Translate

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Hành xử theo kiểu "luật rừng"!

>>   Người tử tế
>>
 Xài ‘luật rừng’ với người Nhật Bản rất dễ… chết
>>   
Việt Nam bị hạn, mặn, Liên Hợp Quốc đề nghị hỗ trợ
>> Tuyên bố ‘ráng làm người tử tế’ của Thủ tướng Dũng gây chú ý

Quốc Hùng

(TBKTSG Online) - Bao nhiêu nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các địa phương trên cả nước nhằm cố gắng thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam có thể sẽ bị tổn thương nặng nề với cách hành xử theo kiểu “luật rừng” mới đây của chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức, tỉnh Long An.

Sự việc gây ồn ào xảy ra trong khoảng một tuần qua khi Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức – chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) - đã dựng rào chắn barie, đặt trụ bê tông và đổ đất chắn ngang trước cổng ra vào nhà máy của Công ty TNHH Tango Candy ở khu công nghiệp này, chỉ vì doanh nghiệp này không đồng ý đóng phí hạ tầng theo mức mà Tân Đức yêu cầu.

Thậm chí, Công ty Tân Đức còn cắt nước sinh hoạt cho doanh nghiệp 100% vốn đầu tư đến từ Nhật Bản này. Cho đến ngày hôm qua, Tân Đức đã "xuống thang" bằng cách giải tỏa các "biện pháp cấm vận" của mình, nhưng những hình ảnh phản cảm khó mà có thể xóa đi được trong một sớm một chiều.

Nguyên nhân dẫn đến hành động phản cảm này của Công ty Tân Đức được cho là do Công ty Tango Candy không chấp nhận thanh toán mức phí duy tu cơ sở hạ tầng do phía Công ty Tân Đức đưa ra. Không chỉ Tango Candy mà nhiều công ty Nhật Bản khác đang đầu tư sản xuất tại khu công nghiệp này cũng đã không chấp nhận mức giá duy tu hạ tầng 10.018 đồng/mét vuông/năm mà Công ty Tân Đức đưa ra vì cho rằng những khu công nghiệp xung quanh áp mức phí này thấp hơn nhiều. Trong khi đó, Công ty phát triển hạ tầng Tân Đức thì cho rằng chất lượng hạ tầng tại khu công nghiệp Tân Đức tốt hơn so với các nơi khác nên họ có quyền thu phí cao hơn.

Việc không thông nhất về mức phí thanh toán này giữa hai bên đã dẫn đến hành động trái phép từ phía Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức như đã nói trên. Ban quản lý Khu kinh tế Long An cũng cho biết đã nhiều lần làm việc với các bên nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Đáng chú ý là dù hành động của Công ty Tân Đức có gây khó khăn đến đâu, những người lao động của Công ty Tango Candy vẫn đến làm việc bình thường trong những ngày xảy ra sự cố trên. Hình ảnh những người lao động, những nữ công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy của công ty Tango Candy, phải cố gắng leo lên đống đất cao và hàng rào chặn trước cổng do Công ty Tân Đức dựng lên để vào được bên trong nhà máy trong mấy ngày qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận và nỗi lo lắng của nhiều nhà đầu tư.

Còn đối với Tango Candy, do bị cắt nguồn nước, công ty này đã phải mua từng bình nước ở bên ngoài khu công nghiệp để phục vụ cho việc sản xuất và vệ sinh cá nhân của người lao động. Lãnh đạo của Tango Candy cho rằng sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty vì xe cộ không thể ra vào nên sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký bị ảnh hưởng. Nhưng dù có thiệt hại bao nhiêu đi nữa thì phía Tango Candy cũng kiên quyết không chi một đồng nào nếu nó thiếu minh bạch. Và đó cũng là tính cách của người Nhật luôn yêu cầu phải thật rõ ràng trong kinh doanh. Trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc Tango Candy cho rằng trong hợp đồng thuê đất không đề cập đến phí duy tu hạ tầng, để rồi Tân Đức tùy tiện đưa ra một mức phí cao hơn mặt bằng chung, và điều đó Tango Candy không chấp nhận.

Việc bất đồng về phí duy tu này chưa rõ bên nào đúng và bên nào sai, nhưng cách hành xử của Tân Đức nói trên rõ ràng là cách làm hiếm thấy ở một nền kinh tế đang phát triển, thân thiện mở cửa, hỗ trợ mời gọi đầu tư như Việt Nam hiện nay. Điều đáng nói là tỉnh Long An và nhiều địa phương khác trên cả nước trong nhiều năm qua cũng đã xác định nguồn vốn đầu tư Nhật Bản rất quan trọng và đã không ngừng nỗ lực đi xúc tiến mời gọi, phát triển hạ tầng, xây dựng nhà xưởng xây sẵn, cung cấp dịch vụ tốt,… để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ra bên ngoài.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và lãnh đạo Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho rằng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật nhờ có nguồn lao động có kỹ năng, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và mối tương đồng về văn hóa cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc… Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương trong những năm qua đã nỗ lực trong việc đi xúc tiến đầu tư, cam kết cải cách môi trường đầu tư, sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ nhà đầu tư Nhật đến đầu tư làm ăn.

Theo các chuyên gia Nhật, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản chưa có kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài, thường hay lo lắng và họ cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, và họ thường đầu tư mang tính cộng đồng, tương hỗ lẫn nhau. Yếu tố quyết định việc lựa chọn địa điểm của doanh nghiệp Nhật Bản là thị trường trong nước lớn và có sự tích tụ công nghiệp - nghĩa là những nơi có nhiều doanh nghiệp Nhật hoạt động. Và khi có một doanh nghiệp Nhật đầu tư và đánh giá nơi đó có môi trường sản xuất tốt thì sẽ kéo theo các nhà đầu tư Nhật khác vào đầu tư. Tiếng tốt lan truyền và tiếng xấu cũng lan truyền.

Các khu công nghiệp ở tỉnh Long An trong mấy năm qua cũng thu hút được một lượng lớn doanh nghiệp Nhật đầu tư, thế nhưng với hành động như trên thì e rằng các nhà đầu tư của Nhật khó có thể nghĩ tốt về môi trường đầu tư tại Long An. Không riêng doanh nghiệp Nhật Bản mà doanh nghiệp của nhiều nước khác sẽ đánh giá rất thấp cái kiểu hành xử chỉ có riêng tại khu công nghiệp Tân Đức hiện nay.

Giới đầu tư và doanh nghiệp cho rằng nếu hai phía không thống nhất về thỏa thuận hoặc có tranh chấp thì có thể nhờ đến một bên thứ ba, chẳng hạn như chính quyền, hoặc cần đến sự can thiệp của tòa án xét xử,... chứ khó mà chấp nhận hành động thiếu văn minh như thế.

Ngay cả ông Nguyễn Văn Tiều, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, cũng cho rằng vụ việc trên là hết sức phản cảm, gây khó khăn, hoang mang cho các doanh nghiệp, nhất là với các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Còn các nhà xúc tiến đầu tư thì cho rằng hành động trên của Công ty Tân Đức không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư riêng tại tỉnh Long An mà cả Việt Nam!

Dù Tango Candy vẫn chưa đồng ý mức đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng mà Công ty Tân Đức đòi hỏi, nhưng trước sức ép của dư luận và sự can thiệp của chính quyền, chiều 25-3, Ban quản lý khu công nghiệp Tân Đức đã tiến hành tháo dỡ các rào chắn, xúc đất đem đi sau một tuần "bao vây" Công ty Tango Candy.

--------------------------

nguồn: 
http://phuocbeo.blogspot.com/2016/03/hanh-xu-theo-kieu-luat-rung.html

Không có nhận xét nào: