Xây trụ sở ngàn tỷ: Tiền không rơi từ... trời!
>> Người làng ồ ạt bỏ xứ: Không ly hương lấy gì sống!
>> Người dân mong chờ gì ở bầu cử trong Đảng?
Thành Luân (ghi)
Đất Việt - Để có trụ sở hoành tráng phải đổi đất cho doanh nghiệp, đó cũng là tài nguyên, tài sản của nhân dân, đất nước, chứ không phải trên trời rơi xuống.
TS Phạm Sanh, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM có những chia sẻ thẳng thắn với Đất Việt về việc nhiều địa phương xây trung tâm hành chính tập trung ngàn tỷ bằng hình thức đầu tư xây dựng-chuyển giao (BT)
.Tiền không từ trên trời rơi xuống
Hiện nay, nhiều địa phương đang lạm dụng việc xây trung tâm hành chính tập trung hoành tráng, vốn lớn và địa phương nào cũng khẳng định không dùng vốn ngân sách nhà nước mà sử dụng vốn xã hội hoá thông qua hình thức đầu tư BT. Nhưng tôi cho rằng dùng chữ BT thực ra chỉ là một hình thức để lập lờ và nó thiếu sự minh bạch.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). PPP có rất nhiều dạng: hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO) và BT. Trong nghị định này có quy định rõ, BT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác.
Như vậy, Nghị định 15 chỉ cho phép đổi lại đất và điều này phải tuân theo pháp luật về đất đai hoặc đấu thầu. Có nghĩa là, trong đấu thầu cũng phải có đấu giá đất chứ không phải chỉ định thầu. Tương tự, Luật Đất đai cũng nói rõ về về vấn đề sử dụng đất. Trước Nghị định 15, nhà đầu tư được phép đổi lại bằng dự án hoặc khoản tiền trả chậm nào đó
Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, hình thức đầu tư BT thực ra chỉ để lập lờ. Không nhà đầu tư nào tự dưng ôm vài ngàn tỷ tặng không cho nhà nước, cho chính quyền địa phương bằng cách xây một trụ sở hoành tráng. Phải đổi đất lại cho doanh nghiệp và đất đó là tài nguyên, tài sản của nhân dân, đất nước chứ không phải trên trời rơi xuống.
Việc xây dựng trung tâm hành chính tập trung dường như đã trở thành phong trào. Địa phương nào cũng vì lợi ích nhóm của họ hoặc lợi ích riêng của một tập thể nào đó mà xây dựng.
Nhưng đây là điều rất khó bởi bỏ ra cả ngàn tỷ, nhà đầu tư sẽ lấy một tài nguyên có giá trị tương đương số tiền đó. Họ dùng tài nguyên đó vào việc khác có được không? Việc sử dụng ấy có lợi cho đất nước hay cho địa phương đó không? Theo tôi, chỗ này phải tỉnh táo và cần có sự cảnh báo lại từ phía Chính phủ, Quốc hội để ngăn chặn.
Vấn đề luôn được đặt ra là có cần thiết phải xây trụ sở công quyền to đùng như thế không? Số tiền xây dựng có đúng như thế và miếng đất để trao đổi kia có đúng là có giá trị tương đương? Miếng đất ấy có thể được đấu giá cao hơn hay giá đấu thầu xây trụ sở có thể thấp hơn? Nhà đầu tư có thể "ăn" hai lần ở chỗ này: khi xây dựng trụ sở họ đưa dự toán cao lên rồi khi lấy đất lại "ăn" thêm lần nữa. Thông thường địa phương định giá đất bao giờ cũng thấp cho nhà đầu tư. Việc tính toán những chi phí này không minh bạch, chỉ 1-2 cơ quan, vài người biết với nhau, thành ra nó không công khai, rõ ràng.
Về phía người dân, nhiều khi không thấy mối nguy này. Họ cứ nghĩ đất đó là tài nguyên chung của địa phương, của đất nước, không đụng tới quyền sử dụng đất của họ là được, nếu bị giải toả cũng được đền bù. Nhưng xét trên bình diện tài nguyên quốc gia, đó là sự lãng phí. Nói cách khác, thiệt hại ở đây chính là tài nguyên của đất nước mà chính phủ giao cho địa phương quản lý, sử dụng.
Sao phải xây trụ sở công quyền to hơn toà Bạch Ốc?
Bình Dương nổi tiếng là địa phương xây trung tâm hành chính tập trung đầu tiên của cả nước. Tôi đã lên trụ sở của Bình Dương thì thấy rất hoang sơ, lãng phí. Xây một thành phố vài chục ngàn tỷ, một trụ sở hành chính to đùng nhưng giờ vẫn mông mênh trời đất, thậm chí còn có đàn bò thơ thẩn trong trung tâm đó thì làm sao gọi là thành công?
Tại sao không ai thấy cái dở như vậy mà đua nhau xây trụ sở ngàn tỷ? Theo tôi, có vấn đề lợi ích nhóm. Họ không nhận thức rõ có cần thiết xây không, chi phí xây dựng, đất đổi lại cho nhà đầu tư có đúng giá hay không? Thay vì đấu thầu để chọn nhà thầu giá rẻ hơn thì địa phương lại để họ tự làm, chi phí tăng lên không ai kiểm soát.
Tỉnh nào cũng muốn trụ sở lớn, mà khi xây dựng có tiền ra tiền vô, tỉnh nào cũng mang tâm lý Bình Dương làm được, Đà Nẵng làm được thì tôi cũng làm được. Có cần thiết phải xây trụ sở mấy ngàn tỷ trong khi dân vẫn còn nghèo? Cứ nói quyết tâm cắt giảm đầu tư công nhưng quyết tâm chỉ thể hiện trên bàn tròn.
Bởi vậy, cần thận trọng khi xây trung tâm hành chính tập trung. Việc xây dựng trụ sở công quyền bằng hình thức BT nhìn qua thì thấy hay bởi không sử dụng vốn ngân sách nhưng coi chừng đó là sự lãng phí, kèm theo đó là tiêu cực và tham nhũng lớn, về lâu dài nó tác động lên đất nước, lên kinh tế, xã hội.
Vấn đề là quản lý tài nguyên đất nước ra sao? Phải nghĩ đến con cháu mấy chục năm sau này chứ không phải đụng gì bán nấy, đụng gì lãng phí, cứ quan niệm không phải vốn ngân sách thì cứ "chơi".
Để việc xây dựng trụ sở công quyền vừa tiết kiệm vừa hiệu quả đòi hỏi vai trò của người đứng đầu. Anh là người gác cổng thì phải trăn trở xem những gói dự án lớn như xây trụ sở mà làm theo hình thức đầu tư BT có thực sự cần thiết không? Đã có luật đấu thầu, luật đầu tư công, nhà đầu tư muốn vào thì phải đấu thầu xây dựng, lấy đất phải đấu thầu giá đất. Thế nhưng có vẻ như khi xây trung tâm hành chính tập trung, nhiều người đã làm ngơ những luật này và chỉ mượn sáo ngữ xã hội hoá, doanh nghiệp đầu tư.
Tôi cho rằng, đến thời điểm này không nên làm trung tâm hành chính tập trung nữa. Với hàng ngàn tỷ, những tỉnh nghèo có thể đầu tư xây dựng rất nhiều hạ tầng giao thông, điện, trường học, bệnh viện... Trong khi liên quan đến những chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, nông nghiệp Việt Nam không có tiền thực hiện, sao các địa phương phải làm trung tâm hành chính to hơn toà Bạch Ốc của Mỹ?
-----------
nguon: http://phuocbeo.blogspot.com/2015/04/xay-tru-so-ngan-ty-tien-khong-roi-tu.html
-----------
nguon:
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét