Translate

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

LIỆU LỊCH SỬ CÓ LẶP LẠI?

 

Levan Anh



Những gì đang diễn ra trên đất nước Ucraina, làm chúng ta nhớ lại lịch sử cách đây hơn 80 năm. .
Phần Lan là nước nằm ở Bắc Âu có đường biên giới chung với Liên bang Nga dài hơn một nghìn cây số. Trước Cách mạng Tháng Mười, Phần Lan bị Đế quốc Nga cai trị. Năm 1917, Phần Lan giành được độc lập.
Năm 1939, với lý do để đảm bảo an ninh biên giới phía Bắc và lấy đường ra biển Baltic, Liên xô đề nghị Phần Lan lùi biên giới vào 30-32 km từ eo đất Isthmus tới phía đông Vyborg (bao gồm cả các đảo trên vịnh Phần Lan và bán đảo Rybachy); đổi lại, Liên xô cắt cho Phần Lan vùng Repola và Porajarvi ở Đông Karelia của Liên Xô; đồng thời cho Liên Xô thuê Bán đảo Hanko trong 30 năm để xây một căn cứ quân sự.
Chính phủ Phần Lan đã từ chối vì cho rằng với việc Liên Xô kiểm soát các vịnh then chốt, an ninh quốc gia của Phần Lan sẽ bị đe dọa. Sau nhiều lần đàm phán không thành, Stalin cho Hồng quân tràn qua biên giới, tấn công Phần Lan.
Với lực lượng quân sự vượt trội, bộ binh gấp 2 lần, xe tăng gấp 50 lần, máy bay gấp 15 lần, Stalin dự kiến không quá 2 tuần sẽ chiếm được Phần Lan . Mặc dù khi ấy, vừa yếu vừa đơn độc, chỉ nhận được sự giúp đỡ của một nhóm quân tình nguyện nước ngoài, nhưng quân dân Phần Lan đã chiến đấu rất ngoan cường. Sau 105 ngày huyết chiến, cả hai phía đều chịu tổn thất nặng nề. Do lực yếu, sức mỏng, Phần Lan đã thất bại, buộc phải ký Hiệp định Liên Xô- Phần Lan chấp nhận nhượng lại một phần lãnh thổ (khoảng 11% lãnh thổ Phần Lan) thuộc vùng phía Tây bán đảo Karelia cho Liên xô (phần lãnh thổ này trước đây thuộc về Đế quốc Nga, được Sa hoàng ban tặng cho Phần Lan thuộc địa). Đổi lại, LX đảm bảo an ninh cho Phần Lan trước hiểm hoạ phát xít Đức xâm lược.
Sau chiến tranh TG 2, Phần Lan với nền dân chủ dựa trên chế độ cộng hoà nghị viện đã đi theo con đường trung lập với phương châm "thân phương Tây, gần phương Đông", làm bạn với tất cả các nước. Năm 1995, Phần Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ngày nay, Phần Lan là một trong những nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trên thế giới, và là nước thuộc top đầu trong các bảng xếp hạng quốc tế về giáo dục, khả năng cạnh tranh kinh tế, tự do dân chủ, chất lượng cuộc sống và phát triển con người .
Dù phải trả giá đắt bởi cuộc chiến và không áp đặt được chế độ XHCN lên Phần Lan như mong muốn, nhưng Stalin đã thành công trong việc "thu hồi" được phần lãnh thổ trước đây thuộc Đế quốc Nga, mở đường cho LX thông ra biển Baltic và dựng lên chính quyền Phần Lan trung lập có quan hệ hữu hảo với cả Phương Tây và Liên Xô.
Đó là chuyện lịch sử, của Liên Xô thời Stalin. Còn chuyện của Liên bang Nga ngày nay, thời TT Putin, thì sao, liệu có giống chút nào chuyện ngày xưa ấy?
Ucraina, là nước nằm ở Đông Âu, có đường biên giới chung với Nga dài hơn một nghìn cây số. Theo dòng lịch sử, Ucraina Belarus và Nga tách ra từ một quốc gia Rus Kiev, xuất xứ cùng một dân tộc Rus (Slav), dùng chung một ngôn ngữ Đông Slav.
Trước Cách mạng Tháng Mười, Ucraina bị Đế quốc Nga cai trị (thằng anh cai trị thằng em). Năm 1917, Ucraina giành được độc lập. Năm 1922, bốn nước, Ucraina, Nga, Belarus và Ngoại Kavkaz đồng thành lập Liên bang CH XHCN Xô viết ( gọi tắt là Liên Xô). Ucraina trở thành quốc gia độc lập năm 1991, sau khi LX tan rã.
Cách mạng màu Euromaidan, diễn ra tại Kiev, năm 2013, ủng hộ thân Phương Tây, bài Nga, đã lật đổ chính phủ thân Nga của ông Yanukovych và dựng lên chính phủ Poroshenko, thân Phương Tây, bài Nga.
Năm 2014, quân đội Nga đã chiếm bán đảo Crưm, tiến hành trưng cầu dân ý, sau đó tuyên bố sáp nhập Crưm vào Nga. (Bán đảo Crưm trước đây thuộc Nga, nhưng đến năm 1954, chính quyền LX do Khrushchyov, người Ucraina, đứng đầu, đã cắt chuyển cho Ucraina).
Cùng năm, lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã tuyên bố thành lập nước Cộng hoà nhân dân Donetsk và nước CH nhân dân Lugansk ở phía Đông Ucraina, giáp với Nga.
Để cứu vãn tình thế, chính quyền Ucraina đã xúc tiến mạnh mẽ việc gia nhập NATO, EU. Trong khi đó, Nga yêu cầu NATO không mở rộng về phía đông, sát với biên giới Nga, cam kết không kết nạp Ucraina vào NATO, nhưng đã bị NATO từ chối. Sau nhiều lần đàm phán không thành, lấy lý do "cảm thấy không an toàn, không yên tâm để phát triển đất nước", để "phi quân sự hóa và bài trừ phát xít" ở Ukraine, ngày 24/2, Nga đã đồng loạt tấn công Ucraina cả ba phía Đông, Nam và Bắc. Với sức mạnh quân sự vượt trội nhiều lần, Nga thực hiện chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân Ucraina. Cuộc chiến đã kéo dài ngoài dự kiến của TT Putin, gây bất lợi cho Nga.
Có thể TT Putin đã chưa lường hết. Sau lưng Ucraina là Mỹ, NATO và các đồng minh đang đoàn kết hơn bao giờ hết, quyết tâm kiềm chế Nga. Họ không chỉ cung cấp vũ khí cho Ucraina mà còn áp đặt lệnh cấm vận tàn khốc lên Nga. Thêm vào đó, với 141 phiếu thuận và 5 phiếu chống tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ hôm 2/3, thế giới đang đứng về phía Ucraina. Hơn nữa, cùng dòng máu Slav, người Ucraina cũng có tinh thần chống giặc ngoại xâm không kém gì người Nga đã từng chống phát xít Đức.
Vì thế, mục đich của Nga muốn dùng sức mạnh quân sự để bắt Ucraina thừa nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crưm; công nhận độc lập cho hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk (thực tế là của Nga) ; xây dựng chính phủ trung lập, không tham gia vào khối NATO, có lẽ không dễ gì thành hiện thực.
Lựa chọn nào cho cả hai phía để thoát khỏi chiến tranh? Liệu lịch sử có lặp lại, Ucraina sẽ đáp ứng các yêu cầu của Nga, chấp nhận mất một phần lãnh thổ để đổi lấy hoà bình và đi theo con đường trung lập giống như Phần Lan đã làm ? Nhưng hoà bình cho Ucraina lúc này không phải là điều mà Mỹ và NATO quan tâm đầu tiên. Điều họ muốn là dùng người Ucraina hạ gục gấu Nga. Vì thế, cuộc chiến còn tiếp diễn và ngày càng khốc liệt, ngoài dự đoán.
Hà Nội, 04-03-2022
****************************
Ảnh : Kết quả bỏ phiếu, ngày 2/3/2022, của Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ucraina; trong đó: Phiếu thuận 141, phiếu trắng 35, phiếu chống 5.

Không có nhận xét nào: