Translate

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Trung Quốc sẽ không ngừng xây dựng đảo trong vùng biển tranh chấp

CHIẾN TRANH TRUNG MỸ CÓ NỔ RA KHÔNG - KHÔNG!
Tác giả: Bill Gertz
Người dịch: Trần Văn Minh
09-06-2015
Báo cáo chính phủ nói, chiến tranh, chặn đường vận chuyển sẽ nằm trong những kịch bản ở Biển Đông
Công cuộc cải tạo đảo của Trung Quốc trên bãi ngầm Subi được nhìn thấy từ đảo Thị Tứ (Pag-asa) trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, phía tây tỉnh Palawan, Philippines /AP
Công cuộc cải tạo đảo của Trung Quốc trên bãi ngầm Subi được nhìn thấy từ đảo Thị Tứ (Pag-asa) trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, phía tây tỉnh Palawan, Philippines /AP
Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các hòn đảo trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nhưng một cuộc xung đột lớn về sự tranh chấp trong khu vực có vẻ khó xảy ra, theo một báo cáo an ninh của Bộ Ngoại giao.
Báo cáo nội bộ của Hội đồng tư vấn an ninh nước ngoài (OSAC) nói: “Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông. Không giống như các thuyền đánh cá hoặc tàu tuần tra, đầu tư cơ sở hạ tầng, như cải tạo đất và xây dựng phi đạo, hải đăng, báo hiệu một sự hiện diện lâu dài hơn”.
Báo cáo kết luận rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đảo và quân sự hóa vùng biển, trái ngược với thông điệp do Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter gửi ra tuần trước.
Trong một số bài phát biểu và ý kiến trong chuyến thăm Á châu, ông Carter kêu gọi Trung Quốc ngừng công việc xây dựng, mà cho đến nay đã tạo nên khoảng 2.000 mẫu Anh cho các hòn đảo mới, xây dựng cơ sở quân sự và khai triển hệ thống vũ khí trên các hòn đảo.
Ông Carter nói với phóng viên ở Việt Nam ngày 1 tháng 6 rằng, Hoa Kỳ muốn một “sự chấm dứt vĩnh viễn đối với việc cải tạo đảo và quân sự hóa” ở Biển Đông.
“Hoa Kỳ phản đối việc quân sự hóa và tạo ra các căng thẳng ở Biển Đông”, ông Carter nói trong chuyến thăm Hà Nội, để trả lời cho việc xây dựng đảo của Trung Quốc và họ cũng đang xây dựng một số đảo mới.
Ông Carter cũng nói rằng tàu quân sự và máy bay của Mỹ sẽ không bị áp lực của Trung Quốc để phải ngừng thực hiện các chuyến bay giám sát hoặc tàu thuyền qua lại trong vùng biển.
Ông nói: “Không có bất kỳ hành động của các bên nào có thể thay đổi hành vi của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ bay, đi lại trên biển và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và điều đó sẽ không thay đổi”.
Một máy bay hải quân P-8 đã thực hiện một chuyến bay giám sát trên vùng biển ngày 20 tháng 5. Trong chuyến bay, cơ quan không lưu Trung Quốc đã nhiều lần ra lệnh cho máy bay rời khỏi khu vực.
Hồi tháng 12, một tàu chiến của Trung Quốc gần như va chạm với tàu USS Cowpens, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, bằng cách chạy lên phía trước tàu chiến của Mỹ và dừng lại một cách đột ngột. Ngũ Giác Đài gọi cuộc tiếp cận ở Biển Đông là nguy hiểm.
Báo cáo của OSAC nói rằng, chiến tranh giữa Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền trong vùng biển rất khó xảy ra nhưng cảnh báo về các mối nguy hiểm cấp thấp khác có thể dẫn đến xung đột hay va chạm quân sự.
Việc đánh giá tình trạng căng thẳng ở Biển Đông được nêu ra trong báo cáo nội bộ do Văn phòng an ninh ngoại giao của chính phủ soạn thảo, để hỗ trợ các công ty Mỹ hoạt động trong khu vực.
Báo cáo này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực, trong việc đối phó với các tác động của tranh chấp ở Biển Đông, mà có thể leo thang. Tranh chấp xảy ra từ khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 90% vùng biển, và tranh chấp với các nước trong khu vực, chủ yếu là Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Mối nguy hiểm chính được phác họa trong báo cáo này là những gì được mô tả như là một sự “va chạm vô ý” hoặc tính toán quân sự sai lầm, có thể trở thành một “điểm nóng nghiêm trọng, có thể dẫn đến leo thang căng thẳng hay xung đột”.
Báo cáo cho biết, tuy nhiên “Lịch sử cho thấy rằng sau một loạt các phát biểu to tiếng và hăm dọa, những cái đầu nguội thường thắng thế. Trong mọi trường hợp, một biến cố như vậy có thể sẽ có tác động lớn hơn [đối với] quan hệ giữa quân sự với quân sự so với khu vực tư nhân”.
“Một ‘cuộc chiến trên biển’ rất khó xảy ra, vì không ai trong số các bên tranh chấp hoặc các đồng minh của họ sẽ được hưởng lợi từ một cuộc xung đột kéo dài,” báo cáo cho biết.
Phiên bản về cuộc chiến trên biển là một trong một số kịch bản được liệt kê trên một biểu đồ được kèm theo trong báo cáo chín trang về các hậu quả có thể xảy ra.
H2
Tình trạng bất ổn dân sự cũng là mối quan tâm trong tranh chấp Biển Đông. “Như các biến cố gần đây đã chứng minh, hành động của các đối thủ tranh chấp có thể làm trầm trọng thêm xu hướng dân tộc chủ nghĩa và gây nên sự gián đoạn ngắn hạn đến hoạt động [kinh doanh], các cuộc biểu tình quy mô lớn, và bạo loạn”, báo cáo cho biết.
Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu tới quần đảo Hoàng Sa, phần phía bắc của vùng biển [Đông] gần Việt Nam, hàng ngàn công nhân Việt Nam đã đổ ra đường, châm lửa đốt các nhà máy và phá hại tài sản của các công ty nước ngoài để phản đối các hành động của Trung Quốc.
Các vụ tấn công tin tặc cũng có thể phát sinh từ các tranh chấp hàng hải. Báo cáo cho biết: “Trong khi các chính phủ trung ương có thể tìm cách hạn chế sự xâm nhập không gian mạng vì sợ bị trả thù hoặc do tình hình leo thang, các tổ chức phi nhà nước có thể tham gia vào việc phá hoại hay làm gián đoạn dịch vụ. Tầm mức thiệt hại chủ yếu phụ thuộc vào mức độ phức tạp, nhưng vẫn chưa đến mức khi có các nỗ lực do nhà nước chi phối”.
Các kịch bản dễ dàng xảy ra nhất trong các tranh chấp trên biển là phô diễn quân sự và phản kháng ngoại giao.
“Chi tiêu đáng kể về quân sự và nguyện vọng chiến lược để phô trương lực lượng sẽ có thể dẫn đến tình trạng phô diễn quân sự tiếp tục”. Báo cáo cho biết thêm rằng phô diễn quân sự “không nhất thiết báo hiệu một cuộc xung đột không thể tránh khỏi, nếu các bên thiết lập các quy tắc tiếp cận”.
Về phương diện ngoại giao, “các phản kháng ngoại giao có thể sẽ là phương thức chính trong tương lai gần, ngay cả khi các phản kháng không có tác dụng như chất xúc tác cho sự thay đổi chính sách”, báo cáo cho biết.
“Tuy nhiên, do tinh thần dân tộc chủ nghĩa và những lo ngại về nhận thức của công chúng, phản ứng đối với những lời lẽ qua lại nên được theo dõi nếu không đáp ứng với hành động thực chất”.
Tranh chấp các hòn đảo hầu như không có người ở xuất phát từ mục tiêu của Trung Quốc trong việc tìm kiếm quyền tài phán hợp pháp trên vùng biển chiến lược quốc tế, mà báo cáo cho biết giúp vận chuyển 5 ngàn tỷ USD thương mại thông qua các tuyến đường biển. Vùng biển cũng có nguồn tài nguyên năng lượng lớn dưới đáy biển mà Trung Quốc thèm muốn.
“Không những vùng lãnh thổ tranh chấp nằm dọc theo một số tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, mà còn chứa nguồn năng lượng dự trữ và trữ lượng cá đáng kể”, báo cáo cho biết.
Trung Quốc cũng đưa ra một tuyên bố có vấn đề pháp lý và mơ hồ để làm chủ 90% Biển Đông, được bao phủ bởi điều mà Bắc Kinh nói là “đường chín đoạn” lịch sử trên toàn vùng biển.
H3
Báo cáo lưu ý các đòi hỏi của quân đội Trung Quốc từ một cơ sở kiểm soát không lưu trên một trong những hòn đảo mới, đã cảnh báo một máy bay do thám của Hải quân [Mỹ] phải rời khỏi khu vực đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), trong quần đảo Trường Sa gần Philippines, nơi có một phi đạo quân sự đang được xây dựng.
Các tranh chấp ở Biển Đông đã xảy ra ít nhất sáu năm qua, nhưng chỉ gần đây thu hút được sự chú ý của chính quyền Obama ở cấp cao.
David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Á châu và Thái Bình Dương, phát biểu tại một buổi điều trần Thượng viện ngày 13 tháng 5 rằng, quân đội Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở Biển Đông trước sự xâm lấn ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Shear cho biết Trung Quốc đã và đang xây dựng cơ sở quân sự trên các hòn đảo, bao gồm một phi đạo trên một đảo. Báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đã khai triển súng đại bác trên một số hòn đảo mới tạo dựng.
Để chống lại Trung Quốc, ông Shear nói tại phiên điều trần tại Thượng viện rằng Ngũ Giác Đài đang củng cố liên minh với các quốc gia trong khu vực. Các quan chức Ngũ Giác Đài cũng cho biết lực lượng quân sự Mỹ dự tính đưa tàu qua lại và máy bay trinh sát vào trong vòng 12 hải lý của các đảo mới, là những hành động có thể sẽ gây ra sự ngăn chặn trên không của Trung Quốc hay sự cố tàu chiến cho quân đội Mỹ.
John Tkacik, một cựu chuyên gia của Bộ Ngoại giao [Mỹ] về Trung Quốc, nghĩ rằng có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng tuần duyên và hải quân để ngăn chặn các nước khác trong khu vực không được xây dựng hoặc khai thác dầu khí ở Biển Đông.
“Tôi không biết chắc Bộ Ngoại giao có phối hợp đầy đủ với Việt Nam về chiến lược để chặn đứng sự mở rộng không lay chuyển được của Trung Quốc và củng cố quyền kiểm soát trên biển của họ”, ông Tkacik nói.
“Chúng ta đã thấy từ những lời cảnh báo được truyền tới máy bay trinh sát của Mỹ từ trạm quan sát trên mặt đất của Trung Quốc ở một số rạn san hô được bồi đắp rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) chắc chắn coi Biển Đông là của Trung Quốc, đáy biển là lãnh thổ của Trung Quốc, các tuyến đường biển nằm trong vùng biển Trung Quốc , và vùng trời bên trên toàn bộ Biển Đông là không phận của Trung Quốc”.
Ông Tkacik nói, rất có khả năng các lực lượng PLA sẽ tiếp tục sách nhiễu không lưu và hải lưu để thăm dò ở chỗ nào lực lượng Mỹ sẽ nhẹ nhàng hoặc rút lui, hoặc quan sát xem nơi nào Mỹ sẽ chống lại.
Quân đội và hải quân Trung Quốc sẽ diễn tập để sách nhiễu và thách thức máy bay và tàu chiến của Mỹ, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng sẽ đưa ra những phản đối ngoại giao.
“Chiến lược của PLA là đẩy Mỹ lên đến tận điểm giới hạn, sau đó giảm bớt một thời gian để Mỹ làm quen với điều đó”, ông Tkacik nói.
“Quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng những tin tức điện tử thu thập được để định lượng điểm giới hạn của quân đội Mỹ,” ông nói.
“Và một khi PLA cảm thấy Mỹ đã quen thuộc với tính ương ngạnh của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sau đó sẽ đẩy quá điểm giới hạn cũ và thiết lập một điểm giới hạn mới,” ông nói.
Như vậy một sự đụng chạm bất ngờ là không có khả năng xảy ra, vì tất cả các cuộc tiếp cận của Trung Quốc sẽ được tính toán và có chủ ý.
“Trung Quốc có thể ‘tính lầm’ khi đẩy Mỹ đi xa đến nỗi vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á trở nên không đáng tin cậy, trừ khi [Mỹ] đáp trả mạnh mẽ, nhưng điều đó sẽ đến sau khi Mỹ bị đẩy vượt khỏi điểm giới hạn. Trong trường hợp đó, Mỹ có thể nhảy vào một trận đánh trả dữ dội vì tuyệt vọng”.

Không có nhận xét nào: