Translate

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Quota cho cái nghèo

Vẽ dự án’ 230,000 tỷ đồng để làm đường cao tốc B
Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất cao

 Vì sao Trịnh Xuân Thanh được nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng… “o bế”?

.
Lê Anh Ngọc 
VNExp - Cơn lũ ở miền Trung đã đi qua vài tuần, nhưng vẫn liên tục tạo những làn sóng thời sự mới. Tuần này, nổi lên tranh cãi xung quanh việc một trưởng thôn ở Quảng Bình thu hồi tiền của các đoàn cứu trợ để chia lại cho cả thôn.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, người đàn ông này bị lên án, bị gán cho đủ thứ động cơ vụ lợi. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: nếu sự việc này là đúng, ông sẽ “cách chức ngay người trưởng thôn sai phạm mà không cần phải nói thêm gì nữa.”


Sự phẫn nộ đang bao trùm dư luận hôm nay khiến tôi nhớ lại những gì từng diễn ra sau Tết Kỷ Sửu 2009. Năm ấy, Thủ tướng chính phủ quyết định: mỗi hộ nghèo sẽ nhận được khoản hỗ trợ 200.000 đồng một người để ăn Tết. Vài ngày sau Tết báo chí phát hiện ra rằng hầu như ở bất cứ địa phương nào cũng xảy ra tình trạng trưởng thôn thu lại hoặc không phát hết tiền Tết cho người nghèo. Những khoản hỗ trợ đã bị giữ lại để chia đều cho mọi người trong thôn hoặc để bổ sung vào các quỹ xây dựng nông thôn.

Tôi đến Hà Tĩnh tìm hiểu sự việc. Người dân “bao vây” xe của chúng tôi để đua nhau phân trần. Những hộ dân bị thu lại thì đòi phải được nhận toàn bộ số tiền. Những gia đình khác đã được chia tiền thì nhất quyết không trả lại. Họ lập luận: chúng tôi cũng nghèo chả khác gì các gia đình thuộc diện nghèo.     

Tôi đã gặp những người trưởng thôn giữ lại tiền của người nghèo năm đó. Tất cả đang phải sống trong sự xỉ vả của dư luận nhưng đều khẳng định rằng họ không vụ lợi. Việc chia đều tiền Tết cho người nghèo là phải làm để “ổn định tình hình địa phương”.

Một chủ tịch xã kể cho tôi một câu chuyện không biết nên khóc hay cười. Chỉ hơn 20 ngày sau lũ ông đã sụt gần chục cân. Có hơn 40 đoàn cứu trợ đến với xã ông, đoàn nào cũng đề nghị ông phải dẫn đi gặp người dân, đoàn nào cũng đề nghị xã phải tiếp đón, phải giúp họ tổ chức lễ trao quà từ thiện. Điều mà ông chủ tịch xã năm ấy bức xúc nhất là việc các đoàn từ thiện này cũng không muốn nghe lời khuyên của xã về địa chỉ tặng quà. Những nhà hảo tâm muốn được tự tay trao quà và chụp ảnh với người dân vùng lũ nhưng lại không thể lội sâu. Hệ quả là cứ nhà nào ít ngập nhất đồng nghĩa đoàn từ thiện dễ vào nhất thì sẽ được nhiều quà nhất. Sự tị nạnh so bì trong dân trở nên căng thẳng mà xã cũng không biết làm cách nào giải quyết.

Ở nước ta có một nghịch lý. Đó là mặc dù xã hội luôn đề cao công tác an sinh nhưng chúng ta lại thiếu đi những thước đo chuẩn để xác định ai thực sự nghèo và ai thực sự bị thiệt hại. Lấy ví dụ việc xác định hộ nghèo. Theo tiêu chuẩn của nhà nước thì hộ gia đình ở nông thôn có thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng phải được công nhận hộ nghèo. Tuy nhiên, các địa phương lại hoàn toàn không có cách nào để điều tra được chính xác thu nhập của người dân. Rút cuộc việc xác định hộ nghèo được thực hiện bằng cách phân bổ.

Cấp tỉnh phân bổ tỷ lệ nghèo cho cấp huyện theo chỉ tiêu giảm nghèo đã thống nhất với trung ương. Cấp huyện sau đó phân bổ tỷ lệ nghèo cho các xã và xã thì lại chia đều cho các thôn. Ở nhiều thôn, do không còn cách nào khác, đành họp dân lại để “bình bầu” xem ai nên được coi là nghèo. Tức là việc nghèo - đi kèm với nó là các hỗ trợ - cũng bị áp quota.

Những trưởng thôn năm 2009 thu lại tiền tết của người dân thú nhận với tôi rằng: họ hiểu số hộ nghèo thực sự ở thôn mình lớn hơn nhiều với số hộ nghèo được vào danh sách. Đó là lý do khi có chút hỗ trợ, nhiều hộ “không nghèo” đã cảm thấy bất bình.

Hôm qua một người bạn hỏi tôi ý kiến về những gì vừa xảy ra ở Quảng Bình. Câu trả lời của tôi là tôi không biết nữa. Đôi khi những vụ ăn bớt tiền cứu trợ vẫn xảy ra và chúng đã làm xói mòn khủng khiếp niềm tin của xã hội.

Nhưng hôm qua tôi thấy một người dân ở Quảng Bình đã xuất hiện trên báo. Bà nói, bà tình nguyện chia số tiền được cứu trợ cho các hộ bị thiệt hại khác, chứ không phải trưởng thôn ép. Có thể nhiều hộ khác không nghĩ như bà, không muốn chia, đó là quyền của họ, và trưởng thôn đã làm sai. Nhưng lời bà làm tôi tin rằng thực sự việc hỗ trợ cái nghèo ở nơi ấy cũng đã vướng vào “hạn ngạch”.

Những người trưởng thôn mà tôi gặp sau tết Kỷ Sửu ở Hà Tĩnh đều đã mất chức. Nhưng điều làm họ đau đớn nhất không phải là vị trí trưởng thôn, mà là sự nghi kị gièm pha của dư luận.

Nước ta từ lâu được coi là một hình mẫu của thế giới trong xóa đói giảm nghèo. Nhưng sau những trận lũ, khi cái nghèo bị bóc trơ trụi đến tận cùng, vẫn lộ ra có những cái nghèo chưa được cấp quota.
------------------------------
--
nguon: http://www.phuocbeo.info/2016/10/quota-cho-cai-ngheo.html

Không có nhận xét nào: