Translate

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Lại thư ngỏ...


Thiện Tùng
   Đã là Đảng Cộng sản theo học thuyết CS thì tất phải độc tài chuyên chế, là đảng viên Đảng Cộng sản mà không chấp nhận thể chế độc tài chuyên chế của đảng mình, về thực chất, đâu còn là đảng viên Cộng sản.

   Nói không sợ mích lòng, theo nội dung Thư ngõ, 61 vị đứng tên trong đó gởi Ban Chấp Hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN, họ đều phản đối độc tài chuyên chế, vậy là trong người họ không có hoặc không còn chất Cộng sản. Họ từ đâu ra, đây là một trong những vấn đề cần được giải mã.
   Từ khi Thư ngõ nầy được công bố, nhiều ý kiến khen chê theo cảm nghĩ của riêng mình, nói chung những ý kiến ngược xuôi ấy đều có giá trị cho tôi tham khảo, học hỏi. Về phần mình, tôi cũng có một số suy nghĩ về hiện tượng đặc biệt nầy.
 “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận” - Tôi muốn nói: Tôi tham gia kháng chiến năm 1952, trụ lại miền Nam, vào Đảng Lao Động VN năm 1959. Vì không chấp nhận Chuyên chính Vô sản và Chủ nghĩa Xã hội, tôi từ nhiệm năm 1986 và sau đó trả thẻ Đảng với lý do là tôi xin vào Đảng Lao Động VN chớ không xin vào Đảng CSVN. Vậy là ít nhiều tôi có ở trong “chăn” trong thời chiến và thời bình. Thấy gì nói nấy, xem như góp phần giải mã phần nào về sự bất hòa hiện có trong nội bộ Đảng CSVN, sự lộ diện 61 vị ghi danh trong Thư ngõ nầy chỉ là phần nổi.

   Đảng CS với học thuyết Mác-Lê không “ăn khách”. Mới xuất hiện, còn manh nha mà hung dữ đòi “đào tận góc, trốc tận rể” 4 anh Trí, Phú, Địa, Hào. Những cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ Khởi nghĩa… do Đảng CS khởi xướng đều tắm máu, thất bại trong trong trứng nước. Trong cái rủi có cái may, thế chiến thứ 2 do phát xít Đức, Ý, Nhật gây sự, nước Pháp thọ nạn phát xít, ở Châu Á Nhật thọ nạn Đồng Minh, thừa cơ, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ Dân tộc khởi nghĩa giành được chính quyền từ tay Pháp, Nhựt.
   Khi pháp trở lại VN, với tư cách Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng, không còn cách nào khác, Hồ Chí Minh giải thể Đảng CS, thực hiện dân chủ, đa nguyên về chính tri, tiến hành cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ suốt thời gian dài từ 1946-1975. Nhờ dân chủ, đa nguyên về chính trị, các tổ chức đảng, phái, tôn giáo lần lượt ra đời: Đảng CS “tái xuất giang hồ” với tên gọi mới Đảng Lao Động VN, Đảng Dân Chủ (của Tư sản dân tộc), Đảng Xã Hội (của Trí thức cấp tiến), Đảng Nhân Dân Cách mạng miền Nam (1); ở Nam Bộ có 3 lực lượng vũ trang của 3 giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Tất cả những tổ chức vừa kể cùng nhân dân chung sức chung lòng làm cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ bằng 2 bước: bước Dân tộc là loại ngoại xâm, bước Dân chủ là thực hiện quyền về mọi mặt đối với nhân dân.
    Sau 1975, khi nước nhà thống nhất, dựa vào thế thượng phong của Đảng mình, những người lãnh đạo Đảng Lao Động VN đưa ra kế sách “thuyết phục” các đảng chiến hữu “tự nguyện” giải thể - được xem như cái chết tự chọn; kết tập các đảng viên của các đảng bị giải tán lại trong ngôi nhà mới xây có tên là Đảng CSVN, nhận lớp bước Dân chủ, tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH.
   
   Từ sự hợp nhất đó, Đảng CSVN nghiễm nhiên thành tạp chủng do đã dung nạp những khuynh hướng chính trị khác nhau từ nhiều đảng. Trong nội bộ Đảng CSVN xuất hiện ngày càng rõ 2 khuynh hướng: Một bộ phận tuy không đông, nhưng đa phần nằm trong giới lãnh đạo, theo khuynh hướng gọi là “Giai cấp”, nặng về ý thức hệ Cộng sản theo học thuyết Mác – Lê - Mao; một bộ phận khác khá đông, nhưng “thấp cổ bé miệng”, theo khuynh hướng Dân tộc, đa nguyên. Để phân biệt, người đời thường gọi là phái độc tài bảo thủ  phái dân chủ đa nguyên.
     Có người cho rằng dân chủ, đa nguyên, đa đảng chẳng qua là sách lược để tập hợp lực lượng chống ngoại xâm. Nói thế nếu có thể đúng chỉ đối với Đảng Lao Động trước đây và Đảng CSVN sau này, chớ các đảng khác và nhân dân xem dân chủ, đa nguyên, đa đảng là chiếnlược,  mục đích. Họ đã từng vì nó mà đánh đổi bao mồ hôi, nước mắt và cả máu.

   Dựa vào danh sách trích ngang của 61 vị đảng viên ghi danh trong Thư ngỏ, tính từ trên xuống, cho thấy thành phần trong Đảng CSVN đa dạng như hợp chúng quốc Hoa Kỳ:
- 16 vị (từ 1 đến 16) vào đảng từ 1939 đến 1950 là đảng viên Đảng CS Đông Dương.
- 9 vị (từ 17 đến 25) vào Đảng từ 1951 đến 1963 là đảng viên Đảng Lao Động VN, cũng có thể có đảng viên Đảng Dân chủ hoặc Đảng Xã hội trong đó.
- 26 vị (từ 26 đến 51) vào Đảng từ 1965 đến 1975, nếu vào Đảng ở miền Bắc là đảng viên Đảng Lao Động VN, nếu vào Đảng ở miền Nam là đảng viên Đảng Nhân Dân Cách mạng miền Nam.
 - 10 vị (từ 52 đến 61) vào Đảng từ 1976 đến 1996 là đảng viên Đảng CS VN đương quyền.
    Điều thú vị, được biết trong danh sách Thư ngỏ nầy có 2 cha con, người cha đứng đầu danh sách là tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có tuổi Đảng cao nhất, người con của Ông cuối danh sách là trung tá Nguyễn Nguyên Bình, có tuổi Đảng thấp nhất – Cha con đều tướng tá, cùng đồng chí hướng – hơn cả tuyệt vời.
Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên”, không cùng ý thức hệ, khác chủng mà buộc “kết hôn” với nhau thì trách sao khỏi cảnh “lộn nài bẻ óng”. Muốn ổn định chỉ còn cách “xả giàn” cho chúng về “nguyên quán”.
    Có ý kiến cho rằng, những đảng viên đòi dân chủ, đa nguyên chính trị… là phản bội Đảng CSVN. Trả lời sao trôi nếu họ nói lại: Tôi là đảng viên của Đảng khác, bị tổ chức úp bộ chớ có Cộng sản đâu?! Nếu nói chúng tôi phản bội “giai cấp”là giai cấp nào? Chúng tôi chỉ thấy rằng Đảng CSVN phản bội sự nghiệp Cách mạng Dân tộc Dân chủ mà cả dân tộc phải đổi lấy nó bằng mồ hôi, nước mắt và máu trong những cuộc kháng chiến. Phản bội kẻ phản bội thường là những người tốt, can đảm mới dám làm việc ấy.
    Lại cũng có người cho rằng, nội dung Thư ngỏ của 61 vị này không có gì mới, năm này qua năm khác, hết thỉnh nguyện thư, kiến nghị, thư ngỏ… rồi cũng chẳng đâu vào đâu! Tôi thì nghĩ rằng Thư ngỏ này có những mới, lạ:

- Nó ra đời trước nguy cơ mất nước, dân tộc bị đồng hóa, kinh tế, xã hội rối loạn…
- Họ toàn là đảng viên có tên tuổi, Thư ngỏ không phải gởi cho cá nhân hay Bộ Chính trị mà gởi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng gởi cho toàn thể đảng viên trước thềm đại hội Đảng các cấp… Vô hình trung nó vừa là lời kêu gọi lãnh đạo Đảng sớm hồi tâm, vừa như là bản hiệu triệu đánh thức số đảng viên đang ôm sổ hưu say ngủ và số đảng viên đang lạc lõng trong “mê hồn trận”.
- Có lẽ lần này các ông không “quăng chài buông chốp” đâu. Thư ngỏ cũng là lời cảnh báo đối với toàn Đảng. Nếu không được lãnh đạo Đảng đáp ứng ở chừng mức mà đôi bên có thể chấp nhận, theo tôi, có khi 61 vị này không dừng lại “ly thân” như lâu nay mà công khai “ly hôn” với Đảng CSVN không chừng. Rồi họ làm gì nữa, thú thật tôi không biết và không dám đoán mò.
   Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, ước gì Đảng CSVN từ bỏ lợi ích riêng tư, trở về với cộng đồng dân tộc như hồi kháng chiến thì tốt biết mấy.
    Nếu Đảng CSVN tiếp tục vì lợi ích riêng tư, cho rằng mình có quyền giữ thể chế độc tài toàn trị, biết đâu những đảng viên có khuynh hướng dân chủ họ cũng có quyền tách ra lập đảng này, phái nọ như hồi kháng chiến để lo cho dân, cho nước thì sao? – chẳng lẽ Đảng CSVN xua quân ra đập đầu những người hết lòng vì nước vì dân này sao?!
    Phải công nhận rằng, 61 đảng viên ghi danh trong Thư ngỏ là những người yêu nước thương dân, họ đang tiên phong trong đấu tranh để cải cách về mọi mặt, nếu không ủng hộ thì thôi, không ai có quyền làm nhục chí họ.
05/08/2014
1) Đảng Nhân Dân Cách mạng miền Nam chính thức ra đời 1964, năm 1975 có hơn 500.000 đảng viên. Họ ít biết về chủ thuyết Cộng sản. Hiện nay phần lớn họ cũng đã về hưu.

Tác giả gửi BVN
   


Không có nhận xét nào: