Translate

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Dân ‘dị ứng’ với khu lăng mộ của ô Chủ tịch nước TĐQ.

Dự kiến thu hồi 260 dự án ven biển
Vụ Thủ Thiêm: mượn ‘lò’ để tống tiền lẫn nhau?
Hội nghị trung ương 7 và dấu hỏi Đinh Thế Huynh
Bàn về lợi ích nhóm từ vụ Phan Văn Anh Vũ

VOA - Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang qua đời hôm 21/9, sẽ được an táng tại quê nhà vào chiều 27/9, theo thông cáo đặc biệt của Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam về quốc tang dành cho ông.

Hôm 23/9, báo mạng lớn nhất Việt Nam, VNExpress, đăng phóng sự cho hay khu an táng ông Trần Đại Quang rộng tới trên 2 hectare, nằm ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.


Bài báo dẫn lời một cán bộ xã Quang Thiện cho biết khu đất đó cách đây vài năm là “cánh đồng lúa của người dân” nhưng đã được hợp thửa, sau đó được san nền và chuyển sang trồng cây xanh.

Bao quanh khu đất là những con đường trải nhựa, với vỉa hè lát đá, bài báo của VNExpress cho biết. Giáp với khu nghĩa trang này có một dòng sông nhỏ.

Phóng sự cũng cho biết kể từ chiều ngày 21/9, khi có thông báo ông Quang qua đời ở tuổi 62, luôn có hàng trăm công nhân và hàng trăm xe cộ, máy móc làm việc hối hả “không kể ngày đêm” để gấp rút hoàn thiện nơi an táng nhà lãnh đạo quá cố.

VNExpress không cho biết chi phí cho tất cả những hoạt động này là do gia đình ông Quang chi ra hay từ ngân quỹ nhà nước hoặc địa phương.

Bản tin của VNExpress nhanh chóng thu hút sự chú ý của người sử dụng mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ bài báo trên trang Facebook cá nhân hoặc trong các diễn đàn trên mạng, thu hút hàng trăm lời bình luận.

Một số người ước đoán rằng số tiền bỏ ra cho nghĩa trang cá nhân của cố Chủ tịch Quang có thể lên đến trên 20 tỉ đồng, họ đặt câu hỏi liệu số tiền này là do gia đình ông bỏ ra, hay được chi trả bằng ngân sách, tức tiền thuế của dân.

Một thông tư năm 2013 của Bộ Tài chính quy định rằng mức chi từ ngân sách nhà nước cho một lễ quốc tang tối đa là 800 triệu đồng.

Nhiều người khác tập trung vào chi tiết cho hay khu an táng cố chủ tịch Quang từng là đất ruộng rộng hàng chục nghìn mét vuông.

Họ đặt ra một số câu hỏi, trước hết việc chuyển đổi đất ruộng sang đất an táng, liệu có đủ giấy phép và tuân theo các quy định về đất đai? Và đất do gia đình ông Quang mua hay được nhà nước cấp?

Một mối quan ngại khác được nêu lên là đất trồng cấy phải hàng chục, thậm chí cả trăm năm cải tạo mới thành, nay lại bị lấp đi làm nơi chôn cất, khuôn viên riêng, nhiều lời bình hỏi liệu làm như vậy có bị xem là “lãng phí tài nguyên đất đai của dân tộc” không?

Những người khác nêu ý kiến rằng việc xây nơi chôn cất rộng bạt ngàn cho thấy có những quan chức “đến chết vẫn muốn oai”, thể hiện “đặc quyền đặc lợi”.

Nhìn ở một góc độ khác, nhiều người chỉ ra thực tế là giới chức và gia đình lâu nay vẫn “nói một đằng, làm một nẻo” hoặc “không làm gương” về việc tang ma gọn ghẽ, văn minh.

Dường như những phản ứng này đã dẫn đến việc VNExpress rút bài báo về khu an táng ông Trần Đại Quang sau một ngày bài được đăng.

Nhà báo tự do Sương Quỳnh, thành viên của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cổ súy cho tự do, dân chủ, nói với VOA:

“Khi nhìn thấy cả mấy hectare như vậy để làm mộ cho ông Quang, cho thấy những điều họ nói và điều họ làm nó khác xa nhau. Và một lăng tẩm như thế có khác nào là vua chúa. Vậy là họ ngồi trên ngai, trên đầu nhân dân, chứ đâu có phải là đầy tớ nhân dân đâu”.

Từ năm 2003, chính phủ Việt Nam đã ban hành công văn số 1328/CP-VX, vận động công dân tổ chức lễ tang trang trọng, không phô trương hình thức, không lãng phí. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương và các cơ quan liên quan vận động, giáo dục và khuyến khích nhân dân “áp dụng các hình thức hỏa táng, điện táng, tiến tới bãi bỏ địa táng”.

Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh trường hợp cố chủ tịch Trần Đại Quang hiện nay, trong những năm gần đây, khi một số quan chức từng nắm các chức vụ cao qua đời, gia đình họ đã xây những khu lăng mộ hoặc khu tưởng nhớ rất rộng lớn, hoành tráng, gây nhiều “dị ứng”, theo nhiều người bình luận trên mạng xã hội.

Gần đây nhất, tin tức về tang lễ của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 3/2018 cho thấy phần mộ của ông đặt cạnh nơi chôn cất người vợ quá cố rộng hàng trăm mét vuông, nằm trên một quả đồi nhỏ trong khuôn viên nhà riêng của ông ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Vẫn theo báo chí Việt Nam, vào tháng 2/2016, một năm sau khi Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh qua đời và được an táng ở Đà Nẵng, gia đình ông đã hoàn thành khu lưu niệm trong đó có mộ phần ông Thanh, rộng tổng cộng khoảng 1.000 m2 ở quê nhà.

Trước đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được nhìn nhận như một trong các vị khai quốc công thần của Việt Nam thời hiện đại, đã được an táng vào tháng 10/2015 trên một sườn núi nhìn ra biển ở tỉnh Quảng Bình, mà riêng mặt bằng nơi hành lễ đã rộng đến 6.000 m2, theo các bản tin trong nước.

Trong các diễn đàn, nhiều người kêu gọi đã đến lúc Đảng Cộng sản và quốc hội phải ban hành văn bản có tính pháp lý, theo đó yêu cầu đảng viên và quan chức chính quyền cam kết khi họ qua đời, gia đình họ sẽ không tổ chức mai táng xa hoa, lãng phí.

Một trong những tiếng nói như vậy là luật sư Trần Vũ Hải, một Facebooker nổi tiếng với hơn 82.000 người theo dõi. Ông viết trên trang cá nhân, đề nghị Trung ương Đảng sớm ra nghị quyết “cấm các đảng viên và gia đình đảng viên cấp lãnh đạo … xây lăng mộ có khuôn viên quá 50m2” và yêu cầu “phải hoả táng”.

Ông Hải đề xuất một cách mạnh mẽ rằng quan chức nào không thực hiện, nhà nước “không tổ chức lễ quốc tang hay lễ tang cấp nhà nước”, thay vào đó, nhà nước sẽ “kỷ luật tước mọi chức vụ kể cả sau khi chết!”

Giải thích với VOA về lý do thôi thúc ông đưa ra đề xuất kể trên, luật sư Hải nói ông không muốn thấy gia đình các quan chức liên tiếp xây lăng mộ hoành tráng, trở thành một “phong trào”, hay một “cuộc đua” có hại cho uy tín, hình ảnh của lãnh đạo và đảng cầm quyền ở Việt Nam.

Ông nói thêm:

“Cuối cùng cuộc đua đấy có thể làm cả dân cả quan đua nhau xây lăng mộ. Theo tôi, nó không phù hợp với đất nước còn nghèo như Việt Nam. Các nước văn minh họ không làm như thế”.

Luật sư Hải và những người khác có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nêu quan điểm rằng nếu các lãnh đạo Việt Nam muốn được nhớ đến sau khi qua đời, họ cần để lại dấu ấn cá nhân trong các chính sách tốt hoặc các công trình hiệu quả, có ích, thay vì xây lăng mộ.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội bày tỏ suy nghĩ rằng nếu gia đình các quan chức dành tiền để xây trường học, thư viện hay bệnh viện, việc đó sẽ hữu ích hơn, để lại “tượng đài trong lòng dân” được nhớ đến lâu dài hơn nhiều so với “những tượng đài hay lăng mộ hữu hình”.

>>> MP Blog...

Không có nhận xét nào: