Translate

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Nhà nước pháp quyền và vụ Trịnh Xuân Thanh




Kết quả hình ảnh cho nữ thần công lý themis             Nữ thần Công lý

Berlin ngày 03.08.2017
.
Mấy ngày nay dư luận ầm lên vì Trịnh Xuân Thanh tự đầu thú hoặc bị „bắt cóc“. Rất nhiều ý kiến trái chiều nêu trên mạng xã hội. Có những câu hỏi (của cả những người trí thức lớn) là tại sao CHLB Đức tự xưng là công minh lại bao che cho kẻ đã đục khoét công quỹ của Việt Nam!? Tôi xin viết vài dòng quan điểm riêng của mình cho cuộc thảo luận thêm sôi nổi.

Nước Đức là một nhà nước pháp quyền. Khái niệm NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN là gì? Trong một nhà nước pháp quyền, mọi quyết định đều phải dựa vào luật, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một sự chỉ đạo nào, dù cá nhân hay tổ chức đó là ai. Nguyên tắc này sẽ hạn chế quyền lực của nhà nước, tăng khả năng bảo vệ những quyền tự do cơ bản cũng như công lý cho người dân.
Trước pháp luật, mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau, dù vị trí xã hội của họ thế nào, giàu hay nghèo, người nổi tiếng hay dân thường. Điểm quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền là sự độc lập của tòa án. Nếu công dân cảm thấy bị một cơ quan công quyền nào đó vi phạm các quyền cơ bản của mình, tòa án độc lập sẽ xem xét ai có lý.
Bạn có thể dùng nắm đấm dí sát mũi người bạn đang căm tức, nhưng nếu bạn dừng lại khi nắm đấm còn cách mũi người kia 1 cm, bạn không có tội. Còn chỉ cần chạm nhẹ, bạn vi phạm tội đánh người. Bạn có thể ném cà chua vào người cán bộ bạn ghét, nhưng nếu ném đá, bạn phạm vào tội gây tổn thương cho người khác.
Nếu bạn vượt đèn đỏ vì rất vội trong khi không có một xe nào, bạn vẫn bị phạm tội vượt đèn đỏ và phải chịu hình phạt nặng.  Những ví dụ kể ra sẽ rất dài và không cần thiết. Nhưng tại sao người ta không linh động cho được việc, cho đỡ tốn thời gian? Đó là câu hỏi cơ bản của pháp trị và nhân trị.
Phép nhân trị là giải quyết mâu thuẫn sao cho có tình có lý (thấu tình đạt lý), trong khi pháp trị cứ dựa theo luật pháp hiện hành, đúng như biểu tượng Nữ thần công lý bịt mắt, tay trái cầm cân, tay phải cầm thanh kiếm.
Phép nhân trị dựa trên sự linh động, tùy từng trường hợp để xử lý (ví dụ xử nhẹ vì có thân nhân tốt). Điều đó dẫn đến xử  theo cảm tính, một trong những nguồn gốc dẫn đến hối lộ, bao che, phe cánh.
Vì sợ cảm tính sẽ biến một sự việc trở nên không khách quan, sẽ lây lan thành đạo đức chung, xã hội phương tây chọn pháp trị, mà nhiều người cho là cứng nhắc. Nền tảng cơ bản để thực thi pháp trị là giáo dục ý thức cho công dân, tin vào trách nhiệm và ý thức công dân, cùng lắm mới phải dùng luật pháp để đưa họ trở lại như một thành viên bình thường của xã hội.
Ngày hôm qua, 2.8.2017,  gần như toàn bộ truyền thông của CHLB Đức đều đưa vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin để đưa về Việt Nam. Bộ ngoại giao Đức không châp nhận việc này nên đã ra Thông cáo, trong đó yêu cầu một nhân viên tình báo Việt Nam phải rời nước Đức trong vòng 48 giờ. Theo họ, nhóm người này đã vi phạm luật pháp Đức và công pháp quốc tế và vì thế có ảnh hưởng xấu đến quan hệ Đức – Việt.
Rất nhiều người quan tâm cho là chính quyền Đức bao che tội phạm. Theo tôi được biết, Trịnh Xuân Thanh đã đặt đơn xin tị nạn, phía Đức đang xét đơn. Tức là TXT đang tạm thời sống hợp pháp ở Đức và nước Đức phải có trách nhiệm bảo vệ người này theo điều 1 của Hiến pháp „Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm“. Việc Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát hơn 100 triệu Đô la tiền công quỹ (như Việt Nam lên án) đối với phía Đức là chuyện không rõ ràng, vì có thể cách quản lý và dùng người của Việt Nam có nhiều khe hở để người ta lợi dụng, việc nội bộ của Việt Nam. Nếu Trịnh Xuân Thanh là một tội phạm hình sự nguy hiểm, nước Đức đã xử lý khác.
Ở Đức, nghề của các luật sư là biện hộ cho thân chủ, dù thân chủ là tội phạm. Qua đó chính quyền nhận ra khe hở luật pháp để hoàn thiện hơn, phù hợp với thời đại hơn và như vậy họ vẫn là công dân tốt, chứ họ không có trách nhiệm phải tố cáo thân chủ như một số người lầm tưởng.
Chính quyền Việt Nam có đặt vấn đề với Đức dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước thụ án. Phía Đức phải tìm điều khoản nào trong luật pháp cho phép dẫn độ ông này về Việt Nam, theo nguyên tắc pháp quyền chứ không phải „đòi hỏi của tôi chính đáng thế mà anh không ủng hộ!“. Phía Đức chưa thể quyết định ngay những đòi hỏi của Việt Nam vì cả hai tờ đơn còn dang dở: a) Cho phép dẫn độ về VN hay không?  b) Đơn tị nạn chưa được xét? Lúc đó họ mới có quyết định xử lý Trịnh Xuân Thanh thế nào.
Trong vụ này, có thể phía Việt Nam chủ quan cho rằng, việc bắt một tội phạm là chính đáng, sẽ được sự ủng hộ của Đức, một đất nước văn minh và luôn viết hoa từ Công lý. Tư tưởng nhân trị có lẽ không phù hợp với thời đại ngày nay nữa, vì con người không đủ tự giác xây dựng xã hội. Người Đức được cho là có ý thức hơn vì họ sợ luật pháp, sợ bị phạt nên vào guồng, lâu ngày thành tiềm thức.
Đức và Pháp là hai động cơ quan trọng nhất của Liên minh châu Âu. Tiếng nói của Đức có trọng lượng lớn trong khối EU. Đánh mất lòng tin của đối tác sẽ là một tai hại rất khó phục hồi.
Nguyễn Thế Tuyền

Không có nhận xét nào: