Translate

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Chuối non chín ép, ai ép chuối non?


Đặng Vỹ 
(NQL) Bổ nhiệm người trẻ để trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo nhằm tăng cường sức mạnh, trí tuệ cho hệ thống chính trị là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhưng nếu thiếu cẩn trọng sẽ gây ra những di họa khó lường, mà trường hợp nguyên Bí thư Đà Nẵng là minh chứng sinh động.

Còn nhớ, từ cách đây khoảng 20 năm, trong các cuộc thi hoa hậu, có không ít những thí sinh là các bé gái chỉ mới 16 tuổi, mới học xong bậc cấp 2, bây giờ gọi là Trung học cơ sở, vừa bước vào ngưỡng năm đầu bậc Trung học phổ thông.


Với lứa tuổi ấy, khó có thể các bé có một sự trưởng thành đầy đủ, cả về thể chất lẫn kiến thức. Cho nên đã có những cuộc thi “hoa hậu”, ở phần kỹ năng, rất nhiều bé cũng không chứng minh mình có kỹ năng gì ngoài… hát. Ai cũng hát thì cuối cùng cũng phải có người được chọn vào vòng trong. Còn ở phần ứng xử, không ít những câu trả lời ngớ ngẩn khiến người xem phì cười.

Thấy chuyện bất ổn, sau đó Bộ Văn hóa Thông tin mới có quy định, thí sinh thi hoa hậu, thấp nhất phải đạt 18 tuổi trở lên.

Và câu chuyện đó giờ được tái hiện ở trường hợp nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Cũng còn nhớ, khi nghe phong thanh ông Nguyễn Xuân Anh được cơ cấu làm lãnh đạo Đà Nẵng, dư luận đã xì xào. Người ta không tin, một người mới 35 tuổi đã là Phó Chủ tịch, rồi 39 tuổi đã là Bí thư của một trong những thành phố lớn, năng động của đất nước.

Tuy nhiên, dư luận là cái đi trước, không có chứng cứ để thuyết phục. Dư luận chỉ có một cơ sở cho rằng ông Nguyễn Xuân Anh được cơ cấu chỉ vì ông là “hạt giống đỏ”, là con của cán bộ cao cấp ở trung ương. Đương nhiên, cơ sở này quá yếu ớt. Bởi nếu nói vậy thì không lẽ đã là người trẻ thì sẽ không gánh vác được trọng trách, cứ người trẻ là không được cơ cấu?

Nhưng rồi chính người được cơ cấu cũng đã tự thân chứng minh cũng là trường hợp chuối non chín ép, là dư luận đã đúng. Cứ nhìn thực trạng Đà Nẵng hiện nay, người có lòng trắc ẩn không khỏi ngao ngán. Một cơ đồ mà người tiền nhiệm Nguyễn Bá Thanh phải trả giá rất lớn mới gầy dựng được, giao lại để ra đi, giờ đảo lộn, xáo trộn lên như mớ bòng bong.

Những lời nói hùng hồn, có cánh của Bí thư Nguyễn Xuân Anh những ngày đầu mới nhậm chức khiến người dân Đà Nẵng nức lòng bao nhiêu, thì giờ đây chính những lời nói đó lại khiến người dân càng nghi ngờ bấy nhiêu về cái mục đích thực chất của những phát ngôn.

Bản thân ông Nguyễn Xuân Anh đã làm gì, thì đến giờ ông ấy đã phải trả nợ cho những việc làm của mình. Thế nhưng, cái lỗi này có phải chỉ là lỗi của ông Nguyễn Xuân Anh?

Ông là chuối non chín ép, nhưng ai đã ép để buộc chuối non phải chín?

Nếu rà soát lại công tác bổ nhiệm cán bộ, người ta lại có câu trả lời là “bổ nhiệm đúng quy trình”. Nhưng nếu cái quy trình đó cứ để cho những trường hợp như Nguyễn Xuân Anh, Châu Thị Thu Nga, và nhiều trường hợp khác nắm các cương vị chủ chốt ở các cơ quan Đảng và chính quyền, đã gây ra những hậu quả không nhỏ, làm hỏng cả nền tảng kinh tế – chính trị – xã hội, thì ý nghĩ nghi ngờ quy trình đã có lỗ hổng không phải là không có cơ sở.

Việc quy hoạch bổ nhiệm lãnh đạo, ban đầu có thể xuất phát từ tinh thần trung thực, tích cực của người làm công tác cán bộ. Nhưng sau đó những diễn biến tiêu cực có thể nảy sinh từ con người, từ cá nhân sau khi được bổ nhiệm, chẳng hạn sức mạnh của quyền lực làm cho người ta dần dần biến đổi, không phải không có lý. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp lợi dụng lỗ hổng nào đó của quy trình để thực hiện ý đồ không vì mục đích quy hoạch vô tư, cũng không phải là không có lý.

Sau sự kiện Bí thư Nguyễn Xuân Anh, ĐBQH Châu Thị Thu Nga, và nhiều cán bộ lãnh đạo khác ở các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền và doanh nghiệp, có lẽ Đảng và Chính phủ sẽ rút ra được nhiều bài học giá trị về công tác cán bộ, công tác nhân sự.

Riêng người được bổ nhiệm, nếu tự xét thấy năng lực mình chưa đủ đáp ứng, cũng nên tự trọng không nhận. Đừng vì quyền lực hay danh vọng, để rồi chính mình cũng tự “ép chín” mình.

Không có nhận xét nào: