Translate

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

Mấy câu hỏi nhức nhối từ Thông báo của Bộ Công an !

Mạc Văn Trang.. . Sự kiện hàng ngàn binh sĩ bao vây, tấn công vào Làng Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vào lúc 4 giờ sáng ngày 9/1/2020, làm nhức nhối tâm can bao nhiêu người có lương tri ở trong nước và trên thế giới. Tôi cứ day dứt với mấy câu hỏi về Thông báo của Bộ Công an.
“Thông báo cho biết, từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật

Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch”.

(Hết trích Thông báo của BCA)

CÂU HỎI ĐẶT RA LÀ:

1. “Gây rối trật tự công cộng” gì lúc 4h sáng, Dân đang ngủ trong nhà họ? Mà nếu “gây rối trật tự” ở trong làng, xóm của họ thì công an xóm/ xã xử lý, chứ sao phải kéo hàng ngàn quân từ Hà Nội về trấn áp?

2. Nếu “chống người thi hành công vụ” thì “Công vụ” gì trong đêm tối? Mà người Dân đang ngủ, “lực lượng chức năng vào công vụ” nhà người ta bất ngờ, không có lệnh, không báo trước, thì người ta ở trong nhà chống lại kẻ xâm nhập, là chống CƯỚP hay chống người CÔNG VỤ?

3. Thông báo cho biết: … “lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn… sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng”. Ô hay, sao lại “XÂY TƯỜNG” vào lúc 4 giờ sáng? Sao tường “SÂN BAY MIẾU MÔN” lại ở trong làng Hoành? Sao “MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG có hành vi chống đối” lực lượng đang xây tường, lại không bắt ngay các đối tượng tại chỗ, mà lại tấn công vào làng Hoành, vào nhà dân, gây thương vong cho cả người già và trẻ em đang ngủ?

4. Tại sao lại gọi là “xây dựng tường rào bảo vệ SÂN BAY MIẾU MÔN”? Trên thực tế, “Sân bay Miếu Môn” chỉ là dự án trên giấy (từ 1980) lấy đất, sau đó không làm sân bay. Nay đất này sử dụng làm gì, của doanh nghiệp nào thì phải nói chính xác, không thể lập lờ đem “Sân bay Miếu Môn” ra làm lá chắn được.

5. “Hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương”. Tại sao “3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh” chưa thấy nêu danh tính, hình ảnh các chiến sĩ? Trong khi đó “1 đối tượng chống đối chết” đã được thông báo chính thức là Cụ Lê Đình Kình.

Một cụ già 84 tuổi, bị đánh gãy chân cách đây 3 năm, vẫn phải ngồi xe lăn ở trong nhà, sao lại là “1 đối tượng chống đối” với lực lượng chức năng đang xây tường mãi “Sân bay Miếu Môn”, sáng 9/1/2020?…

TÓM LẠI, bản thông báo che đậy những điều bí mật, mờ ám gì đó, nên chứa đựng đầy mâu thuẫn dối trá?

11-1-2020
......................................
|
AI GIÁM SÁT CÁC CUỘC ĐIỀU ĐỘNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG?

 Chánh Tâm - cựu TBT báo SGTT.

“Trận đánh đẹp” của công an vào Đồng Tâm đang được tiếp nhận bằng cách nhìn khác nhau.

Truyền thông nhà nước dường như lớn tiếng chống lại sự man rợ của bọn tội phạm chống người thi hành công vụ. Nhưng góc nhìn này hãy còn ú ớ trước những câu hỏi gay gắt của dư luận.

Người ta tìm cách phân hoá những kẻ dùng bom xăng, vũ khí tự tạo chống lại một cuộc bố ráp với dân Đồng Tâm. Thì hãy cứ khôn ngoan mà tách bạch đồng bào tốt với đồng bào xấu.

Như được “qui ước”, họ bị gọi bằng những kẻ nghiện. Một số nhà báo rất dũng cảm, thẳng thừng ném vào khói lửa Đồng Tâm mấy chữ man rợ. Tất nhiên là man rợ, vì lương tri của những tay viết ấy có được dệt bằng tơ vàng thì họ cũng không dám ném vào cuộc bố ráp cái đẳng cấp tệ hại ấy.

Còn lực lượng thi hành công vụ, với súng ống, khiên đai phòng bị chuyên nghiệp, có một cơ số chiến đấu áp đảo, lại như vì nước quên thân, hy sinh để thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế dân.

Một trận đánh đẹp để bảo vệ lợi ích nhà nước trong thời bình; để khôi phục trị an tại một điểm nóng tranh chấp đất đai cách đó tới gần 3 km; một cuộc tấn công trấn áp một nhúm người nghiện và chống đối, phải điều động tới cơ số chiến đấu như vậy, có thiết giáp thị uy, cắt internet, tạo căng thẳng từ nhiều hôm trước. Trận đánh áp đảo ấy vào dân, đã lấy đi sinh mạng của dân thường và lính tráng.

Thôi thì dân hãy bàn tính sau, dù phải nhấn mạnh, những kẻ nghiện, những tên chống đối ấy chưa phải là tội phạm, càng không phải là tội phạm truy nã. Họ vẫn là công dân bình đẳng, có quyền và lợi ích liên quan. Dù họ có là một người, một nhúm người, hay cả xã Đồng Tâm ấy thì không một quyền lực nào được phép đánh giá và cư xử với họ như kiểu thứ dân.

Chính yếu là ai sẽ chịu trách nhiệm cho những cái chết của các cán bộ chiến sỹ cho trận bố ráp ấy?

Trước khi xác định tính chính đáng của cuộc hành quân vào Đồng Tâm, xin hãy khoan dùng đến hai chữ hi sinh. Ở một đất nước mà hi sinh là một đức hạnh mà dân tộc đời đời ghi nhận cho những mất mát vì chủ quyền lãnh thổ, vì độc lập, tự do của dân tộc, không thể tuỳ tiện gọi bất kì hành động thiệt mạng nào trong công vụ cũng là hi sinh.

Huống hồ đây là trận đánh nhằm bố ráp dân.

Những kẻ chỉ huy trận đánh này đáng phải ra toà án binh chịu trách nhiệm về những cái chết oan uổng đó của binh lính mình. Bởi cho dù có chuẩn bị tâm lí xã hội rằng những kẻ chống người thi hành công vụ rất man rợ, thì sự man rợ ấy cũng được biết trước. Trận bố ráp này là một cuộc hành quân chủ động.

Đó là nói với việc triển khai một lực lượng vũ trang cho một mục tiêu tác chiến. Còn ngay cả để xây dựng cấp bách sân bay Miếu Môn hay nhà máy quân sự chống giặc đi nữa, thì liệu có nên triển khai một mục tiêu tác chiến nhằm vào dân thường?

Một trận đánh như vậy phải diễn ra trước sự giám sát có trách nhiệm của công luận và nhân dân. Tuyệt đối không thể áp dụng lối đánh úp tuỳ tiện.

Nhân dân ta trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang để chống giặc, chống tội phạm, tuyệt đối không trang bị bất kì phương tiện nào để, dù là công an, quân đội, đốt phá nhà dân, làm tổn hại của cải, sinh mạng của nhân dân.

Cuộc bố ráp vào dân thường ở Đồng Tâm đang đặt ra một cách cấp bách vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm giám sát trước việc điều động một cơ số vũ trang vào thi hành công vụ.

Tai ương của đất nước, hiểm họa của chế độ có thể bắt đầu từ sự tủy tiện mở những cuộc tấn công vào dân thường của lực lượng vũ trang.

Chánh Tâm - cựu TBT báo SGTT.
================================

TRÁCH NHIỆM CỦA AI ?

.
Điều khủng khiếp nhất, tôi có nghĩ, mà tự thấy khó tin là họ sẽ giết cụ Kình, nay đã là sự thật. Vậy mà nghe xác nhận tin, tôi sững sờ chết lặng. Nhưng rồi...đến đó vẫn chưa đủ kinh sợ. Con trai thứ hai của cụ cũng bị đánh chết trong ngôi nhà (bây giờ không còn là nhà, giờ là cái nền nhà bị tấn công đổ nát?). Rồi thằng cháu nội bị chó nghiệp vụ xé xác bây giờ mất tích ở đâu. Đứa chắc của cụ, cháu bé mới 3 tháng tuổi, thoát chết nhưng di chứng sẽ thế nào, ai cũng biết. Lực lượng vũ trang của Hà Nội, tấn công làng Đồng Tâm, đã làm đúng binh pháp: đánh rắn phải đập nát đầu!
Bây giờ quá nhiều người đã viết tút, bày tỏ tình cảm và phân tích. Tôi chỉ xin nêu mấy câu hỏi ngắn:
-Sau nhiều tháng ngày dò xét, theo dõi, rồi lên kế hoach bố ráp, hủy diệt rất qui mô và chi li, sao họ để cho lính chết nhiều thế? Những mạng người ấy chết, ai chịu trách nhiệm từ căn gốc? Nói điều binh kém, chắc chắn các vị chỉ huy không chịu, chỉ có thể nói họ muốn làm như thế? Để đổ tội cho dân Đồng Tâm và cho cả một gia tộc dám “cầm đầu” dân ĐT chống họ?
Nếu cụ Kình tham lam thủ đoạn như họ công khai trên báo, thì bao nhiêu năm tháng sống cạnh gia đình cụ, dân làng Đồng Tâm mê muội gì, khó khăn gì mà không trói gô cụ già 84 tuổi đem nộp công an ? Cắt luôn internet, đòi bắt luôn luật sư, rào kẽm gai phong tỏa nguyên một làng. Tấn công vũ trang 4 giờ khuya, nửa đêm, qui mô dường ấy, thiệt hai bấy nhiêu nhân mạng mà giờ tivi báo chí nói “chống người thi hành công vụ ở cánh đồng Sênh sáng 9/1 cách đó 3 km”. Thiệt là coi dư luận như cỏ rác. Rồi đăng báo nói giao xác cụ Kình, thì lại là... đòi đổi xác cụ Kình để ép ký cho được lời thú tội (rất hoang đường) của gia đình cụ là “cụ mất ở cánh đồng Sênh”, ép một tang gia mà chỉ một đêm, một loạt đàn ông của gia đình ấy đều chết và mất tích.

Cuối cùng tôi đành hiểu là: có một ai đó, phải tiến hành vụ này theo cách quyết liệt, chấn động nhất để thấy bọn nông dân làng Đồng Tâm rất “phản động” và lực lượng chuyên chính rất kiên định, không nương tay. Có lẽ chẳng có cái chính phủ nào trên thế giới dám làm theo cách ấy cả: cho cả thế gian biết tay tao. Tấn công hủy diệt thì chắc chắn là kế hoạch đã có lâu rồi, nhưng điểm rơi thời gian, cách tiến hành (phải tốc chiến tốc thắng và cùng hung cực ác) như thế thì chỉ có một người cần phải làm như vậy. Vì cái lò lớn đã bùng cháy ngay bên hông, còn rất ít thời gian để lập công lớn chuộc tội: chủ tịch TP, thiếu tướng Công An Nguyễn Đức Chung. Suy đoán này có thể sai, nhưng không lâu đâu, bộ mặt tội ác (tham lam, dối trá bất chấp) thực sự của hắn sẽ phơi bày.

Một câu hỏi rợn người : phiên tòa sắp tới xử ai, khi những “tội phạm” nguy hiểm nhất bị giết hết rồi, thi hành án chớp nhoáng rồi, cần gì tòa? Chiếm đất của dân bằng quyền lực thì được, nhưng nếu kẻ thù phương Bắc đánh chiếm đất nước này thì một mình họ có chống lại giữ đất không và chống được chăng?
Vũ kim Hạnh

Không có nhận xét nào: