Translate

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

LÀM SAO ĐỂ CÓ LẠI NIỀM TIN?

Cù Mai Công

LÀM SAO ĐỂ CÓ LẠI NIỀM TIN?     Đường xe lửa cao tốc Bắc Nam và các tuyến metro TP.HCM
Như bao dự án khác trước khi bắt đầu, hai kế hoạch Đường xe lửa cao tốc Bắc - Nam 1.531km và Metro TP.HCM 183km lại được truyền thông chính thức thông tin dày dặc theo hướng hứa hẹn năm 2035 xong. Cơ bản là những thông tin quen thuộc trước mọi dự án về nhu cầu, phát triển và cơ sở thực hiện, cơ bản là thuận lợi. Tràn đầy niềm tin.
luận bên ngoài, hiếm khi lên truyền thông chính thức, lại có những thông tin phản biện, trái chiều từ nguồn vốn, khả năng, kỹ thuật, vận hành, nhu cầu… cho tới cảnh giác chuyện… mất mát cán bộ do cách chức, đi tù… vì chuyện này việc nọ khi tham gia dự án. Cũng lại là chuyện niềm tin.
Đa số ý kiến, dư luận đều đứng từ góc nhìn của mình: Đầy thuận lợi hoặc toàn khó khăn. Nói theo cách nói thông thường là bàn vô hay bàn ra.
Chẳng hạn, chỉ thấy cao tốc 350km/g, nhưng đó là tốc độ tối đa. Còn tốc độ trung bình bao nhiêu? Nhất là khi cao tốc Bắc Nam có 23 trạm dừng, mỗi trạm có lẽ cũng phải dừng ít nhất 5-10 phút; 23 trạm dừng mất 115-230 phút, tức từ gần hai tiếng đến gần bốn tiếng. Rồi thời gian để giảm/tăng tốc - trước và sau khi dừng… Phải nói rõ kẻo không nhiều người ngỡ tuyến cao tốc 1.531km mà chạy 350km/g thì sáng “cà phê trứng” Hà Nội, trưa cơm tấm “sà bì chưởng” Sài Gòn.
Khoan nói về góc nhìn, tất cả những thông tin như vậy đều cần được đặt lên bàn những vị có trách nhiệm xem xét.
Cũng xin được bỏ qua việc hiệu quả thực tế của những công trình ấy trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, đóng góp vào phát triển nếu may mắn một ngày đẹp trời nào đó cũng đi vào hoạt động so với hứa hẹn. Bởi chúng ta đã có vô số những công trình làm xong vẫn “cửa đóng then gài”, mãi “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Bỏ qua vì chuyện này thuộc trách nhiệm tính toán khách quan, biện chứng, nhiều chiều… của các ngành chức năng. Dân trả lương cho quý ông bà đó để họ làm chuyện chuyên môn này.
Xin nói rõ là tính toán khách quan, tức các bộ ngành phải nhìn và đưa ra thuận lợi lẫn khó khăn gần thực tế nhất, một cách nghiêm túc và tử tế, chứ không cắt cúp một phía, thông tin một chiều. Kẻo không, khi “có chuyện”, lại là bài quen thuộc: Đổ lỗi cho thực tế này, khách quan nọ. Kẹt lắm thì “xin lỗi nhân dân”. Gần đây, ai cũng biết có nhiều cán bộ làm ăn không ra gì, khi bị dư luận lên tiếng đã mau mắn “xin lỗi” - một cụm từ “chán như con gián” với dân.
Cái chúng ta cần suy nghĩ là cốt nền của những công trình đang và sẽ làm hiện nay đó là niềm tin trong dân về những vướng mắc, lo ngại có thật về tiến độ, chất lượng công trình.
Dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội, quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án hoàn thành vào năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỉ đồng. Cuối cùng, ngày 8-8-2024 mới xong, trễ 8 năm; đội vốn lên 34.826 tỉ đồng. Trước đó, đường sắt Cát Linh – Hà Đông 13km, 2011 khởi công, hứa 2015 xong. Sau 8 lần thay đổi tiến độ hoàn thành, năm 2021 mới xong. Vốn đầu tư dự tính 8.770 tỉ đồng, cuối cùng lên hơn 18.000 tỉ.
Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km. Năm 2007, dự án này được phê duyệt, dự kiến chạy vào năm 2015. Hứa hẹn năm lần bảy lượt, tới giờ 17 năm vẫn “đứng bánh”. Thỉnh thoảng cho chạy thử, mời một số văn nghệ sĩ, nhà báo, công dân… đi thử, có lẽ để “lên dây cót” bà con (?!).
Anh em mình nhiều người từng xây nhà đều có kinh nghiệm: Mấy ông thầu hứa thời gian làm xong nhà ghê lắm. Thực tế trớt quớt hết. Hồi tôi xây nhà, anh thầu hứa bốn tháng xong. Bốn tháng sau, chưa xong phần thô. Tôi hỏi: “Sao ông kêu bốn tháng là xong hết?”. Chả cười: “Thì nói vậy anh mới ký hợp đồng chớ” (!). Cuối cùng 13 tháng mới xong.
Giờ cao tốc Bắc Nam 1.541km, Metro TP.HCM 288km đều hứa năm 2035 xong. Cao tốc Bắc Nam thì quả quyết 67,3 tỉ USD để làm có đủ. Nhưng sáng nay 5-10-2024, ông thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu “làm rõ việc huy động nguồn lực”.
Metro TP.HCM dự kiến hết 36 tỉ USD thì ông chủ tịch UBND TP.HCM hôm trước khơi gợi bà con “thay vì gởi tiền vô ngân hàng dù có lãi hơn nhưng nên mua công trái để góp phần phát triển thành phố”. Tức quyết làm nhưng… chưa có tiền, chưa rõ nguồn tiền.
Ông bà xưa thường dạy: "Liệu cơm gắp mắm, liệu bò đo chuồng".
Đó là chưa nói một thực tế quen thuộc của vô số công trình lâu nay: Triền miên chậm trễ tiến độ, dẫn tới đội vốn gấp hai, ba… lần. Metro Nhổn - Ga Hà Nội, dự tính tổng mức đầu tư 18.408 tỉ đồng, cuối cùng lên 34.826 tỉ. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vốn đầu tư dự tính 8.770 tỉ đồng, cuối cùng lên hơn 18.000 tỉ. Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên từ 17.387 tỉ đồng lên 47.000 tỉ…
Tiền đội vốn lấy đâu ra? Hay lại vì đội vốn nên không hoàn thành như lời hứa hẹn?
Tiền ngân sách rõ ràng là tiền của dân, bay như vàng mã. Cho tới giờ, chưa thấy ai cam kết nếu không hoàn thành đúng hẹn thì "tôi sẽ… " ra sao. Và hình như cũng chưa vị nào bị xử lý nghiêm khắc, khởi tố chẳng hạn, về chuyện không hoàn thành đúng hẹn lẫn đội vốn gấp mấy lần. Còn công trình bị trễ hẹn 5-10 năm thì đã thành chuyện thường ngày.
“Ta đánh giá ta ở những cái ta có thể làm. Người khác đánh giá ta ở những việc ta đã làm” (danh ngôn).
Làm sao để có lại niềm tin trước những hứa hẹn “quen quá” ở thì tương lai?

Không có nhận xét nào: