Translate

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Thủ Thiêm và Báo chí

Nhà báo Lan Nguyên

Ngày 10-5, sau đợt sóng thương cảm, chia sẻ với người dân mất đất ở Thủ Thiêm, cộng đồng mạng bắt đầu quay sang tấn công cánh nhà báo. Một câu hỏi được nhiều người đồng loạt không rủ mà cùng đặt ra, rằng mười mấy năm qua báo chí ở đâu, để rồi mãi tới tận mấy ngày gần đây mới đồng loạt lên tiếng? Đặc biệt có người là nhà báo mảng chính trị xã hội ở một tờ báo lớn cũng đặt câu hỏi này (!). Kèm theo một chú thích nho nhỏ: có người đặt câu hỏi là các nhà báo đã được mua đất dự án Thủ Thiêm với giá rẻ? Status này nhận được gần 1.000 like, vài trăm share và vô số comment tán tụng người hỏi, phỉ báng những nhà báo im lặng ăn tiền.

Lại cũng không hẹn mà gặp, cũng hôm qua, nhiều nhà báo viết những “chuyện bây giờ mới kể”. Có người buồn bã kể chuyện mình đã lặn lội ghi nhận những trường hợp người dân bị giải tỏa, phải sống chui rúc cực khổ như thế nào để bám đất khiếu nại. Sau đó, về viết bài, cũng được đăng, nhưng lọt thỏm vào im lặng. Có status thuật lại hai mươi năm trước thuở mới vào nghề, bị đàn anh và sau đó là một toà soạn khác, dặn dò, “chỉ đạo” đừng dính vào vụ Thủ Thiêm, vì những người đi khiếu nại nhận tiền của “phản động” để gây rối…, dù trong thực tế không phải như vậy.
Lại cũng có một nhà báo cũng của một tờ báo lớn, nổi giận với câu hỏi “nhà báo ở đâu?”. Người này cho rằng còn rất nhiều nhà báo mảng chính trị xã hội đầy nhiệt huyết. Nhiều năm trước, họ cũng đã có những bài báo về chuyện Thủ Thiêm, chỉ là hiệu quả không như mong muốn, thế nên, đừng quơ đũa cả nắm, sỉ nhục nhà báo… Nhiều người, sau khi hoàn thành nhiệm vụ viết bài trên báo, “viết tiếp” hoặc “viết riêng” những chuyện chỉ có thể viết trên Facebook về sự kiện nóng đang xảy ra.
Cánh nhà báo đang tự thú, tự hối, xỉa xói nhau và bị đám đông xỉa xói. Những nét chấm phá này – kể cả một số đông nhà báo chọn thái độ không bao giờ viết gì về nghề nghiệp trên Facebook – vô tình tạo nên bức tranh tổng thể về nghề báo, với nhiều bộ mặt. Có bộ mặt sầu thảm, đau đáu nỗi niềm làm nghề nhưng bị bó tay bịt miệng; có bộ mặt cau có giận dữ, chửi bới vung vít; có bộ mặt của những người gió chiều nào cũng sống tốt, sáng xách cặp đi, tối xách cặp về, đều đặn lãnh lương. Không thiếu những bộ mặt câng câng thỏa mãn vì mới mua được miếng đất này, cổ phần kia với giá “thân hữu”; lại có những bộ mặt đóng vai “nhà báo dũng cảm”, với những hợp đồng truyền thông béo bở, sẵn sàng dùng ngôn từ hạ cấp nhất để đấu tố đồng nghiệp bên đối phương!
“Bức tranh” những người ngoài nghề “vẽ” dân làm báo trong mấy ngày qua, ôi thôi, rất, rất nhiều chê trách, sỉ nhục, không kể xiết. Nào là hèn, bút nô, “cho sủa mới được sủa”… Không phải tới tận bây giờ người ta mới nhận ra báo chí Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng và chính quyền. Nhưng vụ Thủ Thiêm là một minh họa trực quan, dễ hiểu và hài hước nhất. Ai đời một sự kiện xảy ra ở sát trung tâm thành phố, liên quan đời sống cả mười mấy ngàn dân, nhiều người mất đất, mất nhà oan khuất, hàng tấn đơn từ, vạn lời kêu khóc… mà chìm vào im lặng suốt mười năm? Tiến sĩ Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ) nói với tờ Zing: “Những người dân Thủ Thiêm đã bị (chính quyền- NV) phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại”.
Ở đây có lẽ phải bổ sung rằng người dân Thủ Thiêm chẳng những không hề tồn tại dưới mắt nhà cầm quyền mà còn cũng trở nên “vô hình” trước gần 1.000 tờ báo, tạp chí và hơn 17.000 nhà báo (thỉnh thoảng họ cũng có xuất hiện, lướt qua, trong vài bài báo hiếm hoi). Thế rồi đùng một cái, báo chí đồng loạt kêu khóc vang trời cho dân Thủ Thiêm, bài vở tới tấp không kịp đọc.
Đã là công cụ thì sẽ bị sử dụng. Chẳng qua việc sử dụng tùy thời, tùy nơi, tùy cách, có lúc khéo léo, kín đáo, có lúc lộ liễu, công khai. Đã là nhà báo, chắc chắn ai cũng biết “chức năng” công cụ của mình. Người thì tặc lưỡi sống; người thì đành nương theo đó để làm được gì giúp ích được cho xã hội, cho người yếu thế thì làm; người thì lợi dụng nó để kiếm chác. Chỉ có bạn đọc có thể không nhận ra (trước đây) thôi.
Trong khi tôi đang viết những dòng này thì đọc được tin Ban Tuyên giáo Trung ương có chỉ thị miệng đề nghị ngưng đăng chuyện Thủ Thiêm. Chỉ thị này chỉ là một khẳng định nối dài cho cái ý rằng, gần 1.000 tờ báo-tạp chí chỉ có một tổng biên tập và hơn 17.000 nhà báo chỉ có một bộ mặt: BỘ MẶT CỦA TUYÊN GIÁO. Phàm đã mang bộ mặt này thì người sang cũng như kẻ hèn, người chính trực lẫn kẻ gian manh, nhà báo tử tế hoặc những tay “điếm bút”, cũng cùng xếp vào một rọ như nhau cả thôi! Sự kiện Thủ Thiêm cho thấy rõ điều này hơn bao giờ hết. Nó bộc lộ rõ “thế đứng” của báo chí trong tình thế hiện thời – một “thế đứng” có thể bị xô ngã bất cứ lúc nào, một thế đứng kỳ dị tạo nên một diện mạo xấu xí khó có thể nhận được đồng cảm xã hội. Sự thật này, có muốn tránh, có thể tránh được sao!
Tin nhắn của ban Tuyên giáo Trung ương (nhắn bằng điện thoại)  gửi đến các tổng biên tập sáng 11-5-2018: “Từ phản ánh dư luận, báo chí về Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, TPHCM, các cơ quan chức năng đang xem xét, xử lý theo quy định. Yêu cầu các cơ quan báo chí tạm dừng thông tin về vấn đề này. Cám ơn các anh chị”.

Cùng nguon
>  
https://www.triviet.news/ban-tay-tuyen-giao/
Tác giả gửi Trí Việt News

Không có nhận xét nào: