Translate

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

QUAN HỆ VIỆT-MỸ: NÓI DZẬY MÀ KHÔNG PHẢI DZẬY!

 Hiếu Chân (SGN)


Tiếp đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn hôm 22 tháng Ba 2023, người đứng đầu chính phủ cộng sản đã phát biểu những lời “có cánh”, nhưng đằng sau đó là một thực tế trái ngược.

Theo tường thuật của Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ông “luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu”; ông “mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau” và “Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển trên cơ sở cùng có lợi, mang lại tăng trưởng và việc làm cho nhân dân cả hai nước, góp phần duy trì, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”… Có thật như vậy không?
Nếu tin lời ông Chính thì quan hệ Việt-Mỹ đang rất tốt đẹp, không có gì phải băn khoăn. Nhưng thực tế, trong thang bậc về quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, Hoa Kỳ xếp gần cuối bảng cho dù các nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ – kể cả Phó Tổng thống Kamala Harris – đã nhiều lần đề nghị “nâng cấp” nhưng đều không thành công.
Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện – cấp cao nhất về quan hệ ngoại giao – với bốn nước: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Hàn; quan hệ đối tác chiến lược – cấp thấp hơn – với Nhật Bản và 12 quốc gia khác; và quan hệ đối tác toàn diện – cấp thấp hơn nữa – với 13 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Thực tế, Việt Nam coi Mỹ là một đối tác chỉ ngang hàng với… Myanmar hoặc Venezuela, thấp hơn Malaysia hoặc Tân Tây Lan và còn lâu mới được “thăng cấp” lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện”.
Việt Nam lợi dụng Mỹ không phải là chuyện người Mỹ không biết. Tổng thống Donald Trump trước đây từng cho rằng Việt Nam lợi dụng Mỹ còn hơn Trung Quốc, đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi các nước thao túng tỷ giá và đã áp thuế nhập cảng một số mặt hàng của Việt Nam. Nhưng Tổng thống Joe Biden có chính sách ưu ái với Việt Nam hơn, cử nhiều quan chức cao cấp nhất đến Việt Nam, viện trợ cho Hà Nội rất hào phóng với ý đồ lôi kéo Việt Nam ra xa vòng ảnh hưởng của Trung Quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Nhưng sự kiên nhẫn của Washington dường như đang cạn dần và nhiều nhà phân tích đã chỉ ra tính chất ảo tưởng trong ý đồ của Washington trong việc chia rẽ hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.
Cục diện thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow đầu tuần này, thế đa cực trong trật tự quốc tế đã hiện rõ, một bên là liên minh các quốc gia chuyên chế do Trung Quốc thủ lĩnh với Nga, Bắc Hàn và Iran; đối đầu với một bên do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu cầm trịch, với Canada, Úc, Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn; ở giữa là một nhóm nước tuy chưa phải là cường quốc nhưng có thế lực đáng nể cả về quân sự và kinh tế như Ấn Độ hay Brazil.
Cơ hội cho các chính sách “đu dây” của những nước nhỏ như Việt Nam không còn nhiều khi cả Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực lôi kéo các nước ở giữa đứng vào liên minh của mình. Theo ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS–Yusof Ishak của Singapore, Việt Nam chắc chắn muốn nâng cấp quan hệ với Washington, nhưng khó có khả năng đồng ý việc này trong năm nay. Nhưng “việc nâng cấp có thể không còn là ưu tiên của Mỹ trong tương lai nữa”, ông Hiệp nói với Reuters.
Thêm một cơ hội để Việt Nam tiến về phía văn minh lại bị bỏ mất!
Bài trích đoạn

Không có nhận xét nào: