Vì sao Trung Quốc kết thúc chiến dịch chỉnh đốn Đảng?
Nh.Thạch (tổng hợp)/Petrotimes
Nhân viên an ninh tại Đại hội ĐCSTQ ( ngày 8/11/2012). |
Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa thông báo kết thúc chiến dịch phục hồi hình ảnh của Đảng và Chính phủ đối với dân chúng, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nạn tham nhũng. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng chiến dịch là một thành công nhưng tại sao họ dừng lại?
Ngày 8/10, Chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức lễ bế mạc chiến dịch chỉnh đốn Đảng Cộng sản Trung Quốc kéo dài 16 tháng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ ra hài lòng về kết quả đạt được.
Mang tên “Chiến dịch vì đường lối quần chúng”, một thành ngữ được sử dụng từ thời Mao Trạch Đông để nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân, chiến dịch này đã cho phép tiết giảm tới 8,6 tỷ USD trong các chi phí công, xóa bỏ hơn 160.000 lao động ma, chấm dứt việc sử dụng 115.000 xe công vào mục đích cá nhân.
Đảng Cộng sản Trung Quốc có 86 triệu đảng viên. Trong chiến dịch này, hơn 74.000 đảng viên đã bị kỷ luật vì vi phạm các quy định về sinh hoạt.
Tính cho tới nay, chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đã “sờ gáy” ít nhất 51 quan chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ, trong đó có Chu Vĩnh Khang, nguyên Thường vụ Bộ Chính trị và Từ Tài Hậu, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố, việc kết thúc chiến dịch không có nghĩa là chấm dứt phương pháp làm việc tốt và các kết quả đạt được mới chỉ là bước khởi đầu.
Sáng kiến tổng kết phong trào vì đường lối quần chúng của ông Tập Cận Bình diễn ra vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị họp Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương, từ 20 đến 23/10 tới đây, với chủ đề chính là “pháp quyền”.
Tại sao Trung Quốc lại chấm dứt chiến dịch này?
Theo giới phân tích, đó là vì chiến dịch khắc khổ và chống tham nhũng mạnh mẽ cho đến nỗi đã làm cả nước phải hoảng hốt. Một số lượng lớn quan chức đã đưa gia đình ra nước ngoài, hoặc gửi tiền vào các ngân hàng nước ngoài. Tư nhân có vốn liếng ngần ngại khi đầu tư, sợ bị làm khó dễ. Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc tăng trưởng nay lại xuất hiện những yếu tố nhạy cảm như thế là rất nguy hiểm. Do vậy, chính quyền cần phải nhượng bộ đôi chút để tái thúc đẩy hoạt động kinh tế và tiến hành cải cách.
Giới quan sát cho rằng, thời gian tới sẽ không có thêm “các con hổ lớn” khác ở Trung Quốc bị bắn hạ. Theo một chuyên gia thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải: “Ông Tập Cận Bình không thể đi xa hơn, vì sẽ đụng chạm, đe dọa nền móng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét