Translate

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Đông này vội đi....

Mới chớm mà sao Đông lạnh giá Một áng nhang thơm ngang cửa Mà sao vội thoáng đưa xa...a Một nén Tâm nhang tưởng nhớ ông - Phú Quang. '


Dường như ai đi ngang cửa,
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi.
Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây cũng bỏ ta đi.
Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về
Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Mùa thu cây cầu đã gãy
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về
“Nỗi nhớ mùa đông” với hàng triệu triệu người con của Hà Nội nói riêng và của người gốc Bắc nói chung phải sống nơi phương Nam là một nỗi nhớ máu thịt, nỗi nhớ quằn quại, mê cuồng. Lại nhớ câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ : “ Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Lại nhớ câu thơ của Chế Lan Viên : “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”. Và một câu thơ của kẻ viết bài này (TMH) nói lên tâm trạng kẻ xa xứ giữa Sài Gòn nóng bức khi mùa đông về ngoài quê hương phương Bắc : “Chao ôi nhớ rét toát mồ hôi”.
“Nỗi nhớ mùa đông”, nỗi nhớ rét là một nỗi nhớ di truyền từ xa xưa của dân tộc Việt xuôi Nam vốn đều gốc Bắc. Cho nên, khi nào Phú Quang tổ chức đêm nhạc “Nỗi nhớ mùa đông” mỗi dịp đông về ở Hà Nội hay ở Sài Gòn bao giờ cũng cháy vé. Đến nỗi, theo MC Quyền Linh, anh đã phải mua một cặp vé xem đêm nhạc Phú Quang ngoài Hà Nội với giá chợ đen tới mười mấy triệu đồng.
Phú Quang, bằng bài hát tuyệt vời này đã thổi bùng ngọn lửa nhớ rét không chỉ trong tâm hồn người Việt phương Nam. Bài hát tha thiết, nồng nàn như chưa bao giờ tha thiết nồng nàn đến thế. Nghe bài hát, người Việt hình như không rét cũng phải rét, không nhớ nhau cũng phải nhớ nhau, không ở một mình được, phải tìm hơi ấm nơi bạn tình hay tha nhân thôi.
Hầu như Hà Nội đẹp nhất là dịp cuối thu đầu đông, nơi các bài hát Phú Quang như chim di trú “về lại phố xưa” tìm hơi ấm sương mù, tìm phiêu linh trong mưa phùn gió bấc để ta mãi yêu “một Hà Nội run run heo may”, một “Hà Nội nồng nàn run” ( thơ TMH), một Hà Nội mê cuồng chừng như chỉ dành riêng cho nỗi cô đơn trong âm nhạc Phú Quang ?
Có thể nói, “Nỗi nhớ mùa đông” của Phú Quang hay không hề thua kém kiệt tác âm nhạc “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương viết tại Hà Nội năm 1938.
Với Phú Quang, nỗi nhớ rét hầu như quằn quại rên xiết trong nỗi khát khao người tình – người đàn bà xứ Bắc - bàng bạc trong các bản tình ca tuyệt vọng của ông. Trong hàng chục bản tình ca mang hơi ấm Hà Nội của Phú Quang, tôi thích nhất bài hát “Mơ về nơi xa lắm” ông phổ thơ của người bạn thân nhất là nhà thơ Thái Thăng Long. Phú Quang đã phổ 14 bài thơ của Thái Thăng Long thành những bài hát hay về Hà Nội. Đây “ Mơ về nơi xa lắm” :
Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm
Một Hà Nội ngây ngất nắng
Một Hà Nội run run heo may
Dạ khúc đêm nay
Một mình em,
Một mình ta
Tiếng lá rơi...
Vô tình bên khung cửa
Em bơ vơ,
Ta thẫn thờ mong nhớ
Một giọt sương rơi
Như giọt nước mắt buồn
Ta mơ thấy em... ở nơi kia xa lắm
Em cô đơn,
Căn phòng trống cô đơn
Dạ khúc đêm nay... chẳng thể nào dang dở
Trong nỗi khát khao... em chầm chậm quay về ...
Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm
Một Hà Nội ngây ngất nắng
Một Hà Nội run run heo may
Dạ khúc đêm nay
Một mình em,
Một mình ta
Tiếng lá rơi...
Vô tình bên khung… .
Nguồn tin: Musixmatch
Tình yêu trai gái nơi các bài hát Phú Quang thông qua các bài thơ ông phổ nhạc, và các bài ông tự viết lời như bài : “ Một dại khờ một tôi”, thường là một tình yêu tuyệt vọng đến chết người, cứa vào tâm hồn người nghe vết dao đâm định mệnh, nỗi khát khao tình ái không bao giờ được viên mãn khiến nồng độ đắng cay đậm đặc làm hòa tan cả chất ma túy ngọt ngào. Tình tuyệt vọng, tình cô đơn, tình bơ vơ ở trong mơ “thấy em ở nơi xa lắm”, tình hoài niệm, yêu mà cuồng nhiệt tới bến chỉ có một mình là tình yêu trời đầy, đau khổ muôn năm, nhức nhói muôn năm, hay một cách sang trọng muôn năm.
Có lẽ, ngồi giữa Hà nội, ngồi bên Hồ Gươm ít ai còn quay quắt nhớ Hà Nội, nhớ Hồ Gươm theo kiểu Thanh Tâm Tuyền “ Ôm em trong tay mà nhớ em ngày sắp tới”, theo kiểu “Ôm em mà nhớ em nhiều” ( thơ TMH).
Phú Quang yêu Hà Nội vô cùng, nhưng ông phải xa Hà Nội, sống ở Sài Gòn tới 25 năm để tị nạn tình ái, để thương nhớ Hà Nội quắt quay, nhớ Hà Nội điên cuồng mới làm ra mấy chục bài hát bi thương, nồng nàn vô độ về Hà Nội hay đến thế. Phú Quang, thông qua âm nhạc, thấy ông nhớ quặn lòng Hà Nội ngay cả khi về sống với quê hương Thăng Long vàng son một thuở.
Nhà văn Trịnh Đình Khôi sinh năm Bính Tuất ( 1946) là bạn tôi, tủm tỉm kể rằng : “ Một hôm thấy ông bạn nhạc sĩ Phú Quang cứ thập thò mãi ngoài cửa nhà mình như cua cáy, mình bèn cười cười nói nói ra nắm tay bạn mà rằng : “tôi biết cả rồi, mời ông vào nhà cho, từ nay cấm ông mày mày tao tao với tôi đấy, vì hôm nay ông đến xin cưới con gái tôi phải không ?”. Phú Quang bèn ôm chầm lấy bạn xưa mà ngượng ngùng gọi bạn mình bằng bố”.
Trịnh Đình Khôi là một nhà văn vui vẻ, cởi mở từng tự mình giã cua, tự mình vào bếp làm cơm đãi vợ chồng chúng tôi trong một dịp ghé thăm Hà Nội vài chục năm trước, bây giờ là đương kim bố vợ nhạc sĩ Phú Quang. Đây là người vợ thứ ba, có lẽ sẽ là người vợ cuối cùng của nhạc sĩ duy Hà Nội, duy cảm, duy nhân văn Phú Quang chăng ?
Phú Quang có tướng linh mục. Hãy nhìn ảnh ông mặc đồ lớn, đeo thánh giá, với gương mặt của nhà truyền giáo yêu thương, truyền giáo âm nhạc, truyền giáo nhân văn bằng chìa khóa Sol, toan nhốt hết linh hồn con chiên vào giai điệu nồng nàn, mê đắm, sang trọng của ông với quyết tâm “không cho chúng nó thoát”…
Đã nghe nhạc Phú Quang, đã yêu Hà Nội bằng lỗ tai, bằng tâm hồn mình thăng hoa trong âm giai tuyệt đẹp này, có lẽ chúng ta sẽ không thể thoát khỏi bùa mê của nhà tù âm nhạc dễ thương này, được giam trong CHÌA KHÓA SOL PHÚ QUANG phát ra từ laptop hay chiếc điện thoại thông minh những khuya một mình thương nhớ ?
Trong số các nhạc sĩ trên dưới 70, 80 xuất hiện ở miền Bắc từ 1960 đến nay, như các nhạc sĩ lớn của chế độ, của đảng ví như Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Hoàng Hiệp, Huy Du…chỉ riêng Phú Quang và một vài người khác mới là nhạc sĩ lớn của đất nước, của dân tộc. Đó phải chăng là một vinh dự lớn của Phú Quang chăng?
Khi tôi viết những dòng này, Phú Quang đang phải nằm bệnh viện vì sự biến chứng của bệnh tiểu đường. Ông phải lọc thận một tuần ba lần. Mình chỉ biết an ủi động viên bạn bằng cách nói vui rằng, Quang ơi, Sông Hồng cũng đang phải lọc thận đó sao ? Chẳng phải Hồ Tây, Hồ Gươm giữa lòng Hà Nội cũng là hai quả thận của Sông Hồng đó sao ? Ngày đêm, Sông Hồng phải dùng mạch nước ngầm từ sông phì phò lọc thận cho Hồ Tây, Hồ Gươm mà Sông và Hồ có phải đi nằm viện đâu?
Phú Quang và Trần Mạnh Hảo cùng bao người con yêu của Hà Nội, của Việt Nam trước sau rồi cũng phải “Tôi mang Hồ Gươm đi”, cũng phải từ giã cuộc chơi âm nhạc, chơi thi ca để hóa thành vĩnh cửu. Nhưng Quang ơi, chúng mình còn trẻ mà, mới ngoài 70 thôi, còn thèm nũng nịu với sương mù đầu thu Hà Nội lắm, còn thèm lúng liếng với má lúm đồng tiền Hồ Gươm của gương mặt thanh xuân nghìn năm Hà Nội lắm, cố lên Quang ơi.,.
Sài Gòn lúc 4 giờ 4 phút sáng sớm ngày 30-4-2020
Trần Mạnh Hảo. Phú Quang - Nỗi nhớ Mùa Đông > https://www.youtube.com/watch?v=xEXT41CLX9A >https://www.youtube.com/watch?v=exd3IrAqXRo

Không có nhận xét nào: