>> Bố chưa về hưu, con đã được ‘nhắm’ ngay biên chế
.
“Tôi đã đọc bài báo và cảm thấy buồn”
Xung quanh bài báo nói về con lãnh đạo làm lãnh đạo được đăng tải trên báo chí vào sáng 26/10, trao đổi bên lề kỳ họp thứ 10 vào chiều nay, Phó bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, bà đã đọc và cảm thấy buồn.
Về tít của bài báo, bà Tâm cho hay: “Tít đó là không lành mạnh”.
Bà Tâm cũng chia sẻ, chính phóng viên của các tờ báo, nếu làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm thì mình sẽ đến gần được mọi người hơn và cho mình nhiều thông tin hơn còn không sẽ ngược lại.
“Người ta sẽ không trao đổi với bạn nữa vì bạn không đủ độ tin cậy. Thứ hai, bạn không trung thực, khách quan thì người ta sẽ không có muốn nói chuyện với bạn về những vấn đề người ta quan tâm.
Và tự nhiên phóng viên và tờ báo đó sẽ không có thông tin cần thiết, đó là tự mình làm hại mình.
Một điều khác nữa, tôi muốn nói là dư luận, khi mình làm điều gì đó không ngay ngắn để tạo dư luận, có thể một lúc nào đó bạn có thể có rất nhiều người đọc nhưng trách nhiệm xã hội để ở đâu.
Sự tranh luận rộng đường, người ta có thể hiểu, nói, tham gia nhưng tinh thần xây dựng thì sẽ tốt đẹp hơn“, bà Tâm nói.
Về việc đang có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh tít bài báo này, bà Tâm cho rằng, không nên bàn làm gì, nếu người có nhận thức, đọc hết bài báo đó sẽ rút ra suy nghĩ cho mình.
“Mình nghĩ nên để cho dư luận rộng đường, người ta suy nghĩ chứ cũng không nên nói làm gì vì đây là mình đang bàn về một vấn đề hết sức nghiêm túc, đó là vấn đề cán bộ“, bà Tâm bày tỏ.
Bà Tâm thông tin thêm, trước vấn đề này, phóng viên đã tìm đến bà và đặt câu hỏi về dư luận nghi ngại con lãnh đạo lại đi làm lãnh đạo.
“Tôi nghĩ điều đó đâu có gì nghi ngại đâu, nghi ngại ở chỗ là nó có công bằng, thực tài hay không, có đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức hay không, có được xã hội chấp nhận hay không, điều đó mới đáng quan tâm trong công tác cán bộ.
Làm công tác cán bộ ở đây như tôi đã nói trong Đại hội Đảng bộ Tp Hồ Chí Minh là đối với cán bộ trẻ, không phải tự dưng có lớp cán bộ trẻ.
Nói đến cán bộ trẻ là phải nói đến một quá trình đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng của các anh, các chú, các chị đi trước, lớp cán bộ đi trước nếu có ý thức bồi dưỡng, đào tạo thì mới có một lớp cán bộ trẻ đủ sức đảm đương các nhiệm vụ.
Đó là một chuyện bình thường của các lớp này đến một lớp khác kế cận mà từ khi Đảng ta thành lập đến bây giờ. Không phải đến bây giờ mới có lớp cán bộ trẻ đâu, nhưng tất nhiên có sự thay thế mà chúng ta thấy hiện nay có nhiều cán bộ trẻ.
Bởi vì rất nhiều chức danh đã đến tuổi nghỉ hưu rồi, bây giờ một cán bộ trẻ, hơn 30 – 40 tuổi trúng cử vào thành ủy hoặc tỉnh úy để làm chức danh chủ chốt thì chẳng lẽ bạn đó chỉ làm một nhiệm kỳ rồi nghỉ.
Nếu bạn rèn luyện tốt, tiếp tục phát huy tác dụng tốt, giúp ích được cho xã hội tốt thì đương nhiên tập thể sẽ tín nhiệm và năm sau bạn sẽ tiếp tục làm. Lúc đó, đâu còn là 40 tuổi mà là 45, 50, 55, 60 tuổi.
Đó là một sự nối tiếp mà nhìn nhận vấn đề một cách logic phải có tính biện chứng để xem xét vấn đề chứ không phải bây giờ có nhiều cán bộ trẻ là trước kia Đảng không có quan tâm đến cán bộ trẻ.
Chúng ta hiểu hoàn toàn không phải như vậy, đó là một quá trình rèn luyện…“, bà Tâm nhấn mạnh.
Công tác cán bộ ngày càng dân chủ
Trước đó, bà Tâm cũng chia sẻ, thực tế công tác cán bộ của chúng ta hiện nay ngày càng dân chủ, nhiều người tham gia vào.
“Đương nhiên, ai có tài, có đức thì được trọng dụng, điều đó là tự nhiên và không ai phải bàn. Đương nhiên, có những trường hợp chưa tốt thì mình phải chấn chỉnh nhưng càng ngày thấy rõ ràng, công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ngày càng dân chủ hơn.
Chúng ta đã tổ chức thi tuyển, tổ chức quy hoạch, đào tạo…“, bà Tâm nói.
Cũng theo bà Tâm thông tin, như Tp Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ từ trên ghế nhà trường đại học.
“Khi đó, mình đã chọn các em có tài, giỏi, hướng tham gia vào guồng máy, làm công tác cán bộ thì các em có thể đăng ký.
Tp Hồ Chí Minh cũng đào tạo cán bộ từ công nhân hay đang là công nhân. Mình có đào tạo, bồi dưỡng hẳn hoi và trong quá trình đó, mình có giao việc để các em trưởng thành, việc đó là bình thường.
Bản thân con em cán bộ cũng là một con người như mọi con người khác, cũng có thể cán bộ là nông dân, là công nhân, là trí thức, là nhiều thành phần khác trong xã hội.
Chuyện đó là bình thường và con em cán bộ cũng chỉ là một trong thành phần đó thôi. Cho nên mình trân trọng những người có đức, có tài.
Đối với những người là con em của người lãnh đạo đương chức hay nghỉ hưu rồi mà các em ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước, dân tộc và các em phấn đấu, rèn luyện, học tập tốt.
Sau đó các em được tín nhiệm một cách dân chủ thì điều đó là tốt, là hạnh phúc, nối nghiệp truyền thống rất tốt, còn dư luận thì có thể có nhiều chiều“, bà Tâm nói thêm.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh |
"Tôi thấy gần đây, con của một số vị lãnh đạo có con đường lên chức rất “cấp tốc”. Nếu như anh là một người xuất chúng thì trước khi được bổ nhiệm, có lẽ anh đã được nhân dân, công luận biết tới những tài năng của mình. Còn nếu đến khi được bổ nhiệm, người ta mới biết đến anh thì sẽ bị để ý ngay và chuyện bàn tán là việc đương nhiên. Nếu khi tôi 30 tuổi, có ai mời tôi làm Giám đốc Sở, tôi sẽ từ chối vì tôi không đi đâu mà vội cả. Một cái ghế như thế, cần có đủ năng lực và sự trải nghiệm mới có thể điều hành được tốt. (Theo Infonet)
————-
http://soha.vn/xa-hoi/ba-quyet-tam-thay-tit-bai-bao-con-lanh-dao-khong-lanh-manh-
20151026163725465.htm
https://kimdunghn.wordpress.com/2015/10/26/ba-quyet-tam-thay-tit-bai-bao-con-lanh-dao-khong-lanh-manh/
20151026163725465.htm
https://kimdunghn.wordpress.com/2015/10/26/ba-quyet-tam-thay-tit-bai-bao-con-lanh-dao-khong-lanh-manh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét