Translate

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Tuổi thơ không có Ô bà....

Nhớ bà nội
Ngày này cách đây 5 năm bà nội mất khi vừa 90 tuổi nhằm đúng ngày rằm tháng Giêng. Bà "đi" nhẹ nhàng, chả bệnh tật, đau đớn gì. Mẹ bảo đấy là do bà là Phật tử, hay ăn chay niệm Phật hàng ngày nên mới nhẹ nhàng thế. Thực ra, mấy hôm trước mình vừa nghĩ đến bà khi đọc cái vụ tranh cướp lộc hôm khai hội chùa Hương năm nay. Hồi xưa, mọi người đi lễ chùa không như thế. Lần cuối mình đi hội chùa Hương chính là đi với bà nội, đúng 20 năm trước. Sau đó mình có lên lại 2 lần thì 1 lần đi chụp ảnh, làm tin cho báo và lần khác thì đi mùa hè, dẫn khách đi chụp cưới ở đầu suối Yến rồi về, không vào chùa.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trẻ em
Quay lại chuyện đưa bà đi lễ chùa Hương. Khi ấy bà đã 75t, hồi đó chưa có cáp treo nhưng bà đi thoăn thoắt đến nỗi các chị, các cô đi lễ cùng toàn gọi "Bà ơi! Bà đi chậm chậm lại cho bọn con theo với". Có lẽ niềm tin tôn giáo thuần khiết đã giúp các cụ già như bà vượt qua được sức nặng của tuổi tác, sức khỏe mà hành hương chả biết mệt.
Mình là cháu đích tôn, "con đầu cháu sớm" nên được bà cưng chiều nhất, cưng hơn bọn em sau này. Có lẽ vì hồi bé mình sống với bà nhiều. Bố đi miền Nam công tác, mẹ học tập trung tiếng Pháp hình như hồi đó định làm nghiên cứu sinh gì đó nên gửi 2 anh em về quê độ 3 năm. Mình ở với ông bà đến tận năm 6 tuổi mới được đón lên Hà Nội học vỡ lòng. Thế nên suốt thời gian ấy, bà như người mẹ thứ 2 của mình. Ông nội còn hay mắng vì mình nghịch chứ bà thì chả bao giờ. Lúc nào bà cũng có cái kẹo, cái bánh hay quả gì đó để dúi cho. Cứ nghe bà gọi "Sơn ơi, ra bà bảo" là y như rằng có đồ ăn. Bà hình như chỉ mới hết mù chữ nhờ phong trào Bình dân học vụ nhưng bà thuộc tất cả các chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, tuồng tích. Ở quê, hồi xưa chả có điện, tối cứ ăn cơm xong một lúc là lên giường. Hai bà cháu nói chuyện. Và những câu chuyện của bà từ "Sọ dừa" cho đến "Lưu Bình, Dương Lễ", "Quan âm Thị kính", cả chuyện "Ngu công xẻ núi" bên tàu, thậm chí những câu ca dao đố cực kỳ bình dân, phồn thực như
" Bốn cô trong tỉnh mới ra
L` thì trắng toát như hoa cúc tần
Cậu ấm cứ đứng bần thần
Cái b` thì cửng như cần câu rô"

Đố là cái gì? ... đã theo mình vào giấc ngủ suốt mấy năm trời tuổi thơ.
Làng quê nhà mình ở dưới chân Ba Vì, núi Chẹ, ven con sông Đà, nằm ngay chỗ giáp ranh của 3 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ (bên kia sông) và Sơn Tây. Phong cảnh đẹp lắm. Đợt lâu rồi, thuở còn yêu đương chinh chiến, lái xe chở 1 cô bạn gái đi ngang quê để đi từ K9, Đá Chông ra đường 6 đi Hòa Bình, Sơn La mình dừng xe chỉ cho bạn ấy quê. Bạn bảo "Quê anh núi rộng, sông dài thế này hèn gì toàn hay nói chuyện phồn thực". Mình chả biết có phải thế không vì mình biết có đầy đứa quê ngay phố cổ HN mà còn nói chuyện bậy hơn mình nhiều...
Quê mình có chợ phiên vào thứ 3 và thứ 7 hàng tuần. Bà hay mang mấy thứ nhà trồng được ra chợ bán. Khi thì mấy con gà, khi thì trái cây, đa số là mít. Đất đồi nên mít nhiều, sai quả lắm. Mình ngồi 1 bên quang gánh, bên kia là mấy quả mít thế là bà gánh ông cháu đich tôn đi chợ. Mà cách nhà cả cây số đường ruộng chứ chả gần. Thỉnh thoảng các bà đi chợ lại nhầm tưởng mình là con út nên hỏi " Ơ, thằng này là thằng Chín à?". Mình toàn "Vâng". Ông chú út (chú Tám mình) toàn chọc sườn "Mày điêu vừa thôi!". Còn mình thì dảu mồm "Có mày điêu ấy!". Hai chú cháu hơn nhau có mấy tuổi nên cá mè một lứa chả ai nhường ai. Đánh nhau suốt.
Hôm nọ lên mạng thấy cái hình này bỗng nhớ bà kinh khủng. Nhớ muốn phát khóc. Hôm bà mất mình cũng khóc. Chả hiểu sao buổi sáng khi đưa quan tài bà ra đồng lại cứ nghe văng vẳng bên tai cái câu hát "Bà tôi đưa tôi ra ngoài đồng, mình bà đội cả trời nắng to..." và nhớ đến hình ảnh bà gánh mình đi chợ men theo những thửa ruộng ra chợ làng. Thế là khóc ngon lành...
Chả biết giờ này bà đã thành mây thành gió, vân du đất Phật hay ở đâu đó giữa luân hồi nhưng con đang nhớ bà lắm, bà ơi...
*

Không có nhận xét nào: