Translate

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

70 tỷ usd làm ĐSCT ?!

 Thanh Hiếu Bùi








Bộ chính trị và trung ương đảng đã thống nhất quyết định làm đường sắt cao tốc với vốn tự chủ. Xác định dùng nguồn vốn trong nước hoặc phát hành trái phiếu vay của nước ngoài. Nếu có đi vay thì sẽ lựa chọn khoản vay không ràng buộc, hoặc ràng buộc ít và phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Việt Nam dự tính sẽ lấy trong ngân sách đầu tư công, mỗi năm 5,6 tỷ usd chi cho dự án và kéo dài trong 12 năm.
Ưu điểm đưa ra là đường sắt tốc độ cao này sẽ tốt cho việc vận chuyển hàng hoá và đi lại của hành khách.
Có câu hỏi là vận chuyển hàng hoá nào, đi đâu ?
Hàng hoá do các khu công nghiệp FDI thì các chủ đầu tư đã chọn gần cảng biển để tiện cho việc xuất khẩu, hàng hoá tiêu dùng trong nước có cần thiết phải mất từng ấy tiền đầu tư đường sắt cao tốc để vận chuyển không ? Chuyển hoa quả, nông sản các vùng từ Nam ra Bắc và ngược lại từ Bắc ra Nam ?
Chưa quốc gia nào làm đường sắt cao tốc để vận chuyển nông sản, thuỷ hải sản, hàng tiêu dùng cả. Vì chi phí sẽ quá đắt. Chưa kể vẫn phải mất xe ô tô đến bến tàu để bốc dỡ rồi vận chuyển về kho, mất thêm một lần bốc dỡ, vài trăm km thì cứ xe tải bốc dỡ từ kho chạy thẳng đến siêu thị như Đức là nhanh gọn. Mặc dù hệ thống đường sắt của Đức khá tốt.
Còn về hành khách, những người khá giả đi máy bay. Những người nghèo sẽ đi sẽ giường nằm. Tất nhiên sẽ có người đi tàu cao tốc nhưng chắc chắn sẽ không nhiều so với nền kinh tế Việt Nam.
Nếu đây là một dự án để phát triển kinh tế, thì có quá nhiều điều cần phải xem xét lại.
Chưa biết có đủ tiền để làm không, cứ ra dự án, cứ triển khai rồi vào thế đâm lao phải theo lao, trót làm rồi mà không làm tiếp thì mất tiền đã bỏ ra. Lúc đấy vào thế cắn răng vay lãi cao, chiụ điều kiện này nọ mà làm tiếp. Như thế là tự đưa mình vào thế khó, vào cảnh đó rồi thì đừng có nói hay là độc lập nguồn vốn nọ kia.
Cả một dự án lớn như thế, quyết định làm mà còn chưa rõ hình bóng nhà thầu là ai ? Ít ra phải liệt kê được bóng dáng của vài nhà thầu quốc tế. Chứ cứ chốt xong rồi đưa ra đấu thầu, ai thấp hơn tí thì trúng thầu sẽ là điều đáng lo ngại.
Chúng ta nhớ lại sân vận động Mỹ Đình khi đấu thầu, nhà thầu Trung Quốc đã bỏ giá thấp hơn các nhà thầu khác như Đức, Mỹ có vài triệu usd và đã thắng thầu. Mỹ bỏ thầu 57 triệu usd, Trung Quốc bỏ thầu 53 triệu và đã thắng. Biện minh là giúp tiết kiệm được 4 triệu usd. Nhưng kết cục là có đến 17 triệu usd tức khoảng 94% thiết bị không đúng như hợp đồng. Đến nay hàng năm tiền sửa chữa bảo dưỡng không có , khiến mặt sân vận động quốc gia còn chẳng bằng bãi chọi trâu.
Tốc độ 350km một giờ để làm gì ? Nhanh để làm gì ? Tàu nhanh Berlin đi Frankfurt cũng mất tầm 5 đến 6 tiếng. Tính ra chỉ 100 km giờ với khoảng cách 500 km.
Tàu cao tốc nước ngoài gặp núi xuyên núi, gặp vực bắc cầu. Địa hình châu Âu bằng phẳng cũng đã khó. Huống chi Việt Nam thuỷ điện mọc khắp miền Trung, chuyện đứt gãy địa tầng, sụt lún và lũ lụt thì đã tính chưa ?
Nếu Việt Nam có tiền, tôi nghĩ nên chú trọng dồn sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tầm trung, cho họ có sức để xuất khẩu hàng hoá đi các nước. Đây mới là điều cần thiết nhất cho nền kinh tế Việt Nam bây giờ và sau này. Tạo cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam có sức để đưa hàng hoá ra thế giới. Thành lập nhóm nghiên cứu, môi giới, tìm kiếm đầu ra cho hàng hoá doanh nghiệp Việt Nam gồm những người Việt định cư ở nước ngoài, trả lương cho họ và sẵn sàng tặng huân chương và vinh danh họ vì sự cống hiến phát triển kinh tế đất nước. Đây mới là những người yêu nước, yêu dân tộc thực thụ chứ không phải mấy ông ăn thất nghiệp, viết bài chửi tư bản và ca ngợi chế độ CNXH, không phải mấy ông bà chủ quán tiệm ăn săn đón quan chức đi tham quan du lịch, phục dịch tận tuỵ để kiếm cái bằng khen.
Năm tôi 15 tuổi bị đuổi học, tôi đã cãi nhau với anh và bố về hướng phát triển kinh tế gia đình. Tôi muốn mua máy ép để làm dây cua roa, má phanh ô tô, lốp xe đạp. Còn anh lớn nhà tôi muốn mua xe máy để chở bánh kẹo bỏ mối. Bố và anh lớn đã thắng vì tôi còn nhỏ quá. Rút cục là anh tôi lấy xe đi chơi tán gái là chính. Người ta vận chuyển bằng xích lô, xe lam rẻ hơn là cái xe máy chở chẳng bao nhiêu mà phí lại cao. Xe máy thì mình anh tôi đi, nhưng nếu mua máy ép làm ra sản phẩm bằng cao su, cả nhà sẽ có việc làm ít nhất trong vòng 10 năm. Khi thấy không hiệu quả, anh tôi lại chơi suốt, bố tôi gọi người bán xe thì chỉ bằng nửa giá ban đầu, trong vòng có hơn 1 năm. Lý do là xe máy đã có nhiều, còn lúc mua anh tôi kê giá lên, lúc bán lại thông đồng với người bán hạ giá mua. Nếu như cứ làm sản xuất sản phẩm cao su, chắc hẳn đã có tiền mua vài cái xe máy như nhà khác đã làm.
Đừng đưa lý do tiền tự chủ, nợ nước ngoài mỗi năm trả lãi và gốc đến cả chục tỷ usd còn chóng mặt, tiền đâu mà làm. Trước sau rồi cũng phát hành trái phiếu, vay ngân hàng nước ngoài cho cái dự án này. Bọn tư bản thì nó khôn, chẳng hơi đâu nó mua trái phiếu đường sắt cao tốc Việt Nam vì bản thân chúng thấy tận mắt đường sắt cao tốc ở nước chúng nó lỗ thế nào.
Chỉ có bọn nào đó mua trái phiếu, cái bọn ngân hàng quốc tế nhưng cổ phần 70% là anh bạn láng giềng.
Chúng dụ ta làm cái điều không nên làm, để chúng ta phải tốn tiền của vào đó, để chúng ta không làm những việc cần thiết hơn. Đây là vấn đề an ninh quốc gia chứ chẳng phải chuyện đơn giản là phát triển kinh tế.
Đừng vì quyền lực và lợi ích cái ghế của mình và phe nhóm mình núp dưới cái danh nghĩa phát triển này nọ rồi đưa đất nước, nhân dân vào cái nợ nần bung bét. Như thế là một dạng bán nước tinh vi.
Cái dự án này mà triển khai không có bóng dáng của tập đoàn Trung Quốc và những ngân hàng quốc tế nhưng Trung Quốc sở hữu cổ phần lớn còn phải cân nhắc chưa chắc đã làm vì hiệu quả kinh tế. Huống chi đã thấy thấp thoáng bóng dáng của tập đoàn Powerchina cùng với những ngân hàng cấp vốn, mua trái phiếu như AIIB trực chờ sẵn.

Không có nhận xét nào: