Translate

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

VỀ VỤ CƯỠNG CHẾ Ở VƯỜN RAU Lộc Hưng.



Cưỡng chế 112 căn nhà của dân ngay tại một thành phố lớn nhất nước là chuyện to đùng. Nhưng đáng buồn là đọc thông tin trên báo chí chính thống người ta chỉ thấy cùng một giọng, thậm chí có nhiều câu giống nhau. Tôi chưa nói báo đăng đúng hay sai, nhưng một vụ to như vậy, làm báo có nghiệp vụ phải tự mình tiếp cận sự thật. Nó ngay ở Sài Gòn chứ có xa xăm gì đâu. Việc đưa tin một chiều của báo chí chính thống chỉ có hại chứ chẳng có lợi gì cho chế độ, vì nó “kích ngòi” cho báo chí tiếng Việt ở nước ngoài và mạng xã hội đàm luận, sự đàm luận có nhiều mục đích khác nhau.
.
Chớ có đem “thế lực thù địch”, đem “bọn phản động” lợi dụng chống phá chính quyền ra hù dọa để biến sự kiện này thành "nhạy cảm". Chẳng có “thế lực thù địch” nào, chẳng có “bọn phản động” nào có thể lợi dụng chống phá chính quyền nếu như hành vi của chính quyền là minh bạch chỉ vì lợi ích của nhân dân. Còn việc bịa đặt để chống phá thì chỉ có thể đáp trả lại bằng lẽ phải và thông tin trung thực
.
Tôi không có điều kiện đi điều tra sự việc, chỉ căn cứ vào thông tin mà báo chí chính thống đồng loạt nêu và một số thông tin của các nhà báo mà tôi tin cậy đưa trên facebook, xin có vài lời về vụ này như sau 
:
- Thứ nhất, lấn chiếm đất công để xây nhà đương nhiên là sai, là trái phép, tôi không ủng hộ. Vấn đề là, đất công thì phải có cơ quan quản lý, ngay cả trong rừng cũng có kiểm lâm, ngoài biển cũng có cảnh sát biển. Mấy ha đất vườn rau này sự thực thì không có người quản lý, vì nếu có quản lý thì dân đến xây nhà, không phải xây một cái nhà mà xây tới một trăm mấy chục cái, sao chính quyền không biết ? Nếu biết, sao để cho người ta xây ? Gọi là đất công mà không có ai quản lý, không phục vụ gì cho công ích, thì đó chỉ là đất hoang. Mà theo luật thì người dân sử dụng đất hoang, tại các khoảng thời gian được ghi trong Luật Đất đai, nếu không có tranh chấp thì được nhà nước công nhận quyền sử dụng và được cấp sổ đỏ.

- Thứ hai, theo trả lời của chính quyền mà báo chí nêu thì khu đất này trước đây thuộc chính quyền Sài Gòn (đương nhiên rồi), được cơ quan của chính quyền mới tiếp quản (cũng đương nhiên rồi), từ đó tới nay chính quyền mới chưa làm gì trên đất đó, mặc dù chính quyền nói là quy hoạch cho việc này sau đó đổi qua quy hoạch cho việc kia, cuối cùng là quy hoạch xây trường học, nhưng thực tế mấy chục năm nay chưa làm gì. Nhưng do có quy hoạch treo đó nên các gia đình ở đây không được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, người dân vẫn kê khai và nộp thuế cho chính quyền, chính quyền nhận nộp thuế nghĩa là gián tiếp thừa nhận quyền sử dụng. Theo tin trên báo chí thì có tới 90 hộ có đơn nói rằng họ đã ở đây từ năm 1955 tới nay, chuyện này có hay không cũng không thấy chính quyền trả lời và không thấy báo nào điều tra. Theo luật thì đất nông nghiệp không được xây nhà, nhưng nhà đã cất (không kiên cố) rất nhiều năm nhưng không bị ngăn cản, nghĩa là chính quyền gián tiếp chấp nhận cho dân cất nhà. Có người sẽ cãi, rằng ở đây có lập biên bản, vân vân, vấn đề là nếu thực sự nhà tư xây trên đất công thì chính quyền phải không để cho người ta làm trái phép, chứ cái biên bản thì ý nghĩa gì
.
- Thứ ba, nếu chính quyền thu hồi đất để làm dự án (ở đây là xây trường học) thì sẽ có 2 tình huống : 1- Nếu dự án đó có trước khi dân làm nhà, thì trước hết phải cách chức tất cả những người có trách nhiệm quản lý liên quan đến khu đất đó, sau đó thực hiện giải tỏa đền bù theo luật. Tiền đền bù phải do những người có trách nhiệm bị cách chức đó chịu, không thể đem tiền thuế của dân để phục vụ cho sự tắc trách của họ. 2- Nếu các căn nhà đó có trước khi lập dự án thì chính quyền phải thương lượng với dân để thực hiện chính sách giải tỏa theo giá thị trường, vì dù chưa cấp sổ đỏ nhưng chính quyền đã gián tiếp thừa nhận quyền sử dụng đất của họ. Trong cả hai trường hợp, nếu người dân không chịu tự giải tỏa thì mới thực hiện cưỡng chế. Tôi là người kịch liệt phản đôi việc chính quyền thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh tế theo điều 62 Luật Đất đai, nhưng ở đây là dự án công cộng có thể chấp nhận nhà nước thu hồi được, nhưng việc thu hồi và đền bù nhất định không để cho người dân phải rơi vào điều kiện sinh sống xấu hơn trước. Dù như vậy (trong thực tế không được như vậy) thì việc cưỡng chế tại thời điểm sát Tết nguyên đán là bất nhân và phi chính trị.

Cuối cùng, tôi chợt nhớ lời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông nhiều lần nhắc các nhà báo chúng tôi phải bảo vệ người dân khỏi tình trạng oan sai trong vấn đề đất đai, thậm chí ông bảo phải giúp dân kiện chính quyền để lấy lại công bằng. Tôi có hỏi, nếu dân lấn chiếm đất công thì dân có sai không, ông nói, để cho dân lấn chiếm đất công là chính quyền sai chứ không phải dân sai.
Nghiệm lại lời của ông tôi thấy hoàn toàn đúng. Cũng là chính quyền, tại sao dân xây cái chuồng gà cũng biết mà phạt trong khi xây cả trăm căn nhà lại không nghe không biết không thấy ?
.

Không có nhận xét nào: