Translate

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

NHẬT KÝ CỦA NHÀ VĂN PHƯƠNG PHƯƠNG BỊ XÓA KHỎI TRANG MẠNG. VÌ SAO?

Bài hơi dài nhưng chịu khó đọc ta sẽ thêm hiểu mặt trái phải của công việc mà người ta hay gọi là: Công tác truyền thông

- Dù là nhà văn hay đạo diễn nổi tiếng, hay chỉ là một người viết của nhóm độc giả nhất định, thì giới hạn duy nhất trong trình bày tác phẩm của họ là phải cố gắng tối đa sao cho thật chân thực. ... Các tác giả có quyền lựa chọn nội dung, và độc giả cũng có quyền không đọc. Nhưng chúng ta không nên chỉ dựa vào sự yêu ghét của cá nhân mà phủ định sự tồn tại của một phần thế giới khác.
2 ĐIỂM ĐÁNG QUÝ TRONG NHẬT KÝ PHƯƠNG PHƯƠNG.


“Một người bạn quen biết lâu năm trên mạng gọi điện tám chuyện với tôi về tình hình đương thời.
Anh bảo: "Đại dịch ập đến, ai nấy đều khốn khổ. Nhưng nhà văn Phương Phương ở Vũ Hán quê chị thật là phiền phức!" Lúc tai ương thế này, làm sao tránh khỏi hy sinh, mất mát! Bao nhiêu thứ tích cực không viết, ngày nào cũng gieo rắc tâm lý tiêu cực, chẳng giúp ích gì cho công tác chống dịch. Trong lúc này, một nhà văn có trách nhiệm phải biết động viên, cổ vũ mọi người."

NHẬT KÝ PHẢN CẢM, GIEO RẮC TIÊU CỰC ? Chúng tôi từng là những thanh niên đam mê văn học nghệ thuật. Hồi đó tôi là nhân viên hành chính trong một doanh nghiệp nhà nước, còn anh là cán bộ nhà nước. Sau này, tôi đã xin thôi việc, còn anh trở thành quan phụ mẫu một vùng.
Với những hiểu biết của tôi về anh, tôi cho rằng anh không vì lợi ích cá nhân hay có ý đồ xấu khi phê phán Phương Phương. Anh chỉ lo rằng tâm lý tiêu cực sẽ đè nặng lên công chúng. Anh mong sao trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, chỉ tồn tại một tiếng nói, đó là cả nước đồng sức đồng lòng, chiến thắng dịch bệnh.
Không chỉ mình anh phê phán Phương Phương.
Nếu theo dõi các bài nhật ký trên tài khoản wechat của cô, ở phần bình luận, sẽ thấy xuất hiện không ít các đánh giá không hay về cô.
Thực lòng thì, không phải bài nào của cô tôi cũng đọc, và cũng không phải bài nào cũng đọc được hết. Đôi khi, vì quá mệt mỏi và áp lực, tôi thích nhìn ngắm nụ cười của ông Chung Nam Sơn hơn, thích quan tâm đến tin tức về vắc xin hơn, hay tin tức về việc cụ ông 97 tuổi nhiễm Sars-CoV-2 đã ra viện hay chưa. Khi tâm tư mỏi mệt, chúng ta có quyền lựa chọn cách thức nhẹ nhàng hơn để đối diện với cuộc sống, dù đó có thể chỉ là hành động chợp mắt một lát, hoặc nút bông vào lỗ tai.
Tất nhiên, đó là vấn đề lựa chọn của cá nhân. Không thể vì anh chọn A, mà anh nhắm mắt nhắm mũi bảo B không tồn tại, thậm chí phán xét người quan tâm đến B là kẻ phiền phức.
Trong bối cảnh nhân dân cả nước đều phải hứng chịu những tổn thất to lớn do dịch bệnh gây ra, nếu chúng ta đã cho phép mọi người xoa dịu nỗi thống khổ bằng niềm lạc quan khi tổ chức cuộc thi thiết kế thẻ ra vào các khu cách ly, thì đồng thời, chúng ta cũng cần tôn trọng những người chép lại tâm trạng bi quan bằng tâm trạng bi quan, đáp trả nỗi thống khổ bằng nỗi thống khổ. Vì họ, cũng đều là dũng sỹ.
Còn việc lựa chọn đọc ai, đọc gì, đó là quyền tự do cá nhân.
...Dù là nhà văn hay đạo diễn nổi tiếng, hay chỉ là một người viết của nhóm độc giả nhất định, thì giới hạn duy nhất trong trình bày tác phẩm của họ là phải cố gắng tối đa sao cho thật chân thực. ... Các tác giả có quyền lựa chọn nội dung, và độc giả cũng có quyền không đọc. Nhưng chúng ta không nên chỉ dựa vào sự yêu ghét của cá nhân mà phủ định sự tồn tại của một phần thế giới khác.

2 ĐIỂM ĐÁNG QUÝ TRONG NHẬT KÝ PHƯƠNG PHƯƠNG
Là một nhà văn người Vũ Hán, theo tôi, nhật ký của Phương Phương ít nhất có 2 điểm đáng quý:
Thứ nhất, cô ấy ghi lại trong nhật ký những điều mà nhiều vị khác, mặc dù có thân phận, địa vị và tiếng nói ngang tầm cô ấy nhưng không buồn lưu tâm đến...Về điểm này, có thể nói Phương Phương chính là nhà văn của quần chúng, cô ấy giống như một người bạn của chúng ta trên mạng xã hội, hay một người hàng xóm ở nhà kế bên.
Vốn đã có mối liên hệ, gắn bó tình cảm sâu đậm, đặc biệt với Vũ Hán, cô đã hòa mình vào đời sống của dân thường. Thậm chí, trong các bài nhật kí, cô đã cố gắng giảm thiểu tối đa cách viết và cách dùng từ văn vẻ. Chân thực, thời sự, chi tiết chính là tông điệu chính trong các trang nhật kí của Phương Phương. Tông điệu này, có người thích có người không, điều đó là bình thường.
Vào những thời khắc đặc biệt, cả anh hùng lẫn thường dân cùng xuất hiện, tin tốt và tin xấu cùng tồn tại, cảm xúc hừng hực khí thế và tâm tư u uất, bất lực xen kẽ, đan cài. Và tương tự, có người hào sảng, thì cũng có người "phiền phức", ấy cũng là sự thường.
Chúng ta cần lưu ý rằng, sự thực vốn đa chiều, nếu chỉ là sự thực một chiều thì dù chúng ta có thành thật đến đâu, sự thực cũng biến thành giả dối.
"Nếu không được tự do phê phán, thì khen ngợi cũng chẳng có ý nghĩa gì", đây chính là logic của vấn đề.
Thứ hai. Đó là trong thời đại hỗn tạp, khi mà con người cứ lạc quan vô tội vạ, Phương Phương vẫn giữ cho mình một tâm thế bi quan để có thể tĩnh lặng suy tư.
Cần biết rằng, nếu đã là người của công chúng, tâm thế bi quan chắc chắn không được nhiều người hưởng ứng.
Kể cả trong nhóm bạn bè của chúng ta cũng vậy, thông tin được chia sẻ càng ngày càng trở nên một màu, thường sẽ chỉ có niềm hân hoan, mà không còn đau khổ; chỉ có cuộc sống đẹp đẽ, tinh khôi mà không còn lông gà, lông vịt.
Sở dĩ chúng ta nương náu quá nhiều vào những vở kịch vui, nhưng trang viết hài hước, là bởi chúng ta không muốn phải chịu thêm bất cứ áp lực và đau khổ nào nữa bên ngoài đời sống. Nhưng nhà văn, họ là những người có khả năng nhìn thấu và năng lực chịu đựng nỗi thống khổ cao hơn người bình thường. Đó là số phận, cũng là nghề nghiệp của họ.
Tâm thế bi quan ở nhà văn, giống như tấm kính phóng đại mang lòng trắc ẩn, giúp phóng đại chân tướng tàn khốc của sự thật mà người bình thường không muốn đối diện. Nhưng thường thì chân tướng ấy đều là những "vết thương thời đại" giàu giá trị phản tư nhất.
Thế nên, tôi có thể hiểu vì sao một số người thấy phản cảm với các trang nhật kí của Phương Phương. Là bởi nó quá chân thực, không hề được tô hồng, chải chuốt. Mà ở Vũ Hán, nơi hiện nay là tâm dịch, quá ư chân thực đồng nghĩa với việc trong đó sẽ chứa đựng sự thực tàn nhẫn, thái độ phê phán và chê trách.
Một nhà báo Vũ Hán giàu kinh nghiệm từng viết: "Không ai có thể bước vào nghịch cảnh của người khác. Nghịch cảnh là tất cả những gì mà người rơi vào nghịch cảnh có được."
Nếu trong đời, không ai có thể hoàn toàn thấu hiểu ai, không ai có thể đồng cảm tuyệt đối với ai, thì chắc chắn nhật kí của Phương Phương cũng không phải một giáo khoa thư toàn dân. Đọc hay không, tùy anh lựa chọn. Nhưng dù anh có đọc hay không, giá trị của những ghi chép chân thực sẽ không biến chất hay phai màu chỉ bởi tình cảm yêu ghét cá nhân của anh.
Khi trả lời phỏng vấn báo Trung Tân Xã, Phương Phương từng nói: "Tôi không cố ý moi móc, tôi đang phản biện."

NHÀ VĂN CHỈ “TỒN TẠI” KHI VIẾT VỀ NỖI KHỔ DÂN THƯỜNG
Là một cư dân phải giam mình trong thành phố Vũ Hán, Phương Phương cũng từng thừa nhận, nhật kí của cô chứa đựng những cảm xúc cá nhân. Cô gọi đó là tâm tư, tình cảm một thường dân Vũ Hán.
Trong nhật kí ngày 4/2, cô viết: "Tai ương tày trời này, dù muốn hay không, dù có gánh nổi hay không cũng phải cố sống cố chết mà gánh lấy. Nhưng gánh mãi thì cũng có lúc oải, mà anh muốn tôi gánh thay anh, thì anh phải chịu để cho tôi rủa xả!"
Khi đại dịch ập đến, khổ nhất là dân thường. Họ là đối tượng chính trong nhật kí của Phương Phương. Và cũng chính bởi vậy, mà cô bị chê là gây phiền phức, là phản cảm.
Lý do người chê cô đưa ra là, với tư cách một nhà văn, lại từng đảm nhiệm Chức vụ chủ tịch hội nhà văn tỉnh Hồ Bắc, vì sao cô không "chạm" đến huyết mạch của thời đại với biết bao câu chuyện, biết bao sự kiện vĩ đại, lay động lòng người? Sao cô lại cứ trăn trở mấy chuyện vặt vãnh kiểu như nhà ông Trương không thể nhập viện, nhà anh Lý không có thức ăn. Chúng ta đang đánh trận, mà đánh trận thì phải hy sinh, đừng thổi phồng quá mức sự hi sinh, mất mát. Cần nhớ rằng, thắng lợi mới là giai điệu chủ đạo.
Thì đúng là, trong cuộc chiến với đại dịch này, dù hi sinh mất mát nhường nào, thắng lợi vẫn sẽ là giai điệu chính của chúng ta. Cũng giống như Phương Phương từng viết, dù muốn hay không, dù có gánh nổi hay không, cũng phải cố sống cố chết mà gánh lấy. Có điều, không có Phương Phương thì vẫn còn ối người viết về giai điệu chủ đạo. Còn để viết về nỗi khổ của dân thường, thì Phương Phương chắc chắn là nhà văn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Năng lượng tích cực cần được lan tỏa, nhưng tâm trạng tiêu cực của cá nhân cũng cần được giải tỏa. Khi chúng ta tin rằng thắng lợi là giai điệu chủ đạo, chúng ta cũng không được phép quên sự hi sinh của dân thường. Bởi vì những hi sinh mà chúng ta cho là nhỏ bé ấy, không may rơi xuống đầu cá nhân nào, gia đình nào, sẽ là những ngọn núi khổng lồ.
Hôm qua, chúng ta đã mất đi hai bác sỹ vì dịch Sars-CoV-2, một người là Hạ Tư Tư, 29 tuổi, một người là Hoàng Văn Quân, 42 tuổi. Bao nhiêu người đã khóc thương sự hi sinh của họ. Họ xứng đáng là những anh hùng.
Thế nhưng, khi những tiếng kêu thương tắt lặng, chúng ta nên biết rằng, chuỗi ngày gian nan sau này của vợ con, cha mẹ họ chắc chắn sẽ chìm vào tịch lặng một cách tàn nhẫn.
Đó là bi kịch còn tàn khốc và dằng dặc hơn cả sự hi sinh. Và đó chính là nỗi bi ai, là niềm đau thương không thể giãi bày của dân thường.
Những tàn khốc phổ biến và dằng dặc ấy cần được ghi chép lại. Không phải để bản thân sự tàn khốc được dịp "tiêu khiển", mà để những tàn khốc tương tự không bao giờ xảy đến nữa.
Hãy xem dòng người tấp nập, dòng xe cộ đan cài như mắc cửi lên Hương Sơn ở Bắc Kinh hay Tây Hồ ở Hàng Châu, và hãy lướt mạng để đọc những tiếng kêu thất thanh của các y bác sỹ, bạn sẽ hiểu điều này, rằng con người rất mau quên những tàn khốc và hi sinh, mất mát.
Mà đối với căn bệnh mau quên ấy ở con người, rất cần một tiếng nói lạnh lùng, bi quan, thậm chí có phần moi móc và tàn nhẫn. Và đó chính là ý nghĩa sự tồn tại của Phương Phương.
Phương Phương có hoàn hảo không? Chắc chắn không. Rõ ràng cô ấy có thể quyết liệt, sắc sảo hơn thế. Nhưng, nếu chúng ta đòi hỏi những người "lên tiếng" phải thật hoàn hảo, thì có lẽ tất cả đều sẽ chọn cách im lặng. Bởi vì "bị hiểu nhầm vốn là "số mệnh" của những người dám "lên tiếng"…"
(từ trang nhà anh Phước Châu, tôi có đặt lại các tít lớn và nhỏ). Ảnh: Các xưởng may áo gió nhiều triệu cái/năm ở Vũ Hán, nay tận dụng may áo nhân viên y tế. Nỗi âu lo nén chặt. Tiền rải đầy trời Vũ Hán. Bật cười cho vui một chút.
........
nguon: https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10158428312631122

Không có nhận xét nào: