Translate

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Tập đoàn ...Nhà nát !

.

(NLĐO)- Một số lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên góp vốn thành lập công ty "sân sau", làm ăn thua lỗ hàng trăm tỉ đồng.

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và một số đơn vị thành viên với số tiền thua lỗ gần 8.400 tỉ đồng.
Trong đó, TTCP chỉ ra nhiều sai phạm trong việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, gây thua lỗ lớn. Cụ thể, đến 31-12-2011, tổng số vốn các đơn vị thành viên của VRG đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh là rất lớn, chủ yếu là từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư. Nhưng hiệu quả đầu tư rất thấp, nhiều khoản đầu tư trong nhiều năm không thu được lợi nhuận, lỗ, thậm chí nguy cơ mất vốn với giá trị lớn.
Hàng loạt đơn vị đầu tư ngoài ngành thua lỗ
Theo TTCP, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, đến 31-12-2011, tổng giá trị đã đầu tư hơn 69 tỉ đồng vào 6 công ty ngoài ngành nghề kinh doanh chính, chiếm 47,15% tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Nhưng chỉ có duy nhất 1 công ty có lãi với số tiền khiêm tốn hơn 1,5 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cũng đã thực hiện đầu tư hơn 345,6 tỉ đồng vào 6 công ty ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Trong đó, đầu tư gần 236 tỉ đồng vào 4 công ty từ năm 2009 - 2011 chưa có cổ tức. Theo lộ trình tái cơ cấu của VRG, Công ty đã thoái được vốn tại Công ty cổ phần VRG-Long An, còn lại 5 công ty chưa thực hiện.
Tập đoàn Cao su Việt Nam và đơn vị thành viên làm ăn thua lỗ thế nào? - Ảnh 1.
Trụ sở Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa, một trong những đơn vị từng đầu tư ra ngoài ngành nghề chính gây thua lỗ- Ảnh: www.phr.vn
Hầu hết các đơn vị thuộc VRG đều đầu tư ra ngoài ngành nghề chính. Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã thực hiện góp vốn hơn 70 tỉ đồng vào 4 công ty, đến thời điểm thanh tra có 3 công ty hoạt động thua lỗ.
Ngoài ra, công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê góp vốn vào 7 công ty gần 139 tỉ đồng, có 3 công ty đang hoạt động lỗ. Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã đầu tư gần 363 tỉ đồng, trong đó 92,44% tổng giá trị vốn đầu tư là hơn 335 tỉ đồng chưa có cổ tức. Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (PRC) đầu tư gần 181 tỉ đồng, có khoản gần 21 tỉ đồng vào Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Đồng Tháp (DSEC) không có hiệu quả kinh tế, khả năng mất vốn.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ công ty TNHH MTV Cao Su Lộc Ninh đầu tư 102 tỉ đồng, có 43 tỉ đồng của 2 dự án sử dụng nguồn vốn từ quỹ phúc lợi và vốn khác sai quy định để đầu tư chăn nuôi bò hướng thịt, bò sữa nhưng không có hiệu quả, nguy cơ mất vốn.
Thậm chí, một số đơn vị khác thuộc VRG còn đầu tư vốn rất lớn vào lĩnh vực khách sạn, du lịch gây thua lỗ nặng. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đầu tư vào Công ty cổ phần Du lịch, Thượng mại khách sạn Hưng Yên 70 tỉ đồng từ quỹ phúc lợi không đúng quy định.
Góp vốn lập công ty "sân sau"
Theo kết luận của cơ quan thanh tra, một số lãnh đạo của VRG và đơn vị thành viên đã góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp ( DSEC) với vốn điều lệ 169 tỉ đồng làm công ty "sân sau".
Theo đó, một số cổ đông chính được chỉ rõ như Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai, Cao su Phú Riềng...; một số cá nhân là lãnh đạo thuộc VRG góp gần 103 tỉ đồng chiếm 71% vốn góp thực tế.
Tập đoàn Cao su Việt Nam và đơn vị thành viên làm ăn thua lỗ thế nào? - Ảnh 2.
Ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam vừa bị khởi tố điều tra - Ảnh: Nongnghiep.vn
Kết luận của cơ quan thanh tra cho thấy các đơn vị khi quyết định đầu tư góp vốn đã không xây dựng đề án, không có ý kiến đồng ý của VRG là không đúng quy định về Quy chế quản lý tài chính Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Ngoài ra, một số đơn vị đã dùng quỹ phúc lợi của đơn vị đề đầu tư góp vốn, vi phạm quy định.
Các lãnh đạo VRG sau khi góp vốn thành lập công ty "sân sau", còn tham gia vào các vị trí lãnh đạo, như: nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị DSEC; Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Cao su, kiêm Ủy viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc DSEC. Các hành vi này đều vi phạm Luật Doanh nghiệp.
Kể từ khi thành lập vào năm 2007 đến năm 2012, DSEC liên tục lỗ. Tuy nhiên, Công ty tài chính TNHH MTV Cao su VN vẫn cho DSEC vay tiền bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý.
DSEC kinh doanh không hiệu quả, nhiều khoản vay sử dụng sai mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 144 tỉ đồng và dư nợ phải trả lên đến trên 253 tỉ đồng.
Ngày 12-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can để điều tra về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên.
Các bị can gồm: Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch HĐTV VRG; Nguyễn Thành Châu, nguyên Giám đốc và Nguyễn Văn Minh, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú, nguyên Giám đốc và Hoàng Văn Sơn, Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng.
Minh Chiến

Không có nhận xét nào: