Translate

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

" LòI " và chưa Lòi !

“Lòi” thêm khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối có vốn trăm triệu USD ở đèo Hải Vân.


Hưng Thơ- Đăng Khoa
/ Lao động
Ảnh bên:Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 50 tỷ xây dựng đường nhựa để vào khu vực Bãi Chuối.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp phép cho Cty CP Thế Diệu (thuộc Cty TNHH World Shine Hong Kong, Trung Quốc) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân có vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD. Tuy nhiên, địa điểm này được các nhà nghiên cứu xem là khu vực trọng yếu về quốc phòng nên việc triển khai dự án bị dư luận phản ứng rất gay gắt.

Tìm hiểu của Phóng viên Báo Lao động cho thấy, vào năm 2009, tỉnh này cũng đã cấp 100ha đất cho một Cty nước ngoài thực hiện dự án tương tự, phần đất được cấp ở khu vực Bãi Chuối – sát bên Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế.

Ông Nguyễn Quê - Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - cho biết năm 2009 Cty TNHH MTV Bãi Chuối (Tổng giám đốc là ông Lim Kam Lo, dân tộc Hoa) đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp 100ha đất ở khu vực Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế) để xây dựng khu nghỉ dưỡng.

Dự án này có vốn đầu tư 102 triệu USD, thời hạn thực hiện 50 năm, tiến độ thực hiện qua 2 giai đoạn (khởi công từ tháng 1.2009 đến tháng 8.2014). “Tỉnh đang làm tiến độ với Cty này. Vị trí thực hiện dự án nằm cạnh Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế” – ông Quê nói.

Như vậy, cả hai dự án được tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân đều là của Cty nước ngoài - Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc; Khu du lịch nghỉ dưỡng Bãi Chuối của nhà đầu tư có quốc tịch Canada, dân tộc Hoa.


 Phối cảnh Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế được cấp phép khu vực đèo Hải Vân.

Từ QL1A địa phận đèo Hải Vân đến Khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế phải vượt qua hơn 5km về hướng Đông. 
Nhà điều hành được Cty CP Thế Diệu xây dựng ở khu vực ngã ba Bãi Chuối. 
Cả 2 khu du lịch nghỉ dưỡng cấp cho DN nước ngoài thực hiện ở đèo Hải Vân - địa điểm được xem là trọng yếu về quốc phòng.

Theo Lao động

Đọc thêm: Tướng Thước phản đối kịch liệt "Dự án của Trung Quốc trên đèo Hải Vân"

Tuấn Nam/ Soha.vn
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng đèo Hải Vân là khu vực cực kỳ trọng yếu của đất nước nên Việt Nam phải làm chủ hoàn toàn vị trí đó.

Liên quan đến thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cấp phép cho Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine ở khu vực Cửa Khẻm – mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân, vị trí rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV về vấn đề này.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định mạnh mẽ: “Tôi hoàn toàn phản đối việc cho nước ngoài vào làm kinh tế tại vị trí xung yếu đó”.

Theo tướng Thước, làm kinh tế mà có lợi cho quốc gia thì không ai phản đối bởi đất nước càng ngày càng mạnh lên. Nhưng nếu làm kinh tế mà không nghĩ đến Quốc phòng – An ninh thì có cái lợi trước mắt đó nhưng cái hại lại về lâu dài.

“Thực tế trên địa bàn Quân khu IV, thời nhà Nguyễn, đã bị chia cắt một lần ở sông Gianh; trong thời kỳ cách mạng đất nước bị chia cắt bởi sông Bến Hải. Tuy nhiên, địa thế chiến lược này vẫn không trọng yếu bằng đèo Hải Vân.

Vừa qua, đồng chí Trung tướng Lê Chiêm – Tư lệnh quân khu V phát biểu phản đối việc này với lý do mũi đèo đó nhô ra ngoài biển và uy hiếp trực tiếp tới Đà Nẵng. Nói như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Ảnh hưởng tới Đà Nẵng chỉ là một vế rất nhỏ.

Đèo Hải Vân kéo dài ra biển là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng không chỉ liên quan đến Đà Nẵng và Huế, không chỉ liên quan đến quân khu V và quân khu IV mà liên quan đến vấn đề thống nhất về địa lý quốc gia.  Đó thực sự là một điểm huyệt cực kỳ quan trọng với An ninh – Quốc phòng”,vị tướng này nói.

Tướng Thước phân tích thêm: “Nhìn xa hơn, mũi nhô ra biển ở đèo Hải Vân nhìn thẳng sang đảo Hải Nam (Trung Quốc)”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại: “Trở lại thời gian trước đây khi tôi còn làm Tư lệnh quân khu IV, quân khu IV và quân khu V đều muốn nhận quyền quản lý đèo Hải Vân. Quân khu V có ý kiến ra Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê rằng nếu không giao đèo Hải Vân cho quân khu V thì Đà Nẵng thấy chưa yên tâm.

Khi đó, tôi đã nói rằng bao quát được đèo Hải Vân không chỉ bao quát được quân khu V mà còn bao quát được quân khu IV. Lúc tôi và đồng chí Phan Hoan (là Tư lệnh quân khu V khi đó) làm việc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê, tôi nói rằng đèo Hải Vân liên quan đến An ninh – Quốc phòng của quốc gia của Việt Nam không riêng của quân khu nào. Đèo Hải Vân nằm tiếp giáp giữa hai quân khu, vì thế cả hai quân khu đều phải tập trung chứ không chỉ có quân khu nào. Bộ trưởng Đoàn Khuê lúc đó rất đồng ý với ý kiến đó”.

Một lần nữa, tướng Thước khẳng định: “Bất kỳ một tổ chức nước ngoài nào cũng không được phép làm kinh tế tại khu vực đó. Tại đó có thể làm kinh tế nhưng phải là do doanh nghiệp của Việt Nam tiến hành. Việt Nam phải làm chủ hoàn toàn vị trí đó. Việt Nam đâu có thiếu doanh nghiệp có thể làm được các khu nghỉ dưỡng lớn”.

Không có nhận xét nào: