Tổng bí thư: 'Dân giảm
lòng tin với Đảng vì nhiều cán bộ thoái hóa'
Ngày 27/5, tại Hà Nội,
Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị triển khai chương trình hành động thực
hiện nghị quyết Đại hội Đảng XII.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn lại
những bài học được Nguyễn Trãi đúc rút. Ngay từ thế kỷ XV, từ thực tế của nhiều
triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: vận
nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Vương triều
nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn. Trái lại, vương
triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn sẽ bị thất bại.
Theo Nguyễn Trãi, sở
dĩ triều Hậu Trần suy vong là các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính
sách "thân dân", "làm kế sâu rễ bền gốc", chỉ lo cuộc sống
xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ "mặc dân khốn khổ", "muôn
dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh". Còn Hồ
Quý Ly cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc cũng chỉ vì chính quyền quá xa rời
nhân dân, vì "chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận". Nguyễn
Trãi rút ra kết luận sâu sắc: Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước;
nước có thể "chở thuyền", nhưng nước cũng có thể "lật
thuyền".
Tổng bí thư khẳng
định, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng
Cộng sản Việt Nam luôn luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý
nghĩa quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố
mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Và chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng
không đông, Đảng vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn.
"Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền
thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng", ông nói.
Khẳng định hiện nay
trong hoàn cảnh lịch sử mới, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân có những đòi hỏi
mới cao hơn và đứng trước thử thách mới rất phức tạp, Tổng bí thư chỉ rõ Đảng
đã phạm phải một số sai lầm. Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ
biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý và cả trong các tổ chức chuyên trách
công tác vận động quần chúng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý
kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp
hành chính, mệnh lệnh.
|
|
"Một bộ phận cán
bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút
phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp,
các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức
hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và
trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm
minh. Do đó đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng
tin của nhân dân đối với Đảng", Tổng bí thư nói.
Theo Tổng bí thư, hiện
nay vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân
dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân;
thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng
tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ,
đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ
trung thành của nhân dân.
Nhấn mạnh chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích
thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng, tuy vậy Tổng bí thư chỉ ra thực tế,
ở nhiều nơi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần
chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân,
xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha. "Thậm chí có người vô
trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một
số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, trở
thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất
trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền
nhất", ông Trọng nói.
Cho rằng thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân
dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng,
theo Tổng bí thư, thực tế ở không ít nơi, cấp uỷ Đảng và chính quyền chưa
quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy
quyền làm chủ của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của
nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Một số
cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách
dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân.
Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén.
Một số người có chức
có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị
nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có cá nhân và tập thể
trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến
nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với
Đảng. Chúng ta không thể xem thường những biểu hiện này.
Theo Tổng bí thư, một
vấn đề hết sức quan trọng là phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ của
Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của cán
bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có
ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối
quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi
thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng
giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý
tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa,
hư hỏng, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu.
Đánh giá nhiều năm
qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều
hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, Tổng bí thư cho rằng không ít đảng
viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh
phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không
gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ
luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ
hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có quan hệ trực tiếp với
vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô,
trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất
chính.
Theo Tổng bí thư, điều
nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị
những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ,
buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên. Đông đảo cán bộ, đảng
viên và quần chúng chân chính bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về
sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng.
Để lấy lại được lòng
tin của nhân dân đối với Đảng, Tổng bí thư cho rằng các cấp ủy đảng cần có biện
pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ,
đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hoá, biến chất, siết chặt kỷ luật
của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm
trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước.
Xuân Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét