Translate

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Mây Đen Bao Phủ Thế Giới !

Nhật Ký Biển Đông: Mây Đen Bao Phủ Thế Giới

Đào Văn Bình


Sự hòa dịu chỉ là “kế hoãn binh” nhất thời của Hoa Lục. Việt Nam có thể kiềm chế, nhưng Trung Quốc thì không thể kiếm chế bởi vì kiềm chế đồng nghĩa với việc từ bỏ mộng bá chủ Biển Đông- điều mà Hoa Lục không bao giờ chấp nhận trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ để tìm sinh lộ tiến ra Thái Bình Dương. (ĐVB)

I-Cuộc đối đầu Nga-Mỹ

Trong khi cuộc khủng hoảng Ukraina chưa có dấu hiệu ra khỏi ngõ cụt với thỏa hiệp ngưng bắn mong manh, ngày 26/10/2014 Kiev tiến hành bầu cử quốc hội với khuynh hướng thân Mỹ và NATO, còn Miền Đông - các nước Cộng Hòa Donetsk và Luhansk ngày 2/11/2014 bầu cử để quyết định vận mệnh của mình. Âu Châu đe dọa áp đặt thêm những trừng phạt mới nếu Nga công nhận kết quả cuộc bầu cử này. Riêng Mỹ đang áp lực các quốc gia Á Châu tham gia cuộc cấm vận Nga lớn lao trên quy mô toàn cầu. Nga theo chính sách “con hổ bị thương” cắn răng chịu đựng, liên kết và hỗ trợ cho các quốc gia trung lập hoặc ghét Mỹ hoặc không có thiện cảm với Mỹ để dàn trận chống Mỹ.

- Đài truyền hình Fox News thuộc phe bảo thủ Mỹ ngày 14/10/2014 loan tin Serbia (Nam Tư cũ) trải thảm đỏ và diễn bình rầm rộ để tiếp đón Tổng Thống Putin viếng thăm Belgrade vào Thứ Năm 16/10/2014. Âu Châu lên tiếng chỉ trích cuộc tiếp đón này nhưng Serbia nói rằng họ cũng sẵn sàng chào đón nếu Ô. Obama muốn đến thăm. Rõ ràng thế giới dần dần chia thành hai phe thân Nga hoặc thân Mỹ như thời Chiến Tranh Lạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, trái, và Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic trong một buổi lễ chào đón tại sân bay ở Belgrade, Serbia, Thứ 5, 16 Tháng 10, 2014
- Còn AFP trích dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên cho hay tuyến đường sắt nối Triều Tiên với Nga sẽ mở cửa vào tháng 10 tới. Khi đó, các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa sẽ bắt đầu chạy từ thành phố Khasan, vùng Viễn Đông Nga, đến cảng Rason, khu thương mại tự do ở đông bắc Triều Tiên.Việc thi công nhằm sửa chữa tuyến đường sắt dài 54 km này được bắt đầu từ tháng 10/2008. Tuyến đường này sẽ nối liền với tuyến đường xuyên Siberia của Nga, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia. (VnExpress) Nếu Nga hỗ trợ mạnh mẽ cho Bắc Hàn thì đó là “con bài tẩy” khiến Nhật Bản, Nam Hàn không thể theo Mỹ để chống Nga.

- Riêng đối với Việt Nam, Nga vẫn tiếp tục cung cấp những vũ khí có khả năng tấn công và phòng thủ trên biển mà không đòi hỏi bất cử điều kiện nào. Voice of Russia ngày 14/10/2014 loan tin ”Nhà máy đóng tàu Sredne - Nevsky trong năm tới sẽ hoàn thành việc thực hiện hợp đồng trang bị vũ khí Nga cho sáu tàu tuần tra (tuần dương hạm) Việt Nam thuộc đề án TP-400. Hợp đồng đã được ký kết trong năm 2009. Dự án được người Việt Nam phát triển, thân tàu cũng do họ chế tạo, toàn bộ vũ khí trên tàu là của Nga.” Còn theo VOA tiếng Việt ngày 27/10/2014, “Hai tàu pháo (pháo hạm) trang bị tên lửa đầu tiên do Việt Nam đóng, vừa được giao cho lực lượng hải quân trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực quốc phòng trước tranh chấp Biển Đông căng thẳng. Hai tàu này được sản xuất tại xưởng đóng tàu Ba Son sử dụng công nghệ của Nga nằm trong số 6 tàu tên lửa hiện đại lớp MOLNIYA thuộc dự án 1241.8 mà xưởng này đặt (hàng) cho Hải Quân Việt Nam năm 2009. Các tàu này được thiết kế bởi xưởng đóng tàu Vympel, Nga.”

Hai tàu pháo tên lửa đầu tiên do Việt Nam đóng. Ảnh http://m.voatiengviet.com/

- Đặc biệt hơn nữa, AP ngày 24/10/2014 loan tin, “Vào ngày Thứ Sáu, trong một bài diễn văn thật xúc động, Tổng Thống Putin nói rằng thế giới đang trở thành một nơi thật nguy hiểm vì Hoa Kỳ đã và đang xử dụng sức mạnh để thể hiện ý muốn của họ trên các quốc gia khác mà quốc gia ông (Nga) đồng ý. Trước một cử tọa bao gồm các chuyên viên về chính trị thế giới tại khu nghỉ mát Sochi ở Hắc Hải, Ô. Putin đã kịch liệc chỉ trích Hoa Kỳ về cái mà ông gọi là đã Hoa Kỳ đã coi thường luật pháp quốc tế và đơn phương xử dụng sức mạnh quân sự… Bằng giọng nói giận dữ, Ô. Putin cáo buộc Hoa Kỳ và đồng minh Phương Tây đã độc quyền “nhào nặn thế giới theo nhu cầu của họ” từ sau Chiến Tranh Lạnh, xử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự, thường xuyên hỗ trợ những tổ chức cực đoan (extremist groups) để đạt mục đích. Ông Putin đã dẫn chứng các trường hợp Iraq, Libya và Syria là những thí dụ điển hình của những hành động sai lầm đưa tới hỗn loạn khiến Washington và đồng minh phải chiến đấu chống lại những sai lầm của chính họ…và họ đang phải trả giá rất cao.”

- Điểm xuyết thêm cho bầu không khí hào hứng và trào lộng của cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới, Fox News ngày 14/10/2014 đưa tin, Thủ Tướng Úc Abbott đe dọa sẽ “nắm cổ” Tổng Thống Putin trong cuộc gặp gỡ trong hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới đây tại Brisbane (Úc). Các viên chức ngoại giao Nga nói rằng đe dọa này là “trẻ con” và rằng Ô. Putin là võ sĩ nhu đạo huyền đai.” Giả dụ Ô. Abbott bị Ô. Putin quật ngã trước mặt các vị lãnh đạo thế giới thì nước Úc không còn ra cái thể thống gì nữa. Đúng là giận quá mất khôn. Hiện nay Úc là đồng minh chí cốt của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraina, Iraq, Afghanistan và cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo ISIS và đang nạp đơn gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Chính vì thế giới có những chuyển động nguy hiểm như thế cho nên theo Reuters ngày 16/10/2014, lãnh đạo Liên Bang Xô-viết cũ Ô. Mikhail Gorbachev cảnh báo lãnh đạo Phương Tây (Mỹ và NATO) và Ô. Putin đang lôi kéo thế giới vào cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới mà ông đã giúp chấm dứt cách đây một phần tư thế kỷ.

II- Chiến tranh Hoa-Mỹ không tránh khỏi ở Biển Đông

Trong tháng qua đã xuất hiện những tin tức không vui cho Hoa Kỳ và làm phức tạp thêm tình hình thế giới và cuộc khủng hoảng Biển Đông.

- REUTERS/Shannon Stapleton Sorry, America ngày 8/10/2014:

Theo Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (International Monetary Fund) Hoa Lục vượt qua Mỹ và trở thành nển kinh tế lớn nhất thế giới.

- Reuters ngày 24/10/2014: Trung Quốc vừa khai trương Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank ) gồm 20 quốc gia với số vốn khởi đầu 50 tỉ đô-la được coi như là một đối thủ của World Bank và Asia Development Bank do Hoa Kỳ và Âu Châu hậu thuẫn trong một chuyển động nhằm dùng “sức mạnh mềm” để lôi kéo các nước Á Châu. Ba quốc gia Nhật Bản, Nam Hàn, Nam Dương đã không tham dự ngày khai trương và dưới sức ép của Hoa Kỳ, Úc Châu đã không gia nhập ngân hàng này. Hiện nay Hoa Kỳ rất lo lắng về sự ra đời của AIIB vì nó làm suy giảm “sức mạnh mềm” của Hoa Kỳ - ít ra là tại Á Châu.

- Business Insider ngày 14/10/2014: Trong bài viết nhan đề “Xây Dựng Sức Mạnh Quân Sự Một Cách Đáng Báo Động Của Hoa Lục Đang Thay Đổi Thế Quân Bằng Lực Lượng Tại Á Châu “ (China's Alarming Military Buildup Is Shifting The Balance Of Power In Asia) Bill Gertz đã đưa ra nhận xét của ủy ban lưỡng viện quốc hội nghiên cứu về kinh tế và an ninh Mỹ-Trung Quốc , “Nhà cầm quyền cộng sản Trung Hoa dù có mối liên hệ kinh tế và tài chính mật thiết với Hoa Kỳ nhưng vẫn coi Hoa Kỳ là kẻ thù chính….Xây dựng sức mạnh quân sự theo kiểu sẵn sàng chiến đấu của Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa làm gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.” (*)

- Washington Post ngày 28/10/2014: Trích dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết vào Thứ Năm 23/10/2014 tại Bắc Kinh, Chuẩn Đô Đốc Habibollah Sayyari - Tư Lệnh Hải Quân Iran đã ký một thỏa hiệp với Đô Đốc Wu Shengli –Tư Lệnh Hải Quân Trung Quốc ”hợp tác thực tiễn hơn nữa và tăng cường mối liên hệ quân sự giữa hai bên” sau khi hai tuần dương hạm Trung Quốc ghé thăm Cảng Bandar Abbas của Iran tháng trước. Như thế Hoa Lục đã đặt được một đầu cầu ở Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman - cửa ra vào của túi dầu lửa Trung Đông và là trạm dừng chân để vươn tới Phi Châu tài nguyên phong phú. Trong khi đó Iran thoát được sức ép cấm vận kinh tế của Mỹ và Âu Châu do chương trình hạt nhân.

- The Examiner ngày 28/10/2014: “Phó Chủ Tịch Trung Quốc Zhang Gaoli tuyên bố ngày hôm nay Trung Quốc bắt đầu thương mại trực tiếp với Singapore và xử dụng tiền của mỗi nước để làm dễ dàng cho việc thanh toán các giao dịch. Ý nghĩa của hành động này là không cần dùng tới đồng đô-la Mỹ và ngoại tệ dự trữ…chấm dứt sự bá chủ của đồng đô-la trên hệ thống tài chính toàn cầu.”

- Wall Street Journal ngày 30/10/2014: Tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã vượt qua Eo Biển Malacca và thấy xuất hiện ở Sri Lanka và Vịnh Ba Tư. Tư lệnh lực lượng tàu ngầm Đại Tây Dương của Mỹ phát biểu lo lắng trước nỗ lực hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc.

Trước sự lớn mạnh của Hoa Lục về các mặt quân sự, kinh tế, tài chính và ảnh hưởng chính trị toàn cầu làm sói mòn địa vị siêu cường của mình thì Hoa Kỳ phải làm sao đây?

III- Quan hệ của Việt Nam với Hoa Lục và Mỹ vô cùng phức tạp:

1) Những diễn biến trên Biển Đông

- AFP ngày 23/10/2014: ”Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay Trung Quốc đã thả bảy bộ phao ngầm tại những vùng biển then chốt Tây Thái Bình Dương- một chuyển động làm gia tăng cường độ tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong vùng.”

-Tuổi Trẻ Online: Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 23/10/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng các đảo cũng như các bãi đá ngầm trên hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc đang xây dựng một sân bay mới trên Đảo Phú Lâm và Bãi Đá Chữ Thập. Kể từ tháng 2/2014, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng phi pháp nhằm biến 6 bãi đá ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo.


2) Những diễn biến trên mặt trận ngoại giao

- BBC tiếng Việt ngày 16/10/2014: Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, dẫn đầu là Đại tướng Phùng Quang Thanh- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gồm 13 tướng, thăm Trung Quốc từ 16/10-18/10.

- VOA tiếng Việt ngày 22/10/2014: ”Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho báo giới trong nước biết Việt Nam, Trung Quốc đã thiết lập đường dây nóng quân sự (điện thoại liên lạc khẩn cấp) hôm 20/10 bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội. Thông báo của người đứng đầu quân đội Việt Nam được đưa ra sau khi ông Thanh và hơn chục tướng lĩnh Việt Nam gặp quan chức quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh từ ngày 16 tới 18/10.

- VietnamPlus ngày 27/10/2014: Trong cuộc gặp gỡ với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Ô. Dương Khiết Trì tuyên bố, “Về quan hệ song phương, Đảng, Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn mong muốn tăng cường trao đổi cấp cao, củng cố hữu nghị nhân dân, xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam, đồng thời sẵn sàng cùng với Việt Nam đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, giao lưu nhân dân.”

Trong khi Ô. Dương Khiết Trì tới Việt Nam thì Ô. Nguyễn Tấn Dũng đi Ấn Độ mà VOA gọi là “để củng cố quan hệ đối tác chiến lược”. Còn International Business Times đi tiêu đề “Việt Nam và Ấn Độ Ký Thỏa Hiệp Về Dầu Lửa và Hải Quân Giữa Lúc Tranh Chấp Ở Biển Đông, Khiến Bắc Kinh Tức Giận” (Vietnam And India Sign Oil, Naval Agreement Amid South China Sea Disputes, Angering Beijing) tiếp sau chuyến công du Việt Nam ngày 14/9/2014 của Tổng Thống Pranab Mukherjee. Trước đó vào ngày 16/10/2014 Ô. Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ Thủ Tướng Nhật Bản Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEM (Asia-Europe Meeting) tổ chức tai Milan- Ý Đại Lợi. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc cung cấp hỗ trợ phát triển ODA (Official Development Assistance) ở mức cao, cũng như tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng chấp pháp trên biển (duyên phòng).

Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (giữa) bắt tay với Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi


Từ những hoạt động ngoại giao chồng chéo đó chúng ta thấy: Việt Nam một mặt vẫn chủ trương hòa dịu với Trung Quốc nhưng một mặt vẫn liên kết với các đại cường để gầy dựng sức mạnh riêng của mình nhằm đối phó với ông bạn láng giềng hung ác cho nên những chuyển động ngoại giao trên, theo tôi nghĩ, chỉ là những giây phút nghỉ ngơi giữa hai hiệp của hai võ sĩ để lau chùi những vết bầm tím trên mặt hoặc nghe huấn luyên viên mách nước. Khi tiếng kẻng vang lên, hai võ sĩ lại lao vào trận đấu. Sự hòa dịu chỉ là “kế hoãn binh” nhất thời của Hoa Lục. Việt Nam có thể kiềm chế, nhưng Trung Quốc thì không thể kiếm chế bởi vì kiềm chế đồng nghĩa với việc từ bỏ mộng bá chủ Biển Đông- điều mà Hoa Lục không bao giờ chấp nhận trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ để tìm sinh lộ tiến ra Thái Bình Dương.

Hành động của Trung Quốc - đối với Việt Nam – từ năm 1979 tới nay giống như một tên côn đồ vừa đấm đá tơi bời một cậu bé xong rồi lại cười cười, nói nói xoa đầu vuốt ve, rồi lại đấm cho một quả sặc máu mũi. Qua những việc làm bất chính coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông cho thấy Hoa Lục là một gã “cướp biển ” mà Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ phải ngán sợ. Việt Nam- vì là nước nhỏ và có chung biên giới, không còn phương thức nào khác hơn là: Bên ngoài thì cắn răng chịu đựng, cũng “bắt tay, cười cười nói nói” giống như tổ tiên ngàn năm triều cống, nhưng bên trong thì xây dựng sức mạnh quân sự để tự lực tự cường chống giặc, ngoại giao đa phương để mưu tìm hậu thuẫn và luôn luôn cảnh giác cao độ. Tin vào những lời hứa đầy sáo ngữ của Hoa Lục thì cũng giống như Thục An Dương Vương tin cuộc hôn nhân giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu là một thỏa ước hòa bình. Trên chính trường quốc tế từ ngàn xưa đến giờ - chân thành, hữu nghị, đồng minh có- nhưng cũng chứa đầy thủ đoạn tàn độc, lọc lừa, bội phản…che dấu bởi những mỹ từ cao đẹp.

3) Còn việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát hại cho Việt Nam

cũng không đơn giản như người ta nghĩ. Nó là một suy tính nhức đầu của các chiến lược gia Hoa Kỳ song có thể bị tắc nghẽn tại quốc hội cho nên ngày 8/10/2014 đã có bài viết của Joshua Kurlantzich đăng trên The National Interest “Bán Vũ Khí Sát Thương Cho Việt Nam: Là Hành Động Đúng?” (Selling Vietnam Lethal Weapons: The Right Move?)(**) Bài viết có những đoạn như sau
“…Nhưng Việt Nam là một ngoại lệ. Trong tất cả các quốc gia trên đất liền của Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam là đã và sẽ cung ứng đầy đủ lợi ích chiến lược cho Hoa Kỳ đó là điều giải thích/biện minh cho việc xích lại gần với một nhà nước độc tài. Khác với Miến Điện hoặc Thái Lan, chính phủ Việt Nam dù ức chế (người dân) nhưng rõ ràng là kiểm soát được quân đội, và mặc dù có sai trái trên phạm vi rộng lớn về việc lạm dụng quyền hành, nhưng thực tế quân đội Việt Nam tự thân nó, trên nhiều lãnh vực, đã không lạm dụng quyền lực (như đảo chính, dùng quân đội để đàn áp người dân) và chuyên nghiệp/giỏi hơn quân đội Miến Điện và Thái Lan. Nói một cách tổng quát, nền chính trị Việt Nam ổn định hơn Miến Điện hay ngay cả Thái Lan, và người dân, dù Hoa Kỳ đã có cuộc chiến với Việt Nam nhưng có khuynh hướng 'thân' Mỹ…Vịnh Cam Ranh của Việt Nam sẽ là bến cảng tốt nhất cho các chiến hạm Hoa Kỳ trong trường xảy ra xung đột với Hoa Lục.
Không như Thái Lan hay Miến Điện, Việt Nam đã chiến đấu chống lại Trung Quốc trong nhiều thế kỷ và có chung biên giới cho nên sẽ không ảo tưởng/ngây thơ về sự trỗi dậy của Hoa Lục và sẵn sàng bảo vệ vị thế của mình trong tranh chấp với Bắc Kinh bằng tài ngoại giao khéo léo và sức mạnh quân sự có khả năng răn đe. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ là những người không can dự vào các cuộc chiến trước đây, đã nắm giữ ngoại giao và quân đội, họ nhìn thấy mối liên hệ mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ là quan yếu cho nền an ninh của Việt Nam…Hoa Thịnh Đốn phải xúc tiến việc bán vũ khí cho Việt Nam. Trong bài viết tiếp theo đây tôi sẽ xem xét xem Hoa Kỳ bán vũ khí cho Việt Nam như thế nào và cả việc tiến tới xây dựng một thỏa hiệp đồng minh chính thức.”
Bằng cứ vào những việc làm trên Biển Đông của Hoa Lục và những hoạt động ngoại giao con thoi từ nhiều phía, chúng ta thấy “hòa bình”, “hữu nghị”, “không theo bên nào”, “tự kiềm chế”… chỉ là “đầu môi trót lưỡi”. Tất cả hình như đang tiến tới một cuộc đụng độ không sao tránh khỏi.

Trong lịch sử, khi thiên hạ thái bình thì các ông bộ trưởng ngoại giao chỉ “ngồi chơi xơi nước”, tán dóc cho vui. Khi các ông bộ trưởng ngoại giao hay bộ trưởng quốc phòng hay cố vấn an ninh của tổng thống bôn ba hết chỗ này chỗ kia thì “trời đất nổi cơn gió bụi” tới nơi rồi. Thế giới đang bị vây phủ bởi những đám mây đen và những luồng “quái phong” do sự trỗi dậy của Hoa Lục và toan tính bảo vệ địa vị thống trị thế giới của Hoa Kỳ.

Đào Văn Bình
(California ngày 31/10/2014)

Không có nhận xét nào: