Ngày còn nhỏ, nhà nghèo, cả xóm nghèo, nhưng tết về nhà nào cũng sắm ít chậu hoa tươi để ở sân, ở hiên nhà cho đẹp, vui mắt với mong muốn năm mới nhiều niềm vui hơn. Chẳng cần phải cao sang mai tùng hay hồng cúc, chỉ bốn chậu hoa vạn thọ hoặc cúc đồng tiền bình dân, giá rẻ, nho nhỏ, vài tờ giấy điều quấn quanh cái chậu đan bằng tre, đặt ở bốn chân cột hàng hiên là đã đủ đẹp và nhà có tết rồi.
Voi nhớ, nhà anh Lắm hàng xóm nghèo lắm, rất đông anh em, tết mấy anh em anh vẫn bộ đồ cũ màu cháo lòng, vá đùm nhiều chỗ, vẫn chân đất, vẫn chỉ có mấy cái cột chống đỡ cái mái nhà, xung quanh hoàn toàn trống hoác, không có vách, vậy mà tết nhà anh còn có bình hoa mai, chắc xin cắt cành từ vườn nhà ai, để chưng trên bàn thờ, và mấy chậu hoa cúc vạn thọ loại ba, để dưới chân mấy cái cột chỏng chơ.
Giờ nhớ lại hình ảnh năm xưa đó thì thấy có cái gì đó rất trái khoáy, trớ trêu và bi hài, nhưng hồi đó nhỏ, với tâm hồn trẻ thơ, Voi coi đó là một hình ảnh rất đẹp và hay lấy nó ra so sánh khi thấy hai tám rồi mà mẹ chưa mua hoa. “Mẹ mẹ, nhà anh Lắmmm có-hoa rồi á!” cố tình nhấn mạnh tới lui với hàm ý nhà anh ấy nghèo hơn cả nhà mình, mẹ ảnh qua nhà mình mượn gạo hoài mà nhà ảnh mua hoa rồi, tại sao nhà mình lại chưa?! Ấn tượng mãi tới giờ không quên dù tên của anh em nhà anh Lắm thì Voi quên sạch.
Chợ hoa Tết thường bắt đầu họp từ ngày rằm tháng Chạp kéo dài đến tầm chín, mười giờ sáng ngày 30 Tết là tan. Ban ngày, nhất là ban đêm chợ hoa đông nghẹt người đi xem. Chợ hoa là nơi để con người đi dạo, được thưởng hoa miễn phí, không có tiền giả bộ hỏi, “Chị ơi, hồng nhung này nhiêu một cặp?” rồi cám ơn, rồi khen đẹp, rồi lại đi tiếp, ai cũng vui dù chẳng mua bán được chi. Tết mà!
Hoa bày ra đó, người người rồng rắn đi xem nườm nượp, nhất là trai gái, những ngày này tối nào cũng hò hẹn nhau đi chợ hoa, thong thả, lãng mạn, cái nắm tay chợt buông vội, mặt bừng bừng đỏ vì bất chợt gặp người quen, đáng yêu vô cùng tận. Tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn, giẫm đạp nhau ở chợ hoa, càng không có chuyện mất trộm hoa hay phá hoại.
Năm đầu Voi ăn tết ở Hà Nội, cũng là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức hội hoa chi đó, xảy ra hiện tượng giẫm đạp, chen lấn, cướp phá hoa…Voi đã ngạc nhiên tột cùng, ngơ ngác không hiểu và sau khi được nghe anh bạn giải thích cho nghe thì Voi đã bật khóc.
Hoa tươi ngày tết, ở quê Voi, là cái gì đó rất đặc biệt và không để khoe, bởi nhà ai cũng có, mà hoa mang một ý nghĩa tinh thần, gắn bó lắm lắm, như hơi thở ngày tết, không thể thiếu. Gắn bó thế nào? Tại sao lại không thể thiếu? Chẳng ai buồn định nghĩa, giải thích làm gì. Cứ Tết về là phải có hoa tươi, nhà nhà đi mua vài chậu tùy túi tiền, chưa mua được mấy chậu hoa có nghĩa là nhà chưa có tết, lạc lõng, vô vị, vô duyên tệ, vậy thôi. Nghèo nhưng chẳng ai chưng hoa giả dùng hết năm này qua năm khác không hỏng cả.
Hằng ngày hoa kiểng và cây cảnh các loại từ quê Voi được xe tải, được thuyền chuyên chở đem đi cung cấp phục vụ cho các công trình trong cả nước. Người trồng hoa quanh năm không có ngày nào rảnh. Ngày nào cũng có việc, quay vòng theo vòng đời ngắn ngủi của hoa, cây kiểng. Hoa Tết trồng xen vào hoa kiểng công trình vào những tháng cận tết.
Người trồng hoa tất bật hơn, canh nắng canh mưa, bắt sâu, làm cỏ, lên chậu, bón phân, tưới nước, nắng mưa, tỉa tót…sao cho hoa phải nở đúng mấy ngày tết ngắn ngủi, sớm hoặc muộn cũng đều thua trắng. Điều này ngoài kinh nghiệm thì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Khi đã hết nỗi lo hoa sớm hoặc hoa muộn, người trồng hoa lại phải lo canh cánh về giá, về lượng cung cầu. Có năm hút hàng, hoa bán hết veo từ loại một cho đến loại ba, mới 28 tết đã muốn tan chợ. Nhưng cũng có năm hàng hoa ế chỏng chơ ở các chợ Sài Gòn và các tỉnh thành.
Ế không phải vì cung vượt cầu mà bởi “cầu” ngày càng khôn lanh hơn so với nông dân. Người ta không mua hoa vào những ngày giáp tết, chỉ đi ngắm, chờ cho đến sáng ba mươi mới đi mua với ý nghĩ rằng lúc này người nông dân, buôn bán phải bán rẻ, bán đổ bán tháo để về nhà làm cơm đón ông bà. Những năm trước, người nông dân bán rẻ thiệt vì tiền thuê xe tải chở lại hoa về quê thì quá tội, thôi thì bán lỗ vốn mong lấy lại ít tiền giỏ, cũng là tạo điều kiện cho người nghèo được chơi hoa tết giá rẻ.
Thế rồi, chính điều đó đã làm cho ngay cả người có tiền cũng chơi trò “khôn lanh,” và họ lại nhiều hơn người nghèo, chờ tới ba mươi tết mới đi mua hoa và mặc cả với giọng điệu, “Ba mươi rồi mà còn hét giá đó, tôi không mua thì đổ sông chứ ở đó mà bày đặt..”
Người nông dân năm qua năm ế, lỗ, khóc ra máu mắt, hờn giận nhủ lòng sang năm không thèm trồng hoa tết nữa, nhưng gần tết lại tất tả giống, phân, hom giỏ, gieo hạt, chăm bón, vào giỏ, lên giàn…để đem cái đẹp đi muôn phương, chăm lo tinh thần cho người dân cả nước trong những ngày xuân, như cái nghiệp.
Vài năm trở lại đây, người nông dân nhất định không bán rẻ, không bán đổ bán tháo hoa kiểng của mình nữa. Họ nhổ bỏ, lấy lại giỏ, trả tiền cho nhân viên vệ sinh đô thị nhờ đổ bỏ. Bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt và tiền bạc đành phải đứt ruột bỏ đi. Cái đau của người nông dân ngoài cái đau hiện hữu có thể đo đếm được bằng vật chất còn là cái đau tinh thần của người yêu hoa, yêu cái đẹp lại phải tự tay mình vùi dập cái đẹp do chính tay mình vun trồng. Đau cái đau công sức, tâm huyết, cái đẹp không được người đời trân trọng đúng với giá trị thực của nó.
Năm nay, gần tết Voi lại có nhiều việc bận nên hai mươi tám tết mới về đến quê. Vội chạy quanh làng hoa để xem tình hình hoa tết thì thấy nhiều nhà đã trống giàn. Chiều hai tám vẫn còn xe tải về lấy hàng chở đi các tỉnh. Nhìn giàn biết năm nay bà con bán được.
Ghé mấy nhà vườn, hỏi thăm, ai cũng khoe năm nay hút hàng, nhưng giá thì bình thường như mọi năm, không tăng. Gặp hai dì lớn tuổi ngồi dưới nắng quái buổi chiều tà chăm chú vào giỏ mầm cây hoa kiểng. Bắt chuyện, “Của nhà mình hả dì?” “Dì làm mướn thôi con.” “Dạ. Tiền công khá không dì?” “Làm từ sáng 7 giờ tới 5 giờ không nghỉ trưa, ăn cơn chút thôi rồi làm tiếp thì được 150.000 đồng. Nếu làm tới 11 giờ nghỉ tới 13 giờ làm tới 17 giờ thì được 120.000 đồng. Mấy dì già rồi, không có nghề gì thì mới làm, còn tụi trẻ nó đi làm xí nghiệp, đi thành phố hết rồi con!”
Chị chủ vườn cho hay, “Năm nay ngộ lắm em, chỗ hút hàng chỗ ế. Sóc Trăng hôm nay còn lấy tiếp hoa, bên Bình Dương thì ế quá trời.” Chị kể tiếp mấy nơi nữa như vậy. Hỏi, “Sài Gòn năm nay sao chị?” Chị thoáng lo lắng, “Cũng chưa biết nữa cưng!” “Ủa, mấy chỗ khác chị nắm hết mà Sài Gòn hổng nắm được ha chị?” Chị im lặng không trả lời. Voi chợt nhớ cảnh hoa ế ở Sài Gòn vì người người chờ ba mươi để mua hoa rẻ tết năm ngoái, Voi không hỏi nữa. Chị không thể biết được âu cũng là điều bình thường, hoặc chị không muốn nói ra cái lo, hoặc giả là chị không muốn bất ra cái giận hờn rất đỗi chính đáng mà thoảng nhanh của người nông dân chăng?! Thôi thì, năm nay không có ba mươi, hi vọng tối nay hoa Sài Gòn bán nhanh, bán chạy để người nông dân có được ít đồng và phấn khởi cho mùa hoa tết năm sau.
Vòng về chợ hoa, chợ hoa năm nay bán hết nhanh. Chiều hai tám hoa đã thưa hẳn, hoa loại một, loại hai đã được bán hết, chỉ còn hoa loại ba nhưng cũng không nhiều lắm và cũng không còn nhiều chủng loại nữa.
Nhìn thấy chậu mai vàng mười cánh, gốc phải trên mười lăm năm tuổi, lại nẩy cây “mẹ bồng con” yêu yêu là nên muốn mua. Chú bán mai bảo 1,5 triệu, con Voi im im ngắm nghía, chú bán hàng lại tự giảm giá, rồi lại tự giảm thêm khi Voi khen dáng mai, đoán tuổi mai. Chú nói, “Mai nhà nhiều, chú đem ra bán bớt chứ không phải đi buôn.
Thấy con biết chơi mai, chú thích, cái giống chơi cây cảnh mà gặp người biết chơi, biết trân trọng và đọc được cây thì quý lắm, nên chú giảm giá…” Con Voi cười cười, “Chú nói nhiêu con trả nhiêu, tại con thích, có duyên gặp thì đem em nó về chứ nhà con cũng có.”
Thuê xe chở cây mai về, hì hụi vần vào sân. Mẹ hỏi, “Nhiêu con?” “Dạ, 200.000 đồng.” Voi cười tủm tỉm, trả lời. Mình mà bảo 1 triệu thì…có mà bà sẽ mất ngủ đêm nay. Hì hì.. Năm nay chợ hoa quê Voi không thấy có hoa đào. Mấy năm trước còn thấy đem từ ngoài Bắc vô bán, Voi cũng hay mua về tặng mẹ để mẹ đỡ nhớ tết Bắc, năm nay tuyệt chẳng thấy gốc đào nào.
Vòng về nhà ông bác, hồi trước ông là người trồng và lai tạo hoa hồng nổi tiếng cả nước. “Vườn hồng Tư Tôn” là một địa điểm thu hút khách du lịch thập phương về thăm, thưởng lãm những bông hồng tuyệt đẹp do bác Tư trồng và lai tạo, ghép giống thành công. Vườn trước vườn sau vắng tanh, bác Tư đã mất nhiều năm trước, lâu lâu Voi không ghé nhưng trong lòng vẫn đinh ninh các anh chị sẽ nối nghiệp bác chứ không bỏ nghề, ngờ đâu…
Tự nhiên thấy buồn, thấy mất mát, thiếu vắng điều chi, rồi tự nhiên muốn bỏ hết mọi việc ở Sài Gòn, về quê, làm vườn, trồng hoa, sớm tối làm bạn với cây cỏ hoa lá, gác bỏ mọi sự đời, lấy anh chồng nông dân biết cưng mình như cưng hoa là đủ.
Hôm trước Voi từ chối viết bài Tết, nhưng hôm nay sau khi đi một vòng thì lại ngồi gõ bài này, gởi các anh chị và các bạn đọc chơi ngày tết. Chúc các anh chị và các bạn đón xuân vui, đầm ấm cùng gia đình, năm mới bình an và hạnh phúc.
Love you all.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét