Translate

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

EVFTA VÀ EVIPA- VIỆT NAM KHÔNG CÒN LÀ MỘT QUỐC GIA CỘNG SẢN

Vận mệnh của một quốc gia, muốn lớn mạnh, không thể chờ đợi vào các gợi ý từ bên ngoài. Bao giờ các sức ép không chỉ đến từ các đối tác mà còn phải đến từ dân. Bao giờ thì các nhà lãnh đạo Việt Nam mới có đủ viễn kiến để chủ động dấn bước vào một lộ trình đưa chính trị tương thích hơn với nền kinh tế.
Chúng ta có quyền đòi hỏi các nhà lãnh đạo đang ngồi Lexus và Mercedes không tư duy trong khuôn khổ Volga và Lada nữa (Huy Đức).
KD: Nhà báo Huy Đức nói ẩn í và xác đáng. Nhưng quan sát từ thực tiễn, từ cải cách ruộng đất, cải cách GD đến các cải cách kinh tế nhiều chục năm nay, thấy rằng, VN chỉ có thể thay đổi dưới tác động của ngoại lực- mà lại là ngoại lực của XHCN, rất ít thay đổi tự giác từ nội tâm. Điều đó cho thấy sự thỏa mãn của một tư duy, tâm lý tiểu nông khá vững chắc, và khi thay đổi lại chỉ bám theo ý thức hệ của… Volga và Lada. Vì vậy, con đường phát triển hướng tới văn minh, khoa học sẽ rất lâu. Cho dù hôm nay Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam – EVFTA
Phải chờ đợi thôi- một thế hệ du học có lòng với quê hương trở về. Nhưng bao giờ, và có không?

.


Nghị viện châu Âu hẳn không phải không nhận được rất nhiều báo cáo về vụ Đồng Tâm… Nhưng, không chỉ là lợi ích kinh tế, ngay cả những nghị sỹ chỉ quan tâm đến các tiến bộ về nhân quyền cũng hiểu rằng, trừng phạt, cô lập chỉ làm cho các quốc gia độc tài và độc đảng càng thêm hung hãn.
Bản chất của công cuộc đổi mới chính thức bắt đầu từ 1986 là “từng bước từ bỏ mô hình xô viết”. Từ lâu, Việt Nam đã không còn là một quốc gia cộng sản mà chỉ còn là quốc gia độc đảng. Việt Nam gần hơn với thế giới khi nắm lấy các bàn tay chìa ra và đặc biệt là việc Mỹ bãi bỏ cấm vận đã làm cho Việt Nam nhiều tự do hơn và ít thù địch hơn với Mỹ.
EVFTA & EVIPA đánh dấu một bước tiến lớn. Nhưng, trong tất cả các hiệp định mà Việt Nam đã ký, có lẽ Hiệp định mang tính mở cửa nhất là Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA). BTA thiết lập nền tảng cải cách thực chất hơn.
Cho dù, Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Đình Lương không bao giờ nói ra, nhưng những đêm trò chuyện bên ly rượu với ông mới hiểu. Cái khó của các nhà đàm phán không phải là làm sao thuyết phục phía Mỹ mà phải thuyết phục được các nhà lãnh đạo bảo thủ Việt Nam chấp nhận những điều kiện để Việt Nam thực sự có kinh tế thị trường và người Việt tiến được gần hơn với thế giới.
Để EU phê chuẩn hai hiệp định này, như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, Việt Nam phải điều chỉnh rất nhiều khung pháp luật. Việc này, Việt Nam đã làm căn bản từ đầu thập niên 1990. Trong thế giới ngày nay tư duy quốc gia theo kiểu cũ là không còn phù hợp. Việt Nam càng “bớt độc lập” với những quốc gia văn minh, vị thế của Việt Nam càng khác.
Nhưng vận mệnh của một quốc gia, muốn lớn mạnh, không thể chờ đợi vào các gợi ý từ bên ngoài. Bao giờ các sức ép không chỉ đến từ các đối tác mà còn phải đến từ dân. Bao giờ thì các nhà lãnh đạo Việt Nam mới có đủ viễn kiến để chủ động dấn bước vào một lộ trình đưa chính trị tương thích hơn với nền kinh tế.
Chúng ta có quyền đòi hỏi các nhà lãnh đạo đang ngồi Lexus và Mercedes không tư duy trong khuôn khổ Volga và Lada nữa.

Không có nhận xét nào: