Translate

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Việt Nam truy tố luật sư đã phê phán hoạt động của tòa án ???

 





Ngày mồng 9 tháng Giêng năm 2025, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử vụ án luật sư Trần Đình Triển, người đã gây được nhiều sự chú ý, bị bắt giữ từ mồng 1 tháng Sáu năm 2024 và bị cáo buộc tội danh “xâm phạm lợi ích nhà nước” theo Điều 331 của bộ luật hình sự Việt Nam. Nếu bị kết luận có tội, ông Trần Đình Triển sẽ đối mặt với mức án lên tới bảy năm tù.
Theo cáo trạng, từ ngày 23 tháng Tư đến mồng 9 tháng Năm năm 2024, ông Trần Đình Triển đăng ba bài viết trên Facebook phê phán các việc làm của ông Nguyễn Hòa Bình, khi đó đang giữ chức vụ Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Tòa án xác định rằng các bài viết nói trên có “nội dung bịa đặt, không đúng sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hệ thống Tòa án nhân dân.”
Ông Trần Đình Triển nhận xét trong một bài viết nêu trên rằng dưới sự lãnh đạo của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các tòa án đã ngăn cản không cho thân nhân các bị cáo tới dự một số phiên tòa, và ông cũng phê phán quyết định cấm nhà báo và luật sư ghi hình trong các phiên xử công khai. Bài viết của ông Trần Đình Triển cũng phê phán quyết định của ông chánh án với tử tù Hồ Duy Hải bất chấp các bằng chứng hiển nhiên về diễn biến bất thường trong quá trình điều tra vụ án.
Ông Trần Đình Triển điều hành Công ty Luật Vì Dân do ông sáng lập từ năm 2006. Ông cũng giữ ghế Phó chủ tịch Luật sư Đoàn Hà Nội từ năm 2013 đến 2018. Năm 2011, ông tham gia vào nhóm luật sư bào chữa cho nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ, và cùng với các luật sư trong nhóm rời khỏi tòa để phản đối sự đối xử bất công của tòa án đối với nhóm luật sư bào chữa. Năm 2013, ông nhận bào chữa cho một trong những bị cáo của vụ án nổi tiếng về vũ trang chống lại cưỡng chế đất đai.
Ông Trần Đình Triển là ví dụ mới nhất trong một chuỗi các luật sư nổi tiếng bị chính quyền đặt vào vòng ngắm vì đăng bài công khai trên mạng internet. Trong hai năm 2023 và 2024, có ít nhất bốn luật sư Việt Nam đã xin tị nạn ở Hoa Kỳ vì lo sợ bị bắt.
Theo Các Nguyên tắc Cơ bản về Vai trò của Luật sư của Liên Hiệp Quốc, “[c]ũng như những công dân khác, luật sư được hưởng quyền tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao và hội họp. Đặc biệt, họ phải có quyền tham gia các cuộc thảo luận công khai có liên quan đến pháp luật, trật tự tư pháp, việc tăng cường và bảo vệ quyền con người… mà không phải chịu một sự bất lợi nào về nghề nghiệp vì hoạt động hợp pháp của họ.”
Nhà cầm quyền Việt Nam đang ngày càng gia tăng vận dụng Điều 331 để dập tắt các tiếng nói phê phán. Chỉ riêng trong năm 2024, các tòa án Việt Nam đã xử có tội và kết án ít nhất là 24 người theo điều luật này. Chính quyền Việt Nam nên ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc với luật sư Trần Đình Triển và phóng thích ông cùng với những người khác đang bị truy tố vì đã ôn hoàn bày tỏ quan điểm chính trị của mình.

2 nhận xét:

Đi tìm sự thật nói...

Nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin về việc ngày 09/01/2025 tới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Đình Triển – cựu Phó Chủ nhiệm, cựu luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại khoản 2 Điều 331 BLHS.
Nhận lời mời của gia đình anh Triển và cá nhân anh Triển, tôi tham gia bào chữa miễn phí trong vụ án này. Nhận thấy, qua công tác tranh tụng của vụ án, những sự thật được bảo vệ chính là bảo vệ giới nghề, nếu có sai sót ở đâu đó thì cũng là rút kinh nghiệm cho hoạt động nghề và hơn cả là khi đồng nghiệp vướng lao lý thì ở vai trò của một luật sư – việc đồng ý tham gia bào chữa cho đồng nghiệp cũng chính là việc làm thể hiện đạo đức nghề, bảo vệ và nâng cao uy tín cho nghề. Thế nên tôi rất sẵn lòng nhận lời bào chữa cho anh Triển.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án có rất nhiều nội dung cần làm sáng tỏ, nhưng đó là câu chuyện sẽ được làm rõ tại phiên tòa để xác định sự thật vụ án, bảo đảm việc tuân theo pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án hình sự.
Tuy nhiên, cũng có một vài điều cá nhân tôi thấy còn băn khoăn trong vụ án này như sau:
Thứ nhất, hành vi bị truy tố để xét xử đối với bị cáo Trần Đình Triển là đăng tin trên FB cá nhân với 01 bài viết còn đọng lại làm căn cứ truy tố được Cáo trạng kết luận là “hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự soạn thảo, đăng tải lên mạng xã hội Facebook các thông tin có nội dung không xác thực, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự; xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống Tòa án nhân dân và cá nhân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao...gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nên cần thiết xử lý trước pháp luật”. Như vậy, trong vụ án này, quyền lợi của bị cáo Trần Đình Triển và “hệ thống Tòa án nhân dân” là đối lập. Do đó, cơ quan Tòa án là cơ quan xét xử vụ án đối với bị cáo trong chính vụ án mà mình được cho là nằm trong hệ thống “nạn nhân” của hành vi do bị cáo gây ra, liệu có bảo đảm tính khách quan? Theo đó, để bảo đảm việc xét xử khách quan, công bằng, đúng pháp luật; liệu có cần cơ chế giám sát của cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân?
Thứ hai, do tội danh quy định tại Điều 331 BLHS được xếp vào nhóm tội “Xâm phạm trật tự quản lý hành chính” tại Chương XXII Bộ luật Hình sự nhưng lại có chủ thể bị tác động là nhà nước, tổ chức lẫn cá nhân nên đương nhiên hành vi phạm tội tác động đến lợi ích hợp pháp của cá nhân cũng phải thỏa mãn khách thể là xâm phạm trật tự quản lý hành chính, xâm phạm hoạt động đúng đắn và bình thường của nhà nước. Như vậy, hậu quả cá nhân bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp (danh dự, nhân phẩm) bởi hành vi phạm tội lại là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của nhà nước thì có phù hợp về khách thể tội phạm trong khoa học hình sự không?....
Ls Trần Hồng Phúc.

Đi tìm sự thật nói...

...

Thứ ba, danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị xâm phạm do hành vi của bị cáo Trần Đình Triển tác động thì thiệt hại đó phải là thiệt hại của bị hại. Tuy nhiên, do khách thể của tội danh là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của nhà nước nên cá nhân ông Chánh án lại không được xác định tư cách tố tụng của bị hại, mà là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về mặt thực tế của ông.
Thêm nữa, đối với “hệ thống Tòa án nhân dân” bị xâm hại bởi hành vi của bị cáo Trần Đình Triển có được coi là chủ thể bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trong tội danh này hay không? “Hệ thống Tòa án nhân dân” là “nhà nước” hay “tổ chức” hay “cá nhân” ? Thiết nghĩ, việc xác định chính xác bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này liên quan mật thiết đến việc buộc tội và gỡ tội bởi lẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quyền và nghĩa vụ của bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hoàn toàn khác nhau.
Rõ ràng, khách thể của tội phạm tác động gây ra đối với nhà nước, tổ chức, cá nhân là các quyền và lợi ích hợp pháp khác nhau nên nếu nhóm chung trong cùng tội danh và xử lý vì mục tiêu chung là bảo hộ trật tự chung của nhà nước thì không thể bảo đảm tính công bằng cũng như cụ thể hóa quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể bị xâm phạm.
Vì vậy, trong vụ án này phải làm rõ danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm hại bởi hành vi của bị cáo Trần Đình Triển có phải cũng đồng thời là quyền bảo đảm trật tự quản lý hành chính, quyền hoạt động đúng đắn và bình thường của cơ quan quản lý nhà nước không và nếu đúng thì được quy định tại điều luật nào, văn bản pháp luật nào nhằm bảo đảm xét xử công bằng, khách quan, đúng pháp luật.
Ở vị trí của người bào chữa cho bị cáo Trần Đình Triển, cá nhân tôi nhận thấy đây là một bất cập về lập pháp dưới góc nhìn lý luận khoa học hình sự cần được làm rõ để bảo đảm cấu thành tội phạm khi xác định trách nhiệm hình sự đối với một tội nhân của loại tội phạm này.
(Bài viết mang tính nghiên cứu và là quan điểm cá nhân về chuyên môn nghiệp vụ nghề, vui lòng không sử dụng cho mục đích trái pháp luật và trái đạo đức xã hội)
Ls Trần Hồng Phúc.