Translate

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Doanh nhân và sóng gió nghị trường

Facebook nhà báo Lê Kiên
VNN - Những buồn vui của đại biểu QH làm doanh nhân chắc hẳn gắn liền với các con sóng lên xuống chập chờn trên sàn chứng khoán, với những món nợ món lời, với những nghĩ suy đầu tư và đầu cơ vào thị trường và quan hệ… hơn là gắn bó với muôn ngàn lá phiếu và tâm tư cử tri.
Anh Nguyễn Xuân Hồ, một công chức “quèn” ở tỉnh Thanh Hóa xa xôi, nghẹn ngào kể: “Vì tin doanh nhân Châu Thị Thu Nga là đại biểu QH, nên tôi mới bỏ số tiền tích cóp cả đời vào dự án chung cư B5 Cầu Diễn”. Chắc hẳn, không ít trong số hàng trăm khách hàng bị lừa như anh Hồ cũng vì “tin đại biểu QH” Nga.

Bà Châu Thị Thu Nga đến nay mới bị bắt, nhưng lòng tin của hàng trăm người là khách hàng của doanh gia - đại biểu này đã sụp đổ từ lâu rồi. Điều đáng nói, Châu Thị Thu Nga không phải là doanh gia - đại biểu đầu tiên gây bão ở nghị trường QH khóa 13.

Một nữ doanh nhân nổi tiếng khác, bà Đặng Thị Hoàng Yến, đã phải nhận nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu QH ngày 26/5/2012. Lý do, theo giải thích của Ủy ban Thường vụ QH trước lúc QH “bấm nút” bãi nhiệm là: trong hồ sơ ứng cử đại biểu QH khóa 13, bà Yến đã khai không trung thực, làm cho cử tri và tổ chức hiểu không đúng về tiểu sử và quá trình hoạt động của bản thân, vi phạm điều 3 luật Bầu cử đại biểu QH.

“Nhìn sắc diện của ông đã tươi hơn trước. Ông có nghĩ mình sẽ tiếp tục tham gia QH không?” - đó là câu hỏi của Mai Hương, phóng viên báo Tuổi Trẻ, đặt ra cho ông Đặng Thành Tâm, ngày 22/5/2013. “Nói thật, đáng lẽ tôi không nên vào QH. Hồi xưa tôi không nghĩ làm đại biểu QH là làm chính trị gia, cái số của tôi không hợp làm chính trị gia…” - ông Tâm trả lời. Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay tại phiên họp tổ của đoàn TP.HCM.

Trước đó một kỳ họp, ngày 29/10/2012, sau nhiều những đồn đoán khác nhau, đại biểu Đặng Thành Tâm bất ngờ xuất hiện tại hội trường để họp QH (trước đó ông Tâm đã có đơn xin nghỉ hết kỳ họp để đi chữa bệnh). Tóc dài, râu bạc, chia sẻ với báo chí, “ông Tâm cho biết sau thời gian điều trị, ông thấy sức khỏe khá hơn nên đã cố gắng ra Hà Nội tham gia kỳ họp QH để thể hiện trách nhiệm với cử tri”.

Doanh nhân Đặng Thành Tâm là em ruột của doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến. Khi mới vào QH, cả bà Yến và ông Tâm đều phát biểu rất hăng hái, khách quan mà nói thì không ít ý kiến của bà Yến là những ý kiến đóng góp rất có chất lượng. Nhưng rồi, bà Yến bị bật ra khỏi nghị trường khi vừa đặt chân vào, còn ông Tâm thì “mất hút” ngay sau đó với thú nhận “không hợp chính trị gia” như đã nêu trên.

Một doanh nhân khác, cũng xuất hiện với tư cách “tự ứng cử” như bà Châu Thị Thu Nga, là ông Hoàng Hữu Phước, cũng thường gây "bão" ở nghị trường, bằng cách "chĩa mũi dùi" công kích các đại biểu Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa.

Trong lịch sử QH Việt Nam, khóa 13 giữ kỷ lục về số lượng đại biểu là doanh nhân (trên dưới 40 vị). Nhưng có lẽ, thể nghiệm “cơ cấu doanh nhân” trong QH là một thể nghiệm ít thành công. Những buồn vui của đại biểu làm doanh nhân chắc hẳn là gắn liền với các con sóng lên xuống chập chờn trên sàn chứng khoán, với những món nợ món lời, với những nghĩ suy đầu tư và đầu cơ vào thị trường và quan hệ… hơn là gắn bó với muôn ngàn lá phiếu và tâm tư cử tri.



Không có nhận xét nào: