Nguyên Tống.
Nếu Lý Quang Diệu sống ở Việt Nam, rất có thể ông đã phải vào tù khi nói thế này từ vài chục năm trước. Nhưng phải công nhận tư duy của ông đi trước tư duy của những người lãnh đạo CS VN thế hệ cùng thời vài chục năm. Và chính điều đó đã làm Singapore vượt lên trước VN gần 200 năm.Tiếp theo suy nghĩ của Lý Quang Diệu vừa nêu ở bài trước, mình post lại một bài viết cũ giải thích lý do vì sao các thế hệ sau chiến tranh của Việt Nam không làm được như Trung Quốc, không đẻ ra được những nhân vật như Đặng Tiểu Bình. Đó thực sự là do “cơ chế”, do cách chọn người theo kiểu “quy hoạch” nhưng lại không “chấm điểm” bằng kết quả của những thành tựu kinh tế xã hội họ đạt được trong quá trình “tu dưỡng”, mà chỉ bằng việc họ có trung thành hay không. Điều đó làm triệt tiêu mọi ngả đường đến với tri thức của “lãnh đạo”, chỉ còn lại đám nịnh bợ, phong trào. Mình gọi những kẻ đó là bị Ngừng lớn trí tuệ cưỡng bức (để phân biệt với Ngừng lớn trí tuệ tự nhiên, n.g. u tự nhiên mà mình đã đề cập trong một số bài khác):
Bài viết cũ này mình chỉ hệ thống hoá những gì mình “tranh luận” hay chính xác hơn là chỉ ra cho một số “quan chức” mà mình thì thấy tri thức và kỹ năng rất thấp kém, không khác gì bodo, trong khi họ lại nghĩ rằng họ đang ở trên cao. Và nhiều người sau khi “tranh luận” vào những lĩnh vực cụ thể thì đã phải thừa nhận kiến thức của họ thực sự chắp vá và “chẳng đâu vào đâu” cả:
Là bởi ngay từ khi đặt chân vào con đường “quan lộ” thì họ đã bị cho vào một quả cầu pha lê lý tưởng. Họ chỉ được đứng trong quả cầu đó mà nhìn ra thế giới. Mọi thước đo sẽ bị lệch lạc, trong khi họ nghĩ rằng pha lê trong vắt và “vĩ đại” thế thì không thể sai lệch được.
Họ bắt đầu dùng những “chuẩn mực” đã lỗi thời các quả cầu pha lê đó đặt ra để đo mọi vật bên ngoài, mà không biết rằng những chuẩn mực ấy rất khác, rất sai so với thực tế xã hội đang phát triển từng ngày. Thế rồi họ sẽ từ tin tưởng mà chuyển sang ngạo nghễ rằng quả cầu này là chân lý, còn họ thì đang cao hơn tất cả những người ở bên ngoài quả cầu. Những ai nói ngược lại điều này là phản động. Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất.
Họ sẽ không cần học thêm, trau dồi thêm gì ngoài việc tuân theo chỉ đạo của “chủ cầu”, thấm nhuần định nghĩa về quả cầu pha lê đó, với một mục đích duy nhất là được cất nhắc lên một quả cầu khác to hơn, nhiều bổng lộc hơn. Và khi chui được vào quả cầu to hơn thì họ lại lầm tưởng rằng là do trí tuệ mình cao thêm, họ lại càng thấy những người bên ngoài bé hơn nữa.
Cứ thế, họ sẽ ngày càng trở nên ngạo nghễ, tỷ lệ nghịch với tri thức mà họ có. Bởi vì họ không còn được nhìn thế giới một cách khách quan nữa mà phải nhìn qua một lăng kính “lý tưởng” rồi. Mà “lý tưởng” đó thì bất biến, còn nhân loại thì vận động không ngừng để tiến lên cả về tri thức lẫn đạo đức. Họ sẽ cho rằng ai.chui được vào quả cầu đó mới là trí tuệ, và ở trong quả cầu càng to thì càng trí tuệ. Và họ chỉ còn tập trung duy nhất vào một kỹ năng, tạm gọi là kỹ năng “chui cầu”, tức là làm mọi việc chỉ để chui lên quả cầu to hơn. (Tức là “lên sọc”, lên chức)
Mà kỹ năng ấy thì lại không bao gồm những kỹ năng sống thông thường, không cần sáng tạo hay tri thức khoa học, chỉ cần học thuộc lòng chỉ dẫn và thêm kỹ năng luồn lách. Sẽ có nhiều người còn học được cả những kỹ năng trái với cả luân thường đạo lý như đội trên đạp dưới, miễn là được chui lên quả cầu to hơn.
Vậy đó, tư duy của họ gần như bị đóng lại, con đường học hỏi để đến với tri thức cũng đóng lại với tất cả bọn họ ngay từ khi bắt đầu, nghĩa là từ khi họ chui vào quả cầu đầu tiên. Công bằng mà nói thì có một số người cũng vẫn cố gắng học hỏi thêm. Nhưng dần dần họ thấy những kiến thức ấy không giúp họ “chui cầu” nhanh hơn những món thuộc lòng và luồn lách kia, lại cũng không đủ thời gian nên cũng chỉ học láng cháng rồi bỏ hẳn. Vì khi cần thì họ có thể mua bán bằng cấp được. Đối với họ, thước đo chiều cao trí tuệ của con người chính là các quả cầu mà họ đang tìm cách vươn tới. Quả cầu càng to, càng cao thì càng tập hợp những trí tuệ đỉnh cao. Nên họ chỉ cần tìm cách chui lên đó là đương nhiên thành tiến sỹ, thành giáo sư, thành nghệ sỹ nhân dân, nhà giáo ưu tú và đứng trên mọi trí thức khác.
Và thế là, điều tất yếu sẽ xảy ra: nếu không để “chọn lọc tự nhiên” mà cứ “quy hoạch” để cho “chui cầu” mà lên thì 100% những người “chui cầu thành công” sẽ là những kẻ thiếu khả năng tư duy thực tế. Hay nói cách khác là tư duy của họ đã bị ngừng lớn ngay khi họ bước chân vào con đường đó. Mãi mãi họ chỉ còn suy nghĩ được như một người ở tuổi 20-30, hay tuổi mà họ mới bước chân vào đời… chui cầu. Đó chính là việc trí tuệ bị cưỡng bức ngừng lớn, hay nói cách khác là bị đóng khung trí tuệ như mình nói ở đầu bài.
Điều đó cũng giải thích vì sao các quan chức ngày càng kém về tri thức nhưng lại rất giỏi chạy chọt, tham nhũng (kỹ năng duy nhất giúp họ thăng tiến). Và đặc biệt là họ thấy những việc họ làm là rất bình thường, không có gì là tội lỗi, là ghê tởm với nhân dân cả. Như các quan chức vụ Việt Á, hay Bay giải cứu hay Thuốc ung thư giả đó. Bởi nhận thức của họ chỉ như một đứa trẻ cách đây 3-40 năm (dù hồi đó có thể họ được coi là “sáng láng”, trí tuệ hơn quan chức khác), không coi việc hút máu đồng bào trong thiên tai dịch bệnh là tội lỗi gì ghê gớm cả, cũng chỉ như những kẻ tham nhũng khác mà thôi. Làm nghề nào ăn nghề đó chứ có gì mà kinh tởm với đạo đức?! Họ không những ngừng lớn về tư duy tri thức mà còn ngừng lớn cả về nhận thức, về chuẩn mực đạo đức xã hội.
Nhiều người cứ bảo họ biết hết nhưng giả ngu đấy. Không phải đâu, họ thực sự như vậy đấy chứ không giả vờ đâu. Cứ nghe kỹ những điều họ nói trước toà hay rao giảng thì sẽ thấy họ thật sự nghĩ vậy chứ không phải họ giả ngu để chạy tội đâu. Giả ngu gì mà… ngu thế? Nói ra ai cũng thấy buồn cười thì giả làm cái gì? Chỉ là họ thật sự nghĩ vậy hoặc tư duy của họ chỉ ở tầm đó thật mà thôi.
Hay một số quan chức về hưu mới nói những điều chân thực và bị người ta cho là đạo đức giả. Không phải đâu, về hưu nghĩa là họ đã bước ra khỏi những quả cầu, dừng mọi mục tiêu “chui cầu” rồi. Và bỗng nhiên họ nhìn thấy thế giới thật chứ không qua lăng kính quả cầu nữa, và với những tri thức mới mà họ học được sau khi dừng chui cầu, nên họ nhận thấy những gì trước đây họ nghĩ và làm là ảo. Vậy thôi. Nói họ “tự diễn biến, tự chuyển hoá” mới là chính xác, những người này không phải đạo đức giả đâu.
Mình tiếp xúc với họ nhiều rồi nên biết. Nhiều người trong số họ cũng có xuất phát điểm là người tử tế và thậm chí là thông minh mà sau khi bỏ cả cuộc đời ra để “chui cầu” thì tư duy, trí tuệ lại trở nên thảm hại ./.
Nguyên Tống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét