Cách nay 100 năm, ngày 23 tháng Hai 1917, tại nước Nga đã nổ ra
cuộc cách mạng tư sản, tiền đề dẫn tới Cách mạng tháng 10. Sự kiện lịch sử này
giờ đây đang là một di sản cồng kềnh, khó xử đối với chính quyền Nga hiện nay.
Trang quốc tế báo Libération hôm nay cố gắng giải thích làm sao mà
chính quyền Matxcơva hiện nay xử lý khó khăn cái di sản đó, qua bài trao đổi
với nhà sử học Pháp Nicolas Werth, một chuyên gia về Liên Xô.
Dưới tiêu đề : « Matxcơva không biết phải làm gì với các
cuộc cách mạng của năm 1917 », bài báo viết : « Ngày 23 tháng
Hai 1917, nước Nga bị đẩy vào thế kỷ 20 ». Cuộc cách mạng chấm dứt chế
độ quân chủ tồn tại hàng trăm năm, nhưng đã mở đường đi tới cuộc cách mạng lập
nên chính quyền Xô Viết, chế độ từng làm nên sự vĩ đại cùng nỗi kinh hoàng với
Liên Bang Xô Viết trong suốt 70 năm. Giờ đây nước Nga của ông Vladimir Putin
đang rất khó ăn khó nói với cái dịp kỷ niệm lửng lơ này.
Trả lời câu hỏi : Chính quyền Nga hiện nay nhìn nhận thế nào về năm
1917 ? Nhà sử học Nicolas Werth nhận định đây là một chủ đề khó xử của Kremlin.
Cuộc cách mạng đang gây rất nhiều phiền toái cho ý thức hệ đang được định hình
ở đất nước này. Trong khi mà hệ tư tưởng chính thức hiện dựa trên cơ sở hợp
nhất không phải giữa Đảng với nhân dân, như thời Xô viết mà là giữa Nhà nước và
nhân dân. Ở Nga bây giờ, người ta chỉ đặt trọng tâm vào sự kiện duy nhất là
cuộc « chiến tranh ái quốc vĩ đại » và chủ yếu kỷ niệm những
sự kiện ghi lại công lao của Staline đã mang lại sự hùng mạnh cho Liên Xô trong
thập niên 1930. Kỷ niệm Cách mạng tháng 10 năm 1917 trong suốt nhiều thập kỷ
vẫn luôn là kỷ niệm lớn ở Liên Xô, không còn là ngày lễ của quốc gia nữa. Từ
giữa những năm 1990, nó đã được thay thế bằng hàng loạt những ngày hội mang màu
sắc đoàn kết dân tộc.
Đóng giả Lénine và Staline phục vụ du khách tại Quảng trường Đỏ |
Theo chuyên gia Werth, ông Putin không thích đề cao Lénine nhưng
lại tôn vinh Staline, người kế thừa tư tưởng của Lénine. Giờ đây Staline là
hiện thân cho sự vĩ đại quốc gia. Lénine là hiện thân cho cách mạng thế giới
còn Staline phù hợp hơn với chủ nghĩa yêu nước hiện nay. Lénine dù vẫn đang nằm
trong lăng giữa Quảng Trường Đỏ nhưng không được nhắc đến nhiều. Chính quyền
Matxcơvan giờ đây thích kỷ niệm các sự kiện trước và sau Cách mạng tháng 10
hơn. Chẳng hạn như năm 2013, họ kỷ niệm rầm rộ 300 năm vương triều nhà Romanov,
bởi sự kiện gợi lại sự vĩ đại của một đế chế Nga. Nhiều giai đoạn lịch sử quan
trọng khác của Nga trong thế kỷ 20 cũng bị bỏ trống như trại tập trung Goulag
hay các cuộc đàn áp lớn…
Libération đặt câu hỏi Cách mạng tháng 10 năm 1917 là một cuộc đảo
chính hay cách mạng ?
Theo nhà sử học Nicolas Werth, với những người theo trường phái tự
do thì Cách mạng tháng 10 là một cú đảo chính. Còn với những người Bôn-sê-vích
thì đó là một cuộc cách mạng nhân dân do tầng lớp vô sản và nông dân nghèo tiến
hành.
Vladimir Putin chuẩn bị để tiếp tục nắm giữ quyền lực
Vẫn liên quan đến nước Nga ngày nay, cụ thể là với quyền lực của
ông Vladimir Putin. Nhật báo Le Figaro có bài : « Kremlin chuẩn bị cho
Putin tái đắc cử ».
Le Figaro khẳng định chắc chắn : « Năm 2018, Vladimir Putin
sẽ phải tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 lãnh đạo nước Nga với một kết quả và số lượng
cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất có thể ». Theo các thông tin đã được
báo chí Nga tung ra ngày hôm qua (21/02) thì các cố vấn của tổng thống Nga đang
xây dựng kế hoạch chuẩn bị kéo dài quyền lực của tổng thống Putin. « Cuộc
bầu cử tổng thống thống Nga dự trù tổ chức vào tháng 3 năm 2018, đến giờ không
có gì nghi ngờ ông Putin sẽ ra ứng cử lần nữa vào vị trí lãnh đạo tối cao cho
đến năm 2024. Như vậy, lúc đó ông Putin sẽ 72 tuổi và có 24 năm cầm quyền liên
tục », Le Figaro nhận xét.
Mặc dù phát ngôn viên tổng thống, ông Dmitri Peskov, vẫn lập lờ
không khẳng định, nhưng người ta đã thấy những dấu hiệu dọn sân bãi cho cuộc
bầu cử tới đây. Từ đầu năm đến nay, ông Putin đã thải hồi 5 thống đốc vùng,
thay thế bằng một loạt gương mặt thuộc giới kỹ trị trẻ. Các phe đối lập chính
trị cũng đang bị dập tắt dần…
Theo Le Figaro, Kremlin đã vẽ ra kịch bản của chiến thắng bằng công
thức 70-70, tức Putin sẽ giành 70% phiếu bầu và tỷ lệ cử tri tham gia cũng phải
là 70%.
Trung Quốc : Kiểm soát người dân bằng hệ thống chấm điểm
Nhìn sang châu Á , Le Fogaro có bài : « Bắc Kinh xây dựng
hệ thống chấm điểm công dân ».
Theo tờ báo, chính quyền Bắc Kinh đang xây dựng một hệ thống tin
học rộng rãi, tập hợp tất cả các thông tin về tài chính hay đời sống xã hội của
các công dân. Qua các thông tin như vậy, công dân Trung Quốc sẽ được chấm điểm
tùy theo việc chi trả các hóa đơn thanh toán, mức độ tuân thủ chính sách gia
đình hay hành vi thái độ của họ trên internet.
Những người nào có các hành vi xấu như đi lậu vé tàu điện ngầm
chẳng hạn sẽ bị hạ điểm. Nếu tích nhiều điểm xấu, họ có thể bị phạt trong các
hoạt động như vay tiền, tuyển dụng công chức, xin học cho con vào các trường tư
hay thậm chí cả việc đặt phòng khách sạn sang.
Theo Le Figaro, giai đoạn đầu của dự án được triển khai từ nay đến
năm 2020, nhưng đã có ngay kết quả : « Theo thông báo mới đây của Tòa
Án Tối Cao Trung Quốc, trong 4 năm qua, chính phủ đã cấm 6,7 triệu người sử
dụng máy bay hay tầu cao tốc. Lý do chỉ vì những người đó là những con nợ xấu.
Họ bị xếp vào một danh sách đen, lưu vào dữ liệu chứng minh thư. Mỗi khi mua
bán phải trình căn cước, tín hiệu báo động sẽ được phát ra ».
Cơ quan tư pháp Trung Quốc khẳng định đã ký thỏa thuận với 44 cơ
quan chính phủ để hạn chế hoạt động của những người « điểm xấu »
trong nhiều lĩnh vực. Các cơ quan chính ký thỏa thuận gồm những ngân hàng lớn,
bộ Công An, bộ Viễn Thông. Những người nói dối tư pháp hay cất giấu tài sản cũng
bị liệt vào « danh sách đen ».
Tòa Án Tối Cao Trung Quốc giải thích hệ thống chấm điểm trên là tối
cần thiết trong cuộc đấu tranh chống nguy cơ vỡ nợ đang bùng nổ trong dân.
Nhưng trên thực tế, hệ thống này chủ yếu nhằm trang bị cho chính quyền một công
cụ giám sát dân có hiệu lực hơn.
Le Figaro nhận xét, một dự án như vậy có vẻ phù hợp với chủ ý thắt
chặt quản lý xã hội hơn nữa của chủ tịch Tập Cận Bình. Ông đã từng kêu gọi cải
tiến lĩnh vực quản lý xã hội để « tăng cường khả năng dự báo, đề phòng
mọi nguy cơ ».
Pháp muốn loại hẳn các công dân đi thánh chiến
Trở lại với các vấn đề thời sự liên quan đến Pháp. Nhiều báo quan
tâm đến chủ đề các chiến binh thánh chiến, những mầm mống của các vụ tấn công
khủng bố đó đang là nỗi lo chính của nước Pháp.
Câu hỏi được đặt ra là : Các chiến binh thánh chiến Pháp có thể hội
nhập trở lại được không ? Câu trả lời có vẻ là Không đối với
chính quyền Pháp.
Nhật báo Le Monde đã tiến hành một điều tra và rút ra kết luận rõ
ràng quan hàng tựa trên trang nhất : « Paris không muốn đưa về nước
những chiến binh thánh chiến người Pháp bị bắt ở Syria và Irak ».
Theo tờ báo, « ngày càng có nhiều chiến binh thánh chiến
Pháp tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị bắt làm tù binh, nhất là khi Daech
đang bị đẩy lùi dần trên các mặt trận ở Syria và Irak. Vậy nước Pháp phải làm
gì với những kiều dân được coi là kẻ thù đó ? »
Theo Le Monde, « tổng thống Pháp có lẽ đã chấp nhận chủ
trương rõ ràng là : làm sao để không có tù binh, hay ít nhất có thể… »
Theo đánh giá của các chuyên gia, có khoảng 680 người Pháp đã tham
gia thánh chiến ở Irak và Syria, trong đó có 275 là phụ nữ ; 230 đối tượng đã
bị tiêu diệt.
Đây là một vấn đề rất nhạy cảm và chắc chắn sẽ gây tranh cãi nhiều.
Pháp : Mây đen tin tặc phủ bóng mùa bầu cử tổng thống
Một chủ đề đang nổi lên thu hút sự quan tâm của dư luận Pháp lúc
này là khả năng tin tặc phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới.
Đây là chủ đề chính của báo Công Giáo La Croix : Trang nhất của tờ
báo chạy tựa : Chiến tranh mạng đe dọa nền dân chủ và cho biết, từ nhiều tháng
nay các cơ quan tình báo phương Tây đã cảnh báo về một cuộc chiến tranh thông
tin, có thể do Nga tiến hành. La Croix đặt câu hỏi : Có nên sợ sự can thiệp của
nước ngoài trong cuộc bầu cử tổng thống ? Nỗi lo là có thật, vì thế trong bài
viết « Trước các cuộc tấn công tin học, các ứng viên tự phòng thân »,
La Croix khẳng định : « Để ngăn chặn các cuộc tấn công thực và tiềm
tàng, ê-kip của các ứng viên tổng thống Pháp đã triển khai hàng loạt các biện
pháp an toàn nhưng nguy cơ vẫn còn đó ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét