Translate

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

A- MEN, LẠY ĐẤT MẸ LÒNG LÀNH-

Chúc chị Kimdung Pham và CHÚC ANH CHỊ EM CỘNG ĐỒNG FB ĐÓN MỘT GIÁNG SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, HẠNH PHÚC. VÀ NỤ CƯỜI LUÔN NỞ TRÊN MÔI.

Một người bạn, đang làm việc tại Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB), từ nước Mỹ xa xôi gửi cho tôi tấm ảnh Mùa Giáng sinh do anh chụp. Bức ảnh là cây thông Noel đặt ở phòng họp. Trên bức ảnh đó, thật thích thú và bất ngờ, tôi nhận ra giữa bao nhiêu lá cờ nhỏ xinh của các quốc gia trên thế giới, là kiêu hãnh một lá cờ đỏ sao vàng nổi bật trên nền lá thông xanh sẫm. Một mùa Giáng sinh nữa đã đến.
Tôi đã đi qua bao mùa Giáng sinh? Đã ngắm biết bao nhà thờ cổ kính ở các giáo phận khác nhau, ngắm không chán những mô típ kiến trúc đặc trưng của những mái vòm cong cổ kính, trên cao chót vót cây thánh giá xám màu thời gian. Không biết nữa…Nhưng vẫn không bao giờ quên được cái cảm giác hồi hộp, tò mò và căng thẳng nhưng rất bướng bỉnh của một con bé lần đầu tiên lén bước chân vào Nhà Thờ Lớn, nằm giữa trung tâm Hà Nội sau đêm Giáng sinh.
Ngày đó, Thiên Chúa giáo, nhà thờ… có gì thật xa lạ, thật kinh sợ trong tâm thức nhiều người. Dù mới học lớp 05, tôi vẫn đủ nhạy cảm để nhận ra định kiến ấy. Trong lý lịch con người dạo ấy bao giờ cũng có mục khai về tôn giáo, con bé tôi cũng đã biết hý hoáy ghi chữ “Lương”. Chữ “Lương” là gì tôi không hiểu, chỉ hiểu mình không theo đạo nào, không phải giáo dân.
Nhưng mỗi mùa Giáng sinh đến, sự bí ẩn và ảo ảnh lấp lánh của Đức Mẹ Maria sinh Chúa Hài đồng trên máng cỏ, sự huyền diệu của cây thông Noel và câu chuyện Ông Già Tuyết gõ cửa từng nhà, mang quà cho mỗi đứa trẻ khiến tôi ngất ngây chờ mong, mạnh hơn nỗi sợ hãi ngây thơ.
Giáng sinh năm nào tôi cũng gắng thức đến 12 giờ đêm, chỉ để nghe tiếng chuông Nhà Thờ Lớn ngân nga, hồi hộp đợi, để rồi mắt díp lại từ lúc nào không rõ. Sáng ra, tôi cứ tìm quanh, hy vọng có chiếc bít tất đựng quà của Ông Già Tuyết, nhưng không thấy. Cả tuổi thơ, tôi chưa bao giờ được nhận quà của Ông. Dù vậy, mùa Giáng sinh năm sau, tôi lại chờ mong, lại phấp phỏng ngóng đợi… như chưa bao giờ mất đi niềm hy vọng, lạ thế.
Và tôi đã rợn ngợp cả người khi lọt thỏm trong không gian cao vút, vời vợi của thánh đường Nhà Thờ Lớn. Vừa thích vừa sợ vừa tò mò ngắm không chán hình ảnh Đức Mẹ từ bi trên những bức tranh tường lấp lánh muôn hồng nghìn tía. Bên sự tĩnh lặng của những ngọn bạch lạp lớn cháy trang nghiêm, dưới những vành hoa tựa vòng nguyệt quế trinh bạch và nguyên khôi. Đức Mẹ như đang hiển linh trong dáng quỳ của những giáo dân kính cẩn nguyện cầu.
Nhưng tôi phải cảm ơn cha mẹ và cuộc đời dài rộng thế. Cha mẹ cho tôi sự sống và nuôi tôi khôn lớn. Cuộc đời cho tôi sự trải nghiệm, dù ngọt lành pha lẫn đắng cay. Cho tôi biết đến bao vẻ đẹp hoàn mỹ của nghệ thuật kiến trúc nhà thờ các giáo phận mỗi Giáng sinh an lành, bởi Giáng sinh bây giờ không còn là lễ hội riêng của người theo đạo Thiên Chúa. Nỗi sợ hãi vô thức của tuổi thơ trong tôi cũng tan biến từ lâu. Và mỗi ngôi đền thiêng của đức tin Thiên Chúa lại đem đến cho tôi mỗi xúc cảm và chiêm nghiệm khác nhau.
Ấn tượng nhất trong tôi là Nhà thờ Chương Mỹ (Hà Tây). Đứng ngắm từ xa trên con đường quốc lộ, ngôi nhà thờ cùng cây thánh giá thanh thoát in sẫm trên nền trời xanh, hư ảo dáng cổ tích như không có thực. Nhưng con đường đi đến nhà thờ, dạo ấy với tôi hệt con đường hành xác. Đường đất, đoạn nhão nhoẹt bùn đất, đoạn gồ ghề lởm khởm sỏi đá. Hai bên đường ao tù ô nhiễm nước đen đặc. Phải chăng cuộc đời con người ta cũng vậy. Để đến cõi thiên đường, người ta phải dẫm chân trên gai nhọn và lửa than?
Một vị cha xứ mở rộng cửa mời tôi vào. Ông cười khi người lữ khách là tôi than thở. Không nói gì, ông chỉ cúi xuống cây đàn Ooc- gan. Tôi chú ý đến bàn tay ông. Bàn tay không đẹp thanh tú hay trắng trẻo, mà là một bàn tay khô nháp – bàn tay của người lao động. Vậy mà khi bàn tay ấy đụng đến các phím đàn, khúc thánh ca nuột nà, ngân nga vỗ cánh bay vút lên giữa không gian tĩnh lặng. Tôi bỗng thấy lòng nhẹ bẫng, chơi vơi. Như có dòng suối trong vắt, len lỏi thanh lọc khắp hồn tôi. Tiễn tôi về, cha xứ hái một cành hồng đưa tặng, mỉm cười ẩn ý: “Bông hồng có gai!”.
Ý nghĩa nhất với tôi là Nhà thờ Hữu Bằng (Thạch Thất – Hà Tây). Ngôi nhà thờ nhỏ đẹp khiêm nhường, hiện ra bất ngờ trong nắng vàng giữa đông hanh hao, cách không xa cái chợ quê cũng nổi tiếng không kém, chợ Hữu Bằng, như một phép răn dạy của tạo hoá. Chợ thì đời, nhà thờ thì đạo. Một bên bán mua, một bên dâng hiến. Chợ ồn ào bao nhiêu, nhà thờ yên tĩnh bấy nhiêu. Chợ ngược xuôi bao nhiêu, nhà thờ thư thái bấy nhiêu. Vô tình hay cố ý, con người hay Chúa Trời muốn con người phải biết Dọn mình.
Sau những chao chát chợ búa là sám hối tự thân. Sau những toan tính một vốn bốn lời là thú tội trước đức cha – lương tâm. “Đời” là trần gian quyến rũ, nhưng “đạo” mới là căn cốt của con người. Tôi đã có một buổi chiều giữa cuộc đời giông gió, khổ đau, đứng rất lâu trước sân nhà thờ nghĩ về phép tĩnh tại, tự tại của tinh thần- một bên là bình an và bên kia là náo động, để tìm lấy sự thăng bằng cho bản thể.
Thanh thản nhất với tôi là Nhà thờ Bắc Ninh. Hoành tráng và trang nhã, đứng ngay cạnh con đường quốc lộ. Giáo dân hay khách lữ hành phương xa sau chặng hành trình mệt nhọc bước vào khuôn viên rộng đầy cây xanh đã có thể cảm thấy lòng thư thái. Không ai nói to, không ai văng tục, chỉ có những cử chỉ khiêm nhường thân thiện.
Cuộc đời của con người ta cũng vậy chăng? Sau quãng đường dài, ấy là lúc gối mỏi chân chồn, là lúc giữa bản giao hưởng cuộc đời cần một quãng lặng, một nốt trầm ngẫm lại, nhìn lại, sám hối, để chuẩn bị một hành trình phía trước. Có thể là bình an hạnh phúc, cũng có thể là sương gió, đông giá hay giàn lửa thiêu, lại là sự lựa chọn của mỗi tính cách, mỗi số phận con người. Không biết nữa, chỉ biết ở quãng lặng, khoảng lặng đời người là thanh thản, thư thái, là dung dưỡng tinh thần.
Thâm sâu nhất với tôi là một nhà thờ dung dị, có cái tên lạ – Nhà thờ Cha Tam. Một nhà thờ có khuôn viên hẹp nằm trong khu dân cư đông đúc thuộc Chợ Lớn (Sài Gòn). Hai bên đường sầm uất cửa hàng chợ búa bán mua. Một con đường nhỏ chạy dài hun hút. Bất ngờ phía cuối con đường, đột ngột, ngôi nhà thờ nhỏ, thanh tao, với cây thánh giá vút lên trời cao.
Đây là nhà thờ có vị thế đặc biệt. Tương truyền trong quá khứ, vào những thời khắc cuối cùng của cuộc sát phạt lịch sử giành quyền binh của chế độ cũ, một số nhân vật cỡ chóp bu đã chạy tới đây tìm nơi che chở khôn ngoan- lòng dân, để lánh nạn nhưng đã không thoát.

Lần nào vào Sài Gòn tôi cũng như bị một lực hút, tìm đến ngôi nhà thờ nhỏ này. Giữa ồn ào phố thị, tôi đứng ngắm rất lâu những bức tượng thánh, những giáo dân lẩm nhẩm cầu nguyện, lắng nghe từng khắc tiếng chuông nhà thờ như tiếng đập của thời gian, mà nghĩ về sự u minh, sự “loạn lạc của lòng tin” và nhân tình thế thái. Họ- những nhân vật của lịch sử tìm sự che chở nơi lòng dân. Nhưng một khi lòng dân đã “quay lưng” lại, thì Chúa cũng không cứu rỗi được cả thể xác lẫn linh hồn. Và thời cuộc nào cũng vậy…
Cảm xúc nhất với tôi là nhà thờ nổi tiếng – Nhà thờ Đức Bà. Đẹp hoàn hảo và mỹ lệ. Hoành tráng mà thanh thoát, đồ sộ mà tao nhã. Không hiểu sao như một điều kỳ diệu, lần nào đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp phương tây mà rất cổ điển ngự trị giữa trung tâm Sài Gòn, tôi cũng gặp đám cưới. Bỗng nhớ tới “thằng Gù” trong cuốn tiểu thuyết trứ danh “Nhà thờ Đức Bà Paris” thời thiếu nữ đọc mê mải. Cảm nhận sự kỳ lạ của phép mầu tình yêu.
Cái tật nguyền của thể xác và cái đầy đặn, nồng nàn của con tim. Cái xấu xí của hình hài và cái đẹp đẽ thanh cao của đức hạnh. Giữa thánh đường của hạnh phúc, tôi bắt gặp đôi mắt cô dâu ngấn lệ nhưng miệng lại mỉm cười. Nhớ tới bông hồng đỏ của cha xứ nhà thờ Chương Mỹ và câu nói ẩn ý: “Bông hồng có gai!”. Tình yêu cũng vậy phải không cha? Hạnh phúc nở trên khổ đau, hay khổ đau là gia vị của hạnh phúc?
Nhưng cho dù đã đến bao nhà thờ, đi qua bao thánh đường bí ẩn hấp dẫn, tôi chỉ là con chiên nhỏ của Thánh đường duy nhất – Đất nước tôi, chỉ có một Đức Mẹ từ bi – Đất Mẹ Việt Nam tôi. Nơi ấy, cả niềm yêu lẫn nỗi xót đau luôn sâu nặng, day dứt.
Niềm yêu, bởi tôi được sinh ra nơi Thánh đường ấy. Ăn hạt gạo phù sa sông Hồng, uống bầu sữa ngọt lành Lạc Việt.
Xót đau, bởi Đất Mẹ tôi chưa qua được bể trầm luân.
Những tên tham nhũng, đục khoét dân lành, những Giu –đa phản Chúa, nhân danh và “ẩn danh”, lộ diện và chưa lộ diện. Đất Mẹ từ bi mà để xảy ra bao cái Ác, nảy nở như nấm sau mưa, băng hoại cả những giá trị đạo lý.

Một nhà báo đã nói rất hay: “Cần phải học cách để trở thành một dân tộc lớn”..
Nhưng bao giờ dân tộc Việt này trở thành một dân tộc lớn, cả trí tuệ và phẩm hạnh? Câu hỏi cũng là một khao khát
Trước Đất Mẹ, trái tim con, trái tim hàng triệu con chiên máu đỏ da vàng Việt Nam luôn thanh sạch và luôn đập cùng một nhịp.
A-men, lạy Đất Mẹ lòng lành.
.
CHÚC MỪNG trang Fb Kim Dung Phạm Noen lại Hiện hữu

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2547263195549456&id=100007974016227

Không có nhận xét nào: