Translate

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

2.000 tỷ mà nghe cứ tưởng 2.000 đồng

>> Tôm cá hy sinh vô ích
>> 
Thủ tướng và con đường
>> Đà Nẵng: Lãnh đạo phòng giáo dục ký “nhầm” văn bản độc quyền sữa
>> Bắt phó tổng giám đốc công ty đa cấp lừa 300 tỷ đồng
>> Giang hồ liên tỉnh 'đổ bộ' bắt cóc tống tiền giữa TP Đà Nẵng

Nguyễn Quang Thân

(Dân Việt) Tiền của người đóng thuế chẳng phải là lá mít. Nghe bỏ một tòa nhà hai ngàn tỷ mà cứ tưởng là hai ngàn đồng.

Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng khánh thành tháng 9.2014, cao 37 tầng, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nơi làm việc của khoảng 1.600 công chức, gồm lãnh đạo thành phố, các sở, ngành. Tòa nhà cao 167 m, bao quanh là hệ thống vách kính khung nhôm khép kín, tổng diện tích hơn 21.000 m2. Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã kỳ vọng: "Trung tâm hành chính thành phố khi đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt sự manh mún, luộm thuộm của công chức, tiết kiệm được nhiều thứ, trong đó có xe công, từng bước chấm dứt tình trạng lãng phí công".


Nhưng sự thật khác xa ý chí. Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, thành phố phải chi nhiều tiền để bơm khí tươi vào trong tòa nhà vì thiếu oxy. Một vài vụ cháy nổ đã xảy ra dưới tầng hầm gửi xe. Nghe nói có người đã ngất xỉu vì thiếu không khí trong giờ làm việc. Và ai cũng than nóng! Quá nóng với sức chịu đựng của nhiều người! Đã làm đủ cách để khắc phục nhưng không ăn thua.

Và cuối cùng là thành phố đang có chủ trương dời “trung tâm hành chính” đến một nơi khác, một tòa nhà khác hay một khu hành chính khác!

Việc làm một công trình to lớn thậm chí vĩ đại nhưng rồi không sử dụng được phải bỏ hoang vẫn hy hữu xẩy ra trên thế giới. Trong lịch sử xây dựng thủy điện, đã có một số hồ, nước rò rỉ hết vào hang động do hiện tượng Karst, đành bỏ đi. Nhưng một tòa nhà hiện đại có sức chứa đến 1.600 người mà mới sử dụng được hai năm đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì ngột ngạt, thiếu oxy và quá nóng (dù đã có điều hòa trung tâm) thì hình như chưa có trong tiền lệ.

Sự sống, sức khỏe của 1.600 con người không phải là chuyện nhỏ. Nhất là đó là hầu như toàn bộ những người thuộc các cơ quan đầu não đang có trách nhiệm quản lý một thành phố chiến lược quan trọng như Đà Nẵng. Sau hai năm làm việc trong tòa nhà mà phát hiện ra “không chịu nổi” thì việc di dời ra nơi khác là việc phải làm, không những thế mà việc cần làm ngay.

Thực ra, cái dở của tòa nhà này, cũng như những “trung tâm hành chính” ở nhiều tỉnh khác mọc lên vì gà đua tiếng gáy, vì “có xây là có ăn”, đã được công luận cảnh báo trước.

Bạn Nguyễn Quốc Bình, một độc giả của báo mạng Vnexpress đã viết từ năm 2014, khi tòa nhà được khánh thành: “Có quá nhiều vấn đề trong dự án này: 1-Nếu hỏa hoạn, toàn bộ điều hành của thành phố sẽ tê liệt, bỏ hết trứng vào một giỏ có hợp lý? 2-Thoát hiểm trong trường hợp sự cố sẽ rất khó khăn; 3-Tòa nhà bị che kín bẳng kính sẽ tạo hiệu ứng nhà kính, rất tốn điện chạy máy lạnh, không phù hợp với khí hậu nhiệt đới; 4-Đà Nẵng quĩ đất không thiếu tại sao lại chọn mô hình nhà cao tầng như vậy để tăng chi phí vận hành?...”

Nhân bảo như thần bảo. Những người không có chuyên môn, đã nhìn ra, đã phán đúng phóc những vấn đề sinh tử của tòa nhà. Rõ ràng các kiến trúc sư đã có một sai lầm rất cơ bản trong ý tưởng xây dựng còn chủ đầu tư thì rất không cẩn trọng, thiếu cân nhắc khi đặt ra mục đích sử dụng.

Nhà cao ư? 37 tầng chỉ là nhà trệt so với nhà chọc trời ở Mỹ hay Dubai. Làm bằng kính ư? Hãy sang Dubai và Mỹ mà xem, nhà bọc kính là ý tưởng sáng tạo ban đầu của kiến trúc sư lừng danh Le Corbusier người Pháp, ông muốn đưa cuộc sống trong nhà vào thiên nhiên, hòa với thiên nhiên. Gần trăm năm nay chưa thấy ai kêu nhà kính bị nóng đến mức không chịu nổi. Đà Nẵng nóng, khí hậu khắc nghiệt ư? Có thể, nhưng đã bằng Dubai chưa? Vậy mà ở đây người ta hầu như bọc kính tất cả các nhà chọc trời mà chẳng thấy có ai kêu nóng, kêu ngạt.

Ý tưởng “một cửa”, giảm khoảng cách giữa các cơ quan hành chính là đúng, ít nhất là khó bỏ cơ quan rủ nhau… đi nhậu. Nhưng tập trung đầu não của một tỉnh, một thành phố, bỏ tất cả trứng vào một giỏ là quá mạo hiểm! Cháy nổ, mất điện cục bộ, khủng bố, có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Tại sao người ta lại không tưởng tượng được tình huống khi cả hai ban lãnh đạo nhà máy nước và cứu hỏa cùng ở trong một tòa nhà, không biết xoay trở thế nào khi cả hai cùng bị cháy một lúc? Chúng ta có thể mất cả quá khứ (hồ sơ) lẫn hiện tại. Đây là lỗi không sửa chữa được. Nếu đã “lỡ” tập trung thì chỉ có cách xé lẻ ra chứ không biết khắc phục bằng cách gì.

Vì những yếu tố trên, dư luận nên đồng tình với Đà Nẵng, dời khu hành chính tập trung khỏi tòa nhà kính này là cần thiết. Không chỉ vì bảo vệ sức khỏe cho hàng ngàn người, mà vì những lý do sinh tử hơn. Nhưng, nói như ông Bí thư Xuân Anh, “không phải cứ nói dời là dời”. Không biết ông nói với ý gì, nhưng tôi nghĩ, tiền của người đóng thuế chẳng phải là lá mít. Nghe bỏ một tòa nhà hai ngàn tỷ mà cứ tưởng là hai ngàn đồng.

Có chuyên gia cho biết, nếu dời trung tâm hành chính để cho thuê thì phải cải tạo, sửa chữa lớn hệ thống thông gió, chống nóng, theo ông, tốn phí không dưới 1.000 tỷ đồng. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm vì đã dại dột “bỏ trứng vào một giỏ” lợi bất cập hại? Vì đã không biết cách hay “quên” hệ thống chống nóng, thoáng khí? Theo luật công bằng và lý thuyết (thường là suông), những người này phải bỏ tiền túi ra ít nhất một ngàn tỷ để sửa chữa tòa nhà dù chỉ là để cho thuê.

Hai ngàn tỷ không phải hai ngàn đồng, xin đừng đi ở khơi khơi nhẹ như lông hồng, hay hớn hở vì sẽ được xây một khu nhà mới. Và cuối cùng, nên nghiêm khắc với sai lầm của mình, theo như lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đừng “bắn chỉ thiên nữa!”
---------------------------------------
nguon: 
http://phuocbeo.blogspot.com/2016/08/2000-ty-ma-nghe-cu-tuong-2000-ong.html

Không có nhận xét nào: