Translate

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

GIÀU NGHÈO TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM.

 Fb Nguyễn Tuấn.


Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, môn đồ, bằng cấp, và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung, và rộng lượng. (Don't be impressed by money, followers, degrees, and titles. Be impressed by kindness, integrity, humility, and generosity.)
Không rõ ai nói câu trên, nhưng tôi thấy rất có lí. Thoạt đầu, tưởng đâu là câu nói của Gs Richard Feynman, nhưng hóa ra không phải, có thể là từ một nhà văn hay tu sĩ nào đó. Dù là của ai thì câu đó rất đáng làm kim chỉ nam cho cuộc sống.
Ở Việt Nam ngày nay, người ta chạy theo đồng tiền và danh vọng nhiều quá. Sự tôn xưng đồng tiền và đời sống vật chất sau một thời gian dài sống trong nghèo đói là điều không quá ngạc nhiên ở Việt Nam. Tình hình cũng giống như ở các nước Đông Âu cũ và Nam Mĩ, những nơi mà người ta cũng tôn thờ đồng tiền và vật chất đến kinh ngạc. Và, xu hướng này tạo ra một thị trường chỉ cho người giàu có bên cạnh đa số người nghèo.
Bạn tôi là một GP (bác sĩ gia đình ở Úc) lần đầu tiên đi du lịch Việt Nam năm 2020 tỏ ra kinh ngạc về sự xa xỉ của dân TPHCM. Chị ấy cứ ngạc nhiên hỏi tại sao thu nhập bình quân ở Việt Nam chỉ ~2700 USD / năm, mà có khá nhiều người đi xe hơi rất mắc tiền trên đường phố chật chội. Chị ấy còn hỏi không biết tại sao những tiệm thời trang xa xỉ như Gucci, Cartier, Louis Vuitton, Hermes, Rolex, Patek Philippe, v.v. có thể tồn tại ở một nơi như TPHCM. Nhưng thực tế là họ tồn tại, và không chỉ tồn tại mà còn phát triển.
Rõ ràng nền kinh tế thị trường đã giúp cho một số người Việt thoát nghèo một cách ngoạn mục. Nhưng tôi nói với chị ấy rằng chỉ cần đi ra khỏi Quận 1 của Thành phố, chị ấy sẽ thấy còn rất rất nhiều người nghèo. Thật ra, chị ấy đã đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ra miền Trung, lên miền Tây Bắc, và cũng thấy đa số người dân còn nghèo lắm. Nghèo đến nổi du khách tự cảm thấy không thoải mái khi xuất hiện trong những bộ quần áo tương đối đắt tiền.
Nhớ những năm sau 1975, chỉ cần thể hiện cái giàu là đủ làm cho xã hội mới khó chịu. Bạn tôi, dân Sài Gòn, chỉ đi làm bằng áo dài và đôi guốc cao gót là bị kiểm điểm là 'lối sống tiểu tư sản'. Một cái xe Honda cũng là đề tài người ta bàn tán. Một cái đồng hồ Seiko 5 cũng bị mấy người nhân danh 'cách mạng' làm khó. Thời đó, người ta muốn có một xã hội bình đẳng, và bần cùng hoá hay trung bình hoá là một chủ trương. Thời đó, người bần cố nông là giai cấp lãnh đạo, và họ xiển dương cái nghèo như là một phẩm chất của cách mạng! (Tuy bề ngoài thì vậy, nhưng sau này người dân mới ngã ngửa là họ nói vậy mà không phải vậy.)
Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Ngày nay người ta vinh danh người giàu và xem cái giàu là một thước đo của sự thành đạt. Những người trước kia là bần cố nông hay thuộc giai cấp lao động thì nay là người có quyền thế. Quyền thế sản sanh ra tiền bạc, vật chất và danh vọng. Có những người giàu cũng có khi tỏ ra hợm hĩnh khi khoe khoang những viên kim cương, núi sổ đỏ, 'siêu xe' (danh từ mới), và những bộ trang phục thời trang xa hoa. Ngay cả quan chức cũng thích thể hiện sự giàu có bằng những vật trang sức xa xỉ, siêu xe và biệt thự. Họ muốn tỏ ra họ là dân sành điệu theo kiểu phương Tây. Họ còn thể hiện sự giàu có bằng những giải thưởng mà ngay cả Vua Thái Lan có lẽ cũng phải kinh ngạc.
Người không có nhiều tiền thì thích trưng bày bằng cấp và danh xưng như là một ... thước đo về thành đạt. Tiến sĩ đã trở thành một học vị các quan chức rất thích có. Báo chí nhà nước thì đua nhau trầm trồ những sự thể hiện đó, và tiêu ra khá nhiều thời gian và giấy mực để mô tả những tài sản 'khủng' của giới showbiz.
Nhưng những sự thể hiện xa hoa đó nói lên điều gì? Tôi nghĩ nó chỉ nói lên rằng cái khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng lớn trong xã hội Việt Nam. Chỉ cần nhìn qua mấy bộ phim kịch bắt chước Tàu trên đài truyền hình hàng ngày chúng ta dễ dàng thấy người ta thể hiện cái giàu là để ngầm nói với quốc dân rằng Việt Nam nay là một nước văn minh, có cuộc sống sung túc chẳng kém gì Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, thậm chí hơn cả Mĩ. Chỉ có điều phiền là nó không thật: Việt Nam vẫn còn nghèo, rất nghèo so với các nước vừa kể.
Điều này cũng nói lên cái tâm lí xã hội của Việt Nam mà cụ Đào Duy Anh đã nhận xét từ 100 năm trước rằng người Việt "hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa thích hư danh [...] giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, thích văn chương phù hoa hơn là thực học." Trong thời đại kinh tế thị trường, cái tánh khí đó càng có cơ hội ... phát triển.
Nhưng có cần như thế không? Câu nói trên mà tôi trích dẫn nói là không cần. Đừng để cho những tiền bạc, bằng cấp, danh xưng làm choáng ngợp. Nếu có ấn tượng thì nên dành sự ấn tượng cho những tấm lòng tử tế, khiêm cung, và rộng lượng. Viết đến đây tôi thấy mình choáng ngợp với tấm lòng của cô ca sĩ quê tôi (Thuỷ Tiên) và anh chồng cô ấy. Nhưng còn hơn thế nữa, họ là cặp uyên ương rất tử tế và rộng lượng. Họ, nói theo ngôn ngữ thời nay, là rất ấn tượng. Những người như cặp vợ chồng đó ấn tượng hơn nhiều so với các trọc phú thích khoe của.
Từ Fb Nguyễn Tuấn.
>
Kimdung.
KD: 1) Sự phân hóa giàu nghèo XH nào cũng có, phương Tây đến phương Đông. Nhưng XH nào văn minh, và có pháp luật thượng tôn, giá trị thật được tôn trọng, khoảng cách giàu- nghèo sẽ xích lại gần hơn. 2) Điều quan trọng hơn, sự giàu có trong XH như VN hiện nay nó ko thật, ko phản chiếu sức lao lao động tài giỏi chân chính (trừ một số ít doanh nhân tài năng và lao động thật sự), mà sự giàu có đó là ... cướp đoạt, chụp giật, trục lợi trên những chính sách lợi ích nhóm mà có.
.
Nên sự giàu có của XH hiện nay nó cũng mong manh, đầy bất ổn. Kèm đó, cái Văn hóa của XH cũng mang màu sắc "học làm sang", "trọc phú" chứ không phản chiếu phông văn hóa nền tảng, bởi cái phông VH nền tảng nó... rất hổng, do ko có thời gian tu học mà chỉ có thời gian chụp giật, cướp đoạt .
g

Không có nhận xét nào: