Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

' Ngoại cảm... kinh tế'

ICon người, từ thời cổ đại đến thời hiện đại, dù khoa học phát triển tột bậc, vẫn có một khoảnh riêng của thế giới tinh thần, tâm linh họ phải "vịn" vào, tựa nương vào, trước những bí ẩn đời sống mà họ không làm chủ được: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/147523/-cau-thuy--va--ngoai-cam----kinh-te-.html

II- Cũng từ thời cổ đại đến thời hiện đại, luôn xuất hiện những luận thuyết về kinh tế của các nhân vật kinh điển cho nhân loại, mỗi dân tộc, quốc gia chọn lựa, làm định hướng phát triển của dân tộc, quốc gia mình. Có thể kể đến Adam Smith (Scotland) cha đẻ của kinh tế học hiện đại; Karl Max (Đức); Thomas Robert Malthus (Anh); Leon Walras (Pháp)....
Tuy nhiên, việc ứng dụng từ luận thuyết, học thuyết đến thực tiễn mỗi dân tộc, mỗi quốc gia là cả một hành trình trường kỳ. Ở đó có cả mồ hôi, máu, và nước mắt để mỗi dân tộc tự khẳng định trí tuệ, bản lĩnh và tài năng dân tộc mình. Ở đó, kinh tế- xã hội phải luôn vận động, điều chỉnh và không có luận thuyết nào có thể coi là "duy nhất đúng".
Bởi những nhân vật, những nhà kinh tế, nhà tư tưởng, triết học, dù kiệt xuất trong sáng tạo, học thuyết của họ vẫn thuộc thì quá khứ, còn những người ứng dụng, vận dụng thuộc thì tương lai. Khác nhau cả một hoặc nhiều thời đại lịch sử với vô vàn biến thiên, thăng trầm mỗi quốc gia, khác nhau cả tầm nhìn, nhận thức, nền tảng văn hóa lãnh đạo.
Giữa bối cảnh đó, kinh tế VN, sau sự tan rã của Liên bang Xô viết (cũ), cuộc Đổi mới lịch sử- 1986, từ cơ chế quản lý kinh tế bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường (định hướng XHCN), vừa là một sự rẽ ngoặt mới mẻ hoàn toàn về tư duy, phương cách tổ chức hoạt động, vừa là một thử thách về tư duy kinh tế, bởi chưa có một luận thuyết lẫn mô hình kinh tế nào là tiền lệ.
Trong khi bản thân người Việt vốn yếu về lý luận. Có nhà lý luận, nhà tư duy kinh tế Việt nào dám bảo đảm, những luận điểm về kinh tế thị trường VN có định hướng XHCN của mình hoàn toàn chuẩn không cần chỉnh, và không có chút... ngoại cảm (tiên đoán chủ quan, thậm chí duy ý chí) kinh tế? Mà vì thế, vô tình, họ cũng là những nhà "ngoại cảm kinh tế"?
Thực tiễn là thước đo chân lý. Và thực tiễn nhiều khi là thước đo lý luận rất khắc nghiệt. Nó cho thấy các quan điểm khác nhau xung quanh vị thế của doanh nghiệp Nhà nước- con đẻ, và con trưởng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nổi lên gần đây, khi ở trong nghị trường, lúc trên mạng truyền thông, là sự mổ xẻ, sự "phẫu thuật" không thể tránh khỏi, trước những khuyết tật ngày càng nặng, không tương xứng vai trò.
Bởi bản chất cơ chế quản lý các DNNN là cơ chế xin- cho, dù mang tiếng là một thành phần trong nền kinh tế thị trường có cạnh tranh. Nhưng đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sòng phẳng, với sự ưu tiên, ưu đãi rót vốn đầu tư, mà cơ chế xin- cho, ban phát, là nguyên nhân căn cốt nhất của tệ nạn tham nhũng, "nhóm lợi ích".
Người ta thống kê, có tới 10 vụ "trọng án" tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp, hầu hết đều thuộc các DNNN: Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines. Vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Công ty cho thuê tài chính II (Ngân hàng NN-PTNT). Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty dệt kim Phương Đông và chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT (TP HCM), Vụ tham ô tài sản ở Tập đoàn Vinashin, v. v. và v.v...
Trong khi, sự đóng góp sản phẩm của các DNNN với xã hội rất khiêm tốn, thậm chí còn "khước từ gánh nặng xã hội", tuy khối lượng tài sản và nguồn lực ưu tiên hoành tráng.
Năm 2005 -2009, nếu như DNNN đóng góp 19,6% cho ngân sách, cao gần gấp rưỡi so với khu vực tư nhân, thì năm 2006-2009 tỷ lệ này giảm còn 17%, chỉ bằng 4/5 so với khu vực kinh tế tư nhân. Còn tỷ trọng lao động của khu vực DNNN giảm rất nhanh, từ 44% (giai đoạn 2001 - 2005) xuống chỉ hơn 22%.
Tương ứng, tỷ lệ tạo ra việc làm mới cũng giảm, từ -4% xuống -22%, tức là DNNN không những không tạo ra việc làm mới mà còn cắt giảm lao động. Tiến sĩ Võ Trí Hảo, trong bài viết của mình trên Tuần Việt Nam, ngày 29/10, đã chỉ ra, hoạt động kém hiệu quả của khu vực DNNN đã góp phần làm giảm tốc độ giàu lên của người dân Việt .
Còn Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về "Môi trường kinh doanh 2014, cho thấy VN tiếp tục xếp thứ 99/189 nền kinh tế trong năm 2013, tương đương thứ hạng năm 2012. Và dù đã thực hiện được 21 cải cách kể từ năm 2005, nhiều nhất trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh của VN vẫn không có nhiều cải thiện (Người lao động, ngày 29/10).
Người ta chưa quên, sự hồ hởi của người Việt, vào cái ngày nước Việt gia nhập  WTO (11/1/2007), thì giờ đây, sau 06 năm là thành viên, người Việt- vốn lạc quan nhất nhì thế giới, đã không còn vẻ hồ hởi đó nữa. Từ "Ngôi sao Việt Nam!" đã chuyển thành "Vì sao, Việt Nam? (Tuần Việt Nam, ngày 31/10),
Vẫn là "sao", nhưng một bên là đang hứa hẹn sự thăng hoa, một bên thành tụt hậu. Một bên là khẳng định, một bên là câu hỏi.
'cậu Thủy', ngoại cảm, Phan Thị Bích Hằng, kinh tế Việt, Vinashin, Doanh nghiệp nhà nước
Người ta thống kê, có tới 10 vụ "trọng án" tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp, hầu hết đều thuộc các DNNN
Cũng theo bài báo, trên thực tế các DN đang "lãn công". Cả 04 động cơ của cỗ máy tăng trưởng kinh tế đang trục trặc: 1) DNNN phổ biến tình trạng tham ô lãng phí. 2) DN 100% vốn nước ngoài-  (FDI) thì chuyển giá. 3) DN tư nhân thiếu cơ hội và động lực.4) Nông nghiệp bấp bênh, bất an.
Sự thay đổi, tái cấu trúc kinh tế, cải tổ các DNNN là tất yếu. Có điều, đây chính là lúc "va chạm", cọ sát quyết liệt giữa hai luồng tư duy: Thức thời, thực tiễn, hay ngược lại, bảo thủ và ngụy biện? Giữa cái dấn thân vào dòng chảy chung của thời đại, hay chỉ dám quẩn quanh trongchiếu chèo nhỏ hẹp nơi sân đình? Cái gốc đều xuất phát từ nhận thức có kịp với tư tưởng thời cuộc hay không?
Doanh nghiệp NN chủ đạo hay không chủ đạo? Nếu kinh tế NN không chủ đạo thì ai lo công tác bảo đảm an sinh xã hội, là chủ đề gây ra những tranh luận đa chiều, đòi hỏi những chuyên gia, những nhà quản trị, quản lý đất nước cần nhìn thẳng vào sự thật, vào vị thế, chức năng, bổn phận của anh con trưởng DNNN, vừa có thế vừa có quyền, nhưng vừa lắm tật. Nhìn thẳng vào thiết chế chính trị xã hội đang rất cần điều chỉnh.
Không phải không có lý khi Ts Võ Trí Hảo thẳng thắn: Trước sự bê bối của các DNNN, cũng như trước áp lực phải tuân theo luật chơi chung của các điều ước quốc tế mà VN là thành viên, nhiều ý kiến cho rằng, Hiến pháp không nên quy định vai trò chủ đạo cho bất kỳ thành phần kinh tế nào. Thay vào đó, hãy để sức mạnh tự nhiên của mỗi thành phần kinh tế xác lập vị trí của mình trong thịtrường. Đó thực chất là môi trường cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng, giữa các tài năng kinh bang tế thế.
Không phải không có lý, khi ông lật ngược lại một câu hỏi khó bác bỏ: Vậy ở những quốc gia có an sinh, phúc lợi xã hội tốt nhất trên thế giới, họ có cần đến "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo"?, với mấy lý do làm sáng tỏ trách nhiệm quản lý.
Khi mà an sinh xã hội xưa nay là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải của kinh tế nhà nước.
Và điều này mới là thực tế, hơn 70% dân cư VN là nông dân sống ở nông thôn được hưởng gì từ kinh tế Nhà nước ? Khi tuổi già, sức yếu, ốm đau bệnh tật họ nương tựa vào con cái, họ hàng thân thích hay trông chờ vào các loại quỹ?
Câu trả lời vẫn còn ở phía trước, trong những ngày tháng căng thẳng, hồi hộp sắp tới, khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngã ngũ. Đó cũng là thời khắc vận mệnh dân tộc Việt được quyết định, với tất cả những thách thức và cơ hội lớn của nó. Phát triển hay tiếp tục tụt hậu?
Hóa ra, câu chuyện "ngoại cảm' của một cá nhân, ở góc độ nào đó, lại có sự liên tưởng mong manh số phận một dân tộc.
Những nhà "ngoại cảm" đích thực, hay nhân danh ngoại cảm, có thể không làm chủ được các tình huống thực tiễn, bị hoài nghi, phủ nhận và phải trả giá.Nhưng "ngoại cảm... kinh tế"- với tất cả sự duy ý chí, xơ cứng tư duy, bảo thủ về ý thức hệ, và già nua về nhận thức, chỉ khiến cho dân tộc trả giá đắt, trong sự phát triển và hội nhập kinh tế thị trường, thời hiện đại.

Không có nhận xét nào: