Translate

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Miếng đã mất thì Tiếng cũng chẳng còn !

BÀI HỌC SÔNG HỒNG Ở NAM BỘ
.

>> 
Trung Quốc 'lộ rõ ý đồ bá chủ sông Mekong'
>>  Nhân chuyện xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long 
.

Nguyễn Huy Cường 
.
Nam bộ nổi tiếng với Đồng Tháp Mười và nhiều vùng đồng bằng phụ cận đặc biệt phì nhiêu và giàu tiềm năng.
Nhưng đó là nhận xét của khoảng 10 năm hắt về trước, nhất là vào khoảng trước 1995.
Trong một lần đi khảo sát cũng Đỗ Hồng Cường , Tuc Bang Duong Nguyen Duc Tu , chúng tôi được một chị nông dân cho biết:
Trước đây, chồng tôi đi thả lưới từ chập tối đến lối hơn 10 giờ về, đổ tôm cá ra, mấy mẹ con ngồi lựa mỏi tay, buồn ngủ mà không hết. Ngoài số tôm cá để bán còn dư để chăn nuôi.


Chị chỉ tôi một cây mít (Trong ảnh) , nó nằm ngoài đê, thân cây chỉ to hơn bắp chân chút xíu nhưng trái to, nhiều bám dọc cây nhìn ngon mắt. Nhưng ở trong đê, cây mít có vẻ xum xuê hơn, cường tráng hơn rất ít quả.
Năm 2015 tôi trở lại đây, vùng Tam Nông-Đồng Tháp thì thấy tình hình có nhiều vấn đề tệ hơn vậy.
.
CHỦ TRƯƠNG TĂNG THÊM MỘT TRIỆU TẤN LƯƠNG THỰC
.
Khoảng những năm 2008-2009 gì đó có một chủ trương vùng này cố gắng sản xuất thêm một tấn lương thực. chủ trương này buộc đồng bằng phải canh tác thêm một vụ thứ ba.
.
Chính quyền và nhân dân mấy tỉnh này gồng lưng làm và đạt được chỉ tiêu này.
.
Vậy, thử xét giá trị của việc có thêm một triệu tấn lương thực xem nó là cái gì?.
Ai cũng có quyền tự hào vì có lúc chúng ta đã vươn lên hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo với con số 03 triệu tấn.
.
Ai đó đã biết đến cụm từ “An ninh lương thực” với hình ảnh những đoàn tàu xe cứu đói chạy từ nam ra bắc những năm 80 hẳn sẽ an lòng, nhất là khi ta có thêm một triệu tấn lương thực xuất khẩu.
.
Nhưng ít ai biết được rằng: Số tiền bán được cả ba bốn triệu tấn lương thực ấy, lấy cả vốn lẫn lãi gộp vào chưa đủ tiền hàng năm ta mua phân hóa học và thuốc trừ sâu!.
.
Đó là một thực tế.
.
Một triệu tấn gạo, số tiền thu được chỉ bằng một nửa giá trị một dự án khai khoáng bị thua lỗ trên Tây nguyên trong một năm thôi.
.
Xuất khẩu, theo một cách hiểu khác, chính là “Buôn bán”.
Mục đích lớn nhất của buôn bán là tiền lãi.
Vậy ta lãi hay lỗ!?.
.
Tối hôm tham gia hội thảo, tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà khoa học hàng đầu về Nông nghiệp để xem nó lãi hay lỗ thì biết: Lỗ to.
.
Lẽ ra, đoạn này tôi phải mô tả kỹ nhưng tôi đã chọn cách làm khác, đó là CÂU CHUYỆN SÔNG HỒNG vừa kể hôm qua.
.
Những năm 1980 trở về trước, khi có cái xà lan đi qua sông Hồng, đám thanh niên chúng tôi đi lần dọc những đám rễ tre bờ sông, gỡ đám tôm đang tránh sóng ở đó giống như bắt tôm trong rổ bỏ vào nồi vậy.
Nước sông Hồng lũ, tràn vào đồng, cá vật nhau ì oãm nghe thấy được, chỉ cần cái giành, cái rổ xông vào úp là bắt được vài kg cá.
Trong vườn, những trái bắp (ngô) dài hơn một gang tay, sức thanh niên lao động mà chơi ba bắp là no!.
.
Trái trứng gà hồi đó cũng to hơn bây giờ, gần bằng trái trứng vịt, lòng đỏ đỏ rất đậm.
Buồng chuối Gòng (chuối sứ) dài vài chục nải, kéo cây chuối oằn lưng xuống.
Trên đồng có cái chuôm nhỏ, là cái mương nước phình ra chừng trăm mét vuông, mấy thiếu niên be bờ, tát cạn bắt được dăm kg cá đủ loại.
Đặc biệt, tôi nhớ khi mổ những con ếch cụ (Khoảng 300 gram) vào mùa làm trứng, trong bụng nó có một cái tổ chức màu vàng, giống cái ngù vai của sỹ quan Đức trong phim Liên Xô( Cũng giống hình nải chuối lúc còn là hoa) , ăn rất ngon.
Con ốc nhồi, cứ “giở trời” là xoắn lấy nhau thành một cục vài con, nổi lên giữa mặt ao, chỉ nhúp được vài cục là được một bữa “đặc sản” mà bây giờ vào nhà hàng không dưới 500 ngàn. Đặc biệt, mùa sắp làm trứng, nó có một giải sáp vàng hình dấu hỏi, khi chín đặc quánh, ôm lấy lòng nó, luộc chín thơm ngậy rất ngon.
Ngày nay, cả con ếch và con ốc, không có giai đoạn này, mươi năm nay tôi tìm xem mà không có.
Những câu chuyện vừa kể nay mất hẳn rồi.
.
Trước năm 1991 tôi nghe trên sách báo nói miền Nam phì nhiêu, giầu đẹp lắm nhưng hồi vào, tôi xuống Long An, Vĩnh Hưng, Gò Công thì thấy khi ấy, “Thua” miền bắc trước đây nhiều. Nó đang cạn kiệt rất nhanh vì nhiều lí do.
.
Trở lại câu chuyện lỗ lãi.
.
Vậy chúng ta được gì?.
Được cái …tiếng!.
.
Giờ đây chúng ta là “đàn anh” về XKLT !.
Thực chật, chúng ta đã đánh đổi nhịp sống, tài nguyên, truyền thống, sự tự làm giầu châu thổ như cả ngàn năm trước để …Bao cấp lương thực cho cả ... thế giới!.
Trong một quan sát khoa học, nếu thỏa đáng, phải bán được 30 ngàn VND một kg gạo may ra mới có lãi!.
.
MẤT GÌ?.
Cái mất về môi sinh thì đã rõ.
Còn những cái mất lớn hơn nhiều.
Vùng đồng Tháp Mười, khi “thả cửa” cho nước từ sông Mê Kong vào, nó có cùng lúc 6 tác dụng, nay mất đi là những cái “mất” đáng kể:
1-Giao thông đường thủy cực kỳ tiện lợi. Một nếp nhà cấp 4 xây ở vùng sâu, ven đồng nếu chở vật liệu bằng ghe thuyền, giá cước vận chuyển rẻ hơn chuyển bằng đường bộ nhiều. Như vậy, số tiền cước vận chuyển mọi nhu yếu phẩm truyền thống về mùa nước, nay phải chi thêm nhiều tỷ đồng để vận chuyển bằng xe lôi, xe ô to.
.
2-Mất an toàn.
Đê ở đồng bằng sông Cửu Long khác hẳn đê điều miền bắc. Nó được đắp bằng …bùn, đắp ngay trong mùa lũ nên độ bền rất kém. Thỉnh thoảng vỡ đê là chuyện thường.
.
3-Sự đa dạng thủy sản mất đi (như câu chuyện sông Hồng)
.
4- Bần cùng hóa một bộ phận xã hội.
Một biến động xã hội nữa, ít người thấy là diện thanh niên, nhất là con gái góp mặt vào đội ngũ …giải trí trên toàn quốc khá nhiều xuất phát từ đây. Trước đây làm cá, vừa nhiều tiền, vừa nhàn hơn làm nông thì họ ở nhà, nay khi “Lúa hóa” xong, vất vả, thu nhập thấp nên các cô biến hết lên thành phố.
.
5-Trẻ em thất học.
Vùng này thưa dân cư nên những tụ điểm, trong đó có trường, trạm thường rất xa với một bộ phận dân chúng. Thu nhập của một hộ dân so với hồi làm cá cũng sụt giảm nhiều nên họ cho con em nghỉ học. Diện nghỉ học khi mới qua cấp II so với vùng khác rất cao.(trước đây đi bằng xuồng rất tiện thì họ cho con học)
.
6-Cuối cùng, là câu chuyện thời sự, dính đến vụ hạn hiện nay.
Vùng Đồng Tháp Mười có một giá trị rất lớn , nó như cái Hồ chứa nước khổng lồ khi lũ tràn vào.
Lúc này, nó có 02 tác dụng:
-Duy trì, phát triển nguồn lợi thủy sản.
-Vì nó đầy nên nó ngăn nước biển mặn xâm thực vào.
Nay, đắp đê, hai lá phổi của Tây Nam Bộ khô, hai Hồ chứa nước vĩ đại cạn, hai nguồn lợi nói trên mất luôn.
Sau mùa lũ, lượng nước ngọt còn tồn đọng đây đó trong vùng Đồng Tháp là “Dự trữ vàng”, là nguồn nước ngọt quý giá để chống hạn, chống mặn vô cùng hữu hiệu.
Trong trường hợp như hiện nay, nếu còn hai “Bầu” nước này, dù chỉ là 35% lượng nước so với mùa lũ, nó cũng đủ “cầm hơi”, chống hạn cho hàng vạn hecta lúa trong hai tháng trước khi mùa mưa về.
Đó là một vấn đề cực lớn.
.
NÊN THAY ĐỔI.
Thật ngạc nhiên là khi tiếp xúc với cán bộ chủ chốt của các tỉnh, cán bộ khoa học của Đại học Cần Thơ và qua chuyến khảo sát thực địa của 30 nhà báo chúng tôi thì thấy có vẻ như ai cũng không muốn duy trì cái món “Một triệu tấn gạo” từ “Lúa vụ ba” ta đang bao cấp cho cả …Thế giới này !. Nhưng, có cái gì đó khiến các vị không dám nói ra mà thôi!.
.
Chỉ khi ngồi trên bàn tiệc, thân mật, cởi mở thì các vị mới thổ lộ hết ruột gan mình.
.
Câu chuyện Trung Quốc ngăn chặn tài nguyên nước với 17 trạm thủy điện, thực chất chúng tôi đã nêu và cảnh báo từ năm 2012 chứ không có gì bất ngờ cả, mà nay vẫn quýnh quáng. Bó tay!. Thật đáng tiếc.
.
Có lẽ, đã đến lúc, phải tính lại bài tính “Một triệu tấn gạo vụ ba” của đồng bằng sông cửu long!.
.
Để tính tốt, nên thoát ly khỏi ám ảnh chết đói, thiếu lương thực triền miên thời ông Đỗ Mười, ông Phạm Hùng!.
.
Và nên biết thêm một điều nho nhỏ: Một gia đình 5 người ở đô thị xưa, mỗi tháng xơi hết gần trăm ký gạo, nay mỗi lần đi mua gạo ngoài tiệm, họ đi tay không. Cô bán gạo múc cho họ 3 kg gạo vào cái bao giấy cầm tay về , vậy mà có khi ăn cả tuần không hết!.
.
Hãy làm toán lớp tư để biết nhu cầu lương thực lúc này như thế nàoso với thời ông Đỗ Mười và để biết lỗ lãi của cuộc chơi “Lúa vụ ba” ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
.
Đã đến lúc, những vị là tác giả của “Lúa vụ ba” nên tìm hiểu xem tại sao vùng này là vùng trọng điểm tiêu thụ phân hóa học, thuốc trừ sâu so với cả nước!.

Nguyễn Huy Cường 
*

Không có nhận xét nào: