Translate

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

NGUYÊN NGỌC

 (Tác giả: Fb Truong Huy San)

Cho dù, từ “Đất Nước Đứng Lên” đến “Dọc Đường” nội hàm yêu nước của ông đã thay đổi rất nhiều; nhưng tất cả đều nhất quán với tính cách ông. Nguyên Ngọc là một người không bao giờ đóng đinh nhãn hiệu yêu nước của mình ở “Rừng Xà Nu” và không dùng nó để đổi chác công danh hay tiền bạc. (THS)
KD: Mấy ngày qua, mạng FB sôi động và hoan hỉ chúc mừng Sinh nhật bác Nguyên Ngọc- nhà văn, nhà văn hóa lớn của xứ sở này. Có rất nhiều Stt viết về bác. Nhưng mình thích Stt của nhà báo THS vì dám nói thẳng về tầm tư duy của con người bé nhỏ mà lớn lao này. Và thích mấy câu ngắn gọn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: "Ông là một tài năng văn chương!
Ông là một nhân cách lớn của thời đại!
Ông là một nhà cải cách không được thời thế chiều chuộng!
Ông là một người hiếm hoi đất nước có và cần.
Sau cùng ông là người yêu đất nước này và dâng hiến đến tận cùng. Tiếc thay người như ông không nhiều. Nhân cách như ông rất hiếm trong hệ thống và tầng bậc chức sắc, trí tuệ...đất nước".
Họ, những nhà báo, nhà văn tên tuổi đã "đo" Ông. Và xin bạn đọc đọc và nghĩ kỹ mấy dòng THS viết, giữa lúc Làng Vũ Đại đang có rất nhiều ý kiến khác nhau về Ông (khi đó NN mới 26 tuổi) với nhiều động cơ, mục đích khác nhau, thật ... kinh sợ!
Còn mình thích tấm ảnh này. Nhìn thấy ông thanh thản đi dạo trong cánh rừng- Cúc Phương, bên những người bạn đàn em yêu quý, kính trọng trí tuệ và nhân cách ông.
Cây đại thụ dễ thương.
------------

Một lần, nhiều người, trong đó có bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi, “Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?” Nguyên Ngọc nói, “Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua”[Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại thành phố Tours, năm 1920].
Sáng nay, 5-9-2022, tôi gọi điện thoại vào Hội An chúc mừng
sinh nhật ông và xin ông cho phép tôi nhắc lại câu chuyện “từ Đại hội Tours”. Ông nói, “Được nhưng nên nói rõ phản ứng của bà Bình”. “Bà Bình phản ứng sao ạ?”. “Bà ấy im lặng”.
Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh. Ngày 19-6-1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc".
Linh hồn của bản “Yêu sách” này là các trí thức lớn - Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền - những người kiên trì chủ trương, “Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mới mưu cầu độc lập chứ không nên cầu viện ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập”
Bà Nguyễn Thị Bình từng nhận xét, "Nguyên Ngọc là người có lòng yêu nước nồng nàn, cương trực, có những suy nghĩ sâu sắc nhằm đóng góp cho đất nước”. Không thể nhận biết lòng yêu nước của Nguyên Ngọc theo cách hiểu thông thường.
Trong chiến tranh, ông Võ Chí Công khi ấy đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Khu ủy khu V, “ra lệnh” cho hai người “không được chết” là Nguyễn Chơn (một người giỏi cầm quân) và Nguyên Ngọc (một người cầm bút). Nhưng lệnh ấy của Bí thư khu ủy cũng không ngăn được Nguyên Ngọc xuống xã, nằm ngay trước mũi đạn, hòn tên.
Năm 1979, khi đang là một đại tá quân đội, đại biểu Quốc hội, Bí thư đảng đoàn kiêm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn, trong “đề dẫn” của mình, Nguyên Ngọc đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng “có nhiều sách mà không có tác phẩm” là bởi “Tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học”.
Sự thẳng thắn này đã giới hạn sự nghiệp chính trị của ông nhưng văn chương nước nhà thời ông làm Tổng Biên tập của tờ Văn Nghệ đã có thêm rất nhiều tác giả và tác phẩm.
Cho dù, từ “Đất Nước Đứng Lên” đến “Dọc Đường” nội hàm yêu nước của ông đã thay đổi rất nhiều; nhưng tất cả đều nhất quán với tính cách ông. Nguyên Ngọc là một người không bao giờ đóng đinh nhãn hiệu yêu nước của mình ở “Rừng Xà Nu” và không dùng nó để đổi chác công danh hay tiền bạc.
Lòng yêu nước của ông không chỉ có trách nhiệm mà còn phải đi cùng trí tuệ. Và điều cốt lõi nhất của Nguyên Ngọc là trung thực. Ông trung thực một cách cực đoan, trước hết, với từng suy nghĩ của mình. Điểm sai từ “Đại hội Tours” không chỉ có Nguyên Ngọc nhìn ra nhưng nói thẳng ra, có lẽ, chỉ những người như Nguyên Ngọc.
Văn Cảnh (PS): Hơn mười năm trước, trong một cuộc thảo luận về sự xuống cấp của xã hội, có người (trong đó có bà Nguyễn Thị Bình) hỏi, “Điều đó bắt đầu từ bao giờ”; Nhiều người cho rằng, “Từ năm 1950”, nhà văn Nguyên Ngọc nói, “Theo tôi là từ Đại hội Tours”. Câu hỏi này không chỉ riêng của bà Nguyễn Thị Bình và không phải trong một tình huống chỉ có bà Nguyễn Thị Bình và nhà văn Nguyên Ngọc.
SÁM HỐI AI?
Tác giả: Fb Thích Thanh Thắng
.
Lời sám hối của Nguyên Ngọc không cần phải chứng minh cho ai thấy, nhưng cái chúng ta thấy rõ nhất, ông đã từ chối nhiều lợi lộc mang lại danh tiếng cho mình. Và cây bút trong tay ông luôn là sự thức tỉnh dân trí, vươn tới khát vọng đất nước giàu mạnh, văn minh, con người được sống trong một xã hội dân chủ thực sự.
Đó là điều nếu Phùng Quán còn sống mà gặp ông chắc họ cũng sẽ thôi oán hờn nhau mà đồng điệu vậy (TTT).
KD: Một bài viết quá hay. Nhà văn Nguyên Ngọc khi viết bài về Phùng Quán mới 26 tuổi. Nhận thức là cả một hành trình. Con người có lúc sai phạm là điều bình thường. Nếu cụ PQ sống dậy, một con nguòi đầy nhân cách như cụ PQ có bắt cụ NN phải sám hối ko hay họ cùng khóc với nhau và cùng uống một chén ruọu đầy nước mắt của những nhà văn đầy yêu nc chỉ một khát vọng làm Nguòi, đúng nghĩa đây?
-----------
XIN CHIA SẺ CÙNG BẠN ĐỌC:
Tôi thấy rất lạ khi có người nói Phùng Quán được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT xem như một lời sám hối của chính quyền với ông.

Việc truy tặng giải thưởng cho Phùng Quán sau khi ông mất, nếu ông còn sống, biết đâu chính ông sẽ từ chối giải thưởng kia? Huống gì người ta cũng trao cho ông chỉ ở các tác phẩm như: Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo.
Những tác phẩm kia gắn liền với cuộc đời Phùng Quán, nhưng không phải tất cả cuộc đời và thân phận đày ải của Phùng Quán.
Tôi từng biết số phận nổi trôi của một Giám đốc Nhà xuất bản sau khi in cuốn “Ba phút sự thật” của ông.

Cần phải nhìn phong trào Nhân văn giai phẩm trong bối cảnh chung của thế giới trong những năm 50 của thế kỷ trước. Bản chất là khát vọng dân chủ trong sáng tác của giới văn nghệ sĩ. Nhưng những năm cuối thập niên 1950, sau cải cách ruộng đất không khí xã hội miền Bắc ngột ngạt như thế nào?
Những người dấn thân cất tiếng nói cho phong trào ấy, họ đã có đất diễn là báo Nhân văn và tạp chí Giai phẩm. Khởi đầu với mấy chục người tham gia phong trào. Và đương nhiên phong trào nào cũng có người ủng hộ và không ủng hộ.
Nhiều người từng là bạn bè, người thân của nhau đã không còn chơi với nhau khi phong trào rơi vào các cuộc bút chiến. Nếu có tranh luận hay bút chiến thì cũng phải xem điều đó là đương nhiên.
Những người không tham gia hay phản đối, họ có hèn không?
Và cho dù có thêm bao nhiêu bài viết như nhà văn Nguyên Ngọc dành cho Phùng Quán hay các nhà văn khác dành cho nhau vì bất đồng, chính nó cũng đã là tất yếu, huống chi nhận thức là cả một quá trình.
Và điều đó càng cho thấy đậm nét hơn về cái gọi là “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, hay “cởi trói văn nghệ”.

Như vậy không chỉ Phùng Quán mà Nguyên Ngọc cũng là một nạn nhân bị xô đẩy trong cái thời cuộc ấy.
Trong bối cảnh của những “câu chữ” được ném qua nhau, trên diễn đàn thời nay chúng ta vẫn mắc những lỗi chụp mũ như vậy. Và thời đại này vẫn cứ vô can.
Sẽ là rất buồn cười để bênh vực một bài báo mà nhà văn Nguyên Ngọc dành cho Phùng Quán. Chắc chắn ông không cần điều đó. Và những người kính trọng ông cũng thừa hiểu ra điều đó.
Nhưng thật ấu trĩ nếu đưa bài báo ra khỏi bối cảnh lịch sử có tính tranh luận một sống một còn ấy về hiện tại để miệt thị nhân cách của ông. Và càng trịch thượng hơn khi buộc ông phải đưa ra lời sám hối.

Sám hối Phùng Quán? Sám hối giới văn chương? Sám hối thời đại này? Nhà nước còn chưa đưa ra một lời sám hối. Hội Nhà văn Việt Nam chưa đưa ra một lời sám hối.
Vậy tại sao chỉ một Nguyên Ngọc bị nhắm đến cho cả một phong trào đã qua, ngay trong dịp sinh nhật tuổi 90 của ông?
Trong nhà Phật có câu “Tội tòng tâm khởi đem tâm sám. Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”.
.
Lời sám hối của Nguyên Ngọc không cần phải chứng minh cho ai thấy, nhưng cái chúng ta thấy rõ nhất, ông đã từ chối nhiều lợi lộc mang lại danh tiếng cho mình. Và cây bút trong tay ông luôn là sự thức tỉnh dân trí, vươn tới khát vọng đất nước giàu mạnh, văn minh, con người được sống trong một xã hội dân chủ thực sự.
Đó là điều nếu Phùng Quán còn sống mà gặp ông chắc họ cũng sẽ thôi oán hờn nhau mà đồng điệu vậy.
A Di Đà Phật

2 nhận xét:

Đi tìm sự thật nói...

Án văn
Vụ ông Hoàng Hải Vân hoặc hồ đồ, hoặc có dụng ý xấu, lôi móc từ "đống rác cũ" cái bài nhà văn Nguyên Ngọc viết từ năm 24 tuổi (1956) phê bình nhà văn Phùng Quán, mà ông Vân gọi là "đánh", "đánh một cú chết tươi", tôi thấy rất buồn cười. Thời tao loạn văn nghệ sau 1954 ở miền Bắc, cả vạn người, từ cụ Hồ tới đứa dân quèn, bị đảng xúi xông lên đánh Nhân văn giai phẩm, đánh Phùng Quán cùng nhiều người tử tế khác, cứ gì một mình ông Ngọc, mà quy tội, kết tội cho ông Ngọc, cho anh lính nhà văn mới 24 tuổi. Đó là cách quy chụp hồ đồ, nếu không muốn nói là rất tiểu nhân, tầm thường, nhẽ ra không đáng bàn.
Nhân vụ này, tôi trích lại một phần trong loạt bài "Án văn" mà tôi viết đã lâu để góp thêm chút hiểu về Nhân văn giai phẩm.
Thời tôi sống ở quê Hải Phòng, từ lúc trẻ thơ học trong nhà trường tới khi lặn ngụp mưu sinh trong cõi đời, tôi đã nghe, đã chứng kiến nhiều án văn, có những vụ cho đến bây giờ vẫn là dấu hỏi lớn của lịch sử. Có những vụ, văn chương vốn dĩ vô tình nhưng qua bàn tay kẻ thủ ác đã vùi dập, giết hàng loạt người lương thiện, trong đó có những con người đẹp đẽ, tài hoa bậc nhất thời đại. Vụ Nhân văn giai phẩm là ví dụ điển hình.
Ai muốn biết bản chất vụ án văn Nhân văn giai phẩm, chả cần tìm đâu xa, chỉ cần vào đọc địa chỉ Facebook của nhà văn Thái Kế Toại (bút danh Lê Hoài Nguyên) là rõ. Ông Toại là công an văn hóa, hàm đại tá, công tác tại A25 (cục chuyên về văn hóa tư tưởng của Bộ Công an), được giao thụ lý hồ sơ vụ án văn này. Nhưng càng tìm hiểu, đi vào góc khuất, khám phá ra những điều mà nhà cai trị cố tình che giấu, ông Toại càng thấy đó là tấn bi kịch văn nghệ kinh hoàng, oan sai, oan trái, không chỉ tàn hại một thế hệ văn nghệ đầy công tích trong chiến tranh chống Pháp mà còn phủ cái bóng thảm khốc đen tối của nó ám ảnh cả nền văn nghệ dân tộc suốt thời gian dài về sau, thậm chí tới tận bây giờ. Những số phận đại bi kịch như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đào Duy Anh, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Trần Duy, Văn Cao, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Sáng, Phùng Cung … đã thành mồi ngon cho chiếc máy chém khát máu trí thức của bộ máy cai trị cộng sản. Dính án, nói theo kiểu Nam Cao, cuộc đời họ cứ mòn đi, mục đi, không có lối thoát, kể cả trong nhà tù đằng đẵng 15 năm như Nguyễn Hữu Đang, hay được tại ngoại như Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo...
Nghĩ lẩn mẩn, nếu những con người tinh hoa ấy không bị dòng thác cách mạng tàn bạo kia vùi dập xuống tận bùn đen thì số phận dân tộc này chắc chắn sẽ khác rất nhiều. Dù mãi về sau, “người ta” cũng âm thầm sửa sai, lặng lẽ phục hồi danh dự, ban phát đền bù cho người này người nọ nhưng đó cũng chẳng qua là động tác vớt vát cứu vãn uy thế của nhà cầm quyền chứ cũng chả phải phục thiện, ăn năn hối lỗi gì. Họ có bao giờ biết sám hối, ăn năn. Điều dễ nhận thấy nhất là cho đến bây giờ, chính quyền chưa hề chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ Nhân văn giai phẩm, cũng như chưa hề có cuộc xin lỗi đầy đủ những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất mà họ đã tiến hành, cuộc đánh tư sản trong cải tạo công thương, cuộc bắt bớ đày ải cán bộ trong xét lại chống đảng, cuộc ngăn cấm bắt bớ đẩy dân vào vực thẳm trong ngăn sông cấm chợ... Chưa bao giờ!
từ Fb Thông Cào, ( Còn tiếp )

Đi tìm sự thật nói...

Tiếp

Tôi được biết tới vụ Nhân văn giai phẩm khi đã hơn 10 tuổi, lúc miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh chống lại máy bay Mỹ. Không biết ai đã cho thày tôi cuốn tạp chí (bị mất bìa nên tôi cũng không nhớ là tạp chí gì), số tổng kết cuộc đấu tranh chống lại nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm. Đọc những bài của Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Công Hoan, Như Phong, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… bốc lên mùi binh khí binh đao, sắt máu, tanh tưởi, hận thù, giờ nhớ lại vẫn rùng mình. Ngay lúc này đây, trên tay tôi là cuốn "Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa" của ông Tố Hữu, trùm văn nghệ cách mạng, một trong những thủ phạm chính của vụ Nhân văn giai phẩm. Trong bài "Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm trên mặt trận văn nghệ", ông Lành có viết: “Lật bộ áo Nhân văn - Giai phẩm thối tha, người ta đã thấy cả một ổ phản động toàn những mật thám, gián điệp, lưu manh, trốt-kít, địa chủ, tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm” (trang 84, sách đã dẫn, NXB Sự Thật, 1982).
Còn ông Nguyễn Công Hoan chửi cụ Phan Khôi "Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi/Thọ mi mi chúc chớ phiền ai/Văn chương, đù mẹ thằng cha bạc/Tiết tháo, tiên sư cái mẽ ngoài/Lô gích, trước cam làm kiếp chó/Nhân văn, nay lại hít gì voi/Sống lâu thêm tuổi cho thêm nhục/Thêm nhục cơm trời chẳng biết toi" (bài này có trong cuốn tạp chí mất bìa, đọc xong mấy anh em tôi thích quá, thấy chửi đã quá, khổ, hồi ấy trẻ con nào có biết gì). Trời ạ, cùng bạn văn chương với nhau mà gọi nhau là thằng khốn kiếp, chửi đù mẹ người ta. Mà người chửi vốn không phải là người tệ, người bị chửi cũng là những con người công lao hãn mã, tử tế, nhân cách cao vòi vọi. Cái chính thể mới đã "có công" gây ra cuộc hí trường, biến đổi tệ hại, bi kịch máu và nước mắt như vậy.
Nếu đúng như ông Tố Hữu và những đồng chí của ông kết án những “gián điệp, lưu manh, gái điếm” của phong trào Nhân văn giai phẩm thì có lẽ nhà cai trị đã hoàn toàn sai lầm khi phục hồi cho họ, thậm chí còn trao cả Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước cho những “lưu manh, gái điếm” này.
Nguyễn Thông