024, cũng là ngày phái đoàn ông Tô Lâm đi Mỹ) đã vô hiệu hoá Quyết định số 307/QĐ-TTg ký ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm hai ngày lễ này. Đừng thơ ngây nghĩ rằng, do thiệt hại quá lớn về nhân mạng và tài sản do cơn bão Yagi gây ra mà hai sự kiện quan trọng này phải dừng lại (sau khi kinh phí và nhiều hoạt động tập dợt đã được thực hiện). Nhóm lãnh đạo chủ chốt thời ông Tô Lâm đang thực hiện chủ trương “hoà giải, hoà hợp dân tộc” hết sức rõ nét, thực chất (chỉ còn chờ kỷ niệm 50 năm biến cố 30/4 sang năm để xác thực thêm).
Bao nhiêu thay đổi chóng mặt nhưng chắn chắn, quan trọng nhưng không khua chiêng đánh trống rùm beng như trước quả là tín hiệu không thể tốt hơn cho tương lai Việt Nam giữa cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng chiến lược địa chính trị Mỹ - Trung đang xảy ra khốc liệt, nhất là trong cuộc chiến bán dẫn (chip war). Làm gì có chuyện ngẫu nhiên khi bỗng dưng tờ báo “The New York Times” được nhận giấy phép (5/9/2024) mở văn phòng thường trú tác nghiệp tại TPHCM, Việt Nam từ tháng 10, sau 49 năm gián đoạn? Rồi 18 tháng qua, hàng chục tập đoàn lớn của Mỹ, bao gồm các công ty quốc phòng, năng lượng và công nghệ, như AES, Boeing, Starlink, Mastercard và Amazon (bao gồm cả công ty con về điện toán đám mây - Amazon Web Services) đến Việt Nam để làm gì? Thật sự thì, Việt Nam đã nghiêng hẳn về phía Mỹ bằng đường lối ngoại giao mới“dĩ bất biến ứng vạn biến” (coi như nền “ngoại giao cây tre” đã chết lâm sàng). Điều này chắc chắn khiến Trung Nam Hải và nhóm thiểu số “thân Việt Nam - hồn Hoa Nam” cảm thấy thất vọng, thiểu não và giận dữ lắm đây nên họ mới vùng lên bạ đâu “đấu tố” đấy, theo kiểu “giận cá chém thớt” như thời gian qua.
Tuy nhiên, có khi họ đành phải chịu xát muối sả-ớt-tiêu-gừng-chanh vào lòng thêm một lần nữa thôi chứ biết làm sao khi mà, TBT - CTN Tô Lâm đã khẳng định chắc nịch thế này ngày hôm qua tại Nữu Ước: “Trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh” [11]. Những dòng chữ sắc bén trên sẽ gây đớn đau, tê tái, thậm chí chết ngất cho các “lực lượng núp lùm” liên quan, như thể họ đang bị bức bách phải “tự cung", phựt đứt khỏi các khúc “Đại Cục”, “16 Chữ - 4 Tốt”, “6 Hơn” và “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai Việt Nam - Trung Quốc” vậy. Ông Tô Lâm đã bước một chân vào lịch sử qua chuyến đi Mỹ lần này. Chân còn lại đành chờ sau khi cuộc bầu cử Mỹ ngã ngũ (44 ngày nữa thôi) với việc hoặc Tân TT Hoa Kỳ thăm Việt Nam hoặc ngược lại, đồng thời, Hoa Kỳ trao cho Việt Nam “quy chế kinh tế thị trường”, bán thêm vũ khí phòng thủ & tấn công tối tân cho Việt Nam, thuê cảng Cam Ranh và nhất là hỗ trợ Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn bởi, rất nhịp nhàng, ngay ngày TBT - CTN đi Mỹ, TTCP Phạm Minh Chính cho ký ban hành Quyết định số 1018 về [12] “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Cho dù lãnh đạo cấp cao của tập đoàn The Trump Organization - doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã thăm, khảo sát và chọn Hưng Yên làm địa điểm đầu tư cho những dự án thuộc lĩnh vực xây dựng khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí… ngày 18/9 vừa qua, vẫn không thấy một nhân vật chủ chốt nào trong nhóm "Phố Hiến Nhân" do ông Tô Lâm đứng đầu xuất hiện tiếp đón đoàn. Chứng tỏ, ông Tô Lâm đã rất cẩn trọng, khéo léo, ý nhị trong cách thức ngoại giao, tiếp cận với hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay, Donald Trump và Kamala Harris, dù dấu hiệu bề ngoài cho thấy ông và nhóm "Phố Hiến Nhân" đã đặt cược vào ông Donald Trump. Chờ xem các cuộc gặp nay mai giữa ông với cựu TT Donald Trump và bà Phó TT Kamala Harris diễn ra như thế nào rồi dự đoán tiếp.

Không có nhận xét nào: