Translate

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

TẾT NHẤT MÀ CHẢ THẤY VUI.

.Trong hình ảnh có thể có: 2 người
- Lo thắng người thì loạn , Lo thắng mình thì bình. ( lời Lão Tử )
Thật.
Chợ Tết. Phiên cuối năm, náo nhiệt sắc màu. Đào e lệ, lay-ơn kiêu kỳ, cúc khiêm nhường, tầm xuân mướt mát, thanh tao… Người qua kẻ lại, ồn ã tiếng mặc cả bán mua. Chẳng ai chú ý đến một người đàn bà dáng vẻ quê mùa đứng bên chiếc xe đạp cũ kỹ như chủ nó.

Trên xe chất đầy những bó mùi thơm, loại cây chỉ xuân về mới xuất hiện khắp phố phường, và người ta cũng chỉ mua nó vào dịp này, mang về đun nước tắm, gọi là tắm tất niên.
Dường như cũng biết thân biết phận giữa cái chen lấn ồn ào của chợ phố thị buổi đương đông, người đàn bà đứng lặng lẽ, rụt rè bên chiếc xe cùng những bó mùi thơm, như cam chịu, như chờ đợi ai đó để mắt tới.

Những bó mùi nhỏ được bó khéo léo bằng sợi rơm vàng óng, tựa chiếc nhẫn cưới xinh xắn lồng vào ngón tay áp út của người con gái mới về nhà chồng, xếp nằm đều chằn chặn. Những hạt mùi mẩy, căng tròn, xanh biếc, bên những bông hoa mùi nhỏ xíu li ti phơn phớt tím, hẳn không cam chịu cái lặng lẽ của kiếp hạt, đã chui khỏi vỏ, nở bung ra, nghiêng ngó, nói với đời bằng mùi hương ngây thơ, hăng hắc nồng say.
Tôi bỗng se sắt nhớ tới mẹ ngày xưa.
Đi chợ Tết mẹ thường mặc áo dài, khi là màu tím nhạt, khi là màu thanh thiên, như thấy cả mảnh trời xuân hiển hiện, bên trên, mẹ khoác thêm chiếc áo bông Tàu. Lúc sau trở về, trong chiếc làn mây của mẹ chất đầy những măng, miến, bóng bì, cà rốt, súp lơ… Trên cùng, không bao giờ thiếu những bó mùi thơm.

Dư vị Tết với tôi từ thơ bé, vì vậy không chỉ là tấm bánh chưng xanh, cành đào phai cắm lọ lục bình, mâm ngũ quả… Mà còn là những bó mùi thơm thơm, xen kẽ những bông hoa mùi nhỏ li ti, khiến cả lũ mấy chị em không đừng được, thi nhau đưa lên mũi hít hà.
Chiều 30 Tết, mẹ đun một nồi nước mùi rõ to để cả nhà “tắm tất niên”. Lửa đỏ một lúc, mở vung nồi, đã thấy nghi ngút khói bốc lên, hương mùi ấm áp toả lan. Chậu nước tắm to màu vàng nhạt, đầy những lá mùi… Tắm xong, chị em tôi đứa nào đứa nấy lập cập, cuống quýt vì lạnh, nhưng hương mùi thơm cứ phảng phất trên tóc, trên da thịt trẻ con… Và không gian ngôi nhà bồng bềnh chỉ một hương mùi ấm áp nồng say.
Cũng không chỉ riêng nhà tôi. Nhà nào nhà nấy đều giữ tập quán ấy, trân quý như một nghi lễ “dọn mình” trước lúc đón Chúa xuân về. Cũng là để cầu mong một năm mới nhiều tốt lành, tài lộc hanh thông.
Cả con phố cổ của một Hà Nội thanh bình cứ thoảng hương mùi, xen lẫn mùi pháo trẻ con đốt đì đẹt, mùi hương trầm nhà ai đó bay quện không gian… Cũng không chỉ có con người. Nhà cửa, chăn màn, quần áo ấm được lau chùi, giặt sạch sẽ hong khô.
Xin được giã từ những bụi bặm những rủi ro, những buồn đau năm cũ.
Đặc biệt nhất trong nhà là ban thờ gia tiên. Mẹ tôi thường mua rễ trầm, có khi thêm cả miếng quế thanh vỏ mỏng, đun sôi. Cha tôi (bao giờ cũng là người dọn dẹp ban thờ) cẩn trọng lau bát hương, mâm bồng, chén rượu… bằng thứ nước trầm sực nức, như mẹ nói, để “các cụ” ăn Tết với con cháu.
Bỗng nhớ những cánh đồng bạt ngàn bên sông trồng toàn mùi thơm xen lẫn cải xanh, cải bắp đẹp tựa cổ tích mùa xuân. Vẳng đâu đây trong sương khói, làn điệu chèo sóng sánh như bước chân thôn nữ. Những vạt cải trổ hoa vàng tươi tắn, dung dị, “những mùa hoa cải bên sông”.
Những vạt mùi xanh mướt, hư hư ảo ảo như không có thực. Nhưng hãy đi trong gió, mới thấy hương vị mùi thơm ngào ngạt cả không gian. Thân thể trời đất căng đầy cũng tựa như đang được tẩy trần.
Hương vị mùi đã phả thơm biết bao thời gian, biết bao cuộc đời? Không rõ nữa. Chỉ bất chợt khi một ngày cuối năm, tôi ngỡ ngàng cảm nhận chút thiên duyên trời đất ban tặng con người dường như có phần phôi pha bởi cuộc sống hiện đại, nhiều đổi thay.
Tôi vốn người nệ cổ. Tết đến, vẫn thích nhà phải gói bánh chưng, hoa đào cắm lọ lục bình, có măng có miến… Chiều 30, tôi vẫn đun một nồi nước mùi rõ to cho cả nhà. Đến cả ba con cún nghịch ngợm cũng được lôi ra tắm tất niên, dù lũ chúng sợ chết khiếp. Cứ nghe tiếng xô chậu, cả lũ đã trốn biệt dưới gầm giường. Tắm xong, chỉ cần chúng chạy qua, cũng thấy một chút hương thơm vị mùi phảng phất, xen lẫn mùi cún….
Nhưng dường như con người ta không đủ sức níu kéo hương xưa cũ đang nhạt phai?
Thay cho chiếc bếp lò ẩm ướt mùn cưa, hay chiếc bếp dầu khét lẹt lửa vàng, lửa xanh xưa kia, là chiếc công tắc điện xinh xắn của bình nóng lạnh tanh tách bật lên bật xuống. Thay cho nồi nước nóng to đùng, đầy muội bám đen kịt là chiếc vòi hoa sen trắng bóng phun nước yểu điệu. Thay cho hương vị mùi thơm tắm tất niên, giờ đây là hàng chục loại sữa tắm, dầu gội đầu sang trọng, thơm nức.
Phải chăng những giá trị khác nhau không dễ song hành?
Tôi lặng lẽ nhìn người đàn bà với chiếc xe đạp tàng, chất nặng những bó mùi thơm. Hay lòng chị cũng trĩu nặng nỗi lo?

Chị vẫn đứng góc chợ. Chiếc nón cũ che bớt gương mặt gầy guộc. Tôi bước đến bên chị. Một người đàn bà, rồi hai, rồi ba, rồi nhiều người, dừng lại trước chiếc xe đạp. Có cả mấy cô gái trẻ ăn mặc sành điệu cũng xà vào, hí húi chọn.
Chỉ một chốc, những bó mùi thơm đã được bán hết. Gương mặt khắc khổ như giãn ra. Tết này, mấy đứa trẻ sẽ có thêm chiếc áo mới? Còn tôi, người đàn bà xa lạ với chị, cũng mỉm cười mừng thầm cho chị có chút tiền.
Những bó mùi thơm quê mùa, giản dị và thanh sạch, thấm đẫm hồn Việt hoá ra sẽ chẳng bao giờ là hoài niệm. Nó vẫn hiển hiện mỗi khi xuân về, với những hạt mùi tròn căng, xanh biếc, với những bông hoa mùi phớt tím, li ti, ngây thơ nghiêng ngó…
Hương tất niên đã đâu đây…
>
Fb Kim Dung Pham.

Không có nhận xét nào: