Nợ công đã và đang là thách thức lớn
nhất của nền kinh tế bởi nó xói mòn nỗ lực tăng trưởng trong dài hạn. Vậy tại
sao nợ công của Việt Nam lại “xấu” và “nguy hiểm” đến vậy với nền kinh tế trong
khi nhiều quốc gia lớn khác vẫn được xem là “ổn định” và “bền vững” dù tỷ lệ nợ
công/GDP của các quốc gia này cao hơn nhiều lần so với Việt Nam?
(Ảnh minh
họa: qua cafef.vn)
Bội
chi ngân sách kéo dài nhiều năm khiến tốc độ tăng nợ công gấp 3 lần tốc độ tăng
trưởng GDP…
Chính phủ của một quốc gia nếu luôn chi tiêu nhiều hơn so với nguồn thu từ thuế, tức là để tình trạng thâm hụt hay bội chi ngân sách kéo dài, thì nợ công sẽ tăng nhanh. Để bù đắp vào thâm hụt hay bội chi ngân sách, Chính phủ có hai lựa chọn, hoặc là in thêm tiền để bù vào, hoặc là đi vay thêm tiền, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (trái phiếu trong nước và quốc tế), hoặc vay vốn ODA. Và cũng bởi vậy, biến động lãi suất trái phiếu chính phủ, hoặc biến động đánh giá xếp hạng trái phiếu chính phủ của các tổ chức xếp hạng uy tín là thước đo hết sức tiêu biểu đánh giá tín nhiệm đối với Chính phủ đó và sức khỏe của nền kinh tế đó.
Với tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài nhiều năm, đương nhiên
nợ công trở thành vấn đề bức bách nhất của Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam;
giai đoạn 2006 -2016, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP tăng từ mức 0,99% lên đến
8,24%.
Theo số liệu được công bố chính thức của Chính phủ, trong giai
đoạn 2011-2015, nợ công tăng bình quân 18,5%/năm, gấp 3 lần so với tốc độ tăng
trưởng GDP. Năm 2015, nợ công tăng gấp 2,3 lần năm 2010; gấp 7,6 lần năm 2005
và 14,8 lần năm 2001. Cách đây 15 năm, nợ công chỉ chiếm 36,5% GDP và hiện đã
chiếm gần 65% GDP. Chính phủ đã phải áp dụng phương pháp vay đảo nợ để có nguồn
tiền trả nợ công: năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng, chỉ một năm sau đó con
số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng, con số này năm 2015 đã là 125.000 tỷ
đồng, và năm 2016 tiếp tục phải đảo nợ 95.000 tỷ đồng (!)
Tuy nhiên, những gì Bộ Trưởng Bộ Tài chính đưa ra mới chỉ so sánh
với chính Việt Nam trong 5 năm qua. Để có đánh giá đúng và đủ về rủi ro và hệ
lụy thực sự của nợ công Việt Nam, chúng ta cần xem lại chuẩn mực nợ công của
thế giới, nợ công “tốt” và nợ công “xấu”, các hệ lụy của nợ công “xấu” tới một
quốc gia đang phát triển và nghèo như Việt Nam; nhìn sang các nước trên thế
giới và khu vực để có tham chiếu và nhận định chính xác hơn cho vấn đề nợ công
của Việt Nam.
Dù
vậy, nợ công vẫn chưa được tính đúng và tính đủ theo thông lệ quốc tế
Theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới, nợ công được hiểu là
nghĩa vụ nợ của bốn nhóm: (1) Nợ của Chính phủ Trung ương và các Bộ, ban, ngành
Trung ương; (2) Nợ của các cấp chính quyền địa phương; (3) Nợ của Ngân hàng
Trung ương; và (4) Nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn,
hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ hoặc Chính
phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ. Trong
trường hợp của Việt Nam, đây chính là nhóm các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước,
gọi tắt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Như vậy, theo cách tính này, hiện nợ công của Việt Nam chưa bao
gồm nợ của các DNNN. Tuy nhiên, khối DNNN – vốn là khối chiếm giữ khối tài sản
quốc gia lớn, cát cứ các lĩnh vực kinh doanh quan trọng (điện, dầu khí, khoáng
sản, tài chính, viễn thông…) nên nợ của nhóm này cũng rất lớn. Ví dụ như trường
hợp của Vinashin, dù nợ của Vinashin không được tính vào nợ công, nhưng khi Tập
đoàn này mất khả năng thanh toán trên thị trường quốc tế, Chính phủ đã không
thể lờ đi trách nhiệm trả nợ của mình, bởi nếu không gánh trách nhiệm đó thì
mức tín nhiệm của TPCP sẽ bị hạ xuống thấp, lãi suất TPCP buộc phải tăng lên mà
vẫn không thể phát hành đủ để bù vào bội chi ngân sách hàng năm.
Quy mô và tốc độ tăng của nợ công Việt Nam gây rủi ro cho
tăng trưởng kinh tế
Để đo mức nợ công hay kiểm soát nợ
công ở ngưỡng an toàn, các quốc gia cần phải xác định được các tỷ lệ nợ
công/GDP.
Nhìn chung, các tổ chức tài chính quốc tế
và chuyên gia kinh tế khuyến nghị rằng, nếu nợ công/GDP quá lớn, 65%-80%
GDP, thì dù vay bằng hình thức nào, GDP sẽ bị ảnh hưởng xấu, thậm chí có thể
dẫn đến tăng trưởng âm, vì hầu hết tiền đều phải dùng để trả nợ chứ không còn
đủ để đầu tư cho kinh tế. Còn phải đánh giá thực trạng nợ, tình hình kinh tế vĩ
mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển, hệ số tín
nhiệm của quốc gia… Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các quốc gia mới
nổi hay đang phát triển, nợ công/GDP ở mức 40% là tỷ lệ được đề xuất
và tỷ lệ này không nên bị phá vỡ trong dài hạn.
Ngay cả khi chưa tính đúng và đủ nợ công,
tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã xấp xỉ 65%, cao thứ hai ASEAN, chỉ sau
Singapore có tỷ lệ nợ công lên đến 104,7% GDP. Tuy nhiên, phần lớn nợ công của
Singapore là vay từ dân cư của quốc đảo này bằng chính đồng nội tệ với mức lãi
suất rất thấp nên nợ công không chịu tác động rủi ro tỷ giá hay mất khả năng
chi trả. Singapore cũng là quốc gia hiếm hoi của Châu Á được đánh giá tín nhiệm
ở mức cao nhất AAA (cùng với nền kinh tế Hồng Kông).
So sánh với các quốc gia đang trong giai
đoạn phát triển, nợ công/GDP của họ hầu hết thấp hơn mức 40%, các quốc gia này
hầu hết có mức đánh giá tín nhiệm dao động từ A- đến AA+, trong khi mức tín
nhiệm của Chính phủ Việt Nam hiện ở mức BB-.
Điều này có nghĩa Việt Nam phải chi trả
lãi cao hơn so với các quốc gia phát triển tương đương khi đi vay nợ và nợ phải
trả hàng năm lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác (vì quy mô nợ lớn hơn, mức
lãi suất TPCP cao hơn). Kết quả là, nguồn thu từ thuế sẽ phải dành nhiều hơn
cho trả nợ, giảm tỷ lệ tiền dành cho đầu tư phát triển. Đây chính là nguyên
nhân khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó bền vững, chưa tính đến hiệu
quả đầu tư và các vấn đề về tham nhũng, thể chế yếu kém.
Nợ ngoại tệ chiếm tỷ trọng lớn trong nợ công, điều này khiến
nền kinh tế sẽ khó giữ ổn định trước các biến động của thế giới và khu vực
Quốc gia là chủ nợ ODA lớn nhất của Việt
Nam là Nhật Bản. Mặc dù Việt Nam được vay vốn ODA từ Nhật Bản với mức lãi suất cực
thấp nhưng lại phải vay bằng đồng Yên (JPY). Đồng JPY liên tục tăng giá trong
khi đồng VND mất giá, điều này khiến gánh nặng trả nợ ODA cho Nhật Bản là lớn,
chi phí vay vốn ODA thực tế rất cao.
Ngoài ra, tỷ trọng nợ công bằng đồng USD
của Việt Nam lên tới 44%. Như vậy, các biến động kinh tế Mỹ, các nền kinh tế
lớn, động thái lãi suất của FED hoặc đồng USD tăng giá sẽ tác động mạnh lên áp
lực trả nợ công hàng năm của Việt Nam. Nền kinh tế khó giữ ổn định trước các
biến động kinh tế khu vực và thế giới.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ khó tiếp cận hơn với ODA,
Việt Nam chỉ có thể phát hành TPCP với mức lãi suất cao để có tiền đảo nợ và bù
đắp bội chi
Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn vốn vay ưu đãi viện trợ phát triển ODA đang giảm dần.
Theo kế hoạch, tháng 7/2017, World Bank sẽ
chấm dứt cho Việt Nam vay ODA. Đến 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các
nhà tài trợ song phương cũng không còn dành ưu đãi ODA cho Việt Nam.
Điều này có nghĩa, để có tiền đảo nợ và bù
đắp bội chi, Việt Nam buộc phải phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế với
mức lãi suất cao do tín nhiệm Chính phủ ở mức quá thấp (BB-). Không chỉ rủi ro
nợ công tăng mà tăng trưởng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực hơn.
Một
số nền kinh tế quy mô nợ công lớn nhưng rủi ro thấp do tín nhiệm Chính phủ
cao, lãi suất thấp, vay bằng đồng nội tệ và chủ yếu là vay nợ từ người dân
trong nước. Bản thân các quốc gia này cũng là chủ nợ lớn của thế giới
Nhật
Bản: Nhật Bản đứng đầu danh
sách các nước có quy mô nợ công lớn nhất thế giới, tỷ lệ nợ công/GDP lên đến
243% năm 2015. Tuy nhiên, phần lớn nợ công của Nhật là vay từ người dân trong
nước (giống với trường hợp của Singapore), và vay bằng đồng nội tệ JPY. Do đó,
sự tăng giảm đồng USD hay tăng lãi suất tiền vay nợ của FED cũng không có tác
động gì đến khoản tiền lãi vay mà Nhật Bản chi trả. Nhật Bản cũng là chủ nợ
lớn thứ hai của thế giới, tổng số tiền Nhật Bản cho thế giới vay lớn gấp 4
lần tổng sản lượng GDP của quốc gia này năm 2015 là 4.123,26 tỷ USD.
Mỹ: Tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ là 104%. Tổng số
tiền nợ của Mỹ là 19,94 ngàn tỷ USD, trong đó nợ nước ngoài chỉ khoảng 7.790
tỷ USD. Mỹ chỉ nợ bằng đồng USD nên không chịu rủi ro khi các đồng tiền mạnh
khác tăng giá hoặc mất giá. Mặt khác, Mỹ chính là chủ nợ của hàng loạt quốc
gia bởi Mỹ và ngân hàng Mỹ nắm giữ khoản nợ gồm có tới một nửa tổng sản lượng
GDP của các nền kinh tế thế giới cộng lại.
|
Tâm Như – Minh Ngọc
nguon:http://trithucvn.net/kinh-te/tai-sao-no-cong-cua-viet-nam-qua-xau-va-nguy-hiem.html?utm_content=buffer70f02&utm_medium=social&utm_source=facebook.com&utm_campaign=buffer
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét