Translate

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

“Tất cả vì con em chúng ta, kệ cha con em chúng nó”!

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ăn và cận cảnh
- Hộp sữa có là bao mà phải có giấy tờ hở các ông các bà? Các ngài ăn hàng ngàn tỷ, hàng trăm tỷ có giấy tờ gì đâu mà tiếc, mà không lo được một hộp sữa cho trẻ con. Các người không biết xót xa à? Không thì cũng phải biết thẹn khi đòi cái giấy chứng nhận nghèo mới ban cho đứa trẻ một hộp sữa tí teo ấy ?
Ngay từ hơn nửa thế kỷ trước, ở miền Nam, học sinh đến trường được uống sữa miễn phí là chuyện bình thường. Hồi đó, suy cho cùng xã hội cũng chưa giàu có và phong phú thực phẩm như bây giờ, nhưng chuyện cho trẻ con uống sữa không có sự phân biệt nào.
Giàu, nghèo, con công chức cũng như con người lao động được đối xử như nhau. Bởi đối với trẻ con, sự phân biệt sẽ hằn trong tâm hồn đứa trẻ và theo chúng suốt cuộc đời. Chúng sẽ mang mặc cảm tự ti, chúng sẽ hằn thù và có khi đưa đến nổi loạn. Do vậy, trong nhà trường, tuyệt đối không nên phân biệt giàu nghèo và đó cũng là một nhiệm vụ của giáo dục.
Thế mà ngày nay, trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, người ta phân biệt từng đối tượng để được uống sữa học đường. Học sinh tham gia chương trình theo đăng ký tự nguyện của phụ huynh với 50% mức phí, ngân sách TP hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp 20%. Đặc biệt, trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội tham gia đề án sẽ được ngân sách TP hỗ trợ 50% phí và doanh nghiệp 50%.
Nghĩa là các em này sẽ được uống sữa hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, để uống được sữa miễn phí, các em hộ nghèo, cận nghèo phải có sổ xác nhận hộ nghèo. Tức là con nhà nghèo muốn uống được sữa phải nộp cho nhà trường giấy chứng nhận hộ nghèo. Trong nhà trường hiện nay, nhiều cháu từ tỉnh khác đến, theo chân cha mẹ đi làm công nhân, lao động, họ chỉ có giấy tạm trú hoặc nhiều lúc chẳng có giấy tờ gì, họ sẽ chẳng có ai chứng nhận cho họ là hộ nghèo để cho con họ được uống sữa như chúng bạn. Thật đúng là “Tất cả vì con em chúng ta, kệ cha con em chúng nó”!
Có thể hộp sữa nho nhỏ bây giờ thời giá chẳng bao nhiêu, thế nhưng khi tất cả bè bạn uống sữa, đứa bé con nhà nghèo không có sữa sẽ tủi thân biết chừng nào, sẽ buồn tủi biết bao nhiêu? Trẻ con mà! Tình cảnh ấy nhìn qua có thể không thấy gì, nhưng nghĩ cho cùng cũng là hành động tàn ác. Và nỗi buồn này sẽ hằn sâu trong tâm trí trẻ gây ra những phản ứng tâm lý bất lợi.
Mục đích sữa học đường là để nâng cao tầm vóc và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ. Thật ra, bây giờ rất nhiều gia đình trung lưu trở lên ở các tỉnh thành chẳng cần thiết sữa học đường vì gia đình đã dư sức để bồi dưỡng và nuôi nấng tốt cho con cháu họ. Đối tượng cần sữa học đường chính là các trẻ em nghèo, nhưng rồi các em lại không được hưởng thụ vì những chuyện giấy tờ phức tạp.
Chuyện mặc cảm bản thân, tự ti về tình trạng gia đình, buồn bã vì không được như chúng bạn, tác động ngay trong lớp học và chuyện phân biệt giàu nghèo chắc chắn sẽ xảy đến. Vô hình chung, vì một hộp sữa mà lớp học lại phân chia giai cấp rõ rệt, để lại vết hằn ngay trong thời chưa lớn.
Hộp sữa có là bao mà phải có giấy tờ hở các ông các bà? Các ngài ăn hàng ngàn tỷ, hàng trăm tỷ có giấy tờ gì đâu mà tiếc, mà không lo được một hộp sữa cho trẻ con. Các người không biết xót xa à? Không thì cũng phải biết thẹn khi đòi cái giấy chứng nhận nghèo mới ban cho đứa trẻ một hộp sữa tí teo chứ?
- Xác nhận hộ nghèo mới được uống sữa học đường ( báo TT ) 
Chương trình sữa học đường: Trẻ diện hộ nghèo khó tiếp cận (SGGP).
33.000 Trẻ em miền núi Quảng Nam uống sữa miễn phí nhờ sữa học đường (Nhà Đầu Tư).
PR.
 Quả thật, nếu không có hàng loạt đường link của báo chính thống mà Tiếng dân đưa bên dưới bài, mình sẽ không tin. Hóa ra là chương trình Sữa học đường cho trẻ em, ở bất cứ QG văn minh nào nào, cũng là sự bình đẳng cho mọi đứa trẻ giàu nghèo, giờ đây ở nước Việt này lại có thể nhìn rõ nhất sự phân biệt và bất bình đẳng, ngay với đứa trẻ
Bỗng nhớ câu chuyện này, trong lòng mình vừa xót vừa thương. Những năm 80, ngành GD có một dự án thí điểm của một QG (Hà Lan hay Pháp), mình không nhớ rõ, tài trợ sữa học đường cho trẻ em miền núi. Trong suốt mấy năm có chương trình tài trợ này, một điều nhận ra rất rõ, các bé vùng cao đi học rất đều. Và chúng rất mong đến giờ nghỉ, khi đó bạn lớp trưởng đi phát sữa, bánh ngọt cho các bạn. Chỉ có thế thôi mà duy trì được sĩ số học sinh suốt 3-4 năm. Đôi mắt, da dẻ các bé như sáng hơn, hồng hào hơn. Nhưng chương trình chỉ có 3-4 năm, mang tính thí điểm rồi thôi
Nói câu chuyện dự án thí điểm này để thấy rằng, chương trình Sữa học đường vô cùng cần thiết, cho trẻ em VN nâng cao thể chất, thể lực. Đó cần coi là Chiến lược của cả một dân tộc . Đâu ngờ bây giờ, đến sữa học đường cũng mang tính phân biệt giàu nghèo một cách cay đắng đến vậy với phận trẻ nghèo. Vậy tính "định hướng XHCN" ở đâu?
Người ta nói, người lớn có thể còn chịu bất công bởi hoàn cảnh XH, nhưng với đứa trẻ, các bé ko có tội tình gì, đừng "đóng dấu ấn phân biệt đầy mặc cảm tự ti" vào tâm hồn các bé như thế?
Không hiểu ông Bộ trưởng GD nghĩ gì mà lại để trẻ em uống sữa theo kiểu "kinh tế thị trường" lạnh tanh thế này?

Không có nhận xét nào: