Translate

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

NIỀM TIN TRONG CƠN LŨ.

 Người dân VN thật kỳ diệu với tinh thần vì đồng bào. Tôi tin chắc bạn cũng đồng tình với tôi sau những gì đang diễn ra trong cơn lũ miền trung.

Chung tay nấu bánh gửi đồng bào vùng lũ lụt

Chẳng ai phải bảo ai, tất cả đều tự thấy trách nhiệm mình trong dòng máu dân tộc. Mỗi người đều hành động xuất phát từ trái tim theo cách mà mình thấy nên làm. Người quyên quần áo, người quyên lương thực, người lao vào dòng lũ để cứu vớt người bị nạn.... Thật lớn lao và cao đẹp... nhưng có lẽ điều chúng ta đang thiếu đó chính là Niềm Tin và một kế hoạch tổng thể một cách bài bản từ những người đứng đầu có trách nhiệm.
Nhiều câu hỏi được đặt ra và tranh luận suốt mấy ngày qua như
- tiền quyên góp liệu có đến tay người dân?
- vai trò của những người lãnh đạo là gì?
- quyên góp cho ai thì tốt nhất?
V.v...
Dĩ nhiên ai cũng có quyền đặt ra câu hỏi đó khi mà niềm tin chưa trọn vẹn, khi mà thỉnh thoảng trên báo lại có tin chỗ này chỗ kia ăn chặn tiền trợ cấp hay lợi dụng từ thiện khiến niềm tin giảm sút.
Quay lại vấn đề của Thuỷ Tiên, cá nhân tôi hoàn toàn rất tin tưởng Thuỷ Tiên sau tất cả những gì cô đã làm trong những năm qua, nhưng tôi tin cũng không mấy người hiểu được sự vất vả của cô ấy khi được uỷ nhiệm niềm tin với số tiền rất lớn là trên 100 tỷ. Nếu số tiền vài chục triệu hay một vài trăm triệu thì quá đơn giản để làm một điều gì đó ý nghĩa. Nhưng vài tỷ câu chuyện lại khác. Khi được đưa lên đầy mặt báo thì câu chuyện càng khác khác. Người ta sẽ đặt câu hỏi về cách dùng số tiền đó liệu có hiệu quả, minh bạch hay không và làm thế nào?...
Tôi chắc chắn rằng một mình Thuỷ Tiên khó có thể tự mình giải ngân 100 tỷ trong một thời gian ngắn. Bạn cứ thử nghĩ cách giải ngân hộ Thuỷ Tiên xem có khó không? Không hề đơn giản vì khó có nhân lực kế toán nào có thể thống kê và trình bày 100 tỷ đó đã dùng thế nào cho các bạn với cả đống hoá đơn giấy tờ liên quan.
Thuỷ Tiên liệu có sức và thời gian đi tìm và phát tặng mỗi gia đình khoảng 5 triệu không? Như vậy phải phát cho 20.000 người? Hay đầu tư vào xây dựng nhà đổ và các công trình công cộng? Thời gian để hoàn thành công trình quả không ngắn đúng không? Thuỷ Tiên lấy đâu thời gian và sức lực để theo đuổi? Các bạn tin tưởng Thuỷ Tiên nhưng trong tình huống nào đó là đã đưa cô ấy vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Quay về phía chính quyền địa phương. Thực tế trong cơn lũ, họ vẫn bên cạnh người dân theo cách của họ như giám sát tìm kiếm, cứu nạn, phân luồng giao thông, phân phát lương thực... cắt cử người hướng dẫn các đoàn thiện nguyện. Nhân lực họ mỏng, ngoài việc cứu hộ cứu nạn, họ còn cả đống việc bộn bề sau lũ tại địa phương. Các đoàn từ thiện từ nơi khác vào không thông thuộc địa hình, nếu không liên hệ với chính quyền liệu có tự vào vùng lũ an toàn hay không?
Cá nhân tôi cũng cùng với nhóm của tôi quyên góp và cũng đã đánh giá tình hình để đưa ra cách làm tốt và cũng phải đảm bảo an toàn cho các thành viên tham gia.
Tại sao lượng mỳ tôm đưa vào nhiều thế mà vẫn có nhiều người bảo không nên mang? Đó là do chúng ta thiếu một kịch bản cứu hộ vùng lũ ở các nhóm tự phát.
Một kịch bản đầy đủ sẽ tiết kiệm tránh lãng phí và hiệu quả hơn rất nhiều.
Sau lũ, chính quyền địa phương cần làm lại đường, trường học, trạm y tế, thuốc men, mua sắm lại các trang thiết bị cần thiết sau khi bị lũ cuốn trôi, sửa điện, sửa nguồn nước... Sinh mạng người dân quý lắm, nhưng để ổn định lại cuộc sống người dân thì vẫn cần phải nghĩ thoáng ra.
Thấu hiểu và đoàn kết lại sẽ thấy được Niềm tin.( Bs Phúc )
_______________________
VIỆT NAM CỐ LÊN


Cái dở của cán bộ địa phương là sự cả nể, làm việc xô bồ, thiếu suy nghĩ, quản lý, tâm lý "cào bằng" mọi người, để sau này còn có "chỗ đi lại", hoặc ưu tiên người nhà, họ hàng... thành ra công việc nếu giao chỉ cho họ là thường không hiệu quả.
Vậy nên anh Huy Đức đề xuất nên sử dụng MTTQ hay cán bộ địa phương như một lực lượng hỗ trợ, cái đó là nên.
Tâm lý mất lòng tin vào chính quyền dẫn tới ghét bỏ mọi thứ liên quan tới chính quyền, điều đó cũng dở. Nhìn lại lịch sử, người Việt ghét người Việt thế kỷ này qua thế kỷ khác, đánh nhau, giết nhau nhiều hơn nhiều so với các cuộc chiến với giặc ngoại xâm... Thế kỷ 21, khi nhận thức con người đã được đưa lên một tầm khác, việc này có lẽ nên cần được nhìn nhận lại.
Chính quyền có những cái xấu - hãy phản đối quyết liệt cái xấu - nhưng những cái có thể tốt, cùng đem lại lợi ích cho xã hội, có thể cùng làm được thì hãy cùng làm, tại sao không ? Xích lại gần nhau, để cùng nhau thay đổi, đó mới là con đường cần thiết cho dân tộc Việt, hơn là cắm đầu chửi bới, đánh đập lẫn nhau.
Con người là con người, trong MTTQ cũng sẽ có người tốt và người xấu, nhất là ở cấp thấp, bởi nó ít dính tới chính trị, phe này phe kia... Khi làm việc tử tế, hãy cùng làm với bất kỳ ai, nếu họ cũng thực sự muốn làm điều đó, chứ không phải họ thuộc về phía nào.
2. Đang lũ lụt, việc cứu hộ là việc của các lực lượng chuyên nghiệp, có sức khỏe. Cái đó cũng là đúng. Thiện nguyên chưa bao giờ là đem quà vào phát, quay phim, chụp ảnh đưa lên facebook cả, nếu chỉ thế thì đơn giản quá, nhất là những lúc nước sôi lửa bỏng thế này.
Nếu bạn có 1 ê kíp tốt, khỏe mạnh, có kinh nghiệm ứng phó, chịu khó, chịu khổ được, hãy vào đó lúc này. Còn nếu không, tạm thời ở bên ngoài, ủng hộ những người như thế. Vào nhiều quá, sẽ gây sự rối loạn, thậm chí cho cả các công tác cứu trợ ở địa phương, điều đó cũng là thật.
Đừng làm đại trà, hãy làm kỹ. Chọn 1 điểm, 1 làng, 1 xã, và chỉ tập trung ở đó thôi, từng nhà, từng người... xong mới đi tiếp. Chậm mà chắc. Chúng ta muốn giúp người mà, đâu phải thành tích hay số lượng đâu ? Hãy giúp đâu ra đó, thì mới lâu bền được. Chạy lung tung chỗ này 1 tý, chỗ kia 1 tý, hiệu quả kém mà mệt người, thật đấy.
3. Không chỉ "đi vào vùng lũ phát quà" mới là thiện nguyện. Suy nghĩ như vậy là chưa đúng. Thiện nguyện chưa bao giờ là show diễn, càng không phải "cuộc chơi". Có những người đứng ở tuyến đầu, thì cũng phải có những người ủng hộ phía sau: từ tài chính, vật dụng, chia sẻ kinh nghiệm... tất cả là một chuỗi dây xích, mà để làm được tốt, thì ai cũng đều cố gắng, đều quan trọng như nhau
Thủy Tiên bạn ý cũng không vào đó một mình, mà có cả một ê kíp có kinh nghiệm đi cùng. Nhưng ngay cả việc đứng xung quanh bạn ý, như một bức tường chống lại sự thị phi, xuyên tạc, thì đó cũng là chúng ta đang tham gia công tác thiện nguyện cùng bạn ý rồi đấy. Ai cũng cần một hậu phương vững chắc, thì khi đó việc lớn mới thành
Hãy tập nghe nhau, hiểu nhau, rồi cùng nhau chung tay làm việc. Hãy luôn luôn nói với tâm thế góp ý, chứ không phải đả kích, chê bai. Khi đó xã hội sẽ thay đổi.
Việt Nam cố lên !
PS. Thực ra nếu bạn đi tại chỗ, bạn sẽ thấy là không có chính quyền rất khó làm: sẽ bị địa phương hỏi han, hoạnh họe, dân cũng nghi ngờ và bạn cũng chẳng biết đâu vào đâu, nếu không có thổ địa.
Mà rồi thổ địa không qua chính quyền cũng sẽ bị tác động, làm khó.
Chưa kể có chính quyền, huy động người, nguồn lực địa phương, mượn chỗ thực hiện, kho tàng bến bãi cũng nhanh và dễ hơn nhiều.
Tôi KHÔNG ỦNG HỘ việc giao lại tất cả cho họ, nhưng nếu CÙNG LÀM được, thì đó là điều nên. Kinh nghiệm nhiều năm của mình thấy thế. ( Phan Châu Thành )

Không có nhận xét nào: