1-3-1987 có lẽ là ngày không thể quên được trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam thế hệ chúng tôi, đó là ngày mà chính phủ chính thức tiến hành giải thể các trạm kiểm soát hàng hoá trên các tuyến đường nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hoá.
.
Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra và trưởng thành trong thời bao cấp lần đầu tiên có khái niệm về thị trường, về một nền kinh tế hàng hoá thực sự.
Dù mệnh lệnh Đổi mới đã được Đảng và Chính phủ phát đi năm 1986, thì ngày mà mệnh lệnh đó chính thức trở thành thực tiễn cuộc sống với tôi vẫn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. 30 năm sau sự kiện đổi mới đó, tôi mơ ước rằng, tôi sẽ được chứng kiến cuộc đổi mới lần thứ hai của đất nước trước khi quá muộn, với cả cá nhân tôi và với cả dân tộc này.
Có rất nhiều các học giả, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề về cuộc đổi mới lần 2 trong năm qua dưới góc nhìn khoa học, tôi chỉ xin phép được nói, với tiếng nói của một Đảng viên tha thiết với Đảng và tha thiết với dân tộc này.
Năm 1986, sau nhiều năm trời sống trong thời kỳ bao cấp, đứng trước sự sụp đổ hàng loạt của hệ thống XHCN trên thế giới, người Việt Nam chúng ta từ trên xuống dưới hiểu rằng, đổi mới là mệnh lệnh, là điều không thể tránh.
Nói về cuộc đổi mới năm 1986, tôi cho rằng, nếu cắt nghĩa một cách đầy đủ, một cách sâu xa, thì thực ra những việc chúng ta làm không phải là đổi mới; Chúng không sáng tạo ra một cái mới và nhờ cái mới đó mà thay đổi vận mệnh của mỗi chúng ta nói riêng và của dân tộc nói chung.
Cái chúng ta làm 30 năm trước là tự cho phép mình làm những điều mà vì lý do gì đó mình đã không dám làm, vì lý do gì đó, mình đã tự cấm đoán mình.
Ví dụ khi đổi mới, chúng ta trao lại ruộng đất cho nông dân tự canh tác: việc đó không phải là mới, đó chỉ là việc chúng ta không làm trong thời gian dài và giờ quay lại làm nó.
Khi đổi mới, chúng ta cho phép tự do giao thương: việc đó cũng là việc vốn đã tồn tại trên đất nước này cả nghìn đời.
Dù ai cũng hiểu là không thể khác, nhưng đó là quyết định vô cùng can đảm của những người lãnh đạo.
Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng có tới 70% người Việt là nông dân và đang nghèo. |
Năm đó, khi thực hiện những cải cách về kinh tế, chúng ta đã tạo ra nền kinh tế thị trường, xu hướng tất yếu của một xã hội vận động. Nhưng vấn đề là kinh tế thị trường ấy động chạm đến những lý thuyết cốt lõi mà chúng ta đã lựa chọn cho con đường đi của đất nước.
Lúc nền kinh tế thị trường ra đời, có những người băn khoăn về chuyện đổi mới đã nhắc lại câu nói của Mac: “Chủ nghĩa tư hữu hàng ngày hàng giờ đẻ ra CNTB”. Hiểu theo cách đó, thì thừa nhận kinh tế thị trường và cho phép nó tồn tại cũng có nghĩa là chúng ta cho phép sự tư hữu, nghĩa là cho phép CNTB hàng ngày hàng giờ nảy sinh trong lòng đất nước XHCN này.
Vượt qua những nghi ngại, việc đất nước thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ đã chứng tỏ rằng cuộc đổi mới 30 năm trước là đúng đắn.
Rất nhanh sau đó, chúng ta thoát khỏi nạn đói và trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Nền kinh tế khởi sắc, tăng trưởng vượt bậc. Và chúng ta đã thoát khỏi nguy cơ hiển hiện của sự sụp đổ sau những bài học từ Liên Xô và Đông Âu.
30 năm sau đổi mới, không thể không thừa nhận những gì mà chúng ta đã cùng nhau đạt được, nhưng cũng không thể không thẳng thắn và sòng phẳng nói rằng, đây là thời điểm mà chúng ta phải nghiêm túc nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ 2 - và cuộc đổi mới này - giống như 30 năm trước cũng sẽ phải là mệnh lệnh!
Cái được mà kinh tế thị trường (KTTT) mang lại đã rõ, nhưng mặt trái của nó cũng khốc liệt không kém.
Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu về một nền KTTT định hướng XHCN. Với định hướng đó, chúng ta tìm cách phát triển các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng nó trở thành mục tiêu chủ đạo của nền kinh tế.
Nhưng qua năm tháng, thay vì biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất cuả nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất.
Thay vì trở thành trụ cột, DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền KTTT của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.
Ngoài sự méo mó đó, chúng ta cũng đối mặt với sự bất công, bất bình đẳng, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, mà đó vốn là những điều thuộc về lý tưởng của chúng ta, là lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân.
Giờ nước ta đang là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân lại là những người khổ nhất trong xã hội này, đó là điều không công bằng. Việc 70% người Việt Nam là nông dân và đang nghèo hơn phần còn lại là không công bằng; việc con em của 70% này không được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất, không được hưởng thụ sự chăm sóc y tế đầy đủ nhất, chính là không công bằng.
Thế hệ chúng tôi ngày xưa, dù học ở nông thôn hay ở thành thị, thì sự chênh lệch cũng không đáng kể. Nhưng giờ cứ nhìn cách mà những đứa trẻ thành phố được thừa hưởng nền giáo dục, tôi hiểu rằng có ít vô cùng những cơ hội để những đứa trẻ nông thôn có thể cạnh tranh được với những đứa trẻ thành phố khi chúng trưởng thành. Đó là điều vô cùng không công bằng.
Chúng ta cũng phải đối mặt với sự không dân chủ thể hiện trong rất nhiều vấn đề: Như việc những cán bộ phường, xã không do người dân trực tiếp bầu ra, trực tiếp lựa chọn, mà những cán bộ đó là những người ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của họ; ở nhiều nơi trên đất nước này, công lý đang không thuộc về những người có lẽ phải, mà thuộc về những người có tiền, có quyền.
Cho đến giờ chúng ta mới đang xem xét dự án Luật Biểu tình. Luật Biểu tình đã bị lỗi hẹn tại các kỳ họp Quốc hội từ lần này sang lần khác.
Sẽ là không quá nếu chúng ta nói rằng, dù đã có những thay đổi về kinh tế, nhưng chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề về công bằng, dân chủ, văn minh.
Như tôi đã nói ở trên, cuộc đổi mới năm 1986 về bản chất là vượt qua nỗi sợ hãi của chính chúng ta, để chúng ta dám làm những điều mà chúng ta vì sợ hãi mà đã ngăn cấm. Ví dụ năm 1986, nếu trong 10 điều chúng ta sợ hãi, có lẽ chúng ta đã bỏ được 4 điều. Chỉ bỏ được 4 điều đó thôi, thì nó đã tạo ra sự thay đổi đáng kinh ngạc trong những năm tiếp theo.
Nhưng có một vấn đề nảy sinh là sau 30 năm, chúng ta bỏ được 4 điều, nhưng xã hội chúng ta lại nảy sinh ra 10 điều mới khác cộng với 6 điều của cái cũ mà lẽ ra chúng ta nên làm nhưng chưa dám làm, nó khiến cho vấn đề của chúng ta hôm nay không kém trầm trọng, không kém thách thức hơn 30 năm trước. Thậm chí, có những vấn đề còn phức tạp hơn 30 năm trước.
Vì sao thách thức hơn?
Vì năm đó khi chúng ta đổi mới, đó là lúc Đảng, Chính phủ và nhân dân cùng đồng lòng. Khi đó xuất phát điểm của chúng ta thấp hơn bây giờ rất nhiều, nhưng chúng ta trong sáng hơn bây giờ rất nhiều.
Ngày xưa xã hội chúng ta không nhiều tật xấu như bây giờ, không nhiều tệ nạn như bây giờ. Ngày xưa, chúng ta đổi mới vì hiểu rằng đói nữa thì đổ. Giờ thì nếu những người có chức có quyền giàu lên nữa thì đất nước này sẽ đổ. Đó là những nghịch lý mà chúng ta đang phải đối mặt bây giờ.
Năm xưa, chúng ta e ngại KTTT vì lo sợ KTTT sẽ kéo theo đó những mặt xấu nhất của CNTB vào đất nước của chúng ta. Nhưng đáng buồn là, trong khi nhiều nước CNTB đang tự hoàn thiện mình và thay đổi được những gì vốn thuộc về bản chất xấu xí nhất của họ, thì đất nước chúng ta giờ lại đang giữ trong lòng mình những gì xấu xí nhất của CNTB trước đây, cộng hưởng với những tiêu cực do định hướng XHCN chưa rõ ràng đưa lại.
Đó vừa là lý do chúng ta phải đổi mới, nhưng cũng đồng thời là những thứ sẽ thách thức chúng ta nếu muốn đổi mới lần 2.
Khi tôi hình dung về cuộc đổi mới lần 2, tôi vẫn luôn tự hỏi một điều: ai sẽ là người khởi xướng và lãnh trách nhiệm lãnh đạo cuộc đổi mới lần 2, nếu cuộc đổi mới này diễn ra trong thời gian tới?
Trong cuộc đổi mới năm 1986, người khởi xướng chính là những người lãnh đạo. Họ kêu gọi đổi mới vì sự bức thiết của xã hội và vì sự trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân họ.
Nhưng đến hôm nay, chính một bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi.
Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ.
Cuộc đổi mới lần 2 tuy cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng, chúng ta sẽ thực hiện được cuộc đổi mới ấy, như nguyện vọng của tất cả những người yêu nước và tha thiết mong đất nước này lớn mạnh. Và nếu có cơ hội, một Đảng viên như tôi, cũng mong được góp hết sức mình vào cuộc đổi mới ấy, với bất kể thách thức nào!
Tiến sĩ Lê Kiên Thành
Lịch sử là hôm qua và hôm nay. Không phải cần đến trăm năm, mà sau một ngày đã bị Lịch sử phán xét. Đương quyền thì còn che chắn. Hết quyền thì số phận sẽ khác. Hãy để lại một số phận tốt đẹp để khộng bị lưỡi kiếm Lịch sử hạ xuống sau khi hết quyền lực. Không phải cho riêng mình, mà cho con cháu đời sau.
SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ ĐẢNG: NHỮNG ĐỒN BỐT PHẢI NHỔ
Như đã đề cập ở bài viết SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ ĐẢNG LÀ ĐÒI HỎI BỨC BÁCH CỦA CUỘC SỐNG, việc sửa đổi Điều lệ Đảng đã được TBT Nguyễn Phú Trọng đặt ra trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 10 ngày 16/5/2019:
“Báo cáo chuyên đề thứ 2 rất quan trọng là báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại đại hội sắp tới hay không? ”
Ở đây chỉ nhấn mạnh đến ba vấn đề mang tính kim chỉ nam được viết đầu tiên ngay trong phần mở đầu “Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng” của Điều lệ Đảng thông qua tai Đại hội XI:
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.”
Nói gọn lại, ba vấn đề lớn cần phải thảo luận để sửa đổi Điều lệ Đảng là:
1. Đảng của ai?
2. Mục đích xây dựng đất nước của Đảng là gì?
3. Về chủ nghĩa nền tảng tư tưởng của Đảng.
2. Mục đích xây dựng đất nước của Đảng là gì?
3. Về chủ nghĩa nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sửa đổi Điều lệ Đảng không chỉ ba vấn đề này. Nhưng ba vấn đề này là then chốt. Có tháo được then chốt thì mới đi tiếp đến các điều sau. Vì thế ngoài những điều đã đề cập trong SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ ĐẢNG LÀ ĐÒI HỎI BỨC BÁCH CỦA CUỘC SỐNG, cần thiết phải nói cụ thể hơn về ba điều này.
II. QUAN HỆ MÁU MỦ QUÝ HƠN QUAN HỆ NGHỀ NGHIỆP. DÂN TỘC QUÝ HƠN GIAI CẤP. HY SINH VÌ DÂN TỘC CHỨ KHÔNG HY SINH VÌ GIAI CẤP.
Xin lấy thí dụ một gia đình nông dân có 6 người con. Người con cả ở nhà làm ruộng với bố mẹ. Người con thứ hai, thứ ba, thứ tư lên thành phố. Người con thứ hai đi buôn rất giàu có. Người con thứ ba làm thầy giáo. Người con thứ tư làm công nhân. Người con thứ năm đi tu. Người con thứ sáu đi theo đạo thiên chúa rồi được học làm giám mục.
Đến một ngày cải cách ruộng đất. Người con thứ tư là công nhân kết tội anh cả là địa chủ, kết tội anh hai là tư sản, kết tội anh ba là trí thức, đòi phá chùa của em thứ năm, đòi lấy đất nhà thờ của em thứ sáu.
Bố mẹ khóc mà rằng: “Các con là do bố mẹ sinh ra, là máu mủ ruột rà. Anh em có trước nghề nghiệp. Anh em có trước tôn giáo. Anh em quý hơn nghề nghiệp. Anh em quý hơn tôn giáo. Không thể lấy nghề nghiệp làm mục đích để anh em tàn sát lẫn nhau”.
Thí dụ trên có mặt ở khắp nước ta. Thí dụ trên nói lên tất cả. Anh em có trước nghề nghiệp. Dân tộc có trước giai cấp. Anh em quý giá hơn nghề nghiệp. Dân tộc quý giá hơn giai cấp. Bạo lực giai cấp là một tội lỗi của nhân loại. Bạo lực giai cấp đã tàn phá đất nước, đã mang đến nội chiến, đã hủy hoại sức sống của Dân tộc.
Bởi thế Đảng muốn tồn tại dài lâu thì phải là Đảng của Nhân dân, của Dân tộc, chứ không thể là Đảng của giai cấp.
Thêm nữa, hãy thử hỏi 4,5 triệu đảng viên, họ vào đảng vì Dân tộc hay vì giai cấp công nhân? Nếu Đảng là của gia cấp công nhân thì chỉ có công nhân gia nhập. Nếu Đảng là của giai cấp nông dân thì cũng chỉ có nông dân gia nhập. Tất cả những người đã gia nhập Đảng là vì mục đích giải phóng Dân tộc khỏi ách ngoại bang, chứ không vì giai cấp. Áo giai cấp là họ bị người khác khoác lên.
Còn rất nhiều điều phải đề cập nữa về giai cấp. Nhưng khuôn khổ bài viết không cho phép.
III. XÂY DỰNG MỘT NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ, ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC.
Vấn đề thứ hai, Điều lệ Đảng ghi:
“Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”.
Đối chiếu với tên nước thời Cụ Hồ thành lập:
“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập Tự do Hạnh phúc”
thì thấy có phần trùng và có phần không trùng.
Như vậy, chỉ nên giữ lại phần trùng. Bỏ đi phần không trùng.
Mục đích của Cụ Hồ là xây dựng một nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập Tự do Hạnh phúc” là rất đầy đủ rồi, cớ gì mấy người đi sau, tự nhận là học trò của Cụ Hồ lại dám chữa lại? Đã có dân chủ tất có công bằng văn minh. Đã có tự do hạnh phúc tất sẽ không có người có bóc lột người. “Dân chủ, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” là ước mơ của cả loài người mà không chủ nghĩa nào so sánh được.
Cho nên học tập và làm theo Cụ Hồ thì phần mục đích của Đảng chỉ cần ghi:
“Mục đích của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc”.
IV. HÃY TÔN THỜ TƯ TƯỞNG CỦA CHÍNH MÌNH
Vấn đề thứ ba, trong Điều lệ Đảng ghi:
“Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.”
Từ ngàn xưa, trong quá trình dựng nước và giữ nước - dành cho đời sau có được mảnh đất tươi đẹp này - thì tổ tiên chúng ta không lấy chủ nghĩa và tư tưởng nào làm nền tảng cả.
Cho nên, không làm ngược với cha ông. Đưa tranh ảnh của người xa lạ về bàn thờ tổ tiên là trọng tội với ông cha, có lỗi với con cháu. Nếu không có tư tưởng của riêng mình để tôn thờ thì cũng dứt khoát không mang tư tưởng nước khác về nhà mình tôn thờ.
LƯỚI KIẾM LỊCH SỬ
Ai cũng có quyền tự do bày tỏ chính kiến. Lúc khó khăn lại rất cần chính kiến của nhiều người. Vì lẽ đó mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra để cho các UVTƯ thảo luận. Chính kiến khác nhau là lẽ thường tình. Vấn đề càng khó càng trái ngược chính kiến. Thảo luận là để tìm ra điều hợp lý. Thảo luận không phải là mưu mô để đấu tố chính kiến.
Nhưng chỉ 200 UVTƯ là chưa đủ. Cần nữa chính kiến của cả 4,5 triệu đảng viên. Trước các vấn đề hệ trọng cần ý kiến của đa số. Nếu các đảng viên cho rằng mục đích của đảng viên là vì nước vì dân thì trách nhiệm của đảng viên là phải bày tỏ chính kiến. Đừng sợ bị quy kết. Vì Dân tộc mà bị quy kết thì kẻ quy kết mới là kẻ có tội, và họ không thoát được lưỡi kiếm Lịch sử.
Lịch sử là hôm qua và hôm nay. Không phải cần đến trăm năm, mà sau một ngày đã bị Lịch sử phán xét. Đương quyền thì còn che chắn. Hết quyền thì số phận sẽ khác. Hãy để lại một số phận tốt đẹp để khộng bị lưỡi kiếm Lịch sử hạ xuống sau khi hết quyền lực. Không phải cho riêng mình, mà cho con cháu đời sau.
>
https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1623420204458070>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét