(Dân trí) - Ông không được trọng dụng cũng phải thôi vì ví dụ
nếu ông làm ra cái máy đó chỉ mất 100 triệu đồng (giả sử thế) mà các nhà khoa
học kỹ thuật dùng ngân sách nhà nước lại làm ra cỗ máy tương tự hết có… 1 tỉ
đồng thì hỏi 900 triệu đồng kia nó đi đâu? Làm thế, khác gì ông làm lộ cái “bí
mật” mang tên “xà xẻo”...
>> Gặp kỹ sư “hai lúa” chế xe bọc thép cho Campuchia
>> Gặp kỹ sư “hai lúa” chế xe bọc thép cho Campuchia
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Tin bố con ông “hai lúa” Trần Quốc Hải được
Chính phủ Campuchia tặng thưởng Huân chương Đại tướng, được cấp xe ô tô, biệt
thự sang trọng đồng thời được hưởng mọi chế độ cấp tướng đã làm “rúng động” dư
luận những ngày qua. Trong nước, ông Hải không phải là nhân vật xa lạ vì ông đã
hai lần tự chế tạo máy bay trực thăng nhưng không được chấp thuận.
Là người cùng thế hệ với “tướng quân” Hải (ông
Hải sinh năm 1960, Blogge Bùi Hoàng Tám sinh năm 1958), xin mạo muội gửi đến
ông bức thư dưới đây.
Ông Trần Quốc Hải kính
mến!
Trước hết, tôi xin lỗi ông về sự đường đột này.
Nói đường đột bởi tôi với ông ở hai đầu đất nước, vốn lại chẳng quen biết nên
viết thư cho nhau là sự đường đột vậy.
Nhưng tôi quyết định viết bức thư này trước hết
là để chúc mừng ông, một con người tài trí và đam mê công việc, song không được
trọng dụng giờ đây đã tìm được miếng đất dụng võ cho mình.
Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là mảnh đất ấy
không nằm trong dải đất hình chữ S của Tổ quốc yêu thương như lời ông nói:
“"Nước bạn kêu tôi sang làm khoa học. Họ cấp nhà đất, xe cộ bảo đảm kinh
tế, mình chỉ cần chuyên tâm sáng tạo... Họ làm tất cả vì muốn gia đình tôi sang
hẳn. Nhưng tôi chưa nghĩ đến việc sang đó. Nói thật tôi đi nhiều nước rồi. Mong
muốn lớn nhất là phục vụ dân mình, nước mình".
Đây là lời nói tâm huyết của một người con có tình
yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc mình nhưng phải ra đi bởi đơn giản ở quê
hương, ông không được trọng dụng.
Mà kẻ sỹ xưa nay đều vậy cả. Hay thì ở, dở thì
đi, nơi nào tin dùng thì đến. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, chả ai lại cam tâm dài cổ
đợi dù ông cũng đã “dài cổ” nhiều năm.
Nhưng suy cho cùng, ông không được trọng dụng là
có cái lý của nó, là “phải đạo” thôi ông Hải ạ.
Phải vì ông chỉ là “anh hai lúa”, không bằng cấp
chuyên môn, tức là xin lỗi ông, nói theo ngôn ngữ dân gian là “vô học”.
Mà một nông dân “vô học” lại đòi chế tạo máy bay
thì khác gì “cái gai” trong mắt các nhà khoa học mũ cao, áo dài, các giáo sư
tiến sĩ bằng cao, chức lớn?
Nó càng “cay đắng” hơn, ông làm “ngượng mặt” gần
một vạn “nhà khoa học” với đủ mọi phẩm cấp nhưng hàng năm trời không có nổi một
vài bài báo in trên các tạp chí khoa học lớn của thế giới?
Khi mà biết bao nhiêu những “đề tài khoa học”
cấp Nhà nước với chi phí hàng tỉ đồng ngân sách làm xong chỉ có một việc duy
nhất là… nhét vào ngăn kéo. Không, có lẽ số đó đến thời điểm này không còn là
“ngăn kéo” mà có thể hàng kho.
Càng xót ruột hơn, khi những tờ giấy đang trắng
bị đem “bôi mực” đó lại không thể bán cho đồng nát vì nó “mang danh” là công
trình khoa học!
Ông không được trọng dụng cũng phải thôi vì ví
dụ nếu ông làm ra cái máy đó chỉ mất 100 triệu đồng (giả sử thế) mà các nhà
khoa học kỹ thuật dùng ngân sách nhà nước lại làm ra cỗ máy tương tự hết có… 1
tỉ đồng thì hỏi 900 triệu đồng kia nó đi đâu? Làm thế, khác gì ông làm lộ cái
“bí mật” mang tên “xà xẻo” bởi ở ta, đã từng có không ít những dự án coi nguồn
ngân sách cấp cho nghiên cứu là “chùm khế ngọt” luôn bị “trèo hai mỗi ngày”…
Có thể còn nhiều, rất nhiều lý do nữa nhưng
không thể không kể đến một lý do, việc công nhận ông, tức là xếp ông, một lão
hai lúa “vô học” được “cùng chiếu” với các vị mũ cao áo dài là sự xúc phạm
không thể tha thứ ở ta hiện nay, khi bằng cấp là vật trang trí, thậm chí ngụy
trang để làm điều khuất tất.
Dẫu biết rằng trong lịch sử khoa học kỹ thuật
thế giới, Nhà sáng chế lừng danh Eddison cũng là người… “vô học”. Nhưng đó là
chuyện bên Mỹ, không phải chuyện ở Việt Nam.
Ông Hải Kính mến!
Đọc những tâm sự của ông mà không khỏi mủi lòng:
“Nói thật tôi đi nhiều nước rồi. Mong muốn lớn nhất là phục vụ dân mình, nước
mình”.
Vâng, cái ước mơ giản dị mong muốn lớn nhất là ”phục vụ dân
mình, nước mình” sao mà khó thế và đến bao giờ mới thành sự thật?
Nền khoa học kỹ thuật Việt Nam rồi sẽ ra sao nếu
như những tài năng thực sự không được trọng dụng?
Con người như một cái cây, muốn trở thành “đại
thụ” trước hết cần hạt giống tốt, sau đó được gieo trồng trên mảnh đất tốt và
cuối cùng là bàn tay chăm sóc tốt. Thiếu dù chỉ một trong ba điều đó đã không
thành công. Huống hồ…! Ông Hải nhỉ.
Mấy lời tâm sự đường đột, có gì sơ suất xin
lượng thứ.
Một lần nữa, cầu mong cho ông tiếp tục thành
công trên con đường khoa học kỹ thuật vốn chông gai này. Còn nếu như không được
“phục vụ dân mình, đất nước mình” thì ông cũng có niềm an ủi là cống hiến cho
nhân loại bởi khoa học không có biên giới, phải không ông?
Trân trọng!
Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét