Đi Nha Trang mà ngỡ ra nước ngoài. Trong 2-3 năm trở lại đây, khách Trung Quốc (TQ) đột nhiên ồ ạt đến Nha Trang, đẩy khách Nga dạt dần đi nơi khác. Những vi phạm tương tự lại tái diễn. Anh Đặng Văn Lâm, du khách đến từ TP.HCM, không khỏi bất ngờ: “Nha Trang giờ khác quá. Bốn năm trước khách Nga tràn ngập, nay đi đâu cũng gặp khách TQ. Muốn tìm một quán ăn vắng bóng du khách nước ngoài ở khu trung tâm cực khó. Chưa kể vào quán nào cũng treo biển hiệu toàn chữ nước ngoài, thậm chí thực đơn cũng ghi tiếng Trung, tiếng Nga chứ không ghi tiếng Việt. Muốn gọi món gì cũng phải nhờ nhân viên dịch”
.
.
(PL)- Luật Quảng cáo quy định trên các bảng hiệu, quảng cáo của cửa hiệu kinh doanh đều bắt buộc phải có tiếng Việt và tiếng Việt phải lớn hơn tiếng nước ngoài.
Khoảng bốn năm trước, khách du lịch nước ngoài đến TP biển Nha Trang chủ yếu là người Nga. Thế là hàng loạt nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn cùng dịch vụ đi kèm nở rộ, hầu hết đều gắn biển hiệu, bảng quảng cáo bằng tiếng Nga. Sau khi báo chí lên tiếng, chính quyền địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ nên tình hình được cải thiện.
Đi Nha Trang mà ngỡ ra nước ngoài
Trong 2-3 năm trở lại đây, khách Trung Quốc (TQ) đột nhiên ồ ạt đến Nha Trang, đẩy khách Nga dạt dần đi nơi khác. Những vi phạm tương tự lại tái diễn. Anh Đặng Văn Lâm, du khách đến từ TP.HCM, không khỏi bất ngờ: “Nha Trang giờ khác quá. Bốn năm trước khách Nga tràn ngập, nay đi đâu cũng gặp khách TQ. Muốn tìm một quán ăn vắng bóng du khách nước ngoài ở khu trung tâm cực khó. Chưa kể vào quán nào cũng treo biển hiệu toàn chữ nước ngoài, thậm chí thực đơn cũng ghi tiếng Trung, tiếng Nga chứ không ghi tiếng Việt. Muốn gọi món gì cũng phải nhờ nhân viên dịch”.
Còn chị Nguyễn Thị Nga, đến từ Hà Nội, bày tỏ: Gia đình vô cửa hàng hải sản, nhìn thực đơn thấy toàn tiếng Trung, Nga. Nhân viên bảo gia đình ăn con gì, món gì cứ căn cứ vào… hình ảnh in cạnh bên mà gọi. “Hỏi sao thực đơn không ghi tiếng Việt, nhân viên bảo “quán em chủ yếu tiếp khách TQ, Nga nên ghi tiếng Trung, tiếng Nga cho tiện”. Quá thất vọng, gia đình tôi đi ra, chọn quán khác” - chị Nga chán ngán.
Nhìn vào thì du khách chỉ biết đây là cửa hàng, không biết họ bán gì ở bên trong. Ảnh: XUÂN LÊ
Theo ghi nhận sáng 3-4, khoảng 70%-80% cửa hàng trên nhiều tuyến phố ở Nha Trang treo biển hiệu, bảng quảng cáo có tiếng Trung, tiếng Nga, một số ít ghi bằng tiếng Anh hoặc song ngữ. Một số bảng có in tiếng Việt nhưng kích thước rất nhỏ so với tiếng nước ngoài. Trong khi theo Luật Quảng cáo, biển hiệu phải viết bằng tiếng Việt. Trường hợp muốn thể hiện thêm bằng tiếng nước ngoài thì phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn tiếng Việt.
“Khách của tôi chủ yếu người Nga, người TQ nên in biển hiệu bằng hai thứ tiếng này cho tiện. Khách Việt tới hỏi thì mình giải thích thêm. Quanh đây cửa tiệm nào cũng vậy, có thấy ai nhắc nhở đâu” - bà Ngọc Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh trên đường Trần Quang Khải, nói.
Nghe vậy, hai vợ chồng trẻ người Việt đứng gần phóng viên chua chát nói: “Đi du lịch trên nước mình mà cứ ngỡ lạc ra nước ngoài. Nhìn bảng hiệu bằng tiếng Anh còn hiểu được một chút, chứ bảng ghi bằng tiếng Trung, tiếng Nga là thua, phải hỏi nhân viên. Mà nhiều cửa hàng dường như cũng chả cần khách Việt, hỏi không thèm trả lời. Rất bực bội”.
Kiểm tra, xử phạt còn quá ít
Một cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa xác nhận ở trung tâm TP Nha Trang, các biển hiệu sai phạm được ghi bằng hai thứ tiếng Nga và Trung, còn ở ngoại thành chỉ độc tiếng Trung. “Khách Nga chỉ tập trung ở khu trung tâm nên các đơn vị kinh doanh ghi bằng hai thứ tiếng. Còn ngoại thành thì chỉ khách TQ tới. Giờ ra ngoại thành đầy nhà hàng ăn uống, cửa hàng tạp hóa mà chỉ du khách TQ vào, người Việt ít” - vị này giải thích.
Trả lời cử tri tại phiên họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thừa nhận: Trong những năm gần đây, số lượng khách quốc tế, chủ yếu từ TQ, Nga đến Nha Trang tăng cao. Để phục vụ kinh doanh, nhiều tổ chức, cá nhân đã quảng cáo, quảng bá các hoạt động kinh doanh của mình bằng tiếng nước ngoài, vi phạm quy định của Luật Quảng cáo.
“Năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa kiểm tra 43 trường hợp, xử phạt 21 trường hợp vi phạm với tổng số tiền trên 70 triệu đồng. Ba tháng đầu năm 2018, kiểm tra chín cơ sở thì phát hiện ba cơ sở vi phạm. Các cơ sở, cá nhân vi phạm chủ yếu các lỗi: Không thể hiện đầy đủ tên biển hiệu, tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thể hiện chữ nước ngoài không đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khổ chữ nước ngoài lớn hơn tiếng Việt…” - ông Hà nói. Lãnh đạo UBND TP Nha Trang cũng cho biết trong năm 2017 TP Nha Trang đã kiểm tra 133 trường hợp, lập biên bản xử phạt 21 trường hợp, phạt tiền trên 166 triệu đồng.
Vì sao số lượng cơ sở vi phạm bị xử phạt ít như vậy? Vị cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa giải thích: Việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn do chủ cơ sở tìm đủ cách đối phó. Ví dụ, họ cất giấu những tờ rơi, thực đơn, bảng quảng cáo đứng có in tiếng nước ngoài nên không có cơ sở xử lý (!?).
“Sắp tới Sở sẽ đưa tiêu chí thi đua xét công nhận hộ gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa việc chấp hành quy định về viết, đặt tên biển hiệu, bảng quảng cáo” - ông Nguyễn Khắc Hà đưa ra giải pháp.
Điều 18 Luật Quảng cáo quy định: Các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Điều 34 Luật Quảng cáo quy định biển hiệu phải có các nội dung sau: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, số điện thoại. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18.
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét