Translate

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Đi tìm Liệt Sỹ

Chuyến đi thứ 2 :   KB ?

Tình cờ đọc bài : Tìm mộ Liệt sĩ qua thư như thế nào ? Của Ông Đoàn Văn Líu trên báo Thanh  niên nhân ngày TBLS 27.7.2002 có ghi….

      Ví dụ : “ D8 – KN thì tôi hiểu là Tiểu đoàn 8 – Quân khu 5  tại thành phố Đà Nẵng; Hay D3 – KB, thì tôi hiểu đấy là Tiểu đoàn 3. Quân khu 7. Phòng chính sách QK 7 tại Quận Phú Nhuận, TP HCM ”

     Mừng hơn bắt được vàng , cứ theo như  gợi ý trong thư của Ông Líu (đã có kiểm chứng ) thì mật danh “ D6 – KB ” ghi trong giấy báo tử Ls em tôi có thể là Tiểu đoàn 6 - QK 7 .
     Đi Tp – HCM thì thuận tiện hơn rất nhiều so với hồi tháng 7.2000
Cảm ơn ông Đoàn văn Líu – Năm ấy đã ngoài 70 tuổi, giúp cho gần 700 gia đình tìm được mộ người thân bằng cách lặng lẽ ghi lại các thông tin về mộ trên báo đài rồi gửi thư đến các gia đình. Thời điểm đó, Ông đã viết tới hơn 56 000 bức thư như thế với một tấm lòng vô tư tuyệt đối. Năm nay, nếu còn sống, ( trong thâm tâm tôi thầm mong như vậy )  ông đã sấp sĩ tuổi  80. Cầu xin các Anh hùng - Liệt sĩ  hãy phù hộ  cho ông mắt sáng tinh anh, đầu óc minh mẫn, tay bút không run…Để ngàn vạn gia đình liệt sĩ trên mảnh đất này vẫn nhận được những lá thư chỉ dẫn của ông, giúp cuộc vạn lý tìm mộ Ls chúng tôi bớt gian truân, nhọc nhằn, vất vả. Ngày gặp thêm gần lại .

    Một cuộc sống đáng sống. Một tấm lòng đáng kính phục. Xin hãy nhận từ tôi, từ gia đình tôi. Không từ chúng tôi lời Tri ân vì những gì Ông đã góp nhặt cho đời.  

    Khẩn trương thu xếp. Một ngày tháng 5. 2002 tôi vào Tp – HCM. Đến BCH – QK 7
    Sau khi kiểm tra mọi giấy tờ. Vệ binh nói tôi chờ ở phòng đón tiếp - Vọng gác.    Khoảng 20 phút sau vệ binh đưa tôi ống nghe nói chuyện với người của Phòng chính sách QK. Giọng nữ ở đầu dây bên kia hỏi : 
    - Anh cần tìm trường hợp Ls nào ? Ai chỉ anh tìm đến đây ?
  Tôi trả lời : -  Tôi biết mật danh KB là QK 7  qua một bài trên báo Thanh niên mới đây . Em tôi là Ls Nguyễn hoài Châu, hy sinh 22.7.1972; Đơn vị khi hy sinh trên giấy báo tử ghi D6 – KB nên tôi tìm đến đây. 
    - Ai nói với anh như vậy? Có phải Ông….không ? D6 – KB thuộc sư 1. Chủ lực Bộ, hoạt động ở miền Tây những năm đánh Mỹ, chứ không phải QK 7. Năm 79  sư 1 hành quân ra  Bắc, do có nhiều liệt sĩ mai táng ở trong này nên bàn giao hồ sơ lại cho QK 7. Theo giấy tờ lưu. Ls em anh hy sinh ở Kiên Lương – Kiên Giang; Trong này ghi : Bị bom vào căn cứ không lấy được thi hài…

  Tai tôi ù đi không còn nghe rõ. Một luồng điện lạnh toát chạy dọc theo sống lưng. Phải tựa vào bàn cho khỏi khụy xuống, trước mắt  như hiện lên hàng chữ xiên xiên viết bắng bút Bic ngày ấy, trang hồ sơ nhuốm bụi chiến tranh, ố vàng thời gian…
    Ba mươi năm vất vả tìm kiếm. Hôm nay gia đình đã có được thông tin dù muộn màng nhưng vô vàn quý giá, đáng tin cậy về : Đơn vị; Trường hợp; Và giờ nơi em hy sinh… Gần đúng như những gì mà gia đình thu lượm được bấy lâu nhưng còn bán tín,bán nghi.

    Trở lại với đồng đội  ? Một cuộc làm việc ? Nửa giờ giao dịch ?….Là cái gì đó tôi không định nghĩa được  ! 
   Không giáp mặt; Không bắt tay; Không hớp nước…
   Từng là người lính - Ngày ấy chúng tôi, với nhau đâu có tệ như vậy ! Thậm chí  dám xả thân che đạn để đồng đội sống!
   Ngày ấy – Bây giờ. Tình đồng đội ? Cách đối xử với gia đình đồng đội - Với gia đình Ls  ?  Là vậy sao?
   Câu hỏi ấy cứ xoáy mãi trong tôi. Chặng đường về như dài thêm !

Lần 3 : Đi Hà Tiên 
     
Tháng 4 (2007) Má tôi nhận được một lá thư gửi từ Tp HCM, nội dung :

    Kgửi Bà Hường . Đầu thư tôi xin chúc sức khỏe gi/ đình. Sau nữa chia buồn cùng gi/đình cho đến nay vẫn mong chờ tin của A Châu. 

    Qua thông tin ở mục Tìm đồng đội ở VTV2 phát tối thứ 5 ngày 12/4/07 . Tôi xin hỏi thêm g/đình một vài thông tin sau đây nếu đúng thì liên lạc với tôi còn nếu khôg đúng mong g/đình thông cảm và cũng khôg cần phải liên lạc lại.
     Anh Châu…..Nhà ở trước đây nếu tôi không nhớ lầm theo lý lịch trích ngang là số 35 Điện biên Phủ - Hải Phòng, vài chi tiết  như vậy g/đình xem có đúng không ?
      Còn tôi tên : Nguyễn Đức Tâm, quê Mộ Đức, nhập ngũ cùng ngày, ở Trung đội 4 cùng đại đội ngoài Bắc và cùng đại đội chiến đấu trong này C10. K6. E46 Công trường 1,
còn theo phiên hiệu mà giấy báo tử D6 – KB thì chúng tôi hòa toàn không biết.
      Vài dòng ngắn ngủi gửi tới g/đình nếu đúng thì hãy liên lạc với tôi theo địa chỉ.
                                        Nguyễn văn Tâm
               185/1 Đường 3/2.  F11. Q10 . Tp HCM      DĐ : 0913 617 380


      TB : Chào g/đình, mong g/đình dồi dào sức khỏe để vượt qua nỗi đau mất mát.( Từ trước đến giờ có bao giờ nhà đi xuống Hà tiên chưa ?

Các thông tin trong thư, trừ số nhà a Tâm nhớ lộn số 32 thành 35 - Điện Biên Phủ, còn hầu như đều đúng cả. Năm 2002 sau chuyến đi QK7 về, g/đình tôi có gửi đăng tin trên mục : Nhắn tìm đồng đội –  VTV. Có lúc theo dõi được, có lúc không, nên Má  tôi cứ cằn nhằn  : 
     -   Mãi sao hổng nghe thấy nhắn nhe gì hết ? ?

Vậy là trách oan cho Nhà đài rồi. Liên lạc với a Tâm qua lại; Một tháng 7 nữa ; Ngày 27 sắp tới ; Trời nam đang mùa dông bão… nhưng nóng như trong lòng có lửa đốt,  khớp kế hoạch cả hai phía. Chúng tôi thống nhất tháng 7/ 2007 này sẽ đi Hà Tiên; Tâm từ đó đến giờ, cũng chưa có dịp nào về nơi một thời máu lửa ấy. 

    Quen với những chuyến đi, không nhiều nhặn gì, vẫn những thứ giấy tờ, vật dụng cần thiết …đã được tôi sắp xếp chu đáo, nhanh chóng.

    Như đã  hẹn trước,  xuống ga Sài Gòn  tôi điện choTâm ra đón . Cũng dễ thôi, thời buổi thông tin hiện đại, hai người đàn  ông lạ ngơ ngác tìm nhau. Chào hỏi, bắt tay…Tâm chở tôi về nhà. 
     Tâm gầy và cao; Trước là CNV nhà nước, hiện nghỉ giờ chạy xe thồ, có mối ruột đưa đón mấy đứa nhỏ đi học, tháng này hè nên rãnh…Vợ, con theo phía ngoại định cư ở nước ngoài. Không gì cả… trọn vẹn cả nghĩa đen, nghiã bóng. Sống trong khu tập thể nhà   nước xưa : Một cầu thang xoắn chóng mặt lên từng năm; một sàn chờ rẽ vô từng căn hộ ; dàn máy bơm và… một trời ống dẫn  nước rối mắt.
      
   Trưa đó, sẵn có mực khô mang từ Nha Trang vô, hai anh em lai rai. Tâm kể : 
    
     Tối đó tình cờ bật Tivi đúng lúc VTV2 phát mục nhắn tìm đồng đội, loáng thoáng nghe Châu. Nguyễn hoài Châu mới giật mình để ý chứ nếu Châu nào là cho qua rồi. Vì tên, chữ đệm ấy hơi đặc biệt. Hình nữa, không trật vào đâu dù. ..đã ba mươi năm qua lẻ. Châu cùng đại đội ngoài Bắc, cả tiểu đoàn có vài đứa quê trong này, cùng Quãng Ngãi   nữa. Tuy không thân nhưng biết nhau, rồi vượt bưng xuống Hà Tiên, cùng đại đội. Châu -Tịnh Sơn - Quảng Ngãi  nhưng sao lại nhắn cho mẹ ở Nha Trang nhỉ ? Hôm sau tôi phải nối máy chờ VTV 2 phát lại, thu cho chắc. Rồi thư cho má anh.
     Châu bị bom vùi khi thằng AD6 bổ nhào cắt loạt bom thứ  hai, lúc đó cũng gần trưa, dứt bom anh em lao tới bới, đất vẫn còn bốc khói. Châu nguyên vẹn,  nằm như đang ngủ, máu tươi rỉ ra nơi khóe miệng. Hai đồng đội cùng hầm không toàn vẹn. Đây là trận đầu tiên Châu tham dự. Lúc đó tôi làm liên lạc ở hầm đại đội, Châu ở hầm cối. Vào chiến trường mới có năm tháng, tăng võng còn đầy đủ nên việc khâm liệm, chôn cất… chu đáo. Trực tiếp Hòa - tiếu đội phó hồi còn ngoài Bắc và anh Giới khẩu đội trưởng chôn  mấy đứa.
  
      Nghe Tâm kể mà ứa nước mắt. Châu hồi nhỏ sức khỏe yếu, nghe nói lúc khám tuyển chỉ đạt B2, cán bộ tuyển quân động viên, g/đình phân vân nhưng Châu nói với gia đình :
     - Để con đi Má ạ !
 Thế là em lên đường - Và đi mãi



    Có một sự trùng hợp. Trận đầu nổ súng năm 70 khi vào chiến trường  Nghĩa Hành - Quảng Ngãi tôi cũng bị bom vùi suýt chết. Tôi ở cối. Đại đội cối 82 Trung đoàn 21. QK5. Tôi lúc đó là số đạn, vào trận thường nằm tuyến bộ binh bảo vệ hầm pháo phía sau. Hôm đó chúng tôi đánh càn. Sáng sớm súng đã nổ ran khắp tuyến bộ binh. Bên cao xạ 12,8 bắn rớt một trực thăng trinh sát, thường gọi với là “  Tàu rọ ” vì toàn khung kim lọai, kính meca trông xa như cái rọ bắt heo, Thằng giặc lái Mỹ trèo lên cánh quạt ném trái khói kêu đồng bọ xuống cứu. 
     Sau một hồi quần thảo, thằng “ gọng bừa ” OV 10 điểm trái khói ngay gần hầm tôi đào. Trúng rồi! Dù là trận đầu nhưng với những bài học từ cựu binh, tôi lặng lẽ mở b bòng vải cất bớt băng đạn, xé giẻ nút nòng khẩu AK. Gài chặt quai mũ cối, khuy tay áo…. chuẩn bị. Cũng là AD 6 bổ nhào, tiếng bom xé gió như khoan vào đầu. 
     Ầm ! Tối sầm mặt mũi. Mở mắt ra thì hầm đã sập, đất đá ngổn ngang, khói bom đắng nghét, đất vùi nén tức nghẹn đến cổ. Cố hết sức mà  không tài nào đứng lên được. Mũ cối gài chặt vậy mà văng đâu mất. Gắng ngọ ngậy hai bàn tay còn tự do đẩy gạt bớt đất ở trước mặt cho dễ thở, có lẽ khả năng sinh tồn nên lúc mũ bị giật bay tôi đã kịp hai tay ôm lấy đầu. Tự động viên, ráng lên không loạt nữa  chắc nó chôn ngồi mình luôn. Máy bay bổ nhào đợt 2. 
  -  Ầm ! Tôi không còn biết gì nữa. Sau nghe anh em kể lại :
Dứt loạt bom thứ 2; Khẩu đội cử Tào Mạc, người Thanh Hóa - pháo thủ số 1 chạy ra coi thử. Bụi tre chỗ tôi đào hầm đêm qua bật gốc, đất đá tơi tả không còn nhận ra địa hình. Mạc chạy vào báo :

      - Thằng Sơn dính rồi ! Mấy số pháo nói với nhau : Mất một thằng tích cực. Hồi đó tuy là tân binh mới nhưng tôi đã là đảng viên dự bị, kết nạp trên đường vào chiến trường.
        Anh Du, trung đội phó cho anh em ra làm tử sĩ : Trưa nắng nó sình.
       Thấy tôi còn  ngoi lên được cái đầu, thoi thóp, anh em súm khiêng vô địa đạo. Y tá Hải tiêm cho mũi trợ lực; Tôi tỉnh.  Nền điạ đạo mát lạnh tôi thiếp đi. Tỉnh dậy đã chiều tối; Anh nuôi mang cơm ra. Tôi uống hết ca sữa do Y tá pha, làm hết vắt cơm nóng hổi. Vừa ăn vừa nghĩ : 
      - Hốt quá, định kiếm cớ lánh vài trận. Giờ sơi hết vắt cơm, ca sữa nữa. Mai không đi có mà đeo mo vào mặt.
       Đêm di chuyển trận địa, lại đào hầm, đánh tiếp. Dạn dần


      Chiều ra cơm quán, Tâm lâu nay sống một mình, thế cho tiện. Nấu nướng lích kích. Thăm dò giờ tàu xe, đêm  23h có chuyến Sài Gòn - Kiên Giang. Duyệt 
      Lại mưa, xe vắng người nên mỗi anh em một băng lăn lóc ngủ. Gần 6 giờ đã tới Kiên Giang. Kiếm quán ăn sáng. Chúng tôi dò hỏi đường đến Sở TBXH và BCH  quân sự Kiên Giang. Cũng gần đây, hai anh em thả bộ, vừa ngắm phố phường. Gần đến giờ làm việc, đường phố tấp nập. Tôi có cảm giác Kiên Giang nhỏ hơn Cần Thơ .
      Tại hai cơ quan này. Tra cứu hồ sơ, hầu như không có vết tích gì về sự có mặt của D10. E 46 hoạt động những năm đánh Mỹ,  Toàn lớp cán bộ trẻ sau này. Tâm nói chuyện với họ, biết gặp thứ thiệt đã từng lăn lộn một thời ở vùng này với những điạ danh, mật danh máu lửa mà họ được đọc đâu đó trong hồ sơ lưu. Nhiệt tình, chu đáo..Các anh chị hướng dẫn khi chúng tôi bày tỏ muốn đi Hà Tiên.
       Quay về bến chúng tôi mua vé đi Hà Tiên. Tuyến này cứ nữa giờ xe lại xuất bến,  toàn xe 14 – 16 chỗ đời mới. Đã thiệt.
      Lộ tráng nhựa, cũng ít xe chạy. Trời vần vũ lúc nắng , khi mưa. Dọc theo lộ là vuông tôm rộng. Nghe Tâm nói xưa toàn chàm đước mênh mông. Vùng ruộng sình phèn mà đâu đó nhô lên vài khối núi đá to. Xi măng Hà Tiên, dăm năm nữa trái núi này chắc không còn. Dưới kia là Hòn đất - Kiên Luơng, Có mộ chị ba Sứ. Hồi đi học tôi nghĩ chỉ là một hư cấu văn học của Anh Đức. Giá mà có điều kiện ghé qua thắp một nén nhang, nghiêng mình trước các anh chị, những người con xứ Hòn.
    Tâm nhắc lái xe cho xuống địa danh Núi Cọp ven đường. Đây thuộc ấp Xoa Ẩo, xã Thuận Yên, Hà Tiên. Những năm ắc liệt. Bộ đội mình thường chặn đánh ở khúc này, một địa thế độc đạo, bên núi đá lởm chởm, bên biển. Chỉ một đường độc đạo xuống Hà Tiên. Hỏi thăm dân địa phương đường vào miếu ông Bổn, chúng tôi lội bộ vì trên đường không thấy có phương tiện gì qua lại, trời lại mưa Tâm nhớ lại : 
    -Từ lộ vô đó khoảng một đoạn, hồi đó nổ mìn xong tụi tui chạy nhoáng một cái là về đến chỗ trú. Tụi nó đóng trên núi, mình ở triền rừng dọc đây, dưới kia là đồng chàm nước ngập. Cả rẻo đây chỉ một hai hố nước ngọt ăn uống được,  còn toàn ruộng phèn sình. Tụi nó biết vậy mà đâu dám xuống. Đường mòn lắt léo vừa bước chân, dây leo gai góc nhằng nhịt, nhất là mìn bố phòng dày đặc, cả ta và địch cùng gài, lớp nọ chồng lên lớp kia. Loạng quoạng là banh xác liền. Lâu lâu tụi nó càn có cả xe lội nước, phi pháo yểm  trợ nhưng đâu có làm mẹ gì được...
.
    Hồi đó chạy nhoáng một cái, giờ hai anh em lội hơn tiếng đồng hồ, mồ hôi ư ướt đẩm. Thế mới thấy sức trai ngày ấy, tuổi già hôm nay. Dân ở thưa thớt, đỗi mới có một hai nóc nhà xen trong rẫy mỳ. Đường đất đỏ ôtô chạy được, đã thấy kéo điện và ống nước chạy dọc theo lộ. Không thấy hàng quán gì
      Đồi 105 đây, xưa tụi nó ở trển, tụi tui dưới này. Cứ điểm Chùa bốn mặt nằm   chếch hướng Tây, nó ở đầy trên đó, kích cối ra  khu vực xung quanh. Đây là miếu ông Bổn. Một căn nhà cấp bốn chừng 4m vuông hơn là miếu. Cửa mở vì đâu có thấy cánh. Một bệ cimen rộng, những gì bày trên đó có thể cho biết cuộc sống dân đây vất vả thế nào; Vài cái ly chén sứt, cáu bẩn. Đèn không bóng, nền sạt, vài vết nứt  ngoằn nghèo trên tường…chắc lâu chưa được quét dọn thắp nhang, mạng nhện giăng ngang. Cảm thấy chưa tin lắm ,Tâm hỏi nhà dân trước miếu. Nhà ông Ba Lèn .Đúng miếu ông Bổn, leo lên sườn sau miếu bắt gặp : một miếng tôn cũ úp lên mấy tảng đá núi.., Những gì còn lại của miếu Ông xưa
.
      Tâm thắp nhang. Tôi lấy chai nước lọc mang theo, không kiếm được cái ly nào sạch sẽ đành lấy nắp bình vậy. Lính mà, hết đời vẫn còn gian khổ. Bày ảnh của Châu, của tiểu đội Châu ngày còn huấn luyện trên Yên Tử - Quảng ninh.Mười hai anh em, ba mươi lăm năm qua. Ai còn ai mất ??...Đã có ai ngoài Hải Phòng lặn lội vô đây với các em chưa ??. Ôi ! những đứa em thương yêu không bao giờ gặp lại. Những đứa con máu mủ mẹ dứt ruột mang nặng đẻ đau. Châu ơi ! Hiếu ơi ! Trực ơi !...Các em có linh thiêng nghe lời thỉnh cầu. Hãy về đây thấu hiểu nỗi đau đớn tột cùng này : Mẹ mất con. Anh mất em. Vợ mất chồng. Con mất cha….Ngần ấy thời gian trôi mà sao nỗi đau thương này vẫn không thôi giằng xé tâm can; Để người thân hôm nay vẫn gập ghềnh muôn nẻo đường chiến tranh đi qua tìm kiếm. Một cuộc tiềm kiếm mà có lúc tưởng chừng như vô vọng, kiệt sức
.
      Trận đó Tâm không làm tử sĩ nên không biết chính xác chỗ chôn. Chỉ nhớ đây là trận địa xưa. Ngày ấy cây lúp súp ngang ngực, Cưa làm hầm kèo chỉ cỡ bắp  chân, bắp tay, Giờ gốc nào gốc ấy người ôm. Mùa mưa, rừng ẩm ướt, giây leo nhằng nhịt, một vạt rừng này biết chỗ nào bới tìm đây ? Mà giả dụ may mắn bới được  cũng đâu biết ai là Châu, ai là Hiếu….Trăm năm xưa mở cõi cha ông ta còn biết dùng thẻ tre khắc tên, quê quán… Người lính trấn ải Hoàng Sa, lỡ khi vì nước vong thân nằm xuống bó chiếu thả biển may mắn dạt vô bờ không thất lạc. Sao ta không làm được vậy ? ? Không ai phổ biến, huấn luyện… Hình như nói ra sợ ảnh hưởng tư tưởng… Nhớ lần đầu tiên được phân công chôn anh Đọn, đồng đội bị pháo chụp trận đánh ấp Xuân Vinh - Nghĩa Hành. Quảng Ngãi năm 71. Súng vẫn nổ, HU 1B quan sát phành phạch trên đầu. Tôi và Hương , lính cũ gói anh trong tăng cá nhân. bó chặt bằng dây võng. Cái gì còn tốt , sài được  như dép, dây nịt… anh em ai cần thì lấy (  khi sống chúng tôi quy ước với nhau vậy; Còn tốt chôn phí ) Tài sản quý cá nhân như nhẫn, đồng hồ…gói giao ban chính sách gửi về Hậu phương. Lính chiến có cái gì đáng giá đâu ? Mạng còn để lại nữa là…Lấp đất xong Hương bảo tôi leo lên dận khỏa bằng, không để lại dấu vết gì. Thực lòng tôi làm không được, chần chừ không nỡ. Nó gắt lên giải thích: Mai mình đi. Phía bên kia chiếm lại, phát hiện có tử sĩ;  Hoặc ai đó thấy báo,  nó bới lên phơi xác tuyên truyền chiến thắng, còn đau lòng gấp mấy .Tôi chỉ dám dận vòng quanh. nghĩ bụng : Đừng bắt tội em nghe anh Đọn.Thế đấy, đêm đội công tác dẫn vô ấp. Tối mò, chỉ biết ấp Xuân Vinh, đường xá ngang dọc mù tịt, cắm cổ đào hầm pháo, tuyến bộ binh… Một ngày bom đạn ngút trời. Đêm chuyển trận địa. Anh nằm lại cô quạnh, không bia mộ, nhang khói, một sơ đồ mộ chí sơ sài. Chỉ vậy !… Ai sao tôi không biết! Hồi đó, không bao giờ trong thâm tâm suy nghĩ sẽ có ngày quay lại tìm kiếm anh em. Biết đâu mai chẳng đến là mình?….Tôi đã thấy nhiều anh em, tội lắm.  Mấy đêm Mỹ phục giữ không cho lấy xác mà kiến, mối ăn hết cả vành tai, my mắt… Chúng còn gài lựu đạn dưới xác. Quân súc sinh, bẩn thỉu, phải nối dây cột kéo cho lựu đạn nổ. Gom xác thịt lại lấy đá vây xung quanh, lấp đất. Vài tháng mưa nguồn, lũ suối, thú rừng… Cát bụi lại về với cát bụi
     Sực nhớ tôi mở máy liên lạc với một nhà ngoại cảm có tiếng trong Nam , kể lại hoàn cảnh và xin trợ giúp. Ổng âý nói : Đây là một công việc hết sức mong manh, thực lòng và thành tâm. Ít hy vọng. Nếu quyết thì chờ đúng Ngọ, thắp bảy nén nhang vái chư thần thổ địa tứ phương phù hộ độ trì. Miếu ông gì đó.. giúp tôi là… Tìm hương hồn ls là….. Khấn xong cắm nhang trên bàn thờ, trang thiên trước cửa. Sẽ có con bướm màu xanh bay tới, nó đậu xuống đâu đào tìm ở đó… May mắn, vài phút nữa đúng Ngọ. Tôi và Tâm lật đật chuẩn bị…Làm đúng những gì nhà ngoại cảm dặn. Có gì sai…Tôi không biết, không thành tâm mà anh em tôi lặn lội vô đây ư ? ? Cứ mỗi lần thắp nhang cho em là tôi lại không cầm được nước mắt. Ba mươi lăm năm, hình ảnh gặp em lần cuối lúc chúng tôi hành quân về ga Hỗ - Hải Phòng, lên tàu vào Nam vẫn như mới đây… Em hiện hữu, gần lắm, ngay trước mặt. Dáng mảnh khảnh, gầy yếu, bộ quân phục nhàu nát, lấm lem bùn đất, máu bị sức ép bom ứu nơi khoe miệng…
Trời bừng nắng, từng bờ cây, bụi cỏ như rực rỡ non xanh hơn.  Bướm đâu sao ra nhiều thế ? ? Nhỡn nhơ bay như trêu ngươi, không thấy bướm xanh, không  con nào đậu ! ! Không hy vọng gì
.
       Trưa chúng tôi nghỉ lại nhà ông Ba Lèn, đối diện với miếu. Gọi là ông chứ cũng chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Nhà tôn nhưng thoáng cao, rộng rãi. Cũng mới dọn về sau giải phóng, hồi ác liệt gia đình chạy tuốt vô Tri Tôn. Ông cho biết : Từ đó đến giờ chưa thấy quy tập ls vùng này. Ngoài kia, phía bìa gần rừng chàm thì có, dân làm ruộng tôm phát hiện….Hy vọng em còn nằm đâu đây, xong làm cách nào tìm được thì chịu. Chiều nhờ ông Ba Lèn kêu hộ hai xe thồ, không quên để lại số điện thoại, địa chỉ để tiện liên lạc. Ghé miếu ông Bổn, hốt nắm đất  nhỏ cho vào hộp mang theo từ nhà. Em tôi -  mấy đứa tụi nó là giờ là đây sao ? Đau xót, nghẹn ngào. Đốt nén nhang chia tay, thầm hứa sẽ còn trở lại thăm em ! 

     Chúng tôi vào Hà Tiên. Tâm kể hồi huấn luyện ngoài Bắc, không biết từ đâu bài : Hà Tiên mến yêu được anh em truyền miệng hát. Ai dè sau vô đây thiệt. Hà Tiên  tĩnh lặng , không ồn ào náo nhiệt, cuộc sống trôi trôi yên ả. Không tiếng xe tải ầm ĩ, còi như thét vào tai, giữa đô thị mà cát bụi mù mịt, ra đường  mặt mũi kín bưng, thấy gật chào đi một đỗi không đoán ra nữa ??  Phòng chính sách TBXH đóng trong căn biệt thự cũ. Chị cán bộ phụ trách coi rất kỹ giấy tờ tôi mang theo rồi cho phép tôi tiếp cận hồ sơ. Không một vết tích gì sự hoạt động của D6 – KB; Đang túi bụi lo thủ tục hỗ trợ cho hai gia đình Ls ngoài Nghệ An vào xin chuyển hài cốt Ls về quê nhưng chị cũng cho chúng tôi biết thêm một địa chỉ tin cậy có thể giúp chúng tôi. Anh Ngô minh Chánh, phụ trách đội quy tập K92 Kiên Giang, người ấp Thạch động, Mỹ đức, Hà Tiên. Ảnh là “ thổ địa ” vùng này có thể giúp các anh. Liên lạc qua số điện thoại chị cho thì biết anh đang ở An Giang. Vậy là bó tay. Kế hoạch ra Nghĩa trang Ls Hà Tiên cũng không kịp. Mai vậy. 
     Lấy phòng trọ, tắm táp xong xuôi hai anh em thả bộ xuống thị xã. Chiều bình yên nơi cửa biển. Tịnh xá Tô Châu đồ sộ, nguy nga ẩn hiện trong bóng núi. Bến Hà Tiên thuyền về tấp nập.  Chỗ đó xưa là cầu phao, giờ thay thế bằng cây cầu cimen đồ sộ. Quê hương thay đổi từng ngày. Đêm mưa lớn, hai anh em chìm vào giấc ngủ. Mệt nhọc.
     Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tiên nằm trên triền đồi hướng ra biển. Gió vi vu hàng phi lao hát. Đẹp thật, dù ngoài khơi xa xám mùa  biển động. Thắp nhang cho đồng đội, cho Châu, biết đâu em cũng có trong những người lính vô danh may mắn  nằm đây. Tượng đài sừng sững, hình hài người lính súng chắc tay ngày đêm dõi khơi xa 
     Anh về đây ! Về với cuộc sống đời thường bao lo toan, bề bộn. Sẽ còn trở lại thăm em, một khi chắc chắn đã biết em đang ở Hà Tiên
    Gai móc , dây giằng
    Ba lăm năm tìm đến được đây !   
    Ấp Xoa ảo - Thuận Yên
          
               mưa Hà Tiên tháng bảy.
    
    Trận địa đây !
    
    Sao yên lặng vậy ???
  
    Hiếu ơi . ..Hoài Châu ơi ….!!!!     
  
    Các em ở đâu ???
.

     Bom trúng hầm    
     Phút giây - Bất tử.
  
     Máu sương hoà .
    
     Đất .Nước – Non sông
  
     Hồn bay về
 bên mẹ mỏi trông
    .
    Thắp nhang gọi tên .
    
    Lòng đau như cắt
    
    Kìm tiếng nấc oà
    
    Nén trong  sâu thẳm

    Nhớ các em cuộc đời chiến sĩ.    
    Mãi nụ cười
 ngày ra đi.    
    Đi mãi chưa về   ./.

                                                              7.2009



Vĩ thanh.

      Công tác chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi tìm mộ Ls. Như một người lính hành quân ra trận năm xưa : áo mưa, thuốc cấp cứu, võng …Tùy theo đặc điểm vùng miền mình sẽ đến. Nhớ xin Giấy giới thiệu của Phòng chính sách TP; của  Phòng chính sách BCH Quân sự Tỉnh . Đến đâu nhớ liên hệ với bộ phận chính sách Quân, Dân chính tại địa phương…Để được giúp đỡ, chi viện, may mắn tìm được Ls, được hỗ trợ kinh phí chuyến đi bốc dỡ hài cốt, …và nhất là Ls sẽ được nằm ở vị trí suy tôn trang trọng…  bõ những ngày các anh vùi thân nơi bờ bụi…
     Chuyến đi tháng 7.2000. Tôi được Phòng chính sách thành phố hỗ trợ 150 000d
     Không phải là tất cả. Nên chăng hãy chọn những người có kinh nghiệm; Có trách nhiệm; Có lòng thương yêu. Hiểu công việc mình được giao làm Chính sách - Một công việc nhậy cảm…Để đừng bao giờ có những thái độ, hành động vô cảm… Hãy cùng chung tay làm vơi dịu nỗi đau, bớt đi những giọt lệ, tưởng chừng đã khô cạn còn lăn trên gò má nhăn nheo của mẹ
.
    Xin được tri ân tất cả. Những người làm công tác chính sách địa phương, những đồng đội CCB, anh xe thồ, anh Tư thương binh, cô bé bán nước ven đường, gia đình ông Ba Lèn…Đã sớt chia, xẻ gánh nặng dặm đường đi tìm mộ Ls của chúng tôi….Dù chưa đưa được em về - Chỉ là nắm đất nhỏ nhoi nơi đợt bom ác liệt ấy nổ, cũng nặng vai tôi đường về. Thâm tâm an ủi, Trong đó có máu sương em tôi, có Hiếu, có Trực…có vạn vạn người con yêu dấu của Mẹ vĩnh hằng cho Ấm no. Hạnh phúc hôm nay . /. 



Không có nhận xét nào: