Translate

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Hội các kiểu....ĐẠI !

 ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ X - Nguyễn Quang Vinh (P/s: đại hội qua một năm rồi, nhưng đăng lại cho cả nhà vui cuối tuần chút...kk)



KỲ 1: TÔI CỨ BẦU ANH HỮU THỈNH LÀM CHỦ TỊCH. DỨT KHOÁT VẬY ĐI!
Ngày mai bắt đầu Đại hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi cứ bầu anh Hữu Thỉnh làm Chủ tịch.
Dứt khoát vậy đi.
Lý luận: Vì chỉ có anh Hữu Thỉnh mới đủ sức khoẻ, kiên nhẫn, háo hức khi nghe suốt những lời chế nhạo, chửi mắng lung tung tang tang của các hội viên như thế. Nhìn gương mặt anh ấy khi bị người khác mắng sao mà dễ mến, sao mà đắm say, sao mà mê tơi đến vậy.
Vì chỉ anh Hữu Thỉnh mới chịu đựng để làm tờ trình, để báo cáo, để trình bày, đi lên đi xuống xin ngân sách ở mức ai nhỡ đi theo anh ấy dễ phát điên, với một ứng xử nhũn, với những âm điệu trình bày lúc cao vút lúc bi ai, khó ai có thể so bì được.
Vì chỉ có anh Hữu Thỉnh mới đủ phấn khởi nghe thơ của hội viên, từ ngày này qua ngày khác, miền này qua miền khác, tỉnh này qua tỉnh khác, nghe mê đắm và mặn mà, ánh mắt chớp, hơi thở dồn, hai cánh tay giang rộng chào đón, khiến bất cứ ai từng đọc thơ cho anh ấy nghe đều tự thấy mình là số 1.
Vì chỉ có anh Hữu Thỉnh mới có thể trụ được ghế Chủ tịch ở một Hội mà bất cứ Hội viên nào cũng đều sang sảng nói giọng chủ tịch, bất cứ Hội viên nào cũng là số 1, không kiếm được anh nào thừa nhận mình là số 2.
Vì chỉ có anh Hữu Thỉnh mới luôn nở một nụ cười mặc định với từng hội viên, và thăm hỏi, và luôn bật ra không nao núng từ “ tốt quá” dù bất cứ thông tin nào xảy ra, anh ấy đều vững vàng đóng khung từ “ tốt quá” đến “ tuyệt vời”.
Vì chỉ có anh Hữu Thỉnh lúc nào cũng sẵn sàng viết lời tựa cho các tập thơ già thơ trẻ và ngôn từ, hành văn, sự nồng nhiệt trong câu, trong diễn đạt ở tập nào gần như cũng giống nhau vì anh ấy biết cách hổn hển với thơ các hội viên, và bao giờ cũng coi thơ của hội viên là đỉnh cao của thơ ca Việt Nam, không có đỉnh thấp.
Dù rủi ro không có ai đề cử, anh Hữu Thỉnh không ứng cử thì tôi cứ bỏ phiếu bầu anh Hữu Thỉnh làm chủ tịch Hội. Nước Nam này không có ai xứng đáng với vị trí ấy đâu, ngoài anh Hữu Thỉnh.
Dứt khoát như vậy.
KỲ 2: CHÁU VIẾT VĂN MÀ CÁC CÔ CÁC CHÚ TOÀN KHEN THƠ CHAÚ HAY. XONG, ĐI CẢ…
Trực tiếp kì thứ nhất.
Sáng.
Đâu chừng 10 giờ thì sân khách sạn La Thành bắt đầu ồn ào.
Xe Grap, tacxi nối đuôi nhau chui vô cổng.
Các đại biểu từ bốn phương tám hướng cùng về.
Đại biểu ở ngay Hà Nội cũng tới để đón bạn bè, hóng hớt li ca phê, cốc bia.
Lễ tân như hội chợ quê. Cười. Mắng. Bắt tay. Nói tục. Kéo va li, cắp nách túi xách, ngồi xổm kí tặng sách nhau, hớn hở.
Mấy em lễ tân mồ hôi vã, có lẽ các cháu lần đầu thấy một đại hội mà hầu hết đều người già nhưng xí xa xí xớn như con trẻ, nói tục hơn cả lũ Teen bây giờ, những cái tên nhà văn, nhà thơ sáng loà mà nếu không có dịp này, các cháu còn lâu mới biết mặt.
Quán ca phê sát cổng tràn ngập nhà văn.
Tôi bị cuốn vào một bàn.
Những cánh tay đưa ra:
-Ôi Lập đấy à, khoẻ không em?
-Ơ kìa thằng Lập.
-Em Vinh mà.
-Úi giời, ngồi xuống, Vinh hay Lập quan trọng đéo gì. Cho 1 bia em ơi.
Một Cụ nhà văn gầy nhom:
-Biết tình hình Trung ương bầu bán tới đây thằng nào với thằng nào chưa?
-Ông hâm, đại hội của ta không lo, lo tận Trung ương. Có tiếp tục bầu Hữu Thỉnh không?
-Không bầu lão, lấy đéo ai đọc diễn văn khi anh em mình tạ thế. Lão viết và đọc thôi rồi luôn. Hay lắm. Mày chưa có dịp nghe nhỉ?
-Ừ đúng đấy, Hội mình khoản viết và đọc điếu văn đéo ai qua Thỉnh. Bầu nhé. Tao đi dự đám nhiều, đám nào cũng có câu “ Anh mất đi là một thiệt thòi vô cùng to lớn, không gì bù đắp, không ai thay thế được, những tác phẩm anh để lại cho đời như ánh sáng của đức nhân văn…”
-Có thằng nào đọc của thằng nào đâu mà ánh sáng với nhân văn.
-Này, thế vừa rồi trao giải về biển đảo sao tao không biết nhỉ?
-Khổ, mấy ai biết để kịp gửi tác phẩm đâu, nghe nói quỹ tồn 1 tỉ thì trao gấp, giải ngân trước khi hết nhiệm kì, nên thằng nào kịp gửi tới là có giải tất, đủ 1 tỉ dừng.
-Này các bố, ngồi lâu thế, vào lấy phòng kìa.
Thế là vắng đi một lúc.
Có một cậu trẻ ngồi im trước cái bàn ngả nghiên ly chén, ca phê có, bia có, còn gương mặt cậu trẻ nặng chịch.
-Mày không vào lấy phòng à? Đoàn tỉnh nào?
-Dạ em ở trong Nam ra.
-Rồi, sao buồn thế?
-Dạ…Các cô các chú kéo ghế lại đây, ngồi quây quần, bàn chuyện văn chương thế sự xong, các cô chú kéo đi, xong, còn cháu ở đây, giờ cũng xong luôn rồi…
-Là sao mày?
-Dạ…Sau khi bàn cãi sôi nổi về văn học, nhân sự đại hội, các cô chú kéo đi hết, còn cháu, mà cháu thì không đủ tiền trả. Ai cũng chúc cháu nhà văn trẻ. Cháu viết văn mà các cô các chú toàn khen thơ cháu hay. Xong, đi cả…
Nhiều nhà văn cả tỉ năm mới gặp nhau. Dí mặt vào nhau nhìn rồi ù oà, cười, ôm nhau hân hoan cứ như ở thế giới khác mới về.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cuốn lấy tay tôi:
-Vinh. Thằng chó này. Đứng yên đấy.
Tôi đứng yên.
Anh Chiến chạy tới nơi để túi xách, rút ra cuốn sách, viết, kí, mang tới:
-Sách mới của tao. Có viết đến thời kì tao bị đi tù, hay lắm, vinh dự tự hào.
Ăn cơm. Ăn cơm các ông các bà ơi.
Một dòng người tóc bạc, lưng còng rồng rắn kéo nhau vào phòng ăn.
-Chúng nó tệ nhỉ, xây cái phòng ăn mà lên tới mười mấy bậc, sức yếu, lên thế đéo nào được.
-Để em dìu bác.
-Tao cố. Đi thẳng thớm chúng nó thấy khoẻ, may ra còn bầu vào Ban chấp hành.
Các nhân viên khách sạn tươi như hoa.
6 người một mâm nhưng các nhà văn thì thích ngồi đông hơn.
-Dạ thưa, một mâm 6 người thôi ạ.
-Vẽ. Tao đi ăn cỗ cưới và cỗ đám ma, một mâm 10 người quen rồi.
-Thức ăn được đấy chứ, nhỉ, toàn món mềm, răng yếu lắm rồi.
-5 năm 1 lần mới được Hội cho ăn chung, không có bia rượu nhạt mồm quá.
Anh Hữu Phương gọi 3 cô nhà văn trẻ của đoàn Quảng Bình về ăn.
Tiếng cô nào trong điện thoại:
-Bọn em ăn ngoài rồi ạ, ăn với các chú, toàn nghe nói tục, sợ chết được.
Hữu Phương cười.
Góc phòng ăn, một bà nhà thơ gọi tha thiết vào máy:
-Con dâu à, mẹ tới rồi, đang ăn với các nhà văn, nhà thơ, ừ, toàn nổi tiếng hết con ạ. Cái váy con cho mẹ mượn bó sát mông, lườn, ông nào cũng ngắm con ạ. Ừ. Nó hơi chật. Kệ đi. Chỉ có điều, đi đái hay bị vương vào váy, xấu hổ chết được.
Chưa lúc nào sách được trân quý trao nhau, kí tặng nhau dồn dập như thế này.
Thơ nhiều vô tận.
Vừa tặng vừa đọc thơ vang trời.
Nghe nói ở Mỹ dừng điều tra phiếu gian lận 2 ngày để dành thời gian theo dõi Đại hội Nhà văn Việt Nam lần này.
KỲ 3: HỘI NGHỊ ĐẢNG VIÊN
Chiều nay thì đông kín tiền sảnh.
Các đoàn nhà văn đã về hết.
Các quán cà phê và bia trong và trước khách sạn La Thành toàn nhà văn ngồi.
Đọc thơ, tặng sách, chụp ảnh, tưng bừng.
16g họp hội nghị Đảng viên.
Mình gọi cho anh Hữu Phương thì thầm:
-Anh làm sao cắp nách em vào được hội nghị này không nhỉ? Nhìn em giống đảng viên không?
Hữu Phương từ tốn:
-Ông thậm chí giống đảng viên hơi tôi.
Cười khùng khục.
Lên gác vào Hội trường, có chút hồi hộp, vì nếu Ban tổ chức phát hiện ra mình không đảng viên mà vào dự, đuổi thẳng cổ, xấu hổ chết.
Nhỉ?
Vâng ạ.
Hoá ra vào cửa tự do không soát vé.
Nhìn rõ có mấy lão không đảng viên còn xăng xái đi lại, chào hỏi, bắt tay, thì thầm, kéo ghế, ngồi nghiêm chỉnh hơn đảng viên.
Hơn ¾ đại biểu tóc bạc hoặc hói. Nữ ít. Trên bàn chủ tịch, anh Hữu Thỉnh đang phát biểu về một vài nội dung gì đó chả nghe thấy gì, chỉ biết chắc chắn là anh Hữu Thỉnh đang nói, vì đứng trên bục, còn âm thanh chủ yếu là các đại biểu nói chuyện râm ran, nói chuyện say mê, cười thoải mái.
Sau đó có ông gì to to, lên bục, nghe câu được câu chăng, đại khái là ca ngợi các nhà văn, ca ngợi những tác phẩm văn chương phục vụ đất nước, sau đó như quy trình phát biểu, chúng tôi hy vọng rằng, nhiệm kì tới, sẽ…
Phó chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều ngồi ở góc, rụt rè, cố ý thả râu tóc để già hơn tuổi, cho xứng danh tân chủ tịch nếu bầu trúng.
Mấy nhà văn nữ vừa đi sắm váy về lượn như cá cảnh từ hàng ghế thứ nhất đến hàng ghế 30 trong tư thế rúc rích, liếc xéo hoặc giả vờ nghiêm trang đọc tài liệu.
Mình hỏi anh Thiều, nghe đồn, ông Trần Tuấn Anh Bộ trưởng công thương cũng là hội viên à? Thiều vuốt ria mép gật đầu: Đúng rồi. Thơ/ Không thấy tới để hỏi về thuỷ điện mùa lũ cái nhỉ? Thiều cường khùng khục.
Đột ngột vang lên tiếng vỗ tay.
Mọi người ngơ ngác.
Thế họp xong rồi à?/ Xong rồi/ Không quán triệt gì ở hội nghị đảng viên này à? / Ai dám quán triệt/ Thế họp làm gì?/ Thì họp thôi, chứ biết làm gì?/
Gặp vội anh Hữu Thỉnh.
-Vinh hả em, khoẻ không?
-Em khoẻ ạ.
-Tốt quá.
-Hôm qua em vừa bỉ bôi anh trên facebook đấy.
-Thế à. Rất tuyệt vời.
Chen nhau phấn khởi nhận thẻ đại biểu và quà tặng.
Xác nhận, Hội Nhà văn quá tuyệt, ảnh ông nào trên thẻ cũng trẻ tươi, trẻ hơn mấy chục tuổi. Hỏi ra, ảnh này có từ thời các ông vào Hội thời trẻ, Hội chăm chút giữ ảnh đến giờ. Nể.
Hỏi Hữu Phương, nghe là Hội mình có 1116 hội viên anh ạ.
Hữu Phương nói, đó là tính cả hội viên đã mất đấy. Nhiệm kì nào cũng mất mấy chục, phấn đấu ngang ngửa với kết nạp mới.
Hội trường là những đại biểu nhà văn tiêu biểu. Không có họ không có văn chương Việt. Toàn người nổi tiếng. Cho nên cách hay nhất khi gặp các anh, các bác là cứ vác chuyện sân khấu ra nói, ai cũng nghe chăm chú.
Ai đó nói, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay của Hội đề nghị đông nhỉ/ Lại còn xét chán ra/ Ông nào chết dễ được, thằng còn sống ngồi đó mà mơ.
Gặp cậu nhà văn trẻ mang đống nợ tiền hồi sáng, thân thiết hỏi, em ở tỉnh nào, ra bia và đọc thơ với các anh các bác nhé? Mới một ngày, cậu ta đã khôn hẳn ra/ Không ạ, cháu là nhân viên khách sạn.
KỲ 4: ĐẠI HỘI LẦN TRƯỚC CÓ TỚI HƠN 300 ÔNG TỰ ỨNG CỬ. LẦN NÀY KHÔNG BIẾT BAO NHIÊU?
Đâu như 8g 30 sáng thì bắt đầu ngày đại hội chính thức thứ nhất.
Nói “đâu như” theo cách đoán mò vì từ trong hội trường và ngoài tiền sảnh đông và rộn ràng giống nhau.
Nhóm mấy nhà văn già chưa chịu vào Hội trường, cãi nhau mạnh mẽ, người khẳng định đại hội đã bắt đầu, người nói chưa, vì chưa thấy chào cờ, lại có người kết luận, đã chào cờ, đã mặc niệm những nhà văn đã mất. Cãi thế thôi mà dỗi, mỗi người một hướng, ra ca phê luôn.
Trên bục, nhà thơ Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh có vẻ như đang quán triệt hay đại khái kiểu như quá triệt về việc bầu Ban chấp hành. Chả nghe thấy gì, chỉ thấy khẩu khí mạnh mẽ, ánh mắt long lanh, miệng nhọn, tóc bay là chắc chắn đang quán triệt, kinh nghiệm thế.
Công nhận, đây là hội trường quá đặc biệt, với một hệ thống âm thanh rất minh bạch, tức anh nói thì tự anh nghe, còn người nghe thì không nghe anh nói.
Thấy nhà thơ Bùi Hoàng Tám đi bắt tay, cười, bắt tay, seo phì liên hồi với rất nhiều đại biểu, mình và nhà thơ Trần Đăng chặn lại. Ông định gây dấu ấn kiếm phiếu vào Ban chấp hành đấy à. Bắt tay gì nhiều thế? / Đéo đâu, không đi bắt tay thì biết làm gì. Rồi cười tít cả mắt. Trần Đăng nói, lão này vuông vuông thế mà có bài thơ hay thật, “ Đi ăn cưới vợ cũ” ấy:
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy chạy ra chào
Chồng mới của vợ cũ
Ra tận nơi đón vào…
Ôi cuộc tình rỗ rá
Mà cười vui bất ngờ
Mọi người tranh nhau hát
Mình cũng lên đọc thơ
Trong làn khói lơ mơ
Mình ghé tai hỏi vợ:
"Nếu cuộc tình này vỡ
Mình có mời anh không ?"
Bầu lần 1 là ứng cử, đề cử Ban chấp hành. Trần Đăng nói tôi đề cử ông nhé. Mình trợn mắt: Tao vả mày gãy răng. Đăng cười.
Hai thằng đang tâm sự về con cái thì bỗng một đại biểu già xô đến:
-Tại sao lại thế được, mọi người không nhận thức rõ, trên chỉ nói không để chủ tịch, phó chủ tịch ngoài 70 tuổi thôi, chứ uỷ viên Ban chấp hành thì 70 tuổi trở lên vẫn được đề cử, ứng cử chứ. Đúng không. Quá 60% đại biểu trên 70, không có người đại diện à? Mà tớ học sau ông Trọng một khóa thôi nhé. Đùa với tớ à?
Đăng nói thầm, lão này say rồi, tránh xa thôi.
Trong hội trường, thấy bảng chữ ghi vị trí ngồi của các đoàn đại biểu từ các địa phương, còn trên thực tế thì ai ngồi đâu cũng được, miễn còn ghế, có vẻ như số ghế ít hơn số đại biểu, vì chỗ ngồi đã kín mà bên ngoài thì còn cả rừng đại biểu đang seo phì, tặng thơ, trò chuyện râm ran, phấn khởi.
Có một nhà thơ già hăng hái kéo tay hai cô gái trẻ tươi, xinh xắn chụp ảnh chung. Xong hồ hởi lấy thơ ra:
-Các em tên gì nào, ở đoàn nhà văn nào để anh tặng tập thơ thứ 46 nhé. Hội viên tỉnh nào mà trẻ, xinh thế.
Một cô bẻn lẽn:
-Bác ơi, chúng cháu là nhân viên phục vụ hội nghị tiếp thị bán bóng đèn tiết kiệm điện bên này ạ.
Các góc, một số nhà văn đang trả lời phỏng vấn báo chí.
Tiếng một bác già già cúi rất sát vào míc:
-Tôi cho rằng, việc anh Hữu Thỉnh xin rút đã làm tôi rất xúc động. Đáng ra anh ấy rút từ khoá trước thì tôi sẽ xúc động hơn. Nhưng nếu không có anh Hữu Thỉnh thì ai sẽ đủ sức làm được chủ tịch. Cho nên, chúng tôi vẫn muốn bầu anh ấy.
Phóng viên:
-Bác nói rõ quan điểm chút ạ
-Rõ rồi đấy, Hữu Thỉnh nên rút, đã rút, cần rút sớm hơn, nhưng cũng nên tiếp tục làm.
Trần Đăng ghé tai tôi:
-Lão đang trả lời phỏng vấn chắc chuyên viết trường ca. Ha ha.
Mấy ông trưởng đoàn đại biểu các tỉnh là rất khổ, vất vả ngược xuôi như cảnh sát giao thông giờ cao điểm. Trên tay một tệp phiếu bầu, đi tìm, gọi điện, dí vào tay từng người trong đoàn phiếu bầu, xong, hướng dẫn, hướng dẫn, hướng dẫn.
Trong không khí bận rộn tắc đường, có hai đại biểu hỏi mọi người:
-Thế đại biểu Hà Nội cũng phải được đại hội cho tí gì chứ nhỉ?
-Tiền ăn đó bác.
-Bao nhiêu?
Nhà văn Bảo Ninh bao năm vẫn thế, mặc định một đống rơm tóc, gật gật, ai hỏi gì cũng gật, không hỏi cũng gật, ánh mắt nheo nheo, mình hỏi anh năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ, Bảo Ninh nói 75, ông bên cạnh nói, phét, ông sinh 1952, Bảo Ninh gật gật, thế à.
Một đại biểu đi tìm nhà văn Chu Lai, gặp ai cũng hỏi, Chu Lai đâu chuẩn bị tham luận. Một đại biểu nhanh nhảu, anh Chu Lai không dự, anh ấy không được bầu đi Đại hội/ Thế à, bớt đi một phát biểu dịu nhẹ, thiết tha về hình tượng những người đàn bà trong chiến tranh nhỉ.
Nhà thơ nữ xinh đẹp gặp các bạn thơ nữ ở sảnh, reo lên:
-Ôi các chị ơi, em phát hiện có chỗ bán váy đẹp cực.
-Thế à? Thế à? Chờ bầu xong rồi váy cái nhỉ?
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê kéo tôi sát góc hội trường, nghiêm trọng báo:
-Này Vinh, chiều qua, cậu đã tự í vào họp với đảng viên, xong còn khoe trên phây là thế nào?
-Có ai tố hả anh?
-Tại sao lại có hội nghị này làm gì nhỉ, mất thời gian. Mà miền Trung dứt khoát phải có một đại diện Ban chấp hành em nhé.
-Bầu ai anh?
-Tao biết đâu.
Phiếu ứng cử, đề cử của các đại biểu về danh sách bầu Ban chấp hành đã cho vào hòm phiếu.
Trần Đăng nói, chiều mới bầu được, đại hội trước tao ở Ban kiểm phiếu tao suýt chết, có tới hơn 300 ông tự ứng cử Ban chấp hành đấy. Lần này không biết bao nhiêu.
Đói quá. Mình nói với hai nhà văn nữ đoàn Quảng Bình, anh về ăn cơm đây, đói/ Ối anh ơi, còn đề cử Ban kiểm tra nữa/ Kệ. Đề cử giúp anh nhé.
Mình kéo Trần Đăng ra cửa.
Sau lưng cậu nhà văn trẻ dính nợ hôm qua ghé tai:
-Cho em đi theo với.
Trần Đăng hỏi:
-Em là ai? Bọn tao đi tán gái, theo làm gì?
Cậu nhà văn trẻ đỏ mặt:
-Tán gái cũng được, cho em theo với, em ở lại đây thế nào cũng bị lôi vào bàn nhậu rồi đọc thơ, rồi thanh toán, mà em hết tiền rồi.
Trần Đăng vỗ vai:
-Mày trẻ, trai đẹp, mày tán đổ thì bàn giao cho 2 anh nhé.
-Em lên phòng đây.
Hết buổi sáng đại hội chính thức.
KỲ 5: SÁNG MAI LỄ BẾ MẠC SẼ KHOE VỚI THẬP LOẠI CHÚNG SINH
Sôi nổi. Tưng bừng. Hân hoan. Hàng nối hàng. Già đứng trước. Trẻ nhường nhịn đứng sau. Yêu cầu không chen nhau làm mất trật tự. Một cô cầm cái dấu đóng vào mặt sau thẻ đại biểu thì mới được cho phiếu vào khe thùng ( nói là tránh gian lận bỏ 2 lần. Học kinh nghiệm Mỹ).
Một cụ bỏ xong quay ra hoan hỉ, nói, nhớ quá thời đi mua thịt bằng phiếu. Seo phì tưng bừng khi bỏ phiếu. Nhác thấy những anh chị có trong danh sách bầu vẻ mặt căng căng thẳng thẳng. Ban kiểm phiếu cử một vị đại biểu trung niên cánh tay cuồn cuộn đón chắc phiếu từ tay đại biểu rồi cho vào thùng.
Mình càu nhàu với Trần Đăng sao lại không cho tôi trực tiếp bỏ phiếu vào khe. Trần Đăng dịu dàng giải thích, nói ông ngu quá, các cụ ông cụ bà tay yếu chân run cứ nhón nhón nhón chân tìm khe nhỡ thùng phiếu nó đổ úp phát thì tàn một đời văn à.
Lại nghe trưa nay có một đại biểu già trượt ngã cầu thang, may không nặng.
Tìm mãi mới thấy Trần Đăng Khoa đang xếp hàng lọt thỏm giữa hai nhà thơ nữ to cao lừng lững. Nhìn Khoa lủn củn đi bỏ phiếu thấy như đang chơi với các anh chị ở góc sân nhà em.
Tối nay mới kiểm phiếu. Kiểm xong Ban chấp hành mới bầu Chủ tịch, 2 phó chủ tịch. Sáng mai lễ bế mạc sẽ khoe với thập loại chúng sinh. Nhưng tối nay sẽ bắt đầu nghe rò rĩ thì thào từ ban kiểm phiếu.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ngồi hàng ghế sau cùng, luôn trong tư thế nghiêm chỉnh, cười tủm tỉm.
Ai bỏ phiếu thì được ăn dưa hấu và ca phê sữa được pha giữ trong thùng. Ai chưa bỏ thì các trưởng đoàn dùng cơ bắp dịu dàng dẫn giải tới thùng phiếu để vui sướng reo lên " Đoàn tôi xong".
Rõ ràng, đại hội đang đi từng bước, đoàn kết, thương yêu, bỏ qua thời kì quá độ, tiến thẳng, tiến vững chắc đến kết thúc tại tiệc mặn trưa mai.

1 nhận xét:

Đi tìm sự thật nói...

Một số bạn đọc mấy kì viết lung tung lang tang của tôi bên lề Đại hội nhà văn xong, há hốc mồm, ồ í a, la trời la đất nhà văn mà thế à, đại hội mà thế à, xong, bỉ bôi, mắng mỏ, thậm chí xúc phạm các nhà văn.
Nhầm.
Sự nghiêm túc của nhà văn là ở khí chất của họ, sự hồn nhiên của họ, tự do của họ, không màu mè, không trịnh trọng, không ra vẻ, chỉ có số ít thôi công chức hoá mình, trịnh trọng và nghiêm nghị cho ra vẻ thôi, còn lại, số đông các nhà văn họ không mãi chau chuốt, không có thời gian chau chuốt, vì thời gian chau chuốt của họ dành vào những ngày, những đêm, những tháng năm im lặng và cô đơn trên bàn viết.
Đừng nhìn cái cách họ nói, cả nói tục, đừng nhìn cái cách họ say, đừng nhìn cái cách họ bỗ bã, tếu táo mà nhầm sang tác phẩm.
Không liên quan gì giữa một nhà văn áo quần xộc xệch, thậm chí có những nhà văn gầy gò mang vét trông như cái móc quần áo di động, thậm chí nhìn vẻ ngoài dị hợm, lôi thôi lếch thếch, nhưng hãy đọc văn thơ tác phẩm của họ xem, ngân vang, trong vắt, hay đến từng dấu phẩy.
Nhà văn rất hay tự giễu nhại mình, giễu nhại bạn văn mình, những giễu nhại hài hước để cười, để trút bỏ căng thẳng, nhưng sau đó là những cái xiết tay nhau ấm áp, những vòng tay ôm nhau nồng nàn, những tình nghĩa sâu nặng, và đêm đêm, họ đọc của nhau, từng chữ, an ủi nhau, cổ vũ nhau.
Chỉ có nhà văn mới có thể mạnh mẽ và thẳng thắn “ nói xấu” nhau, phê bình tác phẩm của nhau một cách hồn nhiên như thế, không né tránh, không a dua, chỉ có nhà văn mới tự thấy rất rõ mình, mỗi người chỉ là một thôi, không trùng lặp, dù tác phẩm viết ra hay hoặc chưa hay, thì cũng chỉ là 1 thôi, mất đi một nhà văn là mất đi 1, không thay thế gì vào đó được.
Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy một nhà thơ già khóc thút thít chỉ vì bạn văn chê thơ mình, rồi giận dỗi, rồi phụng phịu, rồi phùng má trợn mắt cãi nhau vì chê nhau, không có cái đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, bơ vơ trong mỗi nhà văn, khó để có nỗi cảm xúc lớn lao ở mỗi trang viết, cái cảm xúc chỉ nhà văn mới nhận ra, để viết, vượt qua muôn vàn đen trắng của cuộc sống, để chất chứa vào từng trang chữ.
Bạn đừng ngạc nhiên khi những nhà văn nhịn ăn, nhịn mặc, vét từng đồng bạc cuối cùng mua sách của mình tặng bạn, hạnh phúc đặt một chữ ký tên mình lên trang sách mới ra, mà không đòi hỏi điều gì hết, dù sách đó tặng bạn, bạn để lên giá sách, để ở góc phòng, thậm chí nhận sách xong, hỉ hả xong, bạn còn để quên ở quán ca phê mà không thèm quay lại lấy hoặc giấy bóng bao sách mãi mãi còn mà bạn chưa 1 lần bóc ra lật giở trang sách xem nhưng bạn vẫn oang oang nhận định khen chê về nhà văn mỗi ngày.
Bạn dễ dàng chửi nhà văn là nâng bị, bưng bô, bạn sẵn sàng chửi nhà văn là không có tác phẩm đỉnh cao, bạn sẵn sàng hất đổ cả một thế hệ văn chương đất nước, nhưng chính bạn chứ không phải ai khác chẳng đọc gì ngoài lướt mạng.
Trong một rừng cây sẽ có cây cổ thụ, cây gỗ quý, cây tạp, thậm chí cả nấm độc. Muốn biết, phải vào rừng chứ không chỉ là nhìn bằng ảnh, tâm thế bạn thế nào sẽ cho bạn góc nhìn đó.
Một nền văn học của dân tộc sẽ còn lại những tác phẩm sâu sắc, nhân văn, vâm váp về đất nước, về thân phận con người, về tên tuổi những nhà văn lớn, những gì thuộc về cách viết minh hoạ, những gì thuộc về những cây bút cơ hội, danh hão, rồi sẽ bị xoá nhoà, không phải bận tâm về điều đó.
Tôi đã khóc khi ôm ghì lấy các bác nhà văn nhiều tuổi, những bước chân run sau một đời văn chữ thẳng, và âm thầm biết với nhau, 5 năm của Đại hội tới, sẽ có người mãi mãi đi xa…Chỉ tác phẩm của họ là ở lại cho chúng ta mỗi ngày, vĩnh cữu.
Tôi yêu văn chương/ Tôi thích viết/ Lấy dao dí cổ tôi cũng viết/ Trả nhiều tiền tôi rất thích/ Không trả đồng nào tôi cũng viết/ Nhà văn đơn giản chỉ thế thôi.
Cuối cùng thì nhìn nhà văn hãy như nhìn vào cát bỏng cháy, cát khô cạn, cát xác xơ, nhưng dưới cát là nước, mát lạnh, tươi tắn, dưỡng sinh đời sống.
.
Lời Bọ Vinh PR nha...